MV-06-TUẦN I-thứ sáu
ÁNH NHÌN HY VỌNG
(Mt 9,27-31)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong tuần thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta suy niệm về NIỀM HY VỌNG với những khía cạnh khác nhau. Hôm nay, chúng ta tiếp tục hướng suy niệm này qua diễn ngữ “ÁNH NHÌN HY VỌNG”. Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 9 từ câu 27 đến 31, chúng ta nghe lại trình thuật Chúa Giê-su chữa lành hai người mù. Lời Chúa dẫn chúng ta đi vào niềm hy vọng. Và khi nghe lại trích đoạn Lời Chúa trên, chúng ta cần trang bị cho mình một ánh nhìn: ánh nhìn hy vọng.
- TỪ ĐÊM TỐI ĐẾN ÁNH SÁNG
Chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành hai người mù. “Khi ấy, Đức Giê-su đang trên đường đi, thì có hai người mù kêu lên rằng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Đức Giê-su sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.”
Trong câu chuyện này, chúng ta dừng lại nơi hai người mù với ánh nhìn hy vọng của họ, và chúng ta nhận ra một số khía cạnh.
– Trước hết, họ bị mù; và vì thế, niềm hy vọng lớn nhất nơi họ là được chữa lành để nhìn thấy. Bóng tối luôn là bạn đồng hành của họ suốt thời gian dài, có thể từ khi lọt lòng mẹ. Họ có thể bị mù bẩm sinh. Hoặc bị khiếm thị vì một tai nạn hay bệnh tật nào đó cướp mất khả năng nhìn thấy nơi họ. Chắc chắn họ rất khổ đau. Đôi mắt họ không thể phản chiếu ánh nhìn hy vọng được, vì đó là những con ngươi bị đục, bị chết, vô hồn. Nhưng niềm hy vọng luôn mạnh mẽ trong tâm hồn và ánh nhìn hy vọng luôn chiếu sáng trong lòng họ.
– Tiếp đến, họ cùng đồng hành với nhau. Họ hiểu nhau và giúp nhau trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: đồng bệnh tương liên. Trong hành trình với nhau, chia vui sẻ buồn, chắc chắn họ cũng đã thố lộ với nhau về nỗi lòng khao khát được sáng mắt. Tuy cả hai cùng mù, nhưng đi với nhau trên hành trình cuộc sống, họ khám phá ra một ánh nhìn hy vọng nơi nhau và dành cho nhau. Họ hy vọng vào nhau và họ cùng hy vọng.
– Rồi, hôm nay, họ cùng với nhau gặp được Chúa Giê-su. Họ cùng lên tiếng cầu xin. Họ đồng thanh. Tiếng kêu xin của họ biểu lộ sự đồng tâm trong niềm hy vọng vào Con Người mà họ kêu cầu với danh hiệu “Con vua Đa-vít”, đồng nghĩa với “Đấng Mê-si-a”- Vị Cứu Tinh, Đấng Cứu Độ. Đồng tâm, đồng thanh, đồng nhãn quan hy vọng. Kêu xin và họ cùng nhau đi theo Chúa về tới nhà, nơi Chúa nghỉ ngơi.
– Lời kêu xin của họ giờ đây trở thành một lời tuyên xưng đức tin. Chúa Giê-su hỏi họ và họ cùng đáp lại: “Thưa Ngài, chúng tôi tin”. “Chúng tôi tin” là biểu thức thật đẹp của những con người cùng chung một cuộc sống, cùng chia sẻ một vận mệnh. Đồng tâm, đồng thanh trong lời cầu xin và bây giờ là đồng tâm, đồng thanh trong lời tuyên xưng niềm tin. Niềm tin đó là niềm tin hy vọng tuyệt đối. Chúng tôi tin Ngài làm được và chúng tôi hy vọng tuyệt đối vào Ngài làm cho chúng tôi nhìn thấy.
– Và Chúa chữa lành cho họ với một hành động chung cho cả hai người: sờ vào mắt họ và nói với họ. Cử chỉ của Chúa và lời nói của Chúa tác động mạnh trong tâm hồn họ và trên đôi mắt họ. Tôi nghĩ rằng lúc đó niềm hy vọng của họ đạt tới tột đỉnh. Mắt họ liền mở ra. Niềm hy vọng của họ đã được Chúa đáp ứng. Ánh nhìn hy vọng của họ đã đặt đúng chỗ. Ánh nhìn hy vọng nay trở thành ánh nhìn của tình yêu và tôn kính. Chính vì thế, cho dù Chúa nghiêm giọng bảo họ không được nói cho ai biết; nhưng, niềm vui quá to lớn, ân phúc quá lớn lao, đến nỗi họ không thể không nói về Chúa cho người khác được biết. Đồng tâm đồng thanh kêu xin dẫn đến đồng tâm đồng thanh tuyên xưng niềm tin và cuối cùng là đồng tâm đồng thanh công bố Chúa và kỳ công của Người.
Ánh nhìn hy vọng của hai người mù trên gợi mở cho chúng ta, dù là những người sáng đôi mắt thể lý, cần thiết phải hành động thế nào để ánh nhìn hy vọng luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta với tư cách “cộng đoàn”. Chúng ta cần lắm “một niềm hy vọng duy nhất”. Chúng ta cần lắm “một ánh nhìn hy vọng chung”. Niềm hy vọng, ánh nhìn hy vọng mà chúng ta có trong mình – với tư cách cộng đoàn Ki-tô – luôn có đối tượng là Chúa Giê-su Ki-tô. Chính Người là niềm hy vọng của mỗi chúng ta và của cộng đoàn chúng ta. Ánh nhìn hy vọng phải là ánh nhìn của cộng đoàn Ki-tô.
- ĐỨC ÁI HY VỌNG TẤT CẢ
Khi suy niệm về câu chuyện hai người mù được Chúa Giê-su chữa lành để được nhìn thấy, tôi nghĩ đến đời sống cộng đoàn trong các gia đình, trong các cộng đoàn tu trì và rộng lớn hơn trong Giáo Hội và xã hội.
Hai người mù về thể lý gợi cho chúng ta về việc “không nhìn thấy” trong đời sống cộng đoàn – cộng đoàn như tôi vừa nêu lên trong các môi trường khác nhau. Chúng ta sống với nhau và lý tưởng là chúng ta cùng nhìn thấy: nhìn thấy và hiểu vấn đề. Chúng ta mong ước rằng trong cuộc sống chúng ta đồng tâm đồng thanh trong mọi sự việc và chúng ta hành động như thể mọi người cùng có quan điểm chung vì lợi ích chung. Nhưng cuộc sống không lý tưởng như chúng ta kỳ vọng hay mơ tưởng. Mỗi chúng ta đều “mù” về nhiều phương diện và trong những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Có thể dùng hình ảnh “bốn anh mù sờ voi” để minh hoạ về sự hiểu biết và quan điểm của mỗi người. Không ai nắm chân lý trọn vẹn.
Câu chuyện hai người mù sống với nhau, chia sẻ cuộc sống, cùng đi trên một hành trình và cùng được Chúa Giê-su chữa lành, cũng phải là câu chuyện của cuộc sống chúng ta với tính chất của một cuộc sống cộng đoàn. Chúng ta cần tôn trọng sự mù tối của nhau, nhưng chúng ta phải ghi khắc trong tâm hồn rằng ai trong chúng ta cũng mang niềm hy vọng. Vì thế, ÁNH NHÌN HY VỌNG phải là ánh nhìn để chúng ta sống và đối xử với nhau.
Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Co 13, 7). Có thể nói: đức ái hy vọng tất cả. Khi tha thứ là lúc diễn tả niềm hy vọng nơi nhau. Khi tin tưởng tất cả là cùng nhau hướng về phía trước. Khi chịu đựng tất cả là mong muốn với thời gian hy vọng mọi sự sẽ qua đi trong bình an. Sống với nhau chúng ta cần hy vọng vào nhau và cùng nhau hy vọng, như hai người mù kia. Thay vì nguyền rủa, lên án sự mù tối của nhau, hãy đến với Chúa Giê-su, đồng tâm đồng thanh kêu cầu Người chữa lành. Và ai trong chúng ta cũng cần Chúa sờ vào đôi mắt để nhìn thấy “rõ” và nhìn thấy “thật”.
- “CHÚNG TÔI TIN”
Ánh nhìn hy vọng của chúng ta cần được xây dựng trên đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Chỉ có Chúa mới chữa lành mù tối tâm trí mỗi chúng ta và cộng đoàn chúng ta. Đức tin này cần mang chiều kích Giáo Hội, chiều kích cộng đoàn; vì chính nhờ đức tin cộng đoàn mà chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cộng đoàn chúng ta đang sống. Và cũng nhờ đức tin này mà chúng ta đối xử với nhau như những người anh chị em cùng có một ÁNH NHÌN HY VỌNG vào Chúa và nơi nhau.
Đức tin cộng đoàn này mời gọi chúng ta cùng cầu xin, cùng tuyên xưng và cùng công bố Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng là niềm hy vọng của toàn cõi đất và của cộng đoàn chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trang bị ÁNH NHÌN HY VỌNG mà hai người mù mang trong mình suốt hành trình cuộc sống và khi đến với Chúa Giê-su. Chúa cũng đã nhìn hai người mù này với ánh nhìn hy vọng của Chúa. Hai ánh nhìn hy vọng giao thoa với nhau và làm nên những điều kỳ diệu. Như vậy, chúng ta hãy nhìn nhau với ÁNH NHÌN HY VỌNG và những điều kỳ diệu chắc chắn sẽ hiện thực.