THÁCH THỨC MUÔN THUỞ:
CHỌN LỜI THẦN KHÍ VÀ SỰ SỐNG HAY VẬT CHẤT
Ga 6, 54a.60- 69
Phúc Âm hôm nay làm chúng ta ngạc nhiên. Thường những người chống đối Chúa Giêsu là các biệt phái và tư tế. Nhưng trong Phúc Âm hôm nay thì khác, chính một số môn đệ Chúa Giêsu không chấp nhận lời Ngài. Họ không hiểu những lời Chúa Giêsu nói là sự thật, làm Chúa phải nói: “Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia sao được?” Nghĩa là Ngài từ Trời xuống, và Ngài sẽ về lại Trời. Cũng như Giôsuê, Chúa Giêsu để các môn đệ tự chọn: chọn trở về lối sống cũ trước kia, hoặc theo Ngài cách quyết liệt hơn.
Nếu Chúa Giêsu buộc các môn đệ chấp nhận lời Ngài thì từ trong thâm tâm họ cũng chấp nhận được. Nếu Ngài làm như vậy, thì hóa ra họ bị thu hút bởi chính Ngài, nên họ dễ dàng chấp nhận những lời Ngài dạy dỗ. Họ có thể đặt qua một bên những gì nghe có vẻ chướng tai đối với họ, như ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu. Nhưng lòng tin vào Chúa không chỉ là một sự chấp nhận không thôi, mà còn phải làm chứng bên ngoài nữa. Có vậy họ mới rao giảng được Lời Chúa cho kẻ khác. Vì thế, chúng ta nên tự hỏi mình: Chúng ta có thật tâm tin tưởng tất cả những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay không? “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” Nếu có, thì hãy sống bằng những lời đó để chứng tỏ đức tin của mình cho kẻ khác.
Khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta được xức dầu “để trở nên tư tế, ngôn sứ, và vương giả.” Bởi thế, đời sống đức tin của chúng ta được đặt trước những thách đố không nhỏ. Đức tin đòi hỏi chúng ta nhiều hơn là chỉ nên “người tốt và tận tâm”. Vì trên thế giới có nhiều người rất tốt, và rất tận tâm, nhưng họ không tin Chúa Giêsu. Chúng ta là những ngôn sứ họa lại hình ảnh Ngôn Sứ đích thực là Chúa Giêsu. Chúng ta được chia sẻ sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu trên trần gian; biểu lộ sự trung thực có ảnh hưởng trong xã hội, để làm chứng cho thế gian.
Trọng trách làm ngôn sứ không phải chỉ thuộc về những người có chức thánh như các giám mục và linh mục trong Giáo hội, mà còn thuộc về tất cả mọi Kitô hữu. Hôm nay chúng ta được nhắc lại điều chúng ta đã chọn ngày mình lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Và một lần nữa chúng ta được nhắc nhở dấn thân cho Chúa Giêsu. Chúng ta phải làm chứng đức tin trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống; không những chỉ trong một giờ vào ngày Chúa Nhật, mà còn mỗi ngày trong suốt cuộc đời của mình. Chúng ta phải dùng lời nói và việc làm để tuyên xưng Chúa như Giô-suê: “phần ta và cả nhà ta, chúng ta sẽ phụng thờ Đức Chúa.”
Chúa Giêsu nói rõ là “không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Nói cách khác, phía loài người nếu không có đức tin trợ giúp, thì không thể hiểu và chấp nhận sự sống mà Chúa Giêsu nói tới. Chỉ có Thần Khí Chúa mới làm cho chúng ta chấp nhận được lời dạy dỗ của Chúa Giêsu. Thế nên cần phải có ơn Chúa. Tuy nhiên, không phải những người được mời gọi đều chấp nhận ơn ấy, hoặc sẵn sàng sống ơn ấy. Phúc Âm hôm nay cho thấy có môn đệ bỏ Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta cần phải sửa đổi cách chọn lựa và các chuẩn mực khác trong đời sống dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa và Thần Khí Ngài. Đó là điều rất khó đối với “thân xác” chúng ta vì nó trái với thế gian: Vật chất che khuất Thần Khí mà!
Khi giảng dạy trong Hội đường ở Capharnaum, Chúa Giêsu đã phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời!”(Ga 6, 54a), thì nhiều môn đệ liền bất mãn: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”( Ga 6, 60). Đúng quá, hiểu theo nghĩa đen thì ai chấp nhận nổi lời tuyên bố của Chúa Giêsu? Hiểu theo nghĩa vật chất thì làm sao nhìn thấy tinh thần thâm thúy sâu xa? Các môn đệ đã hiểu theo ý nghĩa vật chất, nên bị che khuất đi ý nghĩa cao sang của tình yêu Thiên Chúa, vô tình đối chọi với tuyên bố của Chúa Giêsu và khước từ Lời Chúa. Để hiểu và đón nhận được Lời Hằng Sống, con người cần được hồng ân Thiên Chúa trao ban: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”( Ga 6, 65).
Hôm nay Chúa Giêsu đến với chúng ta lần nữa trong lúc chúng ta quây quần lắng nghe lời Ngài và ăn uống chính Thịt Máu Ngài. Và Ngài sẽ hỏi chúng ta là có quyết định dấn thân theo Ngài chưa? Chỉ ai chọn Lời thần khí và sự sống thì mới có thể thân thưa cùng Chúa như Simon Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy con đi với ai? Vì Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.”
Giuse Ba, Đan viện Phước Vĩnh