GIỮ VỮNG NIỀM TIN
Ac 3,17-26; Mc 4,35-41
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Suốt hai năm qua, thế giới như con thuyền lênh đênh trên mặt đại dương mênh mông. Đại dịch covid-19 như cơn bão dữ dội muốn nhấn chìm con thuyền. Quả thật, trong lịch sử chưa có trận dịch nào lan rộng như thế. Đã lan tới 222 quốc gia. Đã gây nên những thiệt hại khủng khiếp. Tính đến cuối năm 2020 số thiệt hại kinh tế đã vượt mức 22.000 tỷ USD. Nó khiến cả thế giới đình trệ. Nhà thờ đóng cửa. Trường học đóng cửa. Du lịch đóng cửa. Giải trí đóng cửa. Giao thông đóng cửa. Sản xuất đóng cửa. Thương mại đóng cửa. Người dân mất công ăn việc làm. Theo OXFAM, số người nghèo đói trên thế giới tăng gấp sáu lần. Số người chết đói tăng cao. Theo tổ chức Y tế Thế giới hiện nay cứ 1 phút có 7 người chết vì dịch, nhưng có tới 11 người chết vì đói.
Tuy nhiên tác hại lớn nhất là về tinh thần. Trận dịch gây nên một cơn hoảng loạn lớn. Hoảng loạn vì lây lan rộng rãi. Hoảng loạn vì tử vong quá nhanh. Hoảng loạn vì có những biến chủng rất khó lường. Virus nguyên thuỷ Corona vốn đã khó trị. Chưa đầy một năm đã có 6 biến chủng. Tại Anh có biến chủng Alpha. Tại Nam phi có biến chủng Beta. Tại Braxin có biến chủng Gamma. Tại Ấn độ có biến chủng Delta. Tại Nam Mỹ có biến chủng Mu. Và mới đây tại Nhật đã có biến chủng Eta.
Tại các thành phố tâm dịch, cảnh tượng càng gây nên hoảng loạn. Người chết quá nhiều và quá nhanh nên không đủ quan tài, xác phải để trong những túi nylon thật thảm hại. Không kịp chôn cất nên các túi xác chất đống trong các container đông lạnh. Có những xác chưa kịp thu gom nằm rải rác trên đường phố tạo nên một cảnh tượng chết chóc kinh hoàng. Trong các bệnh viện không còn giường cho bệnh nhân. Máy thở thì như muối bỏ biển. Tại các khu cách ly mọi người nằm vật vạ trên nền nhà. Hàng trăm người mới có một nhà vệ sinh. Không được chăm sóc. Không có thuốc men.
Biết bao cộng đoàn bị nhiễm và có người chết khiến tinh thần cộng đoàn suy sụp. Biết bao gia đình cha mẹ chết hết để lại đàn con bơ vơ. Biết bao gia đình nghèo khổ đông con không còn gì để ăn. Nên đã có những cuộc bạo loạn, đập phá siêu thị để tìm thực phẩm. Các bác sỹ, y tá làm việc quá tải trở nên mệt mỏi, mất tinh thần. Có người gục ngã. Có người bỏ trốn. Có người như mê sảng. Đường phố vắng hoe như thành phố chết. Mọi người bị nhốt trong nhà không khác một trại giam khổng lồ.
Thế nhưng trong cơn đại nạn lại xuất hiện những tấm lòng quảng đại mang trái tim yêu thương. Biết bao đại gia có nhiều sáng kiến chế tạo cây gạo hoặc trạm đổi oxy. Biết bao giáo xứ mở siêu thị 0 đồng cung cấp thực phẩm. Biết bao nhà vườn cung cấp rau quả cho thành phố. Và các giáo phận đang vận động lương thực và tìm phương tiện chuyển về Saigon. Biết bao linh mục, tu sỹ đã tình nguyện đi vào tâm dịch để đồng hành với các y bác sỹ, tiếp tay với các tình nguyện viên thuộc đủ mọi thành phần xã hội, phục vụ những bệnh nhân và những người đang bị cách ly.
Trong tình hình đó, đan sỹ chúng ta phải làm gì? Hãy nhớ khi cha Tổ phụ Biển đức Thuận coi xứ Nước Mặn, đã có một trận dịch thổ tả. Ngài kể lại cho cha mẹ ngài như sau: “Họ con nay phải dịch thiên thời thổ tả, chết mất mười người, con cũng bị song nhờ ơn Chúa đã khá. Người ta thất kinh đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết, chính tay con phải ôm xác bỏ quan tài, đậy nắp đóng đinh rồi bỏ tiền thuê người đem chôn!” (HT tr.56). Hãy noi gương cha Tổ phụ. Chúng ta cùng trên một con thuyền với đồng loại, với đất nước. Con thuyền đang lâm ngụy. Nên mỗi người mỗi tay mỗi việc giúp con thuyền vượt qua giông bão. Kẻ tát nước. Người vá thuyền. Kẻ chăm sóc người bị say sóng. Người vực dậy những kẻ ngã gục. Còn chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là cầu nguyện.
Trong lá thư mới nhất, Đức Tổng giám mục Saigon mời gọi mọi người hãy GIỮ VỮNG NIỀM TIN. Niềm tin của chúng ta đặt nơi Chúa. Đó là cầu nguyện. Chúa đang ngủ say dưới hầm tầu. Hầm tầu rất sâu. Muốn đến với Chúa phải hạ mình đi xuống những bậc thang khiêm nhường. Sóng gió đang gào thét. Lời cầu nguyện của chúng ta phải mạnh hơn sóng gió. Tầu đang bị chìm xuống cần phải vất bỏ những vật dụng nặng nề. Chúng ta hãy từ bỏ chính mình trong ăn chay, trong hi sinh, từ bỏ những dục vọng, những giận hờn ganh ghét, những đòi hỏi cá nhân để tầu nhẹ nhàng nổi lên. Chúa đang ngủ rất say. Chúng ta phải gào thét, rên xiết trong những lời cầu nguyện tha thiết. Những thánh lễ liên lỉ. Những giờ chầu Thánh Thể miệt mài. Những giờ kinh Thần Vụ trong nước mắt. Để Chúa nghe thấy tiếng ta. Chúng ta phải là Môsê trên đỉnh núi kiên trì giang tay cầu nguyên. Anh chị em chúng ta là Giosuê đang mệt mỏi rã rời chiến đấu.
Hãy nhớ sóng yên biển lặng không phải do công sức của các tông đồ. Cũng không phải do thuyền trưởng khéo léo điều khiển. Sóng yên biển lặng do lời cầu nguyện được Chúa thương nhận lời. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện. Cầu nguyện xin Chúa cất đi đại dịch ghê gớm này. Cầu nguyện cho mọi người phục vụ, đặc biệt các y bác sỹ được tinh thần vững mạnh. Cầu nguyện cho anh chị em linh mục, tu sỹ thiện nguyện được bình an và đem Chúa đến cho những người đau khổ. Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo khôn ngoan điều hành công cuộc chữa trị dịch bệnh. Cầu nguyện để mọi nạn nhân trong đại dịch, dù gặp phải bao cảnh đau thương, vẫn tin tưởng vào lòng Chúa thương xót. Như sách Ai ca diễn tả: “Xin Chúa nhớ đến sự nghèo khổ, cảnh lang thang phiêu bạt và những nỗi cay đắng của con. Tôi cứ nhớ mãi điều đó và tâm hồn tôi tan nát hao mòn. Nhưng tôi luôn còn hy vọng, vì điều tôi vẫn ghi nhớ trong tâm hồn: đó là lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt.”
Hôm nay là ngày 11-9. Kỷ niệm 20 năm biến cố khủng bố gây kinh hoàng thế giới. Chúng ta hãy nhớ đến các nạn nhân của nạn khủng bố. Taliban đã trở lại Afghanistan. Hezbola giết bao Kitô hữu ở Liban. Boko Haram thiêu sống các Kitô hữu bên Nigeria. Các giám mục, linh mục, giáo dân bên Trung quốc vẫn còn bị bắt bớ. Xin Chúa dủ lòng xót thương biết bao người đang đau khổ.
Chúng ta hãy cầu nguyện. Hãy GIỮ VỮNG NIỀM TIN. Cho bản thân. Cho mọi người. Chúa đang ngủ. Nhưng Chúa đang ở trên thuyền với ta. Chắc chắn Chúa sẽ thức và sẽ truyền cho sóng yên biển lặng. Hãy tin tưởng Mẹ Lavang. Mẹ luôn an ủi kẻ âu lo. Xin Mẹ thương nước Việt nam đang âu lo. Xin Mẹ dâng những lời khẩn nguyện tha thiết của chúng con lên Chúa. Ban cho Việt nam thoát khỏi cơn đại dịch tai ác này.