CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN.
BÀI SUY NIỆM – MT 13, 1 – 23
Gregorio – An Phước
Trong chương 13 của Tin Mừng Thánh Mathêu, khi nói về Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa, chúng ta thấy Đức Giêsu đều dùng dụ ngôn… Chẳng hạn, mở đầu của trang Tin Mừng hôm nay, Chúa dùng dụ ngôn “người đi gieo giống” (Mt 13, 1 – 23), rồi đến dụ ngôn “cỏ lùng” (Mt 13, 24 – 30), tiếp theo là dụ ngôn “hạt cải” (Mt 13, 31 – 32), kế đến là dụ ngôn “men trong bột” (Mt 13, 33), sau đó là dụ ngôn “kho báu và viên ngọc quý” (Mt 13, 44 – 45), cuối cùng là dụ ngôn “chiếc lưới” (Mt 13, 47 – 50).
Thế thì “dụ ngôn” là gì?
Dụ ngôn là dùng những thực tại hữu hình, để giúp người ta hiểu về những những tại vô hình. Dụ ngôn cũng có tính cách vừa tỏ lộ vừa che dấu chân lý về Thiên Chúa, về Nước Trời. Che giấu đối với “những bậc khôn ngoan thông thái” (Mt 11, 25), nghĩa là ám chỉ tới những kẻ tự mãn, tự cho mình đã đầy đủ, đã trọn vẹn để rồi không cần phải tìm kiếm hay học hỏi gì thêm. Còn tỏ lộ cho “những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25), là những kẻ biết khiêm nhường, biết khát khao tìm kiếm chân lý. Theo Origenes: Các dụ ngôn thường có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Chính vì thề, Chúa Giêsu mới nói: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13, 9). Nghĩa là ai hiểu được thì hiểu, hiểu cách nào còn tuy vào trình độ tâm linh của mỗi người. Tuy nhiên, ai biết cách nghe thì sẽ hiểu, và ai thật lòng tìm hiểu thì cũng sẽ hiểu.
Vậy, khi nói về dụ ngôn “người đi gieo giống”, Chúa Giêsu đưa ra bốn loại đất khác nhau: Đất bên vệ đường, đất trên sỏi đá, đất trong bụi gai, và đất tốt. Bốn loại đất này là ám chỉ tới con người, bao gồm người tốt cũng như kẻ xấu, và hạt giống Lời Chúa không chỉ đến với người tốt, nhưng cũng ban rất dồi dào cho kẻ xấu. Thế nhưng, sự triển nở của Lời Chúa còn tùy thuộc vào khả năng đón nhận của từng người, còn người đi gieo giống thì luôn luôn mang niềm tin và sự lạc quan, họ hy vọng sẽ có ngày bội thu. Cuối cùng, kết quả cũng cho thấy thành công của người gieo giống chỉ thu hoạch được trên đất tốt, còn đất vệ đường, đất trên sỏi đá và đất trong bụi gại thì không mang lại kết quả gì.
Như vậy, để Lời Chúa được lớn mạnh trong ta, như hạt giống lớn mạnh trong đất tốt, thì chúng ta đừng có thái độ kinh thường đối với Lời Chúa. Khi nghe Lời Chúa mà có thái độ khinh thường, thì chúng ta vô tình biến tâm hồn mình thành mảnh đất của vệ đường. Hơn nữa, Lời Chúa không phải là câu chuyện lịch sử của nhiều thế kỷ trước, nhưng là sứ điệp gửi đến cho chúng ta mỗi ngày. Cho nên, cần phải học hỏi, suy niệm và đào sâu. Nếu nghe Lời Chúa rồi để đó, thì Lời Chúa đến trong tâm hồn chúng ta cũng giống như hạt giống rơi vào mảnh đất của sỏi đá.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu từng đã khẳng định với ma quỷ, là người ta sống không chỉ nhờ vào cơm bánh, nhưng còn nhờ vào Lời Chúa. Dĩ nhiên, ai cũng rõ, vật chất giúp cho đời sống thể xác, còn Lời Chúa là của ăn nuôi sống linh hồn. Nhưng để có sự thanh thoát trong việc sử dụng vật chất, thì Lời Chúa như liều thuốc hóa giải để giúp cho chúng ta thoát ra khỏi mọi ràng buộc của vật chất. Nếu chỉ bám vào vật chất mà quên sống Lời Chúa, thì đời sống chúng ta sẽ rơi vào tình trạng chết ngạt bởi vật chất như hạt giống chết ngạt khi mọc lên nhằm bởi bụi gai.
Qua dụ ngôn người đi gieo giống hôm nay, xin cho chúng ta biết biến đổi tâm hồn mình, đừng để cho tình trạng của tâm hồn rơi vào mảnh đất vệ đường, mảnh đất sỏi đá, hay mảnh đất của bụi gai, để rồi khinh thường Lời Chúa, dửng dưng khi nghe Lời Chúa, hay thay vì dùng Lời Chúa để điều khiển cuộc sống, thì chúng ta lại để cho vật chất điều khiển lấy mình Amen.