Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

BÀI VIẾT VỀ CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN CỦA THẦY Maria Gioan Lasan (CSĐD)

 

Cha Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Sống Triệt Để Tám Mối Phúc Tin Mừng

Maria Gioan Lasan (CSĐD)

 

Có lẽ mơ ước lớn nhất của con người là được sống hạnh phúc. Thế nên, người ta thường cầu chúc cho nhau được hạnh phúc, người ta cố gắng học hành, làm việc, phấn đấu… mong đạt được những điều mà người ta cho là hạnh phúc. Nhưng thực tế cho thấy những điều con người cho là hạnh phúc đó thường rất hữu hạn, mong manh và không vĩnh tồn.

Chúa Giêsu đã đến trần gian chỉ cho nhân loại con đường để đạt được hạnh phúc thực sự, hạnh phúc trường tồn đó là con đường Bát Phúc (x. Mt 5,1-12; Lc 6,20-23). Những Kitô hữu được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng là “Thánh” đã sống triệt để con đường Bát Phúc này. Và còn rất nhiều vị đang trong tiến trình tuyên thánh cũng đã sống triệt để Tám Mối Phúc Tin Mừng, trong đó có cha Henri Denis Biển Đức Thuận –Tổ phụ hội dòng Xitô Thánh Gia[1].

Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử trở về với những thập niên của thế kỷ trước để biết vị tôi tớ Chúa – cha Henri Denis Biển Đức Thuận đã sống tinh thần “Bát Phúc” như thế nào.

                     1. Phúc thay ai có tâm hồn khó nghèo vì Nước Trời là của họ

Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải dứt bỏ của cải trần gian như một điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời (x. Lc 14,33). Bởi đó, Cha Thuận có tinh thần khó nghèo không những trong lòng mà thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, như lời các chứng nhân kể lại: “Trong phòng ngài chỉ có một bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng một cục gỗ, một cái tủ đời thượng cổ, vài ba bộ quần áo vải thô, năm bảy quan tiền cho kẻ khó. Một ghế qùi nhỏ, một kệ để sách. Trên tường treo một mẫu ảnh Thánh Giá, một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, ngoài ra không thấy vật chi trau giồi mĩ thuật” (HT. tr. 45; x. HT. tr. 78). Cha vận y phục cũng thật giản dị, thô sơ: “Mùa nào cha cũng chỉ mang một áo lót vải thô với một áo dài đen vải dù rất mỏng… đội nón lá, đi dép quai chéo, vắt khăn trên vai, nhất là ưng áo tơi lá Việt Nam” (HT. tr. 45 – 47). Cha làm việc nhiều mà ăn uống ít, lại rất thanh đạm: bữa sáng chỉ vài ba củ khoai là xong… Cha không dùng thịt, cá, trứng, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng rượu và thuốc lá ngài không bao giờ dùng (x. HT. tr. 44. 78. 129-132; DN. số 15. 37).

(Phòng ăn Tiểu Chủng Viện An Ninh năm 1906. Hình lấy từ http://conggiao.info).

Chúng ta cũng nên biết, đời sống nghèo của cha Thuận hoàn toàn không do bản tính keo kiệt hay thói hà tiện, nhưng được khơi nguồn từ gương sống và lời dạy của Chúa Giêsu. Đúng như trong thư thánh Phaolô tông đồ gửi các tín hữu ở Côrintô: “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Vì thế, Cha Thuận tự nguyện sống nghèo để nên giống Chúa yêu thương chia sẻ đồng phận với những người Việt Nam đang nghèo khổ, cha sống nghèo để có dư của cải rộng rãi phân phát tiền bạc, thuốc men, lương thực… cho những ai nghèo khổ (sẽ trình bày ở  mục 5).

Trong thư gửi Đức Cha Allys (Lý), Giám mục Giáo phận Huế về việc lập dòng, Cha Thuận đã tha thiết xin cho dòng được sống nghèo: Vì nếu các thầy dòng Việt Nam mà giữ luật giống như các thầy dòng Trappe thì vẫn là sung túc về cái ăn cái mặc, nhà cửa tiện nghi… như thế thì không nên gươngcho các tín hữu Việt Nam đang túng thiếu… “Vậy, thân lạy Đức Cha, xin ban phép cho con được sống nghèo ngay cả bề ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ”[2].

Phải đợi 9 năm trường (1909-1918), ước nguyện của cha mới được chấp thuận. Thế là, ngày 14/08/1918 cha ra đi lập dòng (Xitô) cùng với một người môn đệ đầu tiên, tiến lên núi Phước Sơn với một gánh hành lý nhẹ nhàng, cũng chẳng có gì là giá trị vật chất: “Mấy bộ áo lễ, vài cặp quần áo cũ, vài ba chiếc chiếu, mấy quyển sách, ít chén bát, một thúng gạo, một âu ruốc, một đọi muối, vài cái nồi, một con dao và một con gà gáy giữ hiệu” (HT. tr. 111). Qua đó, chúng ta thấy cha Thuận không trang bị, không tìm kiếm sự an toàn nơi của cải, vật chất, tiện nghi, nhưng hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa toàn năng, suốt cuộc đời cha không ngừng thực thi Lời Chúa mời gọi: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Sau này, Cha thường giáo huấn các môn sinh: “Thánh đức nghèo cần phải được tỏ rạng trên nhà cửa, vật dụng, áo mặc, thức ăn và ngay cả trong cách trang trí bàn thờ và bình thánh; nhưng các đồ phụng tự thì cũng cần được trình bày trang nhã để giúp lòng sốt sắng… hãy nhớ mình đã khấn khó nghèo” (DN. số 105.127). Chính bản thân Cha đã sống nghèo một cách triệt để về cái ăn cái mặc và vật dụng theo gương Chúa Giêsu. Cha sống và làm việc như một người nghèo, ngay cả khi dường như trót cơ nghiệp của nhà dòng bị cháy hết, Cha vẫn xướng Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, tuyên xưng “vạn tuế đức khó nghèo” (DN. số 47; x. HT. tr. 150), và kín múc niềm bình an phó thác trong sự phong nhiêu của Thiên Chúa. Dường như cha cảm nghệm rõ lắm niềm hạnh phúc sâu lắng của những người nghèo vì được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp.

                       2. Phúc thay ai Hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp

Hiền lành và khiêm nhường là đức tính quan trọng Chúa Giêsu mong muốn tất cả các môn đệ hãy học nơi Ngài: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, để có thể sống hiền lành người ta phải biết dịu dàng trong cách hành xử, biết chấp nhận những giới hạn của tha nhân, đồng thời khiêm tốn dẹp bỏ tự ái[3]. Chúng ta sẽ thấy những đặc tính này sáng tỏ nơi cha Thuận.

Nung nấu trong tim khát vọng bừng bừng mang Chúa đến cho dân Việt, Cha Henri Denis “bước xuống” mảnh đất Việt Nam (Đà Nẵng) đúng ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với cung cách hết sức dịu dàng dễ mến, không một chút phô trương, trịch thượng coi mình là người đến khai sáng văn minh. Vừa đến Việt Nam, cha đã nhã nhặn xin cố Nhơn (R. P. Mendiboure), cha sở Lăng Cô, rồi thụ huấn cố chính Đăng ở Kim Long chỉ vẽ mọi lẽ về ngôn ngữ và phong tục Việt Nam (x. HT. tr. 41.44).

Là một người rất nhân bản xuất thân từ một đất nước văn minh, thế mà cha Thuận luôn vui vẻ, gặp gỡ, khuyên nhủ, chấp nhận những giới hạn của những con người Việt Nam quê mùa, tính tình cộc cằn, đời sống tâm linh nặng mùi mê tín. Như ngài viết trong thư gửi cha mẹ: “Lạy cha mẹ yêu dấu, con gặp vô số người Thượng, họ sợ ma quỷ quá trí tưởng tượng: đau đầu một chút thì họ cho là ma bóp, đau chân là tại ma làm, đau bụng là tại ma vật. Nếu gặp hùm, cọp, tây-ngưu (trâu lớn) thì vội về cúng ma lạy quỷ kẻo khốn…” (HT. tr. 48). Khi gặp những con người “khó thiện cảm” ấy chẳng những cha Thuận không kinh tởm khước từ mà trái lại cha đón nhận họ với sự nhẹ nhàng thân ái và hiền dịu.

Trong những năm làm giáo sư Chủng Viện An Ninh, cha Thuận cương quyết tập bỏ mình để trở nên một người hiền lành và thân ái với các chủng sinh, như có lời chứng nói rõ ràng không chút úp mở rằng: “Cha Benoit kiêu ngạo và nóng nảy quá lẽ, song bởi ngài chí quyết sửa mình… nên Chúa thương cho ngài nên thánh, sau ra khiêm nhường hiền lành cách lạ, đến nỗi nhiều khi có chú cự lại, nói nhiều câu sóc óc mà ngài cứ làm thinh chỉ bắt vào nhà thờ chầu Mình Thánh, lại tha hết các hình phạt” (HT. tr. 71). Đây hẳn là đức ái trọn hảo, vì theo thánh Têrêxa Lisieux: “Đức ái hoàn hảo bao gồm việc chịu đựng khuyết điểm của người khác và không bị sốc vì những khuyết điểm của họ”.

Đến khoảng đầu năm 1918, có nhiều nhân chứng công nhận cha Thuận đã thật sự trở nên con người hiền lành biểu lộ qua cung cách sống khiêm nhường, bác ái với mọi người: “Không bao giờ cha khoe mình hoặc khinh dể kẻ khác (Trích thư các cha Thuận, Luyến, Bá, Kính, Tịch)” (HT. tr. 90). Một nhân chứng khác: cha Thuận làm các việc thường ngày với động lực siêu nhiên, “Lời ngài nói cả đời không ai nghe thấy tiếng gì không xứng miệng đấng làm thầy” (HT. tr. 81). Thánh phụ Biển Đức đã ví con đường tiến đức như thể chiếc thang trong giấc mộng của Gia cóp có 12 bậc càng tự hạ người ta càng đi lên cùng Chúa và tha nhân[4]. Thật hiển nhiên chỉ những ai khao khát nên hiền lành mới đạt được như vậy.

Theo Thánh Kinh từ ngữ “anawin” thường ám chỉ cả những người hiền lành lẫn người nghèo khó, như thế hiền lành cũng là một cách biểu lộ sự nghèo khó nội tâm của những ai tuyệt đối tín thác nơi Chúa[5]. Với cha Thuận, khi truyền giáo ngài đã gặp phải sự chống đối, khô khan lạnh nhạt của giáo dân. Rồi lại hết tiền bạc giúp đỡ dân nghèo, thiếu thốn kinh phí xây dựng, đến khi lập dòng cũng chỉ có hai bàn tay trắng (x. DN. số 9-10.12-14; HT. Tr. 109-111). Nhưng trong mọi thử thách ấy, cha Thuận đã vượt qua nhờ lòng tin cậy ngài đặt nơi Thiên Chúa. Như thế, chúng ta thấy nét son nơi những con người hiền lành là họ luôn sống bình an phó thác trong mọi hoàn cảnh vui buồn cho tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Hiền lành, theo thánh Phaolô là hoa quả của “Đức ái” do Chúa Thánh Thần ban (x. Gl 5,22), thế nên chúng ta thấy Cha Thuận có lòng bác ái đối với hết mọi người. Ngài khiêm nhường phục vụ, làm thuốc chữa bệnh bất kể lương giáo. Một thầy trợ giáo, nghĩa tử của ngài làm chứng: “Thường ngài hay mua thuốc về cứu giúp bệnh nhân, ai đau thương tích gì đến xin ngài làm thuốc thì chính tay ngài múc nước chùi rửa làm thuốc một cách rất chu đáo” (HT. tr. 56).

Trong lá thư hồi âm cho mẹ kế sau những lời lẽ đầy an ủi khích lệ vì cái chết của ông thân sinh, cha Thuận đã thổ lộ quyết tâm mạnh mẽ tiến tới trên đàng nhân đức “hiền lành”, trong niềm cậy trông ơn Chúa giúp: “… nay xin Chúa cho con được nên hiền lành khiêm nhường, đầy lòng thương xót như cha con…” (DN. số 21).

Sự hiền lành nơi Cha Thuận lại “tỏa ra”qua công việc lao động thường ngày, dù ở cương vị là Cha Bề Trên của Dòng nhưng không bao giờ cha chuẩn miễn cho mình bất cứ một công việc gì: từ việc chăn trâu bò, gánh đá, gánh vôi, cưa gỗ, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rừng kiếm củi, hoặc rửa chén bát, giúp bàn, giúp bếp, gánh nước… (x. HT. tr.118.190). Hơn nữa, Cha luôn chọn lấy những công việc cực khổ hèn hạ nhất cho riêng mình cụ thểlà việc quét dọn vệ sinh. Cha không cho ai làm việc ấy, trừ khi bận tiếp khách hoặc đi vắng (x. HT. tr.191).

Như thế, Cha Thuận đã sống triệt để mối Phúc Hiền Lành, nên được Chúa ban Đất Hứa làm gia nghiệp. Đất Hứa: ý nói người hiền lành sẽ chinh phục được lòng người[6]. Đúng thế khi chúng ta nhìn vào Hội Dòng Xitô Thánh Gia cho đến năm 2018 đã có 1178 đan sĩ đi theo con đường đan tu của Cha Biển Đức Thuận.

                     3. Phúc thay ai khóc lóc vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an

Con người thời đại thường cho khóc lóc là sự yếu đuối, tự ti, yếm thế… vì thế họ làm ra vẻ không bao giờ biết khóc, không muốn khóc. Thế nhưng người ta đã chẳng thừa nhận rằng có những giọt nước mắt hạnh phúc, có những giọt nước mắt sám hối đổi mới cuộc đời đó sao? Phúc cho những ai có được sự khóc lóc như thế. Chúng ta có thể liên tưởng đến Cha Biển Đức Thuận người đã sống triệt để mối phúc này.

Qua cuộc sống kết hợp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện hy sinh, Cha Biển Đức Thuận cảm nghiệm niềm hạnh phúc tột cùng bởi được Chúa trời đất cao sang uy quyền trở nên gần gũi như Cha, như Anh, như Bạn thân của ngài (x. DN. số  109.118), có lẽ vì thế mà nhiều lần ngài đã khóc trong niềm hạnh phúc vô biên. Mặt khác, khi nếm hưởng tình yêu tuyệt hảo của Chúa, ngài nhận ra sự bất toàn nơi mình, nên có lòng sám hối thẳm sâu. Nhìn cung cách ngài “đầu cúi xuống, hai tay tréo lại, cặp mắt ngó xuống” (HT. tr. 45), người ta sẽ liên tưởng ngay đến thái độ của người thu thuế trong Tin Mừng. Hơn nữa, một linh mục cựu học sinh của ngài kể lại: Cha Thuận thường quỳ gối trong nhà thờ trước Mình Thánh Chúa, đôi mắt ngó xuống, giọt lệ nhỏ sa (x. HT. tr. 80). Với cung cách cầu nguyện của cha như thế, phải chăng đang tái hiện tâm tình sám hối của người thu thuế và người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng ? (x. Lc 18, 9-14; Lc 7, 36-50). 

Theo cái nhìn chủ quan, tâm tình sám hối nơi Cha Thuận có lẽ không phải do đã phạm những tội luân lý trầm trọng, nên có thể suy ra thế này: vì quá yêu mến Chúa mà cha Thuận “khóc lóc” trong lòng, những mong cho luôn được kết hiệp trọn vẹn với Chúa bằng một mối tình hoàn hảo, như có lần cha than thở rằng: “Cả ngày những sao lãng, chỉ có lúc dọn mình làm lễ, và giờ cám ơn sau lễ là thiên đàng thôi” (HT. tr. 80).

Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Ngài đã hòa mình vào nhóm tội nhân đến chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, ngang qua đó Ngài thanh tẩy con người khỏi tội lỗi (x. Lc 3,21-22). Còn nơi cha Thuận, ngài chân nhận mình là người tội lỗi nên với lòng sám hối thẳm sâu ngài tha thiết nài van Chúa thanh tẩy con người của mình, đồng thời ngài cũng kêu van Chúa thánh hóa toàn thể nhân loại: “Chúa xuống thế đã 2000 năm mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người…” (DN. số 4; HT. tr. 49).

Hành vi sám hối cụ thể nơi cha Thuận là khi có ai nói cho ngài biết những khuyết điểm thì ngài ra sức sửa mình. Theo thư của Cha Rey (Cố Phú) là cha phó giúp cha Thuận coi xứ Nước Mặn (1908-1913) kể lại: “Tôi thú thật tôi không làm cho cố Thuận được hài lòng mấy. Tôi mới học tiếng Việt Nam được mấy tháng mà ngài muốn tôi nói xuôi sao được? Tôi nhớ sao nói vậy mà ngài cũng vui lòng luôn. Tính ngài nóng như lửa cháy, song cũng mau tắt. Ngài sắc trí lắm, nên mau hiểu sự lỗi của mình khi đã biết thì tự hạ cách đơn sơ khiêm nhường lắm” (HT. tr. 63).

Thêm nữa, thầy Micael Biện nghĩa tử của ChaBiển Đức Thuận cũng làm chứng rằng: Trong những năm coi Giáo xứ Nước Mặn (1908-1913), thường sau thánh lễ các ngày Chúa Nhật, chức việc các họ lẻ vào gặp cha xứ đểhọp bàn công việc. Hôm ấy đến giờ cơm mà chưa xong, Cha Thuận cứ ngồi nói tiếp. Các chú lên dọn bàn thì ngài bảo từ từ đã. Nhưng cha phó Lược tỏ vẻkhông bằng lòng. Đến khi xong việc, làm phép bàn xong cha Lược nói ngay: “Cơm nguội như vầy ăn sao được? Họ bàn công việc mặc họ, đến giờ dùng bữa thì cứ đi, đợi họ làm cơm canh nguội cả. Cha Thuận vội đứng lên xin lỗi: Nay lỡ rồi xin cha bỏ qua, tự hậu không dám nữa… ngài dốc lòng sửa đổi” (HT. tr. 63). Cả đến những góp ý của quý vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ về cách thức làm việc của cha, cha cũng đón nhận và hứa canh tân (x. HT. tr. 68).

 

Thực tế chúng ta thấy, đã là người không ai là người vô tội. Thánh Phaolô khẳng định: “Mọi người đã phạm tội…” (Rm 3,23), và Thánh Gioan Tông Đồ cũng quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta đang lừa dối chính mình” (1Ga 1,18). Bởi đó, cha Thuận thường “khóc lóc”, đau buồn, gớm ghét các lầm lỗi của mình và quyết chí chừa cải[7], nên Thiên Chúa đã tha thứ và thanh tẩy ngài khỏi mọi điều bất chính (x. 1Ga 1,9).

Lần trót, trước lúc lâm chung, tự nhận mình hèn mọn tội lỗi, Cha Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Dòng Xitô, liền xin cha Bề Trên nhì Bernard đổ tro xuống đất cho ngài nằm (x. HT. tr. 222). Hành động này phải chăng cũng biểu lộ một lòng sám hối quyết liệt theo Lời Chúa kêu gọi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Bên cạnh đó chúng ta thấy cuộc đời của cha Thuận là một chuỗi dài “khóc cùng người khóc” (Rm 12,15), ngài đã mang lấy những “âu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng” của người khác nơi bản thân ngài, ngài luôn luôn chia sẻ, cho đi tất cả: tiền bạc, thời gian, sức khỏe, chấp nhận như ngọn nến tiêu hao để mang Tin Mừng cho mọi người. Do đó, hẳn ngài thật có phúc vì biết “khóc lóc” với Chúa và “khóc lóc” vì phần rỗi tha nhân. Theo cách nói của Đức Thánh Cha Phaxicô, biết khóc lóc trong lòng đó là sự thánh thiện.

                    4. Phúc cho những ai khao khát nên trọn lành vì họ sẽ được no thỏa

Khao khát sự công chính hay khao khát nên trọn lành đồng nghĩa với khao khát nên thánh. Chúng ta cùng xem cha Biển Đức Thuận đã có lòng khao khát nên thánh như thế nào?

Tin Mừng ghi lại Giacôbê và Gioan nài nỉ mẹ đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên hữu bên tả Chúa (x. Mt 20,24-28), theo một nghĩa tích cực hơn, cha Thuận cũng khẩn khoản nhờ mẹ kế hằng ngày cầu xin Chúa ban cho mình một điều rất quan trọng và khẩn thiết đó là xin cho được“nên thánh” như trong thư ngài tha thiết nhờ mẹ kế rằng: “Xin mẹ cầu cùng Chúa cho con được nên thánh” (DN. số 27). Đối với cha Thuận nên thánh là mối ưu tư lớn nhất, là khát vọng khôn nguôi trong cuộc đời của ngài, nó luôn thường trực trong tâm trí và trên môi miệng ngài, thôi thúc ngài hành động để đạt cho bằng được, giống như thánh Augustinô: “Ông kia bà nọ nên thánh được, tại sao tôi lại không?”

Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các bút tích ngài để lại, khi ngài giáo huấn cho các môn sinh: “Chúng ta hãy ước ao nên thánh… ước ao cho mình được nên thánh lớn trước mặt các thánh trên trời” (DN. số 120). Ngài chỉ ra cho các môn sinh thấy rằng mục đích từ bỏ thế gian nhập Dòng không phải để được học hành, cũng không phải để được làm vườn, làm ruộng, nhưng vào Dòng “cho được nên thánh mà thôi” (DN. số 138). Ngạn ngữ Pháp nói: “muốn là được”, cha Thuận đã có ước muốn nên thánh và ngài đã dùng mọi phương thế để làm “thánh” cho bằng được.

Trước hết, cha Thuận sống những giây phút “thánh” bằng tấm lòng gắn bó với Chúa qua đời sống cầu nguyện, ngài thường xuyên gặp gỡ hiện diện bên Chúa, ngài làm mọi sự vì Chúa, với Chúa, cho vinh Danh Chúa (x. DN. số 107). Ông chánh án tỉnh Quảng Trị (1931) làm chứng, trên xe lửa: “Ngài cứ ngồi hai mắt lim dim, miệng lẩm bẩm tụng kinh…” (HT tr 210). Một cha giáo bạn của ngài ở trường An Ninh cũng thuật lại: cha Thuận luôn dọn mình làm lễ và cám ơn sốt sắng lắm, cha thường xuyên cầu nguyện lâu giờ, cử hành Thần Vụ với dáng điệu trang nghiêm, đầy sức sống siêu nhiên… (x. HT. tr. 70.72.90).

Các lời chứng trên đây càng được xác thực như lá thư cha viết cho song thân, kể chi tiết về một ngày sống của cha trong tương quan với Chúa qua nguyện gẫm, cầu nguyện, Lectio Divina, viếng Thánh Thể, nguyện Kinh Phụng Vụ, đi Đàng Thánh Giá và trong tương quan với tha nhân như dạy học, làm việc, chữa bệnh… (x. DN. số 1.74; HT. tr. 46). Có thể nói, như Môsê thường xuyên đàm đạo với Chúa nên được “nhiễm ánh quang” huy hoàng của Chúa thì một cách nào đó cha Thuận cũng được mặc lấy sự thánh thiện của Chúa, bởi năng tiếp xúc với Chúa, gần Chúa thì nên giống Chúa; tựa như thanh sắt được nung trong lò lửa sẽ biến thành màu lửa hay như giọt nước hòa vào ly rượu sẽ thơm mùi rượu. Hơn nữa, cha Thuận luôn dùng mọi giây phút trong ngày để noi theo Chúa Kitô (Sequela Christi), để tiến tới đích nên thánh.

Người ta thường nói: “mỗi thánh mỗi thể”, đối với cha Thuận lúc ốm đau là cơ hội rất tốt để nên thánh: “Chúng ta hãy biết dùng cơn bệnh mà nên thánh, vì là lúc được rảnh ra mà ở với Chúa…” (DN. số 127). Đây là lời giáo huấn rất bổ ích cho tất cả mọi người, vì rằng ai cũng có những lúc đau yếu bệnh tật. Hơn thế nữa: “Đức khôn ngoan chúng ta phải tập, là biết dùng mọi phương thế mà nên thánh, cả khi phải buồn bực, lúc đau đớn hay khi bị xấu hổ” (DN. số 147). Về điều này, chúng ta thấy anh trộm chịu đóng đinh ở  bên phải Chúa Giêsu đã biết dùng chính những đau khổ trên thánh giá để đạt phúc thiên đàng (x. Lc 23,42-43). Như vậy, những sự buồn bực đau đớn chẳng những không làm cha Thuận thất vọng, trái lại ngài biến nó thành niềm hy vọng, thành cơ hội tốt giúp thanh luyện để nên thánh như lời thánh Phaolô: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28).

Với đức tin mãnh liệt cha Thuận xác tín rằng: “Một người khôn ngoan thật, chỉ lo về đời sau mà thôi, là biết mình sống ở đời này là lo sửa soạn về nhà Thiên Đàng đời sau. Tin thật chắc chắn không hồ nghi chi hết, ra sức nên thánh mà thôi” (DN. số 147). Do đó, ngài hối thúc con cái ngài: “Hãy lo nên thánh cho mau kẻo hết giờ” (DN. số 109). Ngài chỉ cho các môn sinh thấy rằng: “Muốn nên thánh hãy giữ luật dòng. Giữ cho trọn vẹn vì lòng mến Chúa” (DN. số 137.150). Nơi khác ngài nói rằng: “Các thánh xưa đã giữ một Luật như chúng ta mà đã nên thánh cả, thánh lớn là tại các thánh hằng lo sống thiêng liêng cùng Chúa. Các thánh làm mọi việc thường như chúng ta, song làm một cách phi thường…” (DN. số 107). Như thế, chính cha Thuận đã triệt để đi vào con đường nên thánh và thúc giục các môn sinh nên thánh bằng cách làm tất cả các công việc thường ngày bằng một tình yêu phi thường.

Tuy nhiên, cha Thuận rất thực tế nhìn nhận rằng nên thánh không phải là việc dễ dàng. Bởi vậy, ước muốn đạt được sự thánh thiện cần phải biến thành hành động cụ thể là luôn kiên trì cầu nguyện và nỗ lực không ngừng: “Chúng ta có khởi công ra sức chịu khó tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cũng được” (DN. số 135). Niềm khắc khoải nên thánh nơi cha Thuận sẽ thể hiện cụ thể hơn nữa qua trực giác nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và tận tình xót thương.

                   5. Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương

Lòng xót thương người nơi cha Thuận được hun đúc ngay từ trong gia đình, lúc Henri còn rất nhỏ thì ông thân sinh đã nhiều lần sai cậu làm phúc bố thí… (x. Thư 58). Đến khi làm cha xứ Nước Mặn lòng thương người nơi Cha tỏ lộ qua việc rộng rãi phân phát tiền của giúp đỡ người nghèo khổ đến nỗi “khánh kiệt”, Cha thổ lộ với song thân: “Con đã hao tốn nhiều lắm, con không tiếc chi cả… Chung quanh con đầy người nghèo túng, họ đến xin con giúp. Từ sáng đến giờ mới hai tiếng đồng hồ mà con đã cho hết bốn,năm quan tiền rồi. Có nhiều người muốn trở lại, họ nghèo túng quá, con phải giúp họ ăn học, mà con cũng quá túng phải vay mất hơn 1000 phật lăng” (DN. số 9; HT. tr. 54. 194). Cha dùng hết tài khéo của mình: ngoại giao, dịch sách để kiếm tiền giúp “kẻ bần hàn” (x. DN. số 10; HT. tr. 55), như thể cứu giúp Chúa Giêsu đang đói khát, trần truồng (x. Mt 25,35). Ngang qua những sự giúp đỡ vật chất đó, cha cho họ cảm nghiệm được hơi ấm của tình người, và tình thương bao la của Thiên Chúa.

Với các bệnh nhân bất kể lương giáo, cha nên như người Samari nhân hậu tận tình chăm sóc họ: Một đêm kia người ta khiêng bệnh nhân ngoại giáo đến nhà dòng xin cha Thuận cứu chữa, ngay lập tức cha Thuận (tổ phụ) cùng hai thầy y tá “hì hục nhóm lửa nấu nước nóng đổ vào chai đặt chung quanh người liệt, không quản nhớp nhúa hôi tanh, đêm hôm mất ngủ” (HT. tr. 194). Mỗi ngày ít nhất cũng có từ 5 đến 10 người xin chữa bệnh, thường chính tay cha lau chùi vết thương, mụn nhọt cho họ, cha cũng tốn nhiều thuốc cho họ… khi họ đau ốm cha tận tình cứu chữa đã vậy, khi qua đời nhiều khi đích thân cha đến liệm xác và cho tiền lo mai táng. Với quý khách, bất kể là ai cha đều vui vẻ đón tiếp… (x. DN. số 8. 51; HT. tr. 53. 127. 170. 216. 219). Những hành động này chứng tỏ cha Thuận đã phục vụ Chúa nơi tha nhân đúng như lời Chúa nói: “Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các người đã đến hỏi han; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,36). Đặc biệt, cha thương linh hồn người ta nên đã xả thân loan báo Tin Mừng và lập dòng Phước Sơn chuyên hy sinh hãm mình cầu nguyện cho kẻ ngoại được ơn cứu độ (x. HT. tr. 194)

Để lưu truyền lòng xót thương người cho các môn sinh, cha Thuận đã ghi vào trong Hiến Pháp của dòng: “Trong việc thuê mướn, chúng ta phải trả lương cho công nhân cách công bằng và thích hợp, liệu sao cho họ có giờ lo việc đạo đức, và không đến nỗi bỏ bê gia đình, đừng bắt làm việc nặng quá sức hoặc không hợp với tuổi tác họ” (DN. số 101). Không được cho vay nặng lãi. Phải tận tình lo cho người nghèo và khi bán của gì thì bán giá hạ hơn để Danh Chúa được tôn vinh (x. DN. số 102.103).

Hơn nữa, cha Thuận còn nhạy cảm xót thương người qua việc quan tâm lo lắng cho người khác: Trước tiên, đối với đấng sinh thành dưỡng dục ngài. Hơn ai hết, chú Henri cảm nghiệm được “Ân cha cao vút tầng trời. Bao la nghĩa mẹ biển khơi dạt dào”, vì thế chú không để cha mẹ phải buồn khổ vì mình, khi nghe được tiếng Chúa kêu gọi “Anh hãy theo Thầy” (Lc 9,59) lòng chú áy náy xót thương cha mẹ không người phụng dưỡng. Từ đó chú càng chăm ngoan học giỏi, và phụ giúp cha khấu bột làm bánh, cắt cỏ cho ngựa ăn hoặc giúp mẹ ra bờ biển hái rau (x. HT. tr. 34-35). Sau này, đi Loan Báo Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam, cha Thuận thường xuyên chia sẻ tâm tình với song thân như để các ngài an tâm và cũng như để các ngài có thể hiệp thông vào sứ vụ truyền giáo. Trải dài trong suốt 265 bức thư cha viết cho song thân (x. DN. Dẫn nhập I) toát lên sự ân cần lo lắng về sức khỏe, chia sẻ nỗi buồn vui với đấng sinh thành; đồng thời cũng để khuyến khích nhau thêm lòng mến Chúa yêu người (x. DN. số 1. 28; HT. tr. 45-47. 74-76).

Sau nữa, với các anh em trong Dòng, cha Thuận thực sự nên người cha lo lắng săn sóc con cái về phần xác cũng như phần hồn. Cha luôn nhận cho mình những thứ “xoàng” và nhường cho con cái của tốt của lành: Có lần ba cha con có việc ra Huế giữa lúc trời mưa cha chọn ngay lấy chiếc áo vừa cũ vừa ngắn nhường lại cho hai con hai chiếc áo vừa mới vừa dài, khi dọn bàn ăn cha tinh tế thấy ai ăn ít thì khuyên ăn thêm, khi anh em đau bệnh cha tận tụy lo lắng thuốc men cơm cháo (x. HT. tr. 193). Cha thấu cảm nỗi khổ cực của anh em đau yếu nên cẩn thận nhắn nhủ các anh em giúp bệnh nhân: “Hãy nghĩ mình đang giúp Chúa Giêsu. Hãy yêu thương lo lắng tận tình. Vì chính sự đau ốm thì đã cực lắm rồi. Một lời nói một cái động đạt…đủ làm cho kẻ liệt phải cực nhọc thêm” (DN. số 127); cần phải có y tá nhanh nhẹn và tận tình phục vụ bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Kitô… nếu cần thì gửi đi bệnh viện (x. DN. số 95.96), và khi anh em qua đời thì mọi người đều có nghĩa vụ hiệp dâng thánh lễ, dâng các sự hy sinh, cầu nguyện cho người quá cố (x. DN. số 98).

Vốn tính tự nhiên cha là người sôi nổi vui vẻ nhưng nhiều khi cha cũng phải thổn thức buồn vì cái buồn của con cái. Cha tâm sự cùng mẹ kế: “…một thầy phải đi nhà thương, còn mấy thầy ở nhà thì ma quỷ nó quấy quá: hết thầy này đến thầy nọ, coi bộ tịch họ buồn thiu, làm con cũng buồn! (DN. số 77; HT. Tr. 183-184). Cuộc sống của cha thấm đượm tình yêu thương nên cha thường dạy dỗ các môn sinh: “Phải thương yêu nhau và thương yêu hết mọi người…Nhân đức yêu thương là khi thấy kẻ khác buồn thì mình cũng buồn, như thể là chính sự buồn của mình. Khi thấy kẻ khác vui thì mình cũng vui, như thể chính sự vui của mình vậy” (DN. số 112). Như thế, có thể nói cha Thuận đã chu toàn luật Chúa một cách hoàn hảo theo như lời thánh Phaolô: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10), vì lòng yêu thương người phản ánh cách chân thực cụ thể nhất lòng yêu mến Thiên Chúa.

                   6. Phúc thay ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa.

Nếu hiểu lòng trong sạch như là sự tinh tuyền của con tim dâng trọn cho người mình yêu thì cha Thuận đã có “lòng trong sạch” như thế. Ngài có một lòng yêu mến Chúa rất nồng nàn nhờ sự giáo dục từ cha mẹ ngài, chính ngài viết trong Nhật Ký: “Tôi có phước vì ngay từ thơ ấu đã được mẹ dạy cho biết ham mộ sự đọc kinh cầu nguyện […] tinh mơ sáng cả gia đình dậy đọc kinh và nín lặng ba giờ luôn để nguyện gẫm” (HT. tr. 30). Gia đình của ngài làm nghề bán bánh mì: Những khi đánh xe bán bánh quanh thành Boulogne, phải trải qua một đồi nhỏ có đền thánh giá; hồi ấy, ngài mới lên 5 tuổi, mà đã sốt sắng cùng quỳ gối cầu nguyện trước tượng thánh giá này bên thân phụ mình. (x. HT. tr. 30).

Chính tình yêu mến Chúa nồng nàn ấy đã thôi thúc ngài khắc khoải “Tìm Chúa” không ngơi, qua những cuộc dấn thân đầy phiêu lưu mạo hiểm trong chủng viện Giáo phận Boulogne, rồi nhập Hội Thừa Sai Paris với mong ước đi truyền giáo và khát khao phúc tử đạo, sau nữa từ một nhà thừa sai lại trở thành một vị tổ phụ lập dòng chiêm niệm cho người Việt Nam. Trong những hành trình ấy cha Thuận đã trải qua biết bao gian lao thử thách… nhưng ngài vẫn một lòng cậy trông ơn Chúa giúp để kiên cường vượt qua. Tất cả điều đó nói lên rằng suốt cuộc đời cha Thuận chỉ tìm kiếm yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đúng như ngài đã dạy các đan sĩ: “Phước của chúng ta là gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hợp với Chúa. Nói khó với Chúa trong tâm hồn mình” (DN. số 141).

Khi đã yêu mến ai người ta muốn thường xuyên gặp gỡ hiện diện bên người ấy. Cha Thuận yêu mến Chúa và ngài luôn gặp Chúa qua việc suy niệm Tin Mừng, qua việc cầu nguyện thường xuyên, để duy trì sự kết hiệp mật thiết với Chúa, ngài sử dụng một phương thế đơn giản mà hiệu quả đó là “những lời nguyện tắt” (x. DN số 1.74; HT. tr. 211.217). Cha R.P. Labourdait (cố Hòa) chủ bút báo Trung Hòa cũng làm chứng về cha Thuận rằng: “Ngài hằng nhớ mình ở trước mặt Chúa luôn, hằng sẵn sàng tiếp ứng với Chúa mọi giờ khắc, hằng nhắc lòng kết hợp với Chúa Giêsu vượt khỏi mọi sự trần thế” (HT. tr. 216). Khi con tim nồng nàn tình yêu mến Chúa, thì mọi sự sẽ thay đổi. Nói theo thánh Phaolô là hoàn toàn sống cho Chúa, sống vì Chúa và chết cho Chúa (x. Rm 14,8).

Lòng yêu mến Chúa nơi cha Thuận thể hiện qua việc cha yêu thích Phụng vụ, mê đàn ca xướng hát để ca tụng Chúa: “Cha tập hát hăng nồng như lửa cháy” (HT. tr. 44.70), qua đó cha truyền thụ cho học sinh biết cách cầu nguyện khi hát xướng. Có lẽ cùng tâm tình với thánh Augustinô: “Hát là Cầu nguyệnhai lần” nên cha thích làm lễ hát như trong thư cha thổ lộ với song thân: “Con thích làm lễ hát, vì hát thì dễ suy gẫm hơn đọc” (HT. tr. 44). Trong hầu hết các bức thư gửi cho song thân, chúng ta nhận thấy cha Thuận hằng bày tỏ lòng khát khao mãnh liệt được yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, và muốn cho mọi người yêu mến Chúa nhiều hơn. Bởi cha cảm nghiệm được tình Chúa yêu cha hết sức lớn lao: Chúa là đấng cao sang quyền phép vô cùng đã xuống thế làm người, mà nên “Cha chúng tôi, Anh chúng tôi, Bạn chúng tôi. Ấy thật là một điều lạ quá, trí chúng tôi suy chẳng thấu” (DN số 109).

Lòng mến Chúa thúc giục cha hy sinh hãm mình chia sẻ những đau khổ để nên giống Chúa Kitô: Đối với mọi người thời gian ngủ nghỉ là thời gian thư giãn, lấy lại sức khỏe sau một ngày làm việc, một nhu cầu thiết yếu để tồn tại. Thế mà, mỗi đêm cha chỉ nghỉ có 5 giờ, không nghỉ trưa, lúc đó cha vào nhà thờ viếng Chúa. Các ngày thứ sáu quanh năm và trót cả Mùa Chay cha thường giữ chay nhặt (x. HT. tr. 44. 78).

Khi người ta yêu nhau, tình yêu sẽ thay đổi cuộc sống của họ, tới độ dần dần họ sẽ trở nên giống nhau. Như “Chúa Giêsu đã dùng Thánh giá mà chuộc tội thiên hạ” thì cha Thuận cũng yêu mến Thánh giá nguồn ơn cứu độ. Ngài nói: “Nếu chúng ta biết ấp yêu Thánh giá vào lòng, thì mọi gian nan tân khổ đời này, không làm chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh giá thật thì ở trong nhà dòng này rất đỗi vui mừng” (DN. số 126). Ngài luôn yêu mến Thánh giá trong đời sống thường ngày qua lối sống đơn sơ khó nghèo, nằm trên bao tải thay cho giường ấm nệm êm, ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc, tự nguyện dọn dẹp nhà vệ sinh suốt đời… (x. HT. tr 192-196).

Cha Kính,cựu môn sinh của ngài làm chứngrằng: Cha giáo Thuận có lòng mến Chúa tha thiết, ngài thường đắm mình trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, đầy lòng sốt mến, thân thiết như hai người bạn (x. HT. tr. 73). Bởi vậy, khi đi lập Dòng giữa rừng núi, cuộc sống chưa ổn định, không có Nhà Tạm, cha cảm thấy rất cơ cực, khao khát mau mau có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện để “chầu chực hầu hạ yêu mến Người” (HT. tr. 132; DN. số 37). Theo dòng tư tưởng này, chúng ta càng thêm xác tín về câu nói của thánh Têrêxa Calcutta: “Chỉ với con tim trong sạch người ta mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa”[8]. Cha Thuận đã cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào khi “hiện diện đàm đạo” với Thiên Chúa nên đã ân cần dạy dỗ các môn sinh: “Chúng ta nên nhớ điều này, mọi sự thế gian thảy đều vô lối, vô ích chóng qua cả, trừ sự kính mến Chúa và làm tôi Người đáng cho chúng ta chăm lo mà thôi” (DN. số 107).

Qua cách sống và lời giảng dạy của cha Biển Đức Thuận thật đáng để chúng ta noi theo hầu có được một lòng tinh tuyền yêu mến Thiên Chúa và xây dựng sự an hòa cho con người thời đại.

                      7. Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa

Cha Thuận sống an hòa với hết mọi người. Là người linh mục thao thức mang Tin Mừng đến cho dân Việt, cha luôn một lòng kính yêu và hoàn toàn tùng phục theo sự sắp đặt của Đức Giám Mục Gaspar và tiếp sau là Đức Giám Mục Allys (Lý. Ngài tế nhị nhận ra chương trình mục vụ tốt lành của các Đức Giám Mục và nhiệt tình cộng tác. Chủ trương của Đức cha Gaspar là thúc giục các Linh mục lo liệu cho giáo hữu nên tốt. Còn chủ trương của Đức cha Allys là đẩy mạnh công cuộc truyền giáo (x. HT. tr. 50). Cả hai chương trình tốt đẹp ấy cha Thuận đã kiên quyết thực thi trong suốt cuộc đời ngài.

Trong mọi sự cha Thuận luôn nhìn ra những điều tốt lành nơi vị mục tử của mình. Quả vậy, khi còn làm giáo sư Chủng Viện An Ninh kiêm chức quản lý ngài nhận ra Đức Cha Allys là một “đấng rất thánh” vì cả đời đau yếu mà nhiệt tâm làm việc, lại ăn uống đơn sơ… (x. HT. tr. 88. DN. số. 29). Ngài chân nhận Đức Cha thật là người cha nhân từ đầy khôn ngoan, dù bề ngoài có nói vài lời xem như “cay đắng” nhưng trong lòng rất mực yêu thương (x. HT. Tr. 102-104). Chỉ cần đọc qua vài lá thư trong số hơn 300 lá thư Cha Thuận đã gửi Đức Cha Allys (x. DN. Dẫn Nhập I) đủ biết lòng kính trọng và thân ái ngài dành cho Đức Giám Mục gần gũi sâu đậm là dường nào!

Không chỉ sống tương quan thân tình với Đức Giám Mục mà với các linh mục, cha Thuận cũng cư xử rất nhã nhặn, bỏ mình sống hòa đồng với các ngài. Mặc dù hằng ngày cha ăn uống khem khổ, nhưng khi Đức Giám Mục Allys gửi cha Rey (cố Phú) đến giúp ngài và học tiếng Việt, thì ngài tế nhị cử ngay một tín hữu trong Giáo xứ Nước Mặn đi Huế học cách chế biến các món Tây để đảm bảo sức khỏe cho cha phó. Và cho dù tính cách của hai vị có khác nhau lắm, điều ấy cũng không cản trở cha Thuận học hỏi những điểm tốt lành nơi cha Rey: lịch sự, vui vẻ, thánh thiện, khiêm nhường không thích nói về mình hoặc về những việc mình làm, những sự khó khăn mình chịu (x. HT. tr. 62-63). Cũng trong một cách nhìn đầy thiện cảm đó cha Thuận còn nhận thấy nhiều điểm tích cực nơi cha phó Lược, ngài viết cho song thân: “Con tiếc ngài quá vì thật là một vị linh mục thánh, cách ngài ăn ở làm gương sáng mưu ích cho người ta hơn lời ngài giảng dạy” (HT. tr. 64)

Với các bổn đạo quê mùa, kém trí… nhưng không bao giờ cha Thuận tỏ vẻ coi thường, trái lại cha hết sức vui sướng Rao Giảng Tin Mừng cho họ, khen ngợi họ đơn sơ, thuộc kinh sáng tối, ngắm đàng thánh giá, chuỗi mân côi, chuỗi bảy sự, kinh cầu… ngài nhận xét: chắc trẻ con và người lớn bên Tây không thuộc nhiều kinh bằng trẻ nhỏ Việt Nam (x. DN số 5.7; HT tr. 51-53).

Với các chủng sinh ở Tiểu Chủng Viện An Ninh (Quảng Trị), ngài luôn tận tâm dạy dỗ, nêu gương kỷ luật, cư xử rất tế nhị, kiên nhẫn, thông cảm… đặc biệt là quảng đại tha thứ không bao giờ in trí các chủng sinh khi họ biếng học, lơ là tuân giữ kỷ luật, ngang bướng hay đãng trí khi giúp lễ…  (x. HT. tr. 43.70-74).

(Phòng học Tiểu Chủng Viện An Ninh năm 1906. Hình lấy từ http://conggiao.info).

Cha Thuận là con người nghiêm khắc nhưng rất hòa đồng, lịch thiệp. Ngài sống triệt để theo đường lối của thánh Phaolô tông đồ: “Nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Ngài rất hiếu khách, tiếp chuyện người Tây, người Nam rất rôm rả, thân thiện và khéo léo làm cho mọi người vui cười, nhưng “chẳng bao giờ nghe ngài nói một lời thô tháp” (HT. tr. 79). Hạnh Tích có ghi lời chứng rằng: “Lời ngài nói cả đời không ai nghe thấy tiếng gì không xứng miệng đấng làm thầy. Còn khi ngài dạy dỗ có nói một hai lời khiến học sinh lấy làm cay đắng, song đó là bản tính tự nhiên, lại mục đích là sửa dạy, nên cũng là những lời tốt” (HT. Tr. 81; x. tr. 43). Lại nữa: “Không bao giờ ngài nói khoe mình hoặc khinh dể kẻ khác” (HT. Tr. 90).

Là một người Pháp, văn minh lịch thiệp, thế mà khi sống với những người Việt Nam “da vàng mũi tẹt”, cha Thuận đã hòa mình, hội nhập vào văn hóa Việt qua cách ăn mặc (như đã trình bày ở mục 1). Cha lại khám phá ra nhiều cái hay trong lịch sử Việt Nam nên đã dịch “Sử Kí Nhà Nguyễn” ra Pháp ngữ. Cha dường như trở thành người bản xứ nên hết lời ca ngợi cuộc sống tại vùng quê nghèo khó này:Cha so sánh áo tơi lá của Việt Nam tốt như áo sơn dầu của lính thủy Boulogne (x. DN. số 10.2), cha khen ngợi: “bếp Việt Nam ngon nhất hạng” (DN. số 15), cha còn khoe với song thân thợ nề, thợ điêu khắc của Việt Nam giỏi tuyệt vời (x. DN. số 13).

(Hình áo tơ lá lấy từ Internet)

Do đó, có thể nói suốt cả cuộc đời, cha Thuận đã nỗ lực xây dựng hòa bình trong mọi hoàn cảnh môi trường sống, qua các mối tương giao với tha nhân. 

                     8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ

Chấp nhận chịu bách hại vì Tin Mừng đó là con đường của Chúa Cứu Thế đã đi qua, cũng là con đường các môn đệ của Ngài sẽ tiến bước. Cha Thuận đã triệt để dấn bước trên con đường này, ngài gia nhập Hội Thừa Sai Pari để truyền giáo và mong ước được phúc tử vì đạo. Nhưng thực ra nhìn vào cuộc sống của cha Thuận đã là một sự tử đạo liên lỉ qua việc “bỏ mình vác thập giá theo chân Chúa Giêsu” trong mọi hoàn cảnh: “Ngài đã từ bỏ gia đình. Từ bỏ quê hương. Từ bỏ đời sống linh mục triều. Từ bỏ cả công việc thừa sai để có thể sống đời đan tu, dành hết cho Chúa”[9]. Để có thể sống từ bỏ mọi sự như thế chắc hẳn cha đã phải âm thầm mang lấy nhiều đau khổ cả nơi thân xác và trong tâm hồn.

Khi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu tuyên bố: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Sống theo Lời Chúa dạy, cha Thuận dám “liều” chấp nhận nhiều hy sinh, đau đớn đến “hao mòn sinh lực” vì nhiệt tâm mở mang Nước Chúa: cụ thể là nhiều năm dạy học ở Chủng Viện An Ninh. Rồi trong những năm coi xứ Nước Mặn (Thừa Lưu 1908-1913), Giáo phận Huế, cha tận tụy dạy Giáo Lý (HT. tr. 51-52), thăm viếng giáo dân (HT. tr. 52; DN. số 7), săn sóc bệnh nhân (HT. tr. 53; DN. số 8), giúp người nghèo (HT. tr. 54-55; DN. số 9), tổ chức lễ hội (HT. tr. 56-58, DN. số 11), đặc biệt sau này (15/8/1918) ngài lập dòng chiêm niệm cho người Việt Nam để chuyên cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo (x. HT. tr. 194-195). 

Vì đạo Chúa, cha Thuận đã chấp nhận những vất vả phiền toái để mang Tin Mừng cho người Việt, như trong thư Cha thổ lộ với song thân: “Con khởi sự dạy kinh bổn đạo lý, song có nhiều đứa dốt quá lẽ, vừa đây có đứa nói: Chúa bị đau rét mà chết! Đứa khác rằng thiên đàng có quỷ, hỏa ngục có các thánh! Đứa khác nữa rằng: Phạm tội trọng rồi thì không được khỏi nữa! Phải nói đi nói lại một điều trăm ngàn lần mà nó chưa nhớ, khổ quá cha mẹ ạ, có khi con phát xung phát gắt, mà cũng không xong, song con trông cậy thế nào nó cũng hiểu đủ cho được lên thiên đàng, thế là con không mất thời giờ vậy” (HT. tr. 48).

Cảm nghiệm niềm hạnh phúc ngọt ngào được sống tình con thảo với Chúa, cha lại càng đau đáu trong lòng khát vọng mang thật nhiều linh hồn về với Chúa: “Lạy cha mẹ yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh Nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con. Con ước ao mở miệng la hết sức về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết người được trở lại kẻo sa hỏa ngục thì tội nghiệp quá!” (HT. tr. 49; DN. số 4).

Bởi nhiệt tâm lo việc Chúa mà “Tôi Tớ Chúa” đã nhiều lần thiệt thân, Hạnh Tích kể rằng: Hôm ấy, ngài đi làm lễ ở họ Châu Mới, cách xứ Nước Mặn chừng bốn cây số, phải đi qua một cây cầu tre. Khi ngài vừa đến cầu, thìcó người ghét Đạo rút cầu quăng đi, thế nhưng ngài cứ thúc ngựa lội qua sông (x. HT. tr. 61), không quản gì nguy hiểm.

Lần khác, cha làm lễ minh niên cũng ở họ Châu Mới. Tối Ba Mươi rạng mồng Một, thói quen người ngoại hay dựng cây nêu

(Hình lấy từ Internet)

để trừ ma quỷ. Khi biết tin có một tín hữu muốn bỏ đạo, đã dựng cây nêu tại nhà. Chạnh lòng thương con chiên xiêu lạc, cha thắp đèn đến tận nhà an ủi khuyên lơn, dạy hạ nêu xuống, nhưng họ không nghe. Cha bèn tìm dao ra chặt cây nêu hai ba phát. Vậy là cả nhà họ chạy ra lấy roi, lấy gậy đánh chatúi bụi, quăng cả cái đèn của cha đi. Thế mà, cha cứ bình tĩnh tìm đèn thắp ra về… (x. HT. tr. 61). Có thể quả quyết không sai lầm, chính nhờ lòng nhiệt thành hy sinh quên mình của cha Thuận mà Giáo Hội Việt Nam có thêm nhiều người tin theo Chúa (x. DN. số 2. 3. 4. 6. 7. 11. 12. 20. 24. 59. 65).

Hơn thế nữa, khi có ý muốn tốt lành lập dòng chiêm niệm chuyên hãm mình cầu nguyện cho việc Truyền giáo, cha Thuận lại vấp phải sự thử thách từ chính Đức Giám Mục và sự chống đối nghi ngờ của một số linh mục giáo phận Huế. Phải chờ đợi đến 9 năm trường, ngài mới được phép ra lập dòng. Khi được Đức Giám mục Lý ban phép lập Dòng ở Ba Trục là đất của Nhà Chung, cha Thuận hết sức vui mừng vội vào Huế xem sở Ba Trục, nhưng bị Cha Soái (R.P. Chaiget)đang quản nhiệm ngăn trở không cho lập tại đó… Đức Giám mục nghe theo lời cha Soái, truyền cha Thuận về dạy học thêm 6 tháng nữa. Rồi một số linh mục (R.P. Bonnin Kính) là người đồng hương vốn thân thiết với cha Thuận nhưng khi thấy cha Thuận được phép đi lập dòng thì chê trách, bàn ra, không cho vay tiền bạc… (x. HT. tr.97.103). Cứ theo cảm tính bình thường, Cha Thuận có lý để buồn Đức Cha cũng như cha Soái, cha Kính, nhưng không, ngàinên “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu yên lặng cho người ta xén lông”, ngài không nửa lời than trách. Phải chăng cha Thuận cũng được phúc tử đạo trong lòng như Mẹ Maria trên đồi Canvê vậy.

Tóm lại, với những lý chứng vừa trình bày trên đâyhé mở cho chúng ta thấy Cha Biển Đức Thuận đã cố gắng thực hành triệt để Tám Mối Phúc Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao giảng (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-13). Tám Mối Phúc này gần như là “con đường chẳng mấy ai đi”, không có gì là hấp dẫn theo cách đánh giá của loài người. Nếu ai đó chấp nhận sống nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, công chính, thương người, trong sạch, xây dựng hòa bình, chịu bách hại, thì bị người đời coi là kẻ dại dột. Lối sống như thế chẳng phải “ngược dòng” là thiệt thân lắm sao? Nhưng phải chăng Cha Biển Đức Thuận là người dại dột, là người yếu đuối, và chẳng biết mình đang chịu thiệt thân? Có lẽ chúng ta không có câu trả lời thỏa đáng xét theo những quan niệm của người đời về hạnh phúc.

Nhưng theo cái nhìn của Tin Mừng, chúng ta thấy Cha Biển Đức Thuận giống như người đã tìm được “kho báu” hay “ngọc quý” trong ruộng nên dám chấp nhận bán mọi sự mình có để mua cho kì được mảnh ruộng đó (x. Mt 13,44-46). Có thể nói đời sống của cha Thuận luôn được định hướng bởi Lời Chúa: “Sự ngu dại của Thiên Chúa còn vượt hơn sự khôn ngoan của loài người” (1Cr 1,25), và “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Chính vì vậy cha Thuận mới có thể dứt bỏ cái tôi vị kỉ thủ lợi để sống triệt để Tám Mối Phúc Tin Mừng.

Nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn“Hân Hoan Nhảy Mừng” những ai sống triệt để Bát Phúc đó là “thánh”. Từ đó, có thể quả quyết: cha Thuận là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu mà người môn đệ đích thực chắc chắn đang được hưởng niềm hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời; tức là “thánh”. Trong niềm xác tín đó chúng ta thêm “Hân Hoan Nhảy Mừng” tiến bước trên con đường nên thánh qua việc thực thi Tám Mối Phúc Tin Mừng như Chúa đã loan báo theo ơn gọi và hoàn cảnh sống của mỗi người giữa thế giới hôm nay. Vì Tám Mối Phúc như thẻ căn cước của người Kitô hữu. Nếu có ai hỏi: Phải làm gì để nên thánh? Câu trả lời thật hiển nhiên: Hãy thực hành những Lời Chúa đã dạy bảo trong Bài Giảng Trên Núi, vì đó là Tám Mối Phúc thật viên mãn và vĩnh hằng[10]. Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ có nói : “Tôi sẵn sàng trở thành một Kitô hữu, nếu tôi thấy những người Kitô hữu thực thi Tám mối phúc thật”.

Những chữ viết tắt:

  1. DN.Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận (1880-1933)Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Bản in năm 1993.

HT.Hạnh Tích Cha Benoit – R. P. Henri Denis Cố Thuận (1880-1933)– Tổ Phụ Dòng Xitô Thánh Gia, do Viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn, Nhà in HỒNG LAM, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Saigon, 24/7/1968.

KINH XIN ƠN

NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng, Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc đời ẩn dật nghèo khó, chết đau thương trên thập giá để cứu chuộc muôn dân.

Chúa đã chọn tôi tớ Chúa là cha Biển Đức Thuận, làm thừa sai nhiệt thành rao giảng Tin Mừng trên đất nước Việt Nam. Chúa lại dùng cha lập dòng chuyên sống cầu nguyện và hy sinh, để diễn lại cuộc đời âm thầm nghèo khó của con Chúa, và tham gia việc cứu rỗi những người chưa nhận biết Chúa.

Lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Cha Biển Đức Thuận, cho chúng con biết noi gương người, nhiệt thành cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn bằng đời sống cầu nguyện và tuân theo ý Chúa trong mọi sự. Để Chúa được tôn vinh nơi tôi tớ Chúa, và mưu ích cho phần rỗi chúng con, đặc biệt, xin Chúa ban cho chúng con những ơn này như lòng chúng con mong ước…

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

(Kinh này do Hội Dòng Xitô Thánh Gia biên soạn và phổ biến).

 

 

[1] http://hoidongxitothanhgia.com/giao-hoi-hoan-vu/toa-giam-quan-ro-ma-thu-thap-chung-tich-ve-co-thuan-2689.html

[2]Trích thư gửi Đức Cha Allys, 31/1/1912; x. Di Ngôn, số 0. 

[3]Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete Et Exsultate (Hân Hoan Nhảy Mừng), Chương III.

[4]x. Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức, Chương 7

[5]Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete Et Exsultate (Hân Hoan Nhảy Mừng), Chương III. số 74.

[6] X. Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Hạt Giống Chiêm Niệm, Nhiệt Tâm Sống Thánh, số 24 tháng 1 năm 2019, tr. 47.

[7] X. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1033.

[8] Dẫn lại: Lm. Thiện Cẩm, O.P. Cỏ Dại Ven Đường 12, Bản in tháng 03/2004, tr. 9.

[9] Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Hạt Giống Chiêm Niệm, số 24 tháng 01 năm 2019, tr. 112.

[10] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete Et Exsultate (Hân Hoan Nhảy Mừng), Chương III. số 63-64.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...