TN-128-TUẦN XIX- Chúa Nhật
BÁNH BAN SỰ SỐNG
(1V 19,4-8 / Ep 4,30-5,2 / Ga 6,41-51)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong những chúa nhật của các tuần kế tiếp từ tuần XVII, chúng ta được nghe các trích đoạn trong Tin Mừng theo thánh Gio-an chương 6, trong đó Chúa Giê-su nói về bản thân Người là Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời. Đó là Bánh Thánh Thể. Là ki-tô hữu, chúng ta được diễm phúc có Bánh Thánh Thể là Mình Thánh Chúa Ki-tô. Nhưng trong thời gian đại dịch Covid này, khi mà việc cử hành Thánh Lễ bị hạn chế hoặc bị ngưng để bảo đảm việc ngăn ngừa vi-rút lây lan, chúng ta cảm thấy có một nỗi trống vắng nào đó khi không được đón nhận Mình Thánh Chúa. Đây là một nỗi trống vắng cần thiết phải cảm nhận, để hiểu biết rằng Thánh Thể có một vị trí quan trọng thế nào trong cuộc đời ki-tô hữu của chúng ta. Đây cũng là dịp để chúng ta ý thức hơn việc cử hành Thánh Lễ và việc Rước Lễ, để Mình Thánh Chúa Ki-tô thực sự là Lương Thực mang lại sự sống cho chúng ta và biến chúng ta trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em mình.
Các bài đọc Kinh Thánh chúa nhật XIX năm B qui hướng về sự sống mà Thánh Thể mang lại. Đó là kinh nghiệm của ngôn sứ Ê-li-a, của thánh Phao-lô và lời khẳng định của Chúa Giê-su.
1. DẬY MÀ ĂN VÌ ĐƯỜNG CÒN XA
Bài đọc một, trích sách Các Vua quyển thứ nhất chương 19 từ câu 4 đến 8, trình thuật về hành trình của ngôn sứ Ê-li-a hướng về núi Khô-rếp. Như chúng ta đã biết, ngôn sứ Ê-li-a đã làm vinh danh Thiên Chúa trên núi Các-men khi lửa từ trời, từ Thiên Chúa, xuống thiêu đốt của lễ ông dâng, để dân Ít-ra-en tin vào Thiên Chúa thay vì chạy theo thần ba-an. Trong cơn nhiệt tâm, ông đã ra lệnh cho dân giết chết tất cả các ngôn sứ của ba-an đang có mặt, không sót một người nào. Vua A-kháp đã kể lại câu chuyện cho hoàng hậu I-dơ-vên. Bà hoàng hậu này đã đưa thần ba-an vào đất nước Ít-ra-en để dân chúng tôn thờ. Bà ghét ngôn sứ Ê-li-a tận xương tuỷ. Bà sai sứ giả đến báo cho ngôn sứ là sẽ lấy mạng ông trong thời gian gần nhất trong ngày. Bà làm cho ngôn sứ hoảng sợ trước khi bị giết chết. Ngôn sứ thật sự hoảng loạn và chạy trốn hướng về núi Kho-rếp để ẩn thân. Và trích đoạn hôm nay cho thấy tâm trạng đau khổ sợ hãi tột cùng của ngôn sứ.
Ngôn sứ mệt mỏi, đói khát, vì hành trình, và muốn chết cho rồi: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con!”. Rồi ông nằm dưới cây kim tước và thiếp ngủ. Nhưng có một ngôn sứ đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn!” Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. Thiên sứ của Thiên Chúa trở lại lần nữa, đụng vào ông và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đàng xa”. Ông ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa.
Chết đi cho rồi, đâu mang lại lợi ích gì! Cần phải sống để tiếp tục hành trình và hướng tới tương lai. Chính vì thế, Thiên Chúa đã nâng đỡ ngôn sứ trong giờ phút đen tối này. Thiên Chúa hiện diện bên ngôn sứ, không phải với những lời khuyên hay lời giảng dạy. Thiên Chúa bên cạnh chăm sóc ông bằng lương thực và tôn trọng giấc ngủ. Ông cần ăn, cần uống, cần nghỉ ngơi. Thiên Chúa tôn trọng yếu tố thể lý và thời gian. Và chính nhờ sự chăm sóc âm thầm này, ngôn sứ đã sống và đã đến điểm hẹn là núi Kho-rếp, núi của Thiên Chúa.
Câu chuyện của ngôn sứ Ê-li-a là hình bóng của thực tại là Bánh Thánh Thể nuôi sống con người trên hành trình cuộc sống. Chúa Giê-su là Bánh ban sự sống, ban lại sức sống về mọi phương diện cho chúng ta. Thiên Chúa Cha chăm sóc chúng ta bằng việc trao ban cho chúng ta Tấm Bánh là Con của Người. Thiên Chúa chăm sóc cách âm thầm nhưng kiến hiệu. Đó là sự hiện diện yêu thương cuả Người. Thánh Thể là sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa giữa nhân loại, trong lòng cuộc sống và ngay chính trên hành trình cuộc đời. Chúng ta hãy đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể với tất cả tình yêu và lòng biết ơn, với xác tín rằng Chúa là nguồn sự sống cho chúng ta và giúp chúng ta có đủ sức để sống và thực hiện hành trình trên dương gian này hướng về Núi của Chúa là Quê Trời hạnh phúc viên mãn.
2. THỊT TÔI ĐÂY ĐỂ CHO THẾ GIAN ĐƯỢC SỐNG
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an chương 6 từ câu 41 đến 51, Chúa Giê-su khẳng định trước những lời xầm xì của những ai đang nghe Người nói về bánh trường sinh: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Chúa Giê-su, trong suốt bài giảng về Thánh Thể trong chương 6 Tin Mừng theo thánh Gio-an, luôn nhắc đi nhắc lại khẳng định này. Đây là chân lý, một chân lý không dừng lại để hiểu mà thôi, mà để đón nhận một cách cụ thể bằng việc “ăn”, nghĩa là để chân lý đó đi vào bên trong và biến thành sự sống.
Chúng ta khi rước lễ, đó là đón nhận Chúa Giê-su với tư cách Chúa là Bánh Trường Sinh ban sự sống đời đời. Qua cử chỉ cầm lấy Mình Thánh Chúa và đưa vào miệng rồi ăn, nghĩa là đưa Chúa vào bên trong mình, chúng ta nhận ra rằng thể lý của chúng ta được mời gọi nhập cuộc vào đời sống thiêng liêng và vĩnh cửu. Bí tích Thánh Thể – một bí tích cao vời, linh thiêng, thánh thiêng nhất – lại đi qua những quan năng thể lý. Điều đó giúp chúng ta sống sự hiệp nhất ngay trong chính con người mình. Sự sống mà Mình Thánh Chúa ban cho, không phải chỉ nuôi sống linh hồn – tuy rằng đây là chính yếu – mà là toàn bộ con người, toàn bộ cuộc sống. Tất cả con người chúng ta đón Chúa để sự sống của Chúa trở nên sự sống cho toàn thể con người chúng ta. Sự sống đó ảnh hưởng trên toàn bộ con người chúng ta với mọi phương diện và chiều kích. Như vậy, khi tay chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa, đôi tay đó được thánh hiến và thánh hoá, để đôi tay mở rộng cho mọi điều tốt đẹp và thánh thiện cho Thiên Chúa và tha nhân. Khi miệng chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa, miệng chúng ta được thánh hiến và thánh hoá, để ca ngợi Thiên Chúa và nói những lời yêu thương, những ngôn từ của chính Chúa, nói Lời Chúa. Khi các nội tạng chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa, thì chúng lưu chuyển sự sống của Chúa trong toàn thân thể, để “lòng dạ” chúng ta được thánh hiến và thánh hoá, để từ lòng dạ thánh thiện này phát xuất những gì thánh thiện và yêu thương. Đó là sự sống của Chúa Giê-su trở thành sự sống của chúng ta. Đó là chúng ta trở nên như Chúa, vì Thánh Thể Chúa làm con người chúng ta trở nên thánh thể, một thân thể thánh. Đó là sự hiệp nhất của tình yêu và sự sống.
Đây là một chân lý thật sống động cho chúng ta, một chân lý ban sự sống, một chân lý của sự sống, sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là sự sống muôn đời, sự trường sinh, vì sự sống muôn đời không gì khác là chính Chúa Giê-su Ki-tô. Nếu cuộc đời này, chúng ta có Chúa, có sự sống của Chúa, thì sau cuộc đời dương thế này, sự sống của Chúa nơi chúng ta sẽ đạt tới sự viên mãn. Vậy, chúng ta hãy nuôi dưỡng sự sống này, bằng cách đón nhận Mình Thánh Chúa mỗi lần tham dự thánh lễ, với tất cả tình yêu và lòng biết ơn. Sự sống của Chúa sẽ tràn chảy và phát triển trong chúng ta, và ngày ngày biến đổi chúng ta nên “đồng hình đồng dạng với Chúa”
3. NHƯ CHÚA KI-TÔ NỘP MÌNH LÀM HIẾN LỄ
Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, được thánh Phao-lô, trong trích đoạn thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô chương 4 từ câu 30 đến chương 5 câu 2, cụ thể hoá trong việc trở nên hiến lễ. Ngài viết: “Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”.
Bí tich Thánh Thể là hiến lễ, là lễ hy sinh. Thánh Lễ là nơi diễn lại, hiện tại hoá hiến tế, lễ hy sinh Thập Giá mà Chúa Giê-su đã thực hiện. Như vậy, khi chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa là chúng ta trở nên như Chúa, trở nên hiến lễ, lễ hy sinh. Hiến lễ, lễ hy sinh của Chúa – mà chúng ta được mời gọi trở nên – mang hai chiều kích. Trước hết là chiều kích Thiên Chúa, đó là hy lễ, hiến tế, làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Sự hiến dâng mạng sống của Chúa Giê-su là điều Chúa Cha mong muốn khi Người ban Con Một cho thế gian (x.Ga 3,16). Đây là của lễ ngào ngạt hương thơm của tình yêu hiếu thảo của Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha. Tiếp đến là chiều kích nhân loại, đó là sự hiến dâng mạng sống để ban ơn cứu độ cho con người. Chúa Giê-su trao ban sự sống cho nhân loại bằng cách trao ban chính bản thân Người. Như vậy, chúng ta được mời gọi trở nên như Chúa Giê-su, trở nên hiến tế, hy lễ, với hai chiều kích trên. Đây là niềm hạnh phúc và vinh dự của chúng ta mà Bí Tích Thánh Thể mang lại, mà việc đón nhận Mnh Thánh Chúa mang lại. Chúng ta đón nhận sự sống của Chúa Giê-su và chúng ta lại trao dâng sự sống đó lên Thiên Chúa và cho anh chị em mình. Chúa Giê-su đã là Tấm Bánh bẻ ra cho nhân loại được sống, chúng ta cũng thế, trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em chúng ta.
Như vậy, Thánh Thể Chúa, Mình Thánh Chúa, là Bánh ban sự sống, cũng biến đổi mỗi chúng ta trở thành tấm bánh trao ban sự sống, như thánh Gioa-an khẳng định: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).