CẢ ANH EM CŨNG MUỐN BỎ ĐI HAY SAO?
(Bài suy niệm Thứ 7 tuần III PS)
“Bánh hằng sống” là một đề tài nhạy cảm trong những lần giảng dạy của Chúa Giêsu đối với số đông cử tọa là những người Dothái thời bấy giờ. Cũng giống như giáo lý về sự sống lại thì đây là nguyên nhân gây chia rẽ: không những giữa các trường phái đang nghe Chúa Giêsu giảng mà chính những “khách hàng” xưa nay đã say mê nghe Người. Đứng trước chọn lựa mang tính quyết định tiếp tục theo hay quyết định ngừng “cuộc chơi”, Chúa Giêsu muốn trực tiếp nghe lập trường của Nhóm Mười Hai khi đặt câu hỏi cho họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6, 67).
“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” là câu hỏi của Chúa Giêsu đối với nhóm Mười Hai sau khi Người đã khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54-55). Đối với Chúa Giêsu đã đến lúc cần phải công bố chân lý quan trọng cho mọi người: “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6, 41), mặc dù rất nhiều người từ chối.
Về phần những người thuộc Nhóm Mười Hai, sẽ có 3 thái độ, cũng là những cách thế trả lời của họ đối với Thầy Giêsu:
Thứ nhất: Im lặng: còn phân vân do dự hay né tránh đối mặt với trường hợp khó.
Thứ hai: Không: tiếp tục đi theo Chúa.
Thứ ba: Có: không chấp nhận giáo lý của Chúa nên bỏ đi. Khi đã mạnh dạn và thẳng thắn nói lời từ chối không tiếp tục theo Chúa Giêsu bởi họ có lý do của riêng mình.
– Do không đủ tin. Nghi ngờ giáo lý, cần thêm thời gian hay chờ đợi sự thay đổi từ phía Chúa. Khi nào có thể chấp nhận được sẽ quay lại.
– Do không thể nào chấp nhận những “lời chướng tai” của Chúa Giêsu: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ” (Ga 6, 52).
Và khi đã chọn lựa ngừng cuộc chơi cũng có nghĩa là từ nay không còn lệ thuộc, cắt đứt tương quan, chẳng cần bận tâm đến chuyện của Ông Giêsu nữa.
“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Câu hỏi quan trọng mà Chúa Giêsu ngày nào hỏi Nhóm Mười Hai thì nay Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục dành cho chúng ta. Có lẽ chúng ta đã thuộc lòng câu trả lời của Simon Phêrô hay cũng bắt chước Phêrô mạnh miệng trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).
Vấn đề của chúng ta đó là sự cách biệt giữa nói và làm: trả lời thì dễ nhưng sống điều mình đã cam kết mới khó. Nếu chọn giải pháp bỏ đi giống các môn đệ thì…. Còn nếu câu trả lời của chúng ta giống như Simon Phêrô thì liệu chúng ta có dành vị trí quan trọng nhất cuộc đời mình cho Chúa hay không? Có hay không việc ham thích, yêu mến lời Chúa vì nó đem lại sự sống đời đời cho ta không? Mình và Máu Chúa Giêsu mà chúng ta rước lấy có trở thành lương thực đích thực, có làm cho đời ta được sống muôn đời không?
Việc quyết định và hành động của mình phải là trực tiếp, cá vị, ngắn gọn, thành thực và đương nhiên cũng sẽ có trách nhiệm trả lẽ về câu trả lời của mình. Mỗi người tự đảm nhận cuộc đời mình: mặc dù mỗi người có một hoàn cảnh, ơn gọi và sứ mạng khác nhau nhưng chúng ta phải đảm nhận chính cuộc sống của mình, tự bản thân phải đối diện với niềm tin của chính mình, chính mình xây dựng mối tương quan với Chúa. Chúng ta sẽ chọn lựa giải pháp nào trong những liệt kê trên đây. Sẽ có thể xảy ra những tình huống; hoặc chúng ta thờ ơ lãnh đạm với câu trả lời, hoặc mạnh dạn nói không hoặc có nhưng trả lời hết sức sáo ngữ còn thực tế thì không làm hay không sống đúng như những điều mình tuyên xưng.
Tóm lại, sống giữa bao khó khăn chủ quan cũng như khách quan, liệu chúng ta đang tìm cách để chối bỏ Chúa hay tiếp tục theo Ngài. Câu hỏi của Chúa Giêsu giúp đánh thức và vẫn đang vang lên ngang qua mọi cảnh huống cuộc đời mình, rằng: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”.
Bức tranh đẹp nhất cũng là sứ điệp Chúa gởi tới chúng ta ngày hôm nay phải là nội dung cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu với Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6, 67). Và lời đáp lại: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).
Mai Thi