CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN, NĂM C
THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN
Ngày 2/2: DÂNG CGS TRONG ĐỀN THÁNH
Lễ trọng
Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN, NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21
Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
II. SUY NIỆM
KHAI MỞ NĂM HỒNG ÂN
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là hai trích đoạn mang tính giới thiệu của Tin Mừng thánh Luca, phần đầu là trích đoạn giới thiệu Tin Mừng với độc giả thân thích của ngài là ông Thiophile và phần kế tiếp là lời giới thiệu về việc Chúa Giê-su khai mở “năm thánh”, khai mở một kỷ nguyên mới của ơn Cứu Độ.
Ngày trước, thời “chưa có điện về làng”, ông bà ta thường nói với nhau về việc đi xem lễ: “Nhất sáng trăng, nhì cụ mới”. Đúng vậy, thời đó chưa có điện và cũng chưa có tivi để coi, chưa có đèn điện và nếu không có trăng sáng thì thường đốt đuốc để đi dự lễ, vì vậy mà những ngày có trăng sáng thì mọi người đi dự lễ đông. Lại nữa, vì ngày nào cũng cha xứ giảng quá quen rồi, nên nếu có cha mới về dâng lễ thì kéo nhau đi, đôi khi một số các bà các cô còn nhằm xem thử cha mới đẹp trai không hay là giảng hay không…?
Hôm nay, “cha mới” Giêsu cũng đến “nhà thờ Do Thái” giảng một bài hoành tráng, làm mọi người trầm trồ thán phục và nhiều người thốt lên: “Đúng là cụ mới, nên cái chi cũng mới…!!!”.
Tuy nhiên, cũng như cha mới về xứ, ít nhiều xảy ra những trường hợp:
– Người thích thì “thấy sang bắt quàng làm họ”
– Người ganh tị (kiểu biệt phái) thì gièm pha: Ối giời, lão đó mình biết con ai mà, gia đình ra gì đâu, học hành bao nhiêu…?
– Người thiện chí vô tư thì lấy làm thích thú vì được nghe những lời bổ ích.
– Kẻ “nô lệ cho tà thần” thì phản đối ra mặt (như trường hợp quỷ ám la lên).
Ở đây chúng ta không nhằm phân tích từng trường hợp, nhưng chỉ dừng lại hai điểm chính yếu về ý nghĩa Lời Chúa sau đây:
1. Khai mạc năm hồng ân.
Bài Tin Mừng này được coi là bản văn Khai Mạc Năm Thánh đầu tiên của Chúa Giêsu, khai mở một NĂM HỒNG ÂN, mà trong năm hồng ân này, Chúa Giêsu mở ra một kỷ nguyên mới của ơn cứu độ là:
- Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn,
- Giải thoát cho kẻ giam cầm,
- Chữa lành mắt cho người mù,
- Trả tự do cho người bị áp bức.
Và đặc biệt là “người tôi tớ” được xức dầu Thánh Thần và sai đi loan báo Tin Mừng.
Mọi người chúng ta, khi đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức (chức tư tế cộng đồng), cùng với những mục tử qua Bí Tích Truyền Chức (chức tư tế thừa tác). Tất cả đều được Thần Khí Chúa sai đi loan báo Tin Mừng trong bổn phận riêng của mình, mà Tin Mừng đó là đem Chúa đến cho hết mọi người, nâng đỡ kẻ nghèo hèn, giải thoát cho người đang bị trói buộc trong tội lỗi, xoá tan hận thù chia rẽ chiến tranh… Và làm cho lời tiên báo của ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu công bố được ứng nghiệm ngay ngày hôm nay. Đó là triều đại Thiên Chúa đã đến.
2. Sự cao cả của Lời Chúa
“Mọi người tán thành lời hay ý đẹp Chúa Giêsu đã nói”. Khác với lời hay ý đẹp trong các danh ngôn, vì các danh ngôn chỉ là những lời phàm trần, chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm sống và giúp người ta tập tành theo một mức độ nhất định. Trong khi lời phát ra từ miệng Chúa Giêsu, là Lời Thiên Chúa, là Tin Mừng, lời này có sức biến đổi, thánh hoá và cứu độ con người.
Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đếu có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người.
Giống như một lễ Ngũ Tuần nối dài trong cuộc đời Kitô hữu, vì ngày xưa các Tông Đồ nói một thứ tiếng mà nhiều người tuy ngôn ngữ bất đồng cũng đều hiểu cả, thì ngày nay cũng một đoạn Tin Mừng được công bố, mà mọi tín hữu bá nhân bá tánh, khác biệt cả về tri thức và nhận thức, khác biệt nhau về hoàn cảnh sống và tình trạng tâm hồn, nhưng ai cũng thấy Lời Chúa nói riêng với mình và đúng với hoàn cảnh của mình ngày hôm ấy. Chỉ tiếc là có nhiều bạn trẻ Công Giáo hôm nay, khi nói đến các minh tinh màn bạc hay ca sĩ “topten” thì trả lời “răm rắp”, nhưng hỏi đến các nhân vật Thánh Kinh thì trả lời “lắp bắp”. Những người như thế chắc chắn chưa dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Kitô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho Lời phát ra từ miệng Ngài, là lời được công bố Tin Mừng mỗi ngày, biến đổi, thánh hoá và cứu độ mọi người chúng con. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3, 22-30
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
+ SUY NIỆM
Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn trong khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhân là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do-thái kết án người là lấy quyền quỷ tướng để dẹp quỷ lính.
Chúng ta cùng dừng lại suy niệm hai lời căn dặn của Chúa Giêsu: Sự hiệp nhất và tội phạm đến Thánh Thần.
* Chia rẽ thì tiêu tan, kết đoàn sẽ bền vững.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giêsu dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con.
Thế nhưng Chúa Giêsu lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất.
Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội Thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Satan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.
Ngày nay, nơi này nơi kia trong Hội Thánh đang bị những thế lực thù địch bách hại, hơn lúc nào hết, mọi người Công Giáo trong tình liên đới, hãy đoàn kết với nhau, để cùng chung lời cầu nguyện…
Thế giới Kitô giáo ngày nay đã bị phân tán nhiều. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Đông phương và hàng trăm các giáo phái Tin lành khác nhau Việc phân tán giữa thế giới Kitô giáo là một cớ vấp phạm cho những người không tin Chúa, hoặc chưa tin theo Chúa.Vì thế, sứ vụ của người Kitô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.
* Tội phạm đến Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha” (Mc 3,28). Đây là một vấn nạn rất khó giải thích.
Có hai cách hiểu:
– Thứ nhất, theo đoạn Tin Mừng vừa nghe, thì đang khi Chúa Giêsu dùng quyền năng Chúa Thánh Thần để trừ quỷ, thì các biệt phái lại nói ngài dùng quyền “Tướng Quỷ – Thần Ô Uế” để trừ quỷ. Nghĩa là đã cố tình coi việc của Chúa là việc ma quỷ. Có thể nói, việc này đang xảy ra nơi một số người hiện nay, khi theo những nhóm này nhóm nọ, trong đó có nhóm “sứ điệp từ trời” coi Đức Thánh Cha do công nghị Hồng Y bầu lên là giả, coi công đồng Vatican II là do ma quỷ bày ra…. Mong là mọi người ý thức điều này để đừng bị Satan lừa gạt đi theo nó mà chống lại Giáo Hội do Chúa Kitô lập.
– Thứ hai: Chúa Thánh Thần là nguồn của bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustino từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác. Chúa Thánh thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ?
Tội nguyên tổ đã cắt đứt con đường giữa ta đến với Chúa, Chúa Giêsu đã nối lại con đường bằng cây cầu thập giá, nhưng nếu ta không chịu bước trên con cây cầu thập giá ấy thì vẫn xa lìa Chúa; giống như một người bị giam giữ bởi kẻ thù, có vị tướng đến mở cửa ngục dẫn ra, nhưng tù nhân cứ an than trong đó không chịu ra khỏi ngục thì vị tướng đến giải thoát kia cũng đành chịu thôi.
Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha. Xin Cha cho mọi người nên một trong Cha, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3,31-35
Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?
“Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
+ SUY NIỆM
Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trờ thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)
Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:
* Cưu mang Lời Chúa.
Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông.
Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên.
Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
* Đem Chúa đến cho tha nhân.
Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.
Chúng ta cũng vậy, không ai có thể cho cái mình không có, vì như thế là ăn cắp và mạo danh. Nhưng, sau khi nhận ra Chúa – cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mới có thể mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4, 1-20.
Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
“Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe! “
Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? Người gieo giống đây là người gieo lời. Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”
+ SUY NIỆM
Hôm nay Chúa Giêsu kể và chú giải dụ ngôn về “người gieo giống”, nhằm nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ.
* Hạt giống và người gieo giống.
– Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giêsu Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
– Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.
– Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (PV 51).
– Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.
* Những thửa đất khác nhau – thái độ đón nhận.
Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời:
Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận.
– Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.
– Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay… Là hạng người nhiệt tình theo Đức Kitô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến.
– Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì… Đây là “người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin”… Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Chúng ta cảm thấy rõ ràng đối với Chúa Giêsu đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.
– Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giêsu, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài.
Như vậy:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.
– Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô “lúc thuận tiện hay không thuận tiện”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.
– Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4,21-25
Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe! “
Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
II. SUY NIỆM
Như hạt giống phải được gieo xuống ruộng đất, lớn lên và sinh hoa trái, nếu không sẽ nó trơ trọi hoặc thối nát và mất đi. Cũng thế, hạt giống đức tin, tài năng và cơ hội Chúa ban cho mỗi người, cần được gieo vào giữa lòng đời, để lớn lên và sinh hoa trái. Đó là nội dung Chúa Giêsu dạy mỗi người qua bài Tin Mừng hôm nay:
1. Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng…
Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để mọi người thấy ánh sáng… Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa.
Ánh sáng thì không thiên vị phân biệt ai, tựa như ánh mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Cũng vậy, ánh sáng của chúng ta phải “đặt trên đế” – phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú”.
Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Nghĩa là họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin hoặc vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.
Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều trước mắt mà thôi.
2. Không có gì bí ẩn mà không có ngày lộ diện.
Hiểu cả nghĩa tích cực và tiêu cực: Một người làm điều tốt thì ngay cả lúc này không ai biết, nhưng danh thơm tiếng tốt rồi sẽ được mọi người biết đến; ngược lại, kẻ làm điều xấu thì rồi cũng sẽ bị phanh phui và tiếng xấu để đời.
Hơn nữa, trước mặt Thiên Chúa thì mọi sự đều bị tỏ lộ ra. Vì thế, hãy luôn hành động dưới con mắt hiện diện của Thiên Chúa.
3. Ai có sẽ được cho thêm…
Kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.
Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4,26-34
Đức Giê-su nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
II. SUY NIỆM
Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của dụ ngôn hạt giống âm thầm lớn lên mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay:
Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.
Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.
Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:
– Lớn lên: Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.
– Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội Thánh, Kitô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.
– Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội Thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.
– Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay độn và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.
Tóm lại:
Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.
Ngày 02/02: DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH, Lễ trọng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,22-32
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
II. SUY NIỆM
Biến cố Mẹ Maria và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng thánh Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Mẹ Maria sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Thánh sử Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Mẹ Maria được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy thánh Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương diện lịch sử.
“Khi đã đến lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Thiên Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2, 22- 24).
Ở đây, chúng ta dễ nhận thấy có một sự trích dẫn không thống nhất khi áp dụng các nghi thức và bản văn lề luật. Trình thuật trên cho thấy của lễ để dâng con đầu lòng là một cặp chim gáy hoặc một cặp bồ câu non là của lễ của người nghèo (Lv 12, 8). Thế nhưng, theo luật Môisê, của lễ dâng con đầu lòng (hay chuộc lại) là mười lăm chỉ bạc (x. Ds 18, 15-16), còn đôi chim gáy hay cặp bồ câu non là lễ vật tạ tội của người phụ nữ sau sinh con khi đã mãn thời kỳ thanh tẩy (x. Lv 12). Có lẽ, như đã nói ở trên, Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ Maria cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế. Tuy nhiên, dù giải thích theo nghĩa nào, thì việc cha mẹ Đức Giêsu đem Người vào đến thánh để dâng cho Thiên Chúa, trước hết là để chu toàn lề luật (x. Lc 2, 27).
Đọc lại sách Xuất Hành chương 13, 1-2, cho thấy luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa xuất phát từ sau tai ương thứ mười, khi thần sứ Đức Chúa giết các con đầu lòng Ai Cập. Đức Chúa đã phán với ông Môisê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13, 1-2). Như thế, tất cả những con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là có quyền phục vụ Lều Thánh. Tuy nhiên, từ khi xảy ra chuyện “con bò vàng” (x. Xh 32, 1-6), đặc quyền dành cho “con đầu lòng” phục vụ Lều Thánh không còn nữa, mà việc phục vụ Lều Thánh được dành cho con cái Lê vi:
Như vậy, ban đầu những người được dâng vào phục vụ đền thánh phải là những con trai đầu lòng (x. Xh 13, 1-2), nhưng về sau được thay thế bằng con cái dòng tộc Lêvi (x. Xh 32, 1-6.25-29; Ds 3, 11-12). Đây cũng là ý nghĩa của suy tư thần học về việc Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh hay Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Như đã nói ở trên, không có chuyện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh nữa, vì Mẹ Maria không dâng Chúa Giêsu vào để Người phục vụ đền thờ, mặt khác, Mẹ Maria trước đó đã không khấn dâng Chúa Giêsu vào như trường hợp của bà Anna khấn dâng Samuel cho Thiên Chúa trước khi Samuel chào đời (x. 1Sm 1, 11), hơn nữa, Đức Giêsu không thuộc dòng Lêvi. Và rõ ràng sau đó Mẹ Maria và thánh Giuse đã đưa Đức Giêsu về lại Nazareth (x. Lc 2, 39- 40).
Tuy nhiên, dù những người con đầu lòng không phải phục vụ đền thờ nữa, nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa, nên phải chuộc lại bằng lễ vật (x. Ds 18, 15-16) và Mẹ Maria đã chu toàn điều luật đó. Vì vậy, biến cố dâng Chúa trong đền thánh cho thấy Mẹ Maria vừa chu toàn luật thanh tẩy, luật dâng con đầu lòng vừa chu toàn luật chuộc lại con đầu lòng bằng lễ vật.
Cách kể chuyện của Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh như là một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi Matthêu cố minh chứng Đức Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra Luca thấm nhuần hình ảnh của Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1, 22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người” (Lc 2, 27). Điều này cho thấy Giuse và Maria tuân giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi bật.
Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta ba bài học:
– Noi gương Mẹ Maria tuân giữ lề luật.
Mẹ Maria tuân giữ lề luật Thiên Chúa và những qui định tôn giáo rất đầy đủ, ngoài ra, còn chấp hành cả những gì thế quyền qui định nữa. Điều này được chứng minh qua việc Mẹ Maria dù đang thời kỳ thai nghén và sắp đến ngày sinh nở cũng đã cùng với Giuse vượt đường xa về nguyên quán để khai sinh, rồi sau đó dâng lễ thanh tẩy, dâng con đầu lòng và cử hành việc chuộc lại con đầu lòng theo như những gì luật tôn giáo qui định. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của Mẹ Maria, vì hơn ai hết, các ki-tô hữu phải là người gương mẫu trong việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa và biết vâng phục Hội Thánh, vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh là những người đại diện Chúa Kitô, đồng thời cũng biết tôn trọng thế quyền cách chính đáng nơi mình đang sống.
– Ai sống thánh thiện và khao khát Chúa thì Chúa sẽ cho gặp.
Cũng như cụ già Simêon, nữ ngôn sứ Anna ngày đêm ăn chay cầu nguyện, và bà đã được gặp Chúa và chúc tụng Người. Điều này cho thấy, muốn được gặp Chúa và được biến đổi đời sống, chúng ta cần có một đời sống thánh thiện và khao khát thật sự.
– Muốn con cái lớn lên trong ơn nghĩa thánh, cha mẹ cần biết dâng con cho Chúa.
Tin Mừng kể sau sự kiện được cha mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, trẻ Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và trong ơn nghĩa Chúa. Điều này mang ý nghĩa việc dâng trẻ Giêsu vừa để chu toàn lề luật, vừa ký thác cuộc đời cho Thiên Chúa hướng dẫn. Cũng vậy, các bậc làm cha làm mẹ hãy biết dâng con mình cho Thiên Chúa (dâng ở đây không có nghĩa là đi tu), nhưng là phải biết ký thác cho Chúa, xin Chúa soi sáng, ban sức mạnh và hướng dẫn con cái mình biết sống đẹp lòng Chúa và có ích cho Giáo Hội cũng như xã hội.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Xin cũng giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria mà cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân trần. Amen.
Lm. Hiền Lâm