CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN, NĂM C
THỨ HAI TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
30 tết ÂL: Thánh Lễ Tất Niên. TẠ ƠN
THỨ BA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Mùng 1 tết: Tân Niên, CẦU BÌNH AN
THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
THỨ NĂM TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Mùng 3 tết: THÁNH HÓA LAO CÔNG
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN, NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4, 21-30
Hôm ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! ” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng Chúa nhật IV Thường Niên (năm C) hôm nay, là câu chuyện Chúa Giê-su về thăm quê. Sau khi được xức dầu Thánh Thần và lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cùng với một số thành công nhất định ở Ga-li-lê-a, Đức Giê-su về thăm gia đình và nhân tiện cũng “ra mắt quê hương” bằng việc vào hội đường đọc Sách Thánh và giảng một bài trọng thể, cuốn hút và hấp dẫn, làm cho mọi người trầm trồ khen ngợi.
Thế nhưng, trong khi thán phục với sự cao cả của Lời rao giảng có uy quyền, thì liền sau đó lại bị sự thành kiến làm ngăn cản những người quê hương nhận ra Đấng đang nói với họ chính là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi.
1. Sự cao cả của Lời Chúa
“Mọi người tán thành lời hay ý đẹp Chúa Giêsu đã nói”. Khác với lời hay ý đẹp trong các danh ngôn, vì các danh ngôn chỉ là những lời phàm trần, chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm sống và giúp người ta tập tành theo một mức độ nhất định. Trong khi lời phát ra từ miệng Chúa Giêsu, là Lời Thiên Chúa, là Tin Mừng, lời này có sức biến đổi, thánh hoá và cứu độ con người.
Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đều có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người.
Vì thế, cần dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Kitô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.
Sự cao cả của Lời Chúa làm cho mọi người thán phục và có sức biến đổi, nhưng đôi khi chính sự kiêu ngạo và thành kiến đã làm cản trở Lời Chúa không thể sinh hoa kết quả được, như trường hợp của những người thuộc quê hương Đức Giêsu.
Người Do-thái ở Na-da-rét tự hào biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin vì sự thành kiến và ganh tỵ.
Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác. Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?
2. Ngôn sứ thường bị rẻ rúng tại quê hương.
Những người ở quê hương Chúa Giêsu trong cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Kitô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.
Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.
Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giêsu từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là Giáo Lý Viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…
Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…
Lạy Chúa Giêsu, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,39-55
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đờisẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
II. SUY NIỆM
Bài hát “Nhật Ký Đời Tôi” của nhạc sĩ Thanh Sơn có đoạn nói về phút chạnh lòng nhìn lại cuộc đời: “Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số 0. Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi? Trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi…”
Trong bối cảnh của ngày cuối năm Âm Lịch, chúng ta cũng có dịp nhìn lại suốt một năm qua với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình, giờ còn lại điều gì? Chúng ta đã thương ai và đã quên ai, chúng ta đã làm được gì cho Chúa và cho nhau… Hay tất cả chỉ còn là con số không?
Chúng ta nhìn lại, không phải để thất vọng và nuối tiếc, nhưng nhìn lại để tạ ơn Thiên Chúa vì một năm đã trải qua đủ vui buồn sướng khổ, nhưng tất cả đều trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng Mẹ Maria cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa qua bài Magnificat mà bài Tin Mừng hôm nay ghi lại:
Xuất xứ của lời kinh Magnificat cho đến nay vẫn chưa hết những tranh luận của nhiều nhà thần học, nhưng dựa theo chính những lời được thốt ra trong lời kinh “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” mà đặc ân “đầy ơn phúc” lúc này chỉ có nơi Mẹ Maria và được khẳng định qua sứ thần Gabriel cũng như của bà Elisabeth, nên ta không nghi ngờ gì nữa mà chắc chắn lời kinh này được hát lên từ môi miệng Mẹ Maria, ca ngợi lòng thương xót của Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc dân Người. Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2, 1- 10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ.
Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53) . Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.
Có thể nói, Mẹ Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Mẹ Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19).
Cụm từ tapeinoi hoặc anawim theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Mẹ Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
Kính mời Mẹ cùng vào nhà chúng ta, cùng đến gia đình chúng ta để cùng “ăn tất niên” và ca ngợi Thiên Chúa với chúng ta.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5, 1-10
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ
Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
II. SUY NIỆM
Trong thánh lễ Giao Thừa, giờ phút linh thiêng nhất trong năm, thời khắc bàn giao lại mọi thứ của năm cũ để chào đón năm mới với bao hy vọng. Mọi Kitô hữu tìm đến gặp Chúa để được Người ban phước lành năm mới và xin Người xông đất nhà tâm hồn mình.
Bài Tin Mừng mà Phụng Vụ Giáo Hội dọn cho chúng ta nghe hôm nay là tám lời chúc phúc của Chúa Giêsu, quen gọi là Hiến Chương Nước Trời.
Những lời chúc phúc xem ra có vẻ ngược đời, nhưng thực ra, lại là một thực tế trong cuộc sống này mà ai cũng phải đối diện, chỉ khác nhau ở chỗ người ta sẽ làm gì để biến hoạ thành phúc và đem những thực tại đó đạt đến một thực tại tối hậu cho đời mình.
Qua Bát Phúc, cho thấy con đường sống đạo rất đa dạng và phong phú. Mỗi mối phúc là mỗi phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu và là một phương thế nên thánh. Những mối phúc này như là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy.
– Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Là không lo tìm vật chất hưởng thụ và bị vật chất che khuất, để rồi lo chạy theo vì lòng tham và thủ đoạn mà lãng quên Nước Trời.
– Phúc thay ai hiền lành. Ngày nay sự ác đang tràn lan, đạo đức xuống cấp, dễ dàng giết người không nương tay, thì người theo Chúa biết khiêm nhu hiền hậu.
– Phúc thay ai sầu khổ. Biết kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô và dâng hết cho Người.
– Phúc thay ai khát khao nên người công chính. Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao; phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chì là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi.
– Phúc thay ai xót thương người. Là biết vui với người vui, khóc với người khóc, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Thay vì lo thu vén gom góp cho mình, người theo Chúa biết sống trao ban và chia cơm sẻ áo cho nhau.
– Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch. Giữa một thế giới xuống cấp về đạo đức luân lý, buông mình theo dục tính khoái lạc, thì người theo Chúa phải biết sống tiết chế, chừng mực và trong sạch.
– Phúc thay ai xây dựng hoà bình. Tránh sự gây gỗ hận thù và đem bình an đến cho nhau.
– Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính. Vì đức tin và lòng mến Chúa, dám làm chứng nhân trong mọi hoàn cảnh, dù đôi khi phải chịu thiệt thòi vì danh người có đạo.
Như thế, dù xem ra phải sống ngược đời và lội ngược dòng, nhưng nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng và đích thực. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho biết bao tín hữu. Họ đã chiến thắng gian khổ, vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mọi người chúng con bắt đầu một năm mới tràn đầy niềm tin, lòng mến và hy vọng,biết phấn đấu sống từng mối phúc trong sự yêu thương quan phòng của Chúa.Để năm mới này, chúng con thêm đổi mới, từ tâm hồn đến thể xác, nên con người mới là chỉ biết sống cho Chúa và tha nhân. Amen.
LỄ TÂN NIÊN – MỒNG MỘT TẾT – CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI
1. Mẫu A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6,25-34
Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
II. SUY NIỆM
Phụng vụ Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng ngày minh niên nói lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnhcủa vũ trụ và thế giới, làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Vì thế, cầu bình an cho năm mới là tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho có lòng tin vào bàn tay Chúa quan phòng.
Con người không được bình an là quá lo lắng về của cải vật chất, để rồi trằn trọc nghĩ suy tính toán, lấn chiếm hết cả thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện, dẫn đến mất cả niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi.Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Ngài dựng nên mọi sự tốt đẹp; biết xây dựng nước Trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi người.
Chúa Giêsu đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: “Chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến”, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người.
“Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài”, nghĩa là: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa. Nếu đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhân ngày đầu năm mới này, biết phân định giữa việc chọn Chúa hay chọn tiền bạc, quá lo lắng đến vật chât hay luôn tín nhiệm vào sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết ưu tiên tìm kiếm Nước Chúa và sự thánh thiện, để mọi thứ khác Chúa sẽ ban cho chúng con. Amen.
b. Mẫu B.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,43-48
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
II. SUY NIỆM
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cho đọc Bài Tin Mừng kể về phần cuối của bài giảng “kiện toàn lề luật” của Chúa Giê-su, xoay quanh chủ đề: “Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”. Đó là chủ ý mà Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hãy quên đi tất cả những gì thù hận trong năm cũ, để bắt đầu một tình yêu mới dành cho mọi người trong năm mới này.
• Luật xưa dạy: “Hãy yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù”.
Đây là điểm tương khắc cuối cùng giữa luật cũ và luật Tin Mừng. Cựu Ước nói về lòng nhân ái, nhưng là sự liên đới đồng đạo (trong Do-thái với nhau) mà thôi.
Về vấn đề “ghét kẻ thù”, thật ra trong Cựu Ước không nói rõ vấn đề này, nhưng có những chỗ có tư tưởng tương đương (x. Đnl 7,2). Đúng hơn, luật Cựu Ước nói về kẻ thù dân tộc hơn là kẻ thù cá nhân. Tư tưởng này khuyên người ta dè dặt với kẻ thù xâm lược, không nên giúp đỡ chúng và thậm chí thà giết sạch còn hơn thông đồng với chúng trong lầm lỗi.
Tắt một lời, dù cách nào đó luật Cựu Ước về đức ái đã ở một mức cao hơn các tôn giáo và các dân tộc sơ khai, nhưng bao lâu còn có tư tưởng trả thù thì bấy lâu hận thù còn truyền kiếp. Vì thế, cần đến luật Tin Mừng như Chúa Giê-su dạy hôm nay.
• Thầy Giê-su dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”.
Đây quả là một lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng là những môn đệ Chúa lại phải cố gắng thực hiện vì những lý do sau:
– Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giêsu trên thập giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
– Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
– Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
– Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Vì thế, hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một trái tim quảng đại như Chúa, vươn lên cao vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ; Thay vì toan tính phục thù, chúng con biết cầu nguyện cho những người làm hại chúng con; xin cũng cho vòng tay chúng con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét chúng con. Amen.
c. Mẫu C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,23-27
Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
II. SUY NIỆM
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội Việt Nam chọn ý lễ là cầu xin Chúa Xuân ban Bình An của Người cho quê hương, đồng thời cũng mong muốn mọi người biết kiến tạo bình an cho nhau. Cùng trong ý nghĩa đó, thật thích hợp biết bao khi đọc Bài Tin Mừng về sự bình an mà chúng ta vừa nghe.
Bình an. Đó là khao khát của con người mọi nơi và mọi thời. Người có được sự bình an thì đáng quý hơn tất cả. Bình an vượt lên trên tất cả sự giàu sang, danh vọng, quyền lực…
Người có nhiều của cải ư? Lo lắng sợ bị mất… mất bình an
Người có quyền lực ư? Lo ngại kẻ thù… mất bình an
Không phải làm vua mà được bình an thư thái, vì sợ bị ám sát hay sợ bị lật đổ
Cũng không phải nghèo khó mà được tự tại an vui, vì lo lắng cho cái ăn cái mặc
Nhưng có một điểm chung của bất kỳ ai là đều mất bình an vì lo sợ tương lai. Tương lai sẽ ra sao và sẽ đi về đâu…
Oiralih nói rằng: “Khi đến với cung vua hay nơi sang trọng nhất là khi bạn mất bình an nhất, nhưng nếu muốn bình an thì bạn hãy bước vào tu viện”. Thật vậy, nơi các tu viện không phải vì đầy đủ cơm no áo ấm, mà vì nơi đó các tu sĩ sống an nhiên tự tại khi họ từ bỏ tất cả những lo toan vật chất để chỉ lo phụng sự Chúa.
Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Thứ bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai buớc theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Trong Thánh Kinh, từ thời Cựu Ước, người ta dùng từ “bình an” để chào hỏi nhau lúc gặp gỡ. Còn ngôn sứ Isaia thì tiên báo Đấng Messia sẽ là “Hoàng Tử Bình An”. Khi Chúa Giêsu sinh hạ nơi hang đá Bêlem, các thiên thần cũng đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người Chúa thương”. Như thế, Chúa Giêsu chính là sự BÌNH AN đích thực của Thiên Chúa, và sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống từ trời chính là ban bình an cho nhân loại.
Tóm lại, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian qua lời thiên sứ hát mừng là “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”, thì nay khi sắp lìa bỏ những người Chúa thương mà trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng để lại ơn bình an ấy. Ơn bình an mà từ đây, những người theo Chúa thì không còn sợ hãi tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Thật vậy, khi có Chúa, Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay tự bây giờ, mà còn hi vọng được về “quê BÌNH AN” vĩnh cửu trên trời.
Lạy Chúa Giêsu, như trong thánh lễ mỗi ngày, chúng con nhắc lại lời Ngài phán với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đoái thương ban cho gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, hội thánh của Chúa, và quê hương đất nước chúng con được bình an. Đặc biệt trong năm mới này, chúng con biết tạo bình an cho nhau. Amen.
MỒNG HAI TẾT – CẦU CHO TỔ TIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 15,1-6
Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? ” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.
II. SUY NIỆM
Hôm nay mồng hai tết – kính nhớ tổ tiên, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng kể về lời sự tranh luận của Chúa Giêsu với các biệt phái Pharisiêu, xoay quanh việc giữ luật thảo kính cha mẹ và tập tục tiền nhân.
Trọng tâm chính của lần tranh luận này giữa Chúa Giêsu và Biệt Phái là sự đối kháng giữa hai quan niệm, hai hình thức giữ luật. Các luật sĩ thắc mắc: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân?…” Chúa Giêsu trả lời họ cũng bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”
Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
Vì quá câu nệ luật nên biệt phái Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như “rửa tay trước khi ăn”, “dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ”. Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản là hiếu kính cha mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa.
Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Ngài xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ, vượt trên hình thức, là tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương.
Chúa Giêsu lấy một ví dụ về việc thực hành tập tục phàm nhân bịa ra để cho họ thấy, chẳng những đây không phải là luật Chúa mà còn có thể đi ngược lại Luật Chúa. Luật Thiên Chúa trong điều răn thứ tư là phải “hiếu thảo với cha mẹ của mình”.
Người Pharisêu giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisêu,và mọi thế hệ rằng:” Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương và tôn kính.
Ngày nay, thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa dạy phải sống trọn đạo hiếu.
Lạy Chúa Giêsu, khi còn sống ở trần gian nơi gia đình Thánh Gia Nazareth, Chúa đã nêu gương về lòng đạo đức và vâng phục cha thánh Giuse và mẹ Maria. Xin cho chúng con cũng luôn biết tôn kính vâng lời và phụng dưỡng các bậc cha mẹ, xứng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của các ngài đã dành cho chúng con. Amen
MỒNG BA TẾT – THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,14-30
“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! ” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
II. SUY NIỆM
Hôm nay mồng ba tết, ngày truyền thống Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cầu xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá công ăn việc làm trong năm mới. Phụng vụ Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta ý thức hơn về việc làm sinh lợi cho Thiên Chúa qua ân huệ và khả năng mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Người muốn con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Người qua đời sống lao công, đồng thời Người ban mọi ân huệ: thời gian, sức khoẻ và tài năng cho con người, để con người hoàn thành những gì Người đã giao phó.
– Một ông chủ đi xa trao lại cho các đầy tớ gìn giữ những nén bạc của ông. Nghĩa là khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa trao cho chúng ta một ân huệ tuỳ khả năng từng người, rồi Ngài ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, tài năng, để chúng ta làm sinh lợi cho Ngài.
– Người nhận năm chục ký nén hay hai mươi cân hoặc một trăm lạng là tuỳ khả năng mà ông chủ tín nhiệm giao cho. Điều ông chủ muốn là sinh lời chứ không phải chôn giấu tiền bạc của ông chủ để chờ khi ông về trả lại. Cũng vậy, Thiên Chúa ban cho ta ơn đức tin qua Hội Thánh, chúng ta cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Kitô Giáo, chứ không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả.
– Người nhận hai nén và năm nén đã sinh lợi gấp đôi, nghĩa là những ai biết dùng ơn Chúa để hoàn thiện bản thân và mưu ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.
– Người nhận một nén đã chôn giấu đi, nghĩa là dù mang trên mình ấn tích rửa tội nhưng đã không sống đạo, đã để cho hạt giống đức tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.
– Cái khác nhau ở chỗ là: người làm sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến ông chủ nên đã tự nguyện làm việc nên đáng được ông chủ thưởng công; còn người sợ ông chủ và nghĩ xấu về ông chủ là người hà khắc nên đã sợ sệt đem chôn giấu nén bạc. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa mà sống đạo, thì tự sự yêu mến sẽ sinh hoa kết quả; còn khi chúng ta làm vì sợ Chúa phạt thì không đem lại công phúc gì.
– Cuối cùng kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ, tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con những ân huệ cần thiết để cộng tác với Ngài trong công trình tạo dựng. Xin Chúa ban cho chúng con được mưa thuận gió hoà và chúc lành cho mọi công việc của chúng con, để chúng con vừa có lương thực hằng ngày nuôi dưỡng thể xác, vừa để đóng góp vào sự phát triển xã hội nhân loại như lòng Chúa ước mong, lại vừa làm cho Chúa được vinh danh khi chúng con biết sử dụng sao cho ích lợi qua những ân huệ Chúa ban. Amen.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,14-29
Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy! “
Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! ” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
II. SUY NIỆM
Ngày nọ mèo Tom vác súng vào nhà chuột, nó dí súng vào năm con chuột đang ngơ ngác run sợ.
Mèo Tom hỏi con chuột thứ nhất: 1+1 = mấy?
– Dạ, bằng 2
– Pằng, mày biết quá nhiều rồi đấy !
Mèo Tom hỏi con chuột thứ hai: 1+1= mấy?
Con chuột thứ hai thấy con chuột thứ nhất trả lời đúng thì bị bắn chết, nên nó thưa:
– Không biết.
– Pằng, đồ vô tích sự không đáng sống.
Đến lượt con chuột thứ ba, mèo Tom tiếp tục: 1+1=?
Con chuột thứ ba trả lời: Nói biết cũng chết, nói không biết cũng chết, rốt cuộc là anh Tom muốn gì?
– Pằng, mày nói quá nhiều rồi đấy, dám lý luận với cấp trên hả?
Mèo Tom tiếp tục dí súng vào con chuột thứ tư: 1+1=?
Con chuột thứ tư co ro run cầm cập và im thít không dám nói gì. Mèo Tom không bắn mà vui vẻ bảo: Biết sợ và biết im lặng vậy là khôn hồn đó mày, mày đứng đó.
Cuối cùng đến lượt con chuột Jerry, mèo Tom hếch hàm hỏi: 1+1=?
Con chuột Jerry rất láu cá, nó vội nói: Úi dời ơi, bài toán này hóc búa lắm, chỉ có cái đầu siêu thông minh như ngài Tom mới giải được thôi !
Mèo Tom khoái chí nói: Ơ, thằng này được, mày theo tao.
(Tiếc là 2 con chuột mà mèo Tom để cho sống này sau đó đã làm cho mèo Tom chết dở sống dở…)
Thiết nghĩ, nếu Gioan Tẩy Giả ngày xưa im lặng không lên tiếng cho sự thật thì ngài đã không bị tống ngục, và nếu ngài biết xu nịnh thì đã không bị cái mưu mô ác hiểm của phụ nữ làm cho đầu lìa khỏi thân.
Giữa cuộc trần thế này, trong mọi lãnh vực của xã hội, biết im lặng và xu nịnh thì dễ tiến thân, và ngược lại, ai dám sống cho sự thật và lên tiếng vì công lý thì dễ bị trù dập và hãm hại.
“Trung thực thật thà thường thua thiệt
Lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”
Im lặng và xu nịnh để tiến thân đến cả trong môi trường giáo dục, đến nơi công sở và trên mọi cơ quan công quyền, thậm chí ảnh hưởng vào cả đời sống Giáo hội và nơi cả những dòng tu và tu hội. Kẻ dám nói và dám sống thường bị trù dập và thua thiệt đủ điều, còn kẻ nào biết im lặng lươn lẹo và nịnh “cấp trên” thì luôn được thuận buồm xuôi gió.
Âu cũng vì người có chức quyền thì hành xử kiểu Hê-rô-đê, mà kẻ gian xảo thì mang tâm địa của bà Hê-rô-đi-a-đê như trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe mô tả:
– Hêrôđê Antipas để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bày ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội. Cũng vậy, xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục lôi cuốn làm cho chúng ta sa ngã, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì biết quay đầu sửa lỗi, lại tìm các ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng hãm hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.
– Bà Hêrôđiađê từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Baptista can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nên nuôi lòng thù hận và đã bày ra trò “mỹ nhân kế” của cô con gái rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính.. Giữa xã hội hôm nay cũng thế, nhiều người không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.
– Đứng trước tội loạn luân của Hêrôđê Antipas và Hêrôđiađê, thánh Gioan Baptista không ngại khiển trách can ngăn, mặc dù biết rằng phải đối diện với cái chết, và ngài đã phải trả giá bằng việc bị trảm quyết. Ngày hôm nay, giữa một xã hội đầy giả dối cùng với lối sống suy đồi đạo đức luân lý, Giáo Hội rất cần những con người dám nói lên sự thật, rất cần những người dám đi ngược dòng bằng việc sống trong sạchh đạo đức…
Lạy Chúa, giữa xã hội ngày hôm nay đầy cám dỗ buông thả và toan tính lọc lừa, xin cho chúng con biết sống tiết độ, xa lánh những lối vui chơi không lành mạnh và đặc biệt dám can đảm làm chứng cho sự thật. Amen
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,30-34
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc các Tông Đồ đi rao giảng về hồ hởi báo cáo những thành quả tốt đẹp với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo các ông lui vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên, vì nhu cầu của dân chúng khao khát được nghe rao giảng, Chúa Giêsu và các Tông Đồ đã không còn thời giờ nghỉ ngơi vì lòng thương dành cho họ.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta cũng suy niệm hai điểm sau đây:
1. Hoàn cảnh của dân chúng.
Họ giống như đoàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt . Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lêvi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các kinh sư, các tiến sĩ luật… Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các kinh sư chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là lo dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ lo tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa. như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt” (x. Ed 34,2-6). Họ nói mà không làm, lời họ giảng chỉ là những gánh nặng hơn là giải thoát và niềm vui của Lời Chúa. Chính vì thế mà sự xuất hiện của Tin Mừng mà Chúa Giêsu và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đặt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giêsu và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.
2. Những giây phút tĩnh lặng.
Trước hết, Chúa Giêsu cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.
Kế đến, theoTin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giêsu rút lui vào yên lặng không chỉ để cầu nguyện hay nghỉ ngơi mà còn để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu cũng muốn các Tông Đồ xa lánh sự tung hô của dân chúng cũng như tránh đi sự nhầm tưởng không đúng về sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Lại nữa, Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hiệp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng Vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa…
Lạy Chúa Giêsu, cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình chạnh lòng thương của Chúa, để chúng con biết lên đường làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ, hầu cho Nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi, cách riêng trên đất nước chúng con. Amen.
Lm. Hiền Lâm