Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật XXIII: “DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG” (Viết Huy)

 

Mc 7, 31-37

“Dũng mạnh để yêu thương”

 M. Viết Huy

 

Trên bài báo Dân Trí, số ra ngày 9/4/2009, kể lại câu chuyện tự thuật của người khuyết tật như sau:

Tôi là người khuyết tật. Hiện nay tôi đã 31 tuổi đang có công việc ổn định, tuy nhiên tôi vẫn bị nhiều người phân biệt đối xử. Vì vậy tôi vẫn mặc cảm và đeo đẳng một nỗi buồn của người bị khuyết tật.

Tôi không bao giờ quên được những năm tháng là học sinh đã bao đêm tôi khóc thầm vì bị bạn bè trêu chọc, bị trẻ con chế giễu. Ngay cả trong mơ tôi vẫn bị nỗi buồn ấy ám ảnh. Tôi cứ tưởng đến khi trưởng thành sẽ không còn bị ai chế giễu nữa. Vậy mà lúc đã là thanh niên, tôi đi qua một đám đông người ta cười rộ lên và bình phẩm bằng những lời thật bất nhã, có thể nói là độc ác nữa. Đối với người bình thường thì họ tưởng đó chỉ là những câu trêu chọc người tàn tật để giải trí nhưng với tôi chẳng khác nào những mũi kim đâm vào trái tim mình. Không những vậy, sau khi cất lên những lời bình phẩm khiếm nhã ấy, họ còn cười hể hả vì đã có dịp đưa một người tật nguyền ra làm trò cười! Những người không cười thì nhìn tôi với vẻ e ngại và thương hại.

Nhiều lúc tôi nghĩ số phận minh khổ sở thế, sinh ra để làm trò cười cho thiên hạ.Tôi cảm thấy tủi nhục vô cùng và có lần đã nghĩ đến cái chết để kết thúc những ngày sống đen tối. Trong công việc, tôi cũng không được đối xử bình đẳng. Tôi buồn. Rất buồn. Và cô độc!

Nghe qua câu chuyện mà lòng xót xa, pha trộn một chút giọt lệ cay cay trên đôi mắt…  cùng với tấm lòng giận hờn, than trách. Than trách, giận hờn vì những vô tình, vô tâm, vô cảm, thiếu nhân tính… của những con người đem nỗi bất hạnh, đau thương của người khác ra chế giễu, làm trò cười cho mình; lòng xót xa, những giọt lệ cay rơi xuống vì tâm hồn đồng cảm, muốn chia sẻ nỗi đau với mảnh đời bất hạnh. Là người môn đệ của Chúa, chúng ta cần có thái độ nào và nên làm gì cho những mạnh đời như thế?

 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cũng thật lại câu chuyện người khuyết tật vừa bị câm, lại vừa bị điếc, được Chúa Giêsu chữa lành.

 Khuyết tật là trình trạng mất mát, khốn khổ của con người, nó lấy đi những khả năng tự nhiên, làm cho người khuyết tật không thể sinh hoạt bình thường  như bao người khác. Họ bị thiệt thòi về mọi mặt, thiệt thòi ngay trong chính bản thân, cũng như trong cuộc sống và quyền lợi xã hội. Người khuyết tật mang chứng bệnh câm và điếc trong Tin Mừng hôm nay nói lên tất cả điều đó.

Nói và nghe là hai chức năng để truyền thông giữa người với người, nhưng người đàn ông mà Tin Mừng Marcô đề cập hôm nay, anh ta  lại mắc chứng bệnh vừa  câm vừa điếc. Vì vậy, anh không còn khả năng giao tiếp bình thường với người khác được nữa. Dường như anh bị tách ra khỏi thế giới xung quanh, vì anh không hiểu được người khác, cũng như người khác không hiểu được anh (x. c.32). Cũng có thể, vì mặc cảm, tự ti, anh đã thu mình lại, sống trong ốc đảo của riêng mình, không còn sự tương giao với xã hội. Đây là nỗi đau, sự mất mát không thể bù đắp. Vì bản tính con người sống là: sống cùng, sống với và sống cho.

Bên cạnh đó, anh cũng phải đối diện với những quan niệm hà khắc và sai lệch của người đương thời lúc bấy giờ. Theo quan niệm người Do-thái, những người mang trong mình các chứng bệnh là vì do họ phạm tội. Do đó, một cách nào đó, anh khuyết tật trong bài Tin Mừng bị đồng hóa là kẻ tội lỗi. Hơn nữa, anh được sinh ra ở miền Thập Tỉnh, miền này thuộc dân ngoại. Mà theo cái nhìn của người Do-thái, dân ngoại là dân tội lỗi và ô uế. Chính vì vậy, anh bị mọi người coi thường, không tiếp xúc và lánh xa anh.

Cuộc đời đối với bản thân anh được xem như là mất mát, thiệt thòi, lạc lõng, cô đơn. Còn đối với xã hội Do-thái lúc bấy giờ, anh bị xem như một cục nợ, một cái gai trong mắt người khác, đau đớn hơn là anh bị người ta xem như đồ bỏ đi, vì mang trong mình trọng tội. Anh quả là một người bất hạnh, sống trong tủi nhục và cô độc. Anh sống mà xem như đã chết, vì anh được sinh ra trong câm lặng, và chết dần chết mòn theo năm tháng trong tủi nhục, cay đắng.

Khi tiếp cận với mảnh đời bất hạnh của anh, Đức Giêsu đã nhìn anh với ánh mắt trìu mến, con tim đồng cảm với nỗi cô đơn, bất hạnh mà anh đang phải chịu. Người đã chạnh lòng thương và chữa anh khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

 

Thánh Marcô thuật lại hai hành động mà Đức Giêsu đã làm để chữa bệnh cho anh là: đặt ngón tay vào lỗ tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh (x. c 33).

Hành động “đặt tay vào lỗ tai và bôi nước miếng vào lưỡi”, nói lên điều quan trọng, là: Người đã vượt qua luật ô uế của người Do-thái để chạm vào anh và trao yêu thương, giải thoát anh khỏi căn bệnh câm điếc, ban lại cho anh một cuộc sống bình thường, giúp anh hội nhập với cuộc sống cộng đoàn và xã hội. Hơn nữa, Người đã phá đổ hàng rào ngăn cách giữa người Do-thái và dân ngoại, để đem ơn cứu độ và trả lại cho anh thiên chức làm con Thiên Chúa.

Một câu chuyện mang đậm tính nhân văn, đầy tình thương và lòng nhân ái. Tình Chúa vượt lên trên rào cản, ngăn cách của các tập tục do con người đặt ra, để trao ban yêu thương, còn tình người dám mở rộng cõi lòng để đón nhận. Đây là mấu chốt để phép lạ được diễn ra tại một vùng đất thuộc dân ngoại. Đúng là: tình yêu sẽ làm cho con người được sống và sống dồi dào, còn cách sống câu nệ hình thức luật, sẽ bóp nghẹt và làm băng giá con tim. Nhất là qua phép lạ, quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện, và “ơn cứu độ phổ quát” đã được trao tặng cho loài người.

 

Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay, cũng tiên báo về tình yêu Thiên Chúa sẽ cứu thoát con người khỏi những bất hạnh: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: can đm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 4-7).

Những gì ngôn sứ Isaia loan báo thuở xưa đã ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là Đấng Cứu Thế đã viếng thăm dân Người. Chính Người cho kẻ què đi được, người câm nói được, kẻ điếc được nghe Tin Mừng… Đặc biệt, Người đến không chỉ để tỏ lòng xót thương những người đau khổ ngay đời này, nhưng còn để cứu chuộc loài người khỏi ách thống trị của ma quỷ và ban hạnh phúc đời đời làm gia nghiệp.

Đức Kitô đã được sai đến để phục hồi lại nhân phẩm và đem lại hạnh phúc cho con người. Vì vậy, trong Thiên Chúa không có sự phân biệt Do-thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn, người Kitô hữu hay người ngoại giáo… nhưng tất cả đều là một trong Đức Kitô (x Cl 3,11). Chính vì đặc tính này, mà thánh Giacôbê đã khuyên bảo chúng ta trong bài đọc hai như sau: “Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2,2). Đây là những lời cảnh tỉnh, nhắc nhở và mời gọi chúng ta, đừng  thiên vị hay có tà tâm trong cách đối xử với những người kém may mắn, bất hạnh và thấp hèn…

 

Qua một vài chia sẻ trên, cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương, che chở và bảo vệ những con người khổ đau, bất hạnh… Cũng như phần nào, ta thấy được tình trạng khốn khổ của những người khuyết tật nói chung và người câm điếc trong Tin Mừng hôm nay nói riêng. Họ không thể có đời sống như bao người bình thường khác. Hoàn cảnh của họ thật đáng thương, cần được mọi người quan tâm, nâng đỡ… Tuy nhiên, đã biết bao lần trong cuộc sống, khi chúng ta đối diện, gặp gỡ họ, hay họ có sự cậy nhờ tới chúng ta, chúng ta đã e ngại, né tránh, thậm chí có những lời nói và hành động thiếu tế nhị, xúc phạm tới nỗi đau của họ. Vì vậy, hôm nay là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình và học nơi gương thầy Giêsu tấm lòng bao dung, xót thương và nhân ái đại đồng. Để trong hiện tại và tương lai, chúng ta biết đồng cảm, chia sẻ, nhất là tôn trọng nhân vị của người bất hạnh và nhìn nhận họ cũng là người anh em cùng một Cha trên trời.

Bên cảnh đó, hình ảnh “người câm điếc” trong Tin Mừng hôm nay, cũng phản ánh đâu đó chính con người chúng ta. Mỗi người chúng ta, có thể không bị câm điếc về thể xác, nhưng chúng ta có thể đang bị câm điếc về tâm linh, khi không thể nói lời chân thật, không thể nói lời yêu thương, không dám lên tiếng để bênh vực quyền lợi của người thấp cổ, bé miệng; và cũng không thể lắng nghe lời Chúa và những lời hay ý đẹp của người anh em, nhất là không giám mở tai lòng ra để lắng nghe tiếng ai oán của bao người anh em đang kêu cứu.

 

Lạy Chúa. Xin ban cho chúng con một con tim luôn biết rộng mở, biết yêu thương… và giúp chúng con dám vượt qua chính mình, vượt qua bức tường ngăn cách giàu nghèo và những con mắt khinh bỉ, e ngại… để chúng con dũng mạnh đến với những người bất hạnh bằng con tim đồng cảm và yêu thương.

 

M. Viết Huy 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI Mầu nhiệm tội lỗi Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...