CHỚ COI THƯỜNG NHỮNG ĐIỀU NHỎ MỌN
(Bài suy niệm Thứ 2 tuần III MC)
Lúc sinh thời Đức Phật Thích Ca thường dạy: có 4 đối tượng tuy nhỏ bé nhưng chúng ta không được xem thường. Bốn điều không nên xem thường (“Tứ bất khả khinh”) ấy là:
1- Một vị Hoàng tử nhỏ.
2- Một con rắn con.
3- Một đốm lửa nhỏ.
4- Và một vị tu sĩ nhỏ tuổi.
Lời Đức Phật dạy trên đây muốn nói với chúng ta: đừng coi thường những chuyện nhỏ. Đúng vậy, thực tế cuộc sống chứng minh cho thấy có biết bao gợi ý, biết bao lời khuyên, bao lời cảnh báo có vẻ nhỏ nhoi, tầm thường nhưng nếu người ta không mấy quan tâm, không giữ và làm theo chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường…
Coi thường những điều dù nhỏ cũng có thể đưa đến thất bại nếu không muốn nói là gặp nguy hiểm. Quả vậy, trong bài đọc I (2V 5, 1-15a), lúc ban đầu tướng Naaman chẳng đoái hoài gì đến lời khuyên của vị tôi tớ Chúa. Khi được vị tôi tớ Chúa yêu cầu tướng Naaman: “Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch”, ông không nghe. Một lý luận hết sức hợp lý mà vị tướng đưa ra để từ chối lời đề nghị: “Các con sông Avana và Pácpa ở Ðamát không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?”. Không chỉ Naaman làm vậy mà hầu như nhiều người nếu ở trong hoàn cảnh như ông cũng xử sự như thế.
Tuy nhiên cái kết của câu chuyện thật đẹp vì đã có sự thay đổi từ chính đương sự. Lời khuyên ban đầu của vị tôi tớ Chúa với tướng Naaman cần phải thêm một trung gian nữa đó là lời phân bua của đứa tớ gái, khi đó ông mới chấp nhận. Chính lúc ông nghe lời và làm theo sự chỉ giáo của vị ngôn sứ mới giúp cuộc đời của ông bước sang một trang sử mới: ông được hồi sinh và tiếp tục sự nghiệp của mình như ý định của Thiên Chúa.
Cũng vậy, trong bài Tin mừng (Lc 4, 24-30), các thính giả trong hội đường Dothái hôm đó không đoái hoài gì đến lời dạy của Chúa Giêsu: họ coi thường, khinh thường và chống đối ra mặt những lời giảng dạy của Người. Chúa Giêsu một lần nữa nhắc lại câu ngạn ngữ cũng là qui luật muôn thuở của con người: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Dưới ngòi bút của thánh Luca “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. Từ việc khinh miệt này sẽ dẫn tới nguy hiểm cho đời sống đức tin của họ, nhất là việc đón nhận hay từ chối sự sống đời đời. Tuy nhiên nếu chúng ta đọc trình thuật này theo ghi nhận của thánh Mátthêu (Mt 13, 54-58) thì có những khác biệt đáng kể: người nghe “sửng sốt và nói: Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?”. Bức tranh của thánh Mátthêu mô tả có vẻ sáng sủa hơn, hy vọng hơn, an toàn hơn.
Tóm lại, không chỉ những gì thuộc về lãnh vực tự nhiên, vật lý hay tâm lý mà ngay cả vấn đề tâm linh, mọi điều đều cần chúng ta quan tâm đúng lúc, đúng cách và đúng mức. Một nguyên tắc để sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay nói riêng và áp dụng Lời Chúa vào cuộc đời mỗi Kitô hữu nói chung là trong mọi trường hợp đừng có thái độ khinh thường thiếu suy xét hay thiếu tin tưởng mà đánh mất đi những cơ hội tốt. Muốn được như thế chúng ta đi từng bước theo tiến trình “xem – xét – làm” từng điều nhỏ một trong kho tàng giáo huấn của Chúa Giêsu và theo sát điều mẹ Giáo Hội chỉ dạy.
Những đoạn Kinh Thánh tiêu biểu sau đây nhắc nhớ chúng ta chớ coi thường những điều nhỏ mọn.
Trước hết lời đầu tiên trong bộ Thánh Vịnh của Cựu Ước chỉ cho chúng ta con đường hoặc là được sống hay phải chết:
“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1, 1-6).
Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu trong Tin mừng có lần cũng đã dạy: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 18). Hoặc câu: “Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18, 10).
Như vậy, ngoài việc thẩm định giá trị của từng chọn lựa, luôn luôn có hai con đường để chúng ta tự do theo hay từ chối. Vậy chúng ta chọn thế nào thì sẽ được như vậy.
Mai Thi