QUAN LỘ TÌNH YÊU
Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm B: Mc 1,1-8
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Cứ đến Mùa vọng, chúng ta được gặp lại khuôn mặt thánh Gioan Tiền Hô – vị ngôn sứ dọn đường cho Chúa đến. Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật II Mùa vọng, Năm B hôm nay, cả trong trích đoạn sách Isaia (Is 40,1-5.9-11) lẫn trích đoạn Tin mừng theo thánh Máccô (Mc 1,1-8) đều nói đến việc dọn đường để đón Chúa ngự đến: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi”. Đó là tiếng thánh Gioan Tiền Hô vang lên thức tỉnh lòng người.
Để đón tiếp ai đó đến nhà mình chẳng hạn bạn bè, thân nhân, ân thân hay đón tiếp một vị thượng khách… chắc hẳn chúng ta phải chuẩn bị kĩ lưỡng, chẩn bị xa rồi chuẩn bị gần. Cụ thể nhất là mở mang, tôn tạo, làm vệ sinh sạch đẹp đường xá, để qua những con đường vật chất này mà người ta có thể gặp nhau trực tiếp “tay bắt mặt mừng” nhờ đó mà tình nghĩa nên keo sơn. Ngược lại, nếu con đường mà bị ách tắc, bị kẹt, người ta không thể đến được với nhau thì sẽ có ngu cơ “xa mặt cách lòng”.
Nếu con đường vật chất đã cần thiết cho con người là vậy, thì con đường thiêng liêng, con đường tâm linh còn cần thiết, còn quan trong cho con người biết bao. Bởi lẽ, con đường tâm linh chính là lối mở để Thiên Chúa – vị thượng khách đi vào cuộc đời ta, và để ta dễ dàng đến gặp Thiên Chúa là Cha nhân lành, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Do đó, ta cần xem xét lại con đường tâm linh của mình đang ở tình trạng như thế nào? Có thể con đường tâm linh trong ta đang gồ ghề vì kiêu ngạo, giận dữ; Có thể con đường tâm linh trong ta đang có những hố sâu vì dục vọng bất chính, ham mê danh lợi; Có thể con đường tâm linh trong ta đang rất quanh co bởi thói cau có vùng vằng, nói hành, nói xấu tha nhân.
Vâng, kt… Cũng có khi con đường tâm linh trong ta đang rất tồi tệ, bị kẹt, bị ách tắc, bởi những thói hư tật xấu, bởi những tội lỗi khiến chúng ta không thể mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân được. Vì thế mà, chúng ta phải dọn con đường tâm linh cho ngay thẳng, cho bằng phẳng, cho hết các chướng ngại để đón Chúa đến là điều vô cùng cần thiết.
Vậy, chúng ta có thể dọn đường để Chúa đến như thế nào đây? Cuộc sống của thánh Gioan Tiền Hô gợi lên cho ta hai cách thức để dọn đường đón Chúa:
Cách thứ nhất giúp ta dọn đường đón Chúa, đó là sống trong “sa mạc”: Cuộc sống trong sa mạc là nơi đầy khó khăn, thiếu thốn, có cả sự nguy hiểm. Người sống trong sa mạc có thể bị chết vì những trận bão cát, vì nắng nóng hay vì đó khát, bệnh tật, thú dữ rình rập… Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế thánh Gioan Tiền Hô đã hoàn toàn chỉ tin tưởng, cậy dựa vào một mình Thiên Chúa.
Thế thì, chúng ta sống giữa sa mạc cuộc đời này, thế gian này với ba thù vây hãm, chúng ta đang tin tưởng, cậy dựa vào ai? Cho nên chúng ta cần vào sa mạc nội tâm của lòng mình để tìm lại, để khơi lên niềm tín thác, cây trông vào Chúa trong tĩnh lặng, cầu nguyện, sám hối và hy sinh mỗi ngày.
Cách thứ hai giúp ta dọn đường đón Chúa đó là sống đơn sơ giản dị: Thánh Gioan Tiền Hô sống trong sa mạc, ăn châu chấu và mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da. Có lẽ ở thời đại chúng ta sẽ cho những thứ ấy là đặc sản, hàng sang, hàng hiệu. Nhưng ở vào thời thánh Gioan Tiền Hô những thứ ấy rất bình thường, nó luôn có sẵn trong sa mạc, và chỉ những người nghèo khó mới sử dụng. Thánh Gioan Tiền Hô không phải là người nghèo, bởi ông xuất thân trong một gia đình giàu có và quyền thế, nên nhớ ông là con trai duy nhất của thượng tế Dacaria. Thế mà, ông dám từ bỏ mọi vinh hoa quyền quý, để sống đơn sơ giản dị đón Đấng cứu thế đang ngự đến và giới thiệu cho mọi người.
Như vậy, thánh Gioan Tiền Hô đã chu toàn sứ mệnh dọn đường cho Chúa ngự đến bằng cả lời rao giảng, bằng cả hành động trong cuộc sống thường ngày. Ông kêu gọi người ta đến với Thiên Chúa thì chính ông đã dám từ bỏ mọi sự vào ở trong sa mạc để sống thân tình với Thiên Chúa. Ông kêu gọi người ta sám hối, thì chính ông đã sám hối trước. Bởi thế, lời kêu gọi của ông có sức lôi cuốn mãnh liệt. Tin mừng nói rằng: Mọi người từ khắp nơi kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa tỏ lòng thống hối để đón Chúa.
Và như thế, chúng ta cũng học được nơi thánh Gioan Tiên Hô những cách thức thích hợp để đón Chúa đến với chúng ta hôm nay. Ước chi Mùa vọng năm nay sẽ trở nên thời kỳ ân phúc, thời kỳ giúp chúng ta dọn mình sẵn sàng đón Chúa đến ban ơn cứu rỗi cho chúng ta bất cứ giờ phút nào, bất cứ ở đâu. Để được như vậy chúng ta hãy theo gương thánh Gioan Tiền Hô, sống bầu khí sa mạc trong tĩnh lặng, tĩnh tâm cầu nguyện, xưng thú tội lỗi. Đồng thời, chúng ta sống nơi sa mạc trần gian này với một cung cách đơn sơ giản dị, với một nhiệt huyết bác ái vị tha trong cuộc sống thường nhật. Có như thế thì giây phút Chúa đến gặp ta, ta ra gặp Chúa mới thực sự an bình hạnh phúc bây giờ và mãi mãi.
Lạy Chúa!
Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến.
Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến.
Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao.
Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.
Để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời.
Nguồn hạnh phúc cho con người, mùa cứu rỗi cho mọi nơi”.
(Nguyễn Duy- Để Chúa Đến)