Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Chúa nhật III Mùa Chay, năm A: “KHÁT” (Hiền Lâm).

 

 I. BÀI TIN MỪNG: Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42

Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống! ” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? ” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người phụ nữ lại nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. .. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

 

II. SUY NIỆM

“KHÁT”

Bài Tin mừng hôm nay như là một câu chuyện lãng mạn kể về một “chàng thanh niên” giữa trưa nóng bức gặp một phụ nữ và xin cô cho uống nước, trong một hoàn cảnh khác biệt quê hương, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo và vượt qua cả những cấm đoán gặp gỡ. Thật ra, đây có thể chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn về cuộc đời mà nhóm tác giả Tin Mừng thứ tư đã khéo léo trình bày để chuyển tải ý nghĩa về khát vọng vô biên và về cách thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

 

  1. Khao khát Thiên Chúa.

Có những khát khao làm cho cuộc sống của con người tốt hơn sau khi đạt được, nhưng cũng không thiếu gì những thỏa mãn làm cho tình trạng của con người trở nên tồi tệ hơn. Con người sinh ra trong giới hạn, nhưng lại mang một khát vọng vô hạn. Và để thỏa mãn cơn khát đó, kẻ thì đánh lừa mình bằng cách tạo ra những thần tượng để tôn thờ và họ sẽ thất vọng, kẻ thì tìm cách lấp đầy khao khát đó bằng cách lăn xả vào những khoái lạc vật chất… nhưng rồi thấy chán chường, không bao giờ thấy thỏa mãn. Chúa Giêsu đã nói với người thiếu phụ Samari: “Ai uống nước giếng nầy, sẽ vẫn còn khát…”, thứ nước này không giải khát hoàn toàn, nó vừa xoa dịu cơn khát, vừa duy trì và kích thích cơn khát.

Hình ảnh người phụ nữ Samari sống tới năm đời chồng (mà vẫn nói không có chồng) và thậm chí là người thứ sáu đang sống với chị vẫn không phải chồng chị (x. Ga 4,17-18), có lẽ là một ý nghĩa mang tính biểu tượng: dân Israel đã qua bao đời chủ vẫn chưa có một ông Chủ đích thực, cuộc đời con người tôn thờ bao nhiêu chủ, nhưng không có gì làm thỏa mãn cơn khát đích thực.

Người phụ nữ xứ Samari đã mưu tìm hạnh phúc qua nhiều đời chồng nhưng rồi chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi múc nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp. Dù chưa nhận ra, nhưng chị vẫn thao thức và bị dày vò vì một cơn khát nào đó mà những mối tình trần tục đã không giải khát nổi, đã không làm dịu đi sự thèm khát chút nào, càng đi sâu vào biển tình, chị càng thấy thiếu thốn.

Hình ảnh người phụ nữ Samari ngày ngày ôm vò đi kín nước, cùng với phương tiện là cái gầu để múc nước từ giếng sâu, là hình ảnh cơn khát vẫn còn đó, và dù cho con người làm ra đủ thứ phương tiện để thỏa mãn khát vọng, nhưng chẳng bao giờ hết khát. Kẻ nghèo muốn được giàu, kẻ giàu muốn giàu thêm và cứ thế tìm kiếm.  Có thể nói, đói khát vàng bạc, giầu sang chỉ là một trong muôn vàn cơn đói khát đang hành hạ và giết chết hàng vạn người. Có biết bao cơn khát của đam mê lầm lạc, của thú vui xác thịt, của tiền tài danh vọng đã đẩy bao người vào hố sâu của vực thẳm. Càng ngụp lặn trong vực thẳm, càng làm cho họ trở nên điên rồ đánh mất nhân cách, đánh mất tính người. Họ đã lầm, vì tất cả những thứ đó không bao giờ làm thoả mãn cơn khát trong lòng họ. Vì được voi đòi tiên, vì lòng tham vô đáy. Giếng sâu của lòng tham chỉ làm cho con người thất vọng, chán chường.

Ai mà chẳng biết cái chu kỳ quỷ quái của dục vọng, luôn luôn tái phát, chẳng bao giờ no thỏa. Ai lại không cảm thấy nhu cầu được thỏa mãn cứ trào lên vô tận, thúc đẩy mình hưởng thụ cách nào đó: càng khát lại càng uống, càng uống lại càng khát… Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao – thoả mãn, thoả mãn – khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng… lại càng ngày càng tăng ‘đô’ hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì sự ngọn lửa khao khát trong lòng mình”.

Triết gia Schopennauer (Đức) khám phá: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”

Chung quy lại, những cái khát vật chất thì không bao giờ có thể làm thỏa mãn được con người bao gồm thể xác và tâm hồn, bao hàm tinh thần và vật chất, nên cần đến cái vĩnh cửu. Nghĩa là ngoài cơn khát tự nhiên và bản năng, con người còn có những khao khát mà không có gì trên thế gian có thể làm cho họ được no thoả. Người ta gọi đây là khát vọng vô biên. Đây là cơn khát về mặt tâm linh nên chẳng có thứ nước nào trên đời có thể làm dịu bớt.

Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

Phải chỉ có chính Chúa Kitô là Thiên Chúa mới lấp đầy được cơn khát vô biên, bởi khi có được Thiên Chúa, con người không còn mải lo tìm kiếm những gì chóng qua nữa. Điều này thật đúng như thánh Augustinô xưa, sau một khoảng đời đi tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền tài, tình yêu, hạnh phúc, cuối cùng đã chán ngán, ăn năn sám hối trở lại với Chúa và đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, thế mà bấy lâu nay con chỉ mải mê tìm kiếm cái gì khác ở ngoài Chúa. Vì vậy lòng con luôn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa. Lạy Chúa, con đã biết Chúa quá muộn! Con đã yêu Chúa muộn quá rồi!”.

Người phụ nữ Samari hằng ngày vẫn đến giếng lấy nước, đã uống nước, đã gặp gỡ biết bao người, đã ở với bao đời chồng, nhưng khát vẫn hoàn khát. Hôm nay chỉ khi nghe được “Lời Sự Sống” từ Chúa Giêsu, chị mới nhận ra đâu là sự thật về chính mình và chị đã được biến đổi; chị đã biết thờ phượng Thiên Chúa thế nào cho đúng, và đâu mới là Thần Khí và sự thật.

 

  1. Thờ phượng Thiên Chúa Thần Khí và sự thật.

Với sự khéo léo trình bày của Tin Mừng, điều mà ta dễ dàng nhận thấy được nơi đây là Chúa Giêsu đã cùng lúc xóa đi được hai sự ngăn cách, đó là: Sự kỳ thị chủng tộc Do-thái – Samari và sự khác biệt giữa sống đạo “trong nhà thờ” với sống đạo “trong Thần Khí”.

Những sự kỳ thị này có từ khi hai miền Nam Bắc Do-thái phân tranh (-931), phía Bắc (có thủ đô là Samari) đã dựng bàn thờ bò vàng thay cho việc thờ Thiên Chúa (x. 1V 12, 26-33); rồi đến khi Israel (miền Bắc) bị lưu đày (-721), vua Assyri đã đem các nhóm dân khác đến vùng đất thủ đô miền Bắc lúc bấy giờ là Samaria để cư ngụ, từ đó trở thành một dân đa tạp đa văn hóa và tôn giáo. Từ những điều đó mà người Do-thái có lý do để khinh miệt coi Samari là “lạc đạo”, là “lai căng”, là miền đất của ô uế và họ đưa ra “vạ tuyệt thông” cho nhau: Do-thái đặt luật cấm người “đạo gốc” không được tiếp xúc với quân “ngoại đạo” để tránh nhiễm uế; còn Samaria thì cấm cản người Do-thái đi lại qua vùng đất của họ, mà phải đi đường vòng. Vì thế mà hôm nay, người phụ nữ quá ngỡ ngàng vì Chúa Giêssu đến xin chị nước uống, nhưng Chúa Giêsu đã đi bước trước để phá vỡ rào cản mà lâu nay vẫn trói buộc giữa hai bên. Hành động của Chúa Giêsu làm cho người phụ nữ không khỏi ngạc nhiên: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9). 

Người phụ nữ Samaria ở đây không thuộc một tôn giáo ngoại lai, nhưng có nguồn gốc đạo Do-thái từ ngày phân tranh Nam Bắc lưu truyền. Chị tin Thiên Chúa của tổ phụ Abraham như người Do-thái Giuđê, nhưng “không đi lễ nhà thờ Giêrusalem”, mà là đi lễ nhà thờ xây trên núi của người Samari có từ ngày ly khai tôn giáo. Gặp được Chúa Giêsu, người phụ nữ không chỉ muốn Người làm trọng tài trả lời câu hỏi về sự khác biệt văn hóa và tôn giáo, mà còn là câu hỏi cách thức thờ phượng Thiên Chúa: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. .. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem” (Ga 4,19-21). 

Chúa Giêsu đã đưa ra lời giải đáp khẳng định rằng Thiên Chúa không bao giờ bị khoanh vùng: “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, nhưng sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”. Thiên Chúa không bao giờ là Chúa riêng của một người hay một dân tộc nào, bởi vì Người là Cha chung của mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Không một người nào, không một dân tộc nào và không một tôn giáo nào được độc quyền chiếm giữ Người cho riêng mình, hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ hiện diện trên đất nước của mình hay trong đền thờ của mình.

Thiên Chúa là thần khí, mà thần khí thì vô hình nên ở đâu cũng có. Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa là Tình Yêu thì vượt trên thời gian và không gian nên không bị giới hạn ở đâu “trong nhà thờ” hay ngoài xã hội. Cũng vậy, không  phải người ta vào nhà thờ thì tỏ ra đạo hạnh, nhưng ra khỏi nhà thờ thì còn tệ hại hơn cả dân ngoại. Sống đạo là luôn ý thức Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi và luôn làm đẹp lòng Người mọi lúc.

Thiên Chúa trong sự thật, là khi con người biết tôn trọng chân lý mới là cách thờ phượng Người cách đúng đắn nhất. Con người thờ phượng Thiên Chúa không dừng lại ở nghi lễ bề ngoài, mà là thể hiện ra nơi cuộc sống.

Một khi đã xác tín Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, không ai được nhân danh Người mà gây chia rẽ và hận thù, trái lại phải nhân danh Người mà yêu thương đoàn kết với nhau. Thực vậy đối với Chúa Giêsu thì cách thế diễn tả lòng kính mến Thiên Chúa một cách sâu xa và trọn vẹn nhất, đó là yêu thương anh em của mình.

 

Cần phân biệt rằng, những ý nghĩa trên không phải cổ xúy cho việc “giữ đạo tại tâm” để rồi bỏ việc đến với nơi thờ phượng và né tránh những phận vụ kitô hữu, nhưng là luôn đặt mình trước mặt Chúa và tin Chúa hiện diện khắp mọi nơi, để không chỉ dừng lại việc tôn thờ Thiên Chúa ở nhà thờ hay các nghi lễ bề ngoài, mà là thể hiện ra bằng việc sống đạo trong mọi nơi mọi lúc bằng những hành động cụ thể.

Ngày xưa, người Do-thái tự “bế quan tỏa cảng” mình trong cái gọi là thuần chủng dân tộc và tôn giáo, tự hào vì có đền thờ Giêrusalem giữ Chúa Tể càn khôn lại cho riêng mình, để rồi coi mọi dân tộc khác chỉ là vô đạo; ngày nay, không ít chúng ta vẫn còn những quan niệm tự hào vì “đạo nhà thờ”, đóng khung Thiên Chúa lại trong nhà thờ, tự cho mình là “đạo gốc”, để rồi không còn sống đạo giữa đời và không còn đem Chúa đến cho tha nhân.

Tắt một lời, qua câu chuyện gặp gỡ người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng. Cách mạng về khoảng cách địa lý và về vai vế thuần chủng để đi đến một cuộc cách mạng vĩ đại, đó là cách mạng tâm hồn. Nhờ cuộc cách mạng tâm hồn này, mà từ nay, giữa người Do-thái và người Samari được sống và sống dồi dào khi thờ phượng Chúa không chỉ ở trên núi này hay núi nọ, mà ngay tại trong tâm của mình qua Thần Khí và sự thật.

 

Tóm lại: bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta biết KHAO KHÁT THIÊN CHÚA là nguồn suối đích thực lấp đầy mọi ước vọng của chúng ta. Từ đó, chúng ta biết mở cửa lòng mình để xóa đi mọi ngăn cách mà đến với tha nhân mà loan báo về cách THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA ĐÍCH THỰC, như người phụ nữ Samari xưa sau khi gặp Chúa đã bỏ lại tất cả để chạy vào làng loan báo cho mọi người và dẫn họ đến gặp Chúa và tất cả đều được biến đổi.

 

Lạy Chúa Giêsu, chính chúng con đang tự dựng lên những hàng rào ngăn cách chúng con với Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con luôn biết vượt lên trên những rào cản của kỳ thị, ghét ghen, để xây dựng sự hiệp nhất, luôn biết mở lòng ra để đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời, hầu thỏa vọng cơn khát tâm linh, là được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI Mầu nhiệm tội lỗi Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...