BƯỚC THEO CHÚA CHIÊN LÀNH
(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)
TGM Ngô Quang Kiệt
Thiên Chúa yêu thương ta. Tình yêu ấy không cao xa. Vì Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Nên tình yêu của Người ta đã thấy tận mắt. Đã sờ tận tay. Hôm nay Chúa Giêsu diễn tả tình yêu thương ấy bằng hình ảnh Chúa Chiên Lành. Tình yêu thương của Chúa được biểu lộ qua hai hành động: Biết và Cho.
“Ta biết chiên của Ta”. Vì yêu thương ta nên Chúa quan tâm đến ta. Vì quan tâm nên Chúa biết rõ ta. Chúa biết ta không phải chỉ hình dáng bề ngoài mà cả tâm tư kín ẩn bên trong. Như lời Thánh vịnh 139: “Lạy Chúa, Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139,2-4). Biết để yêu thương. Để cảm thông. Để chăm sóc. Để nâng đỡ.
“Ta ban cho chúng sự sống đời đời”. Tình yêu luôn muốn cho đi. Cho quà. Cho thời giờ. Cho sức khoẻ. Nhưng cao cả nhất là cho sự sống. Hơn thế nữa, hiến mạng sống cho người mình yêu. Như Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Chúa đã chết cho ta được sống. Không phải là sự sống bình thường. Nhưng là sự sống đời đời. Là sống hạnh phúc với Chúa.
Tình yêu mời gọi tình yêu. Tình yêu Chúa trao ban mời gọi tình yêu của ta đáp trả. Chúa kêu gọi ta phải đáp lời. Chúa ban sự sống ta phải lãnh nhận. Chúa mời gọi ta đáp trả bằng hai thái độ: Nghe và Theo.
“Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu. Ai thuộc về Chúa thì nghe tiếng Chúa. Nhưng tiếng thế gian rất mạnh. Nên người ta thường nghe theo thế gian. Như trong bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay. Các Tông đồ rao giảng Lời Chúa cho người Do thái. Nhưng người Do thái đã không đón nhận. Lại còn quyết liệt chống trả. Đến nỗi muốn giết chết các Tông đồ. Vì thế các Tông đồ phải từ bỏ người Do thái mà đi rao giảng cho dân ngoại. Và dân ngoại vui mừng vì được nghe Tin Mừng.
“Ta biết chúng và chúng theo Ta”. Chúa đã mở đường để dẫn ta đến sự sống đời đời. Ta phải đi theo Chúa. Theo khi gặp may mắn. Theo cả khi gặp gian nan. Vượt qua những nghịch cảnh. Ta sẽ đạt tới sự sống đời đời. Như bài sách Khải huyền hôm nay diễn tả. Đoàn người đông vô số vì thuộc mọi dân tộc, màu da, ngôn ngữ. Họ mặc áo trắng vì đã giặt áo trong máu Con Chiên. Họ cầm cành thiên tuế vì đã chiến thắng thế gian. Giờ đây họ hưởng hạnh phúc bên Chúa.
Thế giới hôm nay cũng giống như thế giới thời Chúa Giêsu. Nhân loại bơ vơ giữa ngã ba đường. Vì thế cần rất nhiều mục tử nhân lành nối tiếp sự nghiệp của Chúa. Dẫn đưa con người về nẻo chính đường ngay. Đạt tới sự sống đích thực. Chính vì thế Giáo hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho có nhiều mục tử như lòng Chúa mong ước.
Chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta cha Tổ phụ Biển đức Thuận là người mục tử tốt lành.
Như Chúa biết từng con chiên, cha Biển đức Thuận biết từng anh em trong cộng đoàn. Khi đi giúp bàn, ngài để ý thấy anh nào yếu kém thì tiếp thêm món ăn. Buổi tối khi rảy nước phép cho từng người trước khi đi ngủ, ngài cũng để ý xem từng người. Thấy ai mệt mỏi đau yếu thì ngài cho thuốc và bắt nghỉ ngơi. Thật là một người cha thương yêu từng người con cái.
Như Chúa trao ban sự sống cho đoàn chiên, cha Biển đức Thuận trao ban cả cuộc đời cho anh em. Ngài từ giã gia đình ruột thịt để coi cộng đoàn là gia đình của ngài. Ngài yêu thương anh em nên dâng hiến tất cả cho anh em. Hiến dâng sức khoẻ. Hiến dâng tài năng. Hiến dâng tình yêu. Và hiến dâng cả mạng sống. Ngài quá nhiệt tình dâng hiến đến quên bản thân. Cứ chịu mọi thứ bệnh tật không hề than vãn. Cứ làm mọi việc không giảm bớt việc nào. Cứ ăn chay hãm mình đến hao mòn thân xác. Cứ thức khuya dậy sớm đến tiều tuỵ thân mình. Đến khi đau quá không chịu nổi mới đi khám thì bác sĩ nói: hết thuốc chữa rồi. Thật là một tấm lòng yêu thương vô cùng quảng đại.
Nhưng bù lại các thế hệ đầu tiên cũng là những con chiên ngoan ngoãn. Đã biết nghe và theo cha Tổ phụ.
Các thế hệ đan sỹ đầu tiên đã lắng nghe lời cha Tổ phụ. Nghe từng lời cha giảng dạy. Nên sau khi nghe xong đan sỹ Maria Vincent Nguyễn văn Tình đã ghi chép lại nguyên văn. Sau khi cha Tổ phụ qua đời mọi người đọc lại đều công nhận đó chính là nguyên văn lời cha Tổ phụ. Mọi người đều coi đó là lời vàng ngọc. Như trong sách Hạnh Tích viết: Ngày 26-1-1922, khánh thành nhà Hội chung. “Thế là từ nay, mỗi ngày hai lần trong cái nhà ấy, Cha “nhả ngọ phun châu”, lấy bánh Phúc âm dinh dưỡng linh hồn con cái” (HT 173).
Không những lắng nghe các bậc cha anh còn đi theo đường cha Tổ phụ đã mở. Và nhất nhất tuân giữ không hề suy suyển. Ở đây ta có thể trích dẫn hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất: tất cả lớp đan sỹ đầu tiên đều hăng say tuân giữ Luật Dòng. Ăn chay hãm mình nghiêm ngặt và tha thiết muốn nên thánh. Sách Lịch sử Giáo phận Phát diệm do Đức ông Vinhsơn Trần ngọc Thụ biên soạn, khi nói về nhà dòng Châu sơn, có chép lại mấy tích: Một thầy đã yếu mệt nhưng vẫn không chịu nghỉ ngơi, cứ vác cầy ra ruộng. Đang cầy thì gục xuống đi về thiên đàng. Cha Bề trên đến thăm một thầy khác liệt giường. Thấy cha Bề trên đến thầy nhỏm dậy và thưa: Con quyết tâm nên thánh. Rồi thầy an nghỉ trong tay cha Bề trên.
Trường hợp thứ hai. Khi xin sáp nhập vào dòng Xitô thế giới. Nhà mẹ cho người sang kinh lược. Bắt phải thay đổi qui chế và Nhà Tập. Cha Anselmo Lê hữu Từ bấy giờ làm Tập sư, đã quyết liệt phản đối. Ngài nói: Cha chúng tôi là người hiểu người Việt nam chúng tôi. Cha chúng tôi đã đặt ra như thế là đúng và hợp với người Việt nam. Không thể thay đổi được. Bấy giờ ở nước ngoài có ba đan sỹ đang du học, trong đó có thầy Gioan Vương đình Lâm. Thấy tình hình như thế cũng đồng loạt viết thư cho Bề trên cả thưa rằng: Cha chúng tôi vô cùng thánh thiện, vô cùng sáng suốt, vô cùng am hiểu phong tục và tâm tính người Việt nam. Người đã đặt định những qui luật hết sức thánh thiện và hợp lý hợp tình. Xin Bề trên Cả đừng thay đổi. Dòng chúng tôi và Cha chúng tôi lập cho người Việt nam.
Cha Tổ phụ đã thực hành Lời Chúa. Đã trở thành người mục tử nhân lành cho Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam. Chúng ta hãy noi gương các thế hệ đan sỹ đầu tiên. Biết lắng nghe và đi theo vị mục tử. Để chúng ta cũng đạt tới hạnh phúc. Như lời Thánh Tổ Biển Đức nhắn nhủ: “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lừoi cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phuc, con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân” (Lời mở đầu 1-2)