VỊ NGÔN SỨ TUYỆT HẢO CỦA THIÊN CHÚA
(Đnl 18,15-20;1Cr7,32-35; Mc 1,21-28)
Lời Chúa trong Chúa Nhật IV hôm nay nói đến sứ mạng các ngôn sứ của Chúa. Sách Đệ Nhị Luật đã đã đưa ra các định chế về ngôn sứ. Còn bài Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một vị ngôn sứ tuyệt hảo, đầy quyền năng trong lời nói và việc làm.
Ngôn sứ đích thực theo định chế mà ông Môsê đã đưa ra
Trong Cựu Ước, ông Môsê chính là vị ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn để sai đến đưa dân Israel thoát khỏi tay vua Hêrôđê bên Aicập. Qua Môsê, Thiên Chúa muốn truyền đạt cho dân tất cả các mệnh lệnh và thánh ý Ngài. Cũng chính tại núi Sinai, Thiên Chúa đã ký kết với dân Người bằng một giao ước mới qua ông Môsê. Như thế, Môsê là vị ngôn sứ đóng vai trò quan trọng trong thời Cựu Ước. Chính ông đã đại diện Thiên Chúa để truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài; và đại diện cho dân để nói lên những lời khẩn nguyện của họ. Môsê là trung gian giữa Thiên Chúa và dân của Người. Môsê đã chu toàn điều đó, vì ông luôn trung thành với thánh ý Ngài, ông nói lời của Thiên Chúa và truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài cho dân. Trong sách Đệ Nhị Luật hôm nay, ông Môsê đã đưa ra một diễn từ nói về định chế ngôn sứ, để đề phòng các ngôn sứ giả. Chính “từ giữa đồng bào của anh em” mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện ngôn sứ của Ngài, người ấy sẽ là phát ngôn viên của Ngài bên cạnh dân Ngài: “Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18).
Mệnh lệnh của Thiên Chúa đã truyền cho Môsê về những điều kiện cho một ngôn sứ đích thực: đó là người thuộc trong dân Israel, người trung thành nói lời của Thiên Chúa, và phải là trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và dân Người. Đây không phải là một ngôn sứ độc nhất, nhưng là một vị ngôn sứ mà mỗi lần dân chúng cần đến làm trung gian như ông Môsê. Điều quan trọng nhất của người ngôn sứ chính là trung thành truyền đạt đúng Lời Thiên Chúa và các mệnh lệnh của Người cho dân. Còn nếu các ngôn sứ giả danh mà làm những điều trái với thánh ý Người thì sẽ bị trả giá, như lời Thiên Chúa qua ông Môsê đã phán: “Ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết” (Đnl 18,20).
Quả thực, tất cả các ngôn sứ thời Cựu Ước và lời tiên tri của các ngài đều hướng về một ngôn sứ vĩ đại vào thời đại Thiên Sai, một Môsê mới là Đức Giêsu Kitô. Sau này, khi vị ngôn sứ cuối cùng của Cứu Ước xuất hiện là Gioan Tẩy Giả, dân chúng đã ngạc nhiên và thắc mắc: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” (Ga 1,21). Và họ đã được ông Gioan trả lời xác quyết như một lời tiên báo tỏ tường về vị Ngôn Sứ vĩ đại, đồng thời là Đấng Mêsia mà muôn dân trông đợi đã xuất hiện: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1,15). Điều đó cũng được thánh sử Luca đã khẳng định: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16).
Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ tuyệt hảo
Đoạn trích sách Đệ Nhị Luật hôm nay được đọc trong ánh sáng Tân Ước, mặc lấy tất cả mọi chiều kích của nó. Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ đã được ông Môsê tiên báo. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, Phát Ngôn Viên trung thành của Chúa Cha, Đấng Trung Gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và con người. Ngài chính là vị ngôn sứ mà muôn dân mong đợi. Và chính Ngài là Đấng Mêsia. Ngài tuyệt hảo bởi vì rao truyền chính lời của Thiên Chúa. Đồng thời chính Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tại hội trường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu đã chứng tỏ uy quyền của vị ngôn sứ vĩ đại, trong lời rao giảng cũng như việc làm. Đó là lời giảng dạy của một Đấng có uy quyền và dẹp trừ thần ô uế, khiến những người chứng kiến phải kinh ngạc và trầm trồ khen ngợi: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”(Mc 1,27).
Quả thực, sự uy quyền của Chúa Giêsu trong lời rao giảng và việc làm đã khiến cho dân thành Ca-phác-na-um phải ngạc nhiên và kính nể. Và ngay cả chính thế lực đối nghịch như ma quỷ và thần ô uế cũng phải khuất phục: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Đức Giêsu buộc nó phải câm lặng.
Sở dĩ Chúa Giêsu Na-da-rét làm được như thế là vì Người là Vị Đại Ngôn Sứ của Thiên Chúa. Tất cả vì tình yêu và lòng thương xót. Người được Thánh Thần ngự trị và xức dầu tấn phong, để Người thực hiện sứ mạng nói tiếng nói của Thiên Chúa, cũng như rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, cứu giúp những người khốn khổ, giải phóng những người bị áp bức, giam cầm và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (x.Lc 4,18-19).
Qua Lời Chúa hôm nay, mời gọi người chúng ta luôn biết đón nhận và loan báo Tin Mừng một cách trung thành và chân thực. Qua Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu đều mang trong mình chức năng ngôn sứ. Vì thế, việc loan truyền Lời Chúa là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Đồng thời chúng ta được mời gọi sống chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Chính việc rao giảng bằng đời sống gương sáng thánh thiện, là lời chứng hùng hồn nhất để làm chứng về Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa đầy quyền năng và giàu lòng thương xót. Ngài là vị Ngôn Sứ vĩ đại và tuyệt hảo của Thiên Chúa.
M.Benado