YÊU ĐẾN CÙNG
(x. Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56)
Trường Kha, Phước Lý
Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay là một ngày lễ vui, đồng thời đây cũng là bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm đó là yêu đến cùng. Bởi, cuộc sống của con người đều cần đến tình yêu để tồn tại và phát triển. Tình yêu không chỉ là sợi dây gắn kết giữa người với người mà còn là ánh sáng soi đường, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và thử thách. Vì thế, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta vào một tình yêu bất tận đó là yêu đến cùng.
1. Đón
Hôm nay đám đông dân chúng đón rước Chúa Giêsu với một tâm tình hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng “Này thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò, vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa vẫn còn theo mẹ” (Dc 9,9). Thật vậy, Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Thế giới chúng ta sống đang rất cần tình yêu này. Hơn nữa, trong bài đọc I (x. Is 50,4-7), cho chúng ta thấy rõ người tôi trung của Thiên Chúa đón lấy thánh ý của Ngài, một cách sẵn sàng “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,5). Người tôi trung đã đón nhận với ý thức và tự do (x. Is 50,6-7), một sự tự do thuộc về Thiên Chúa, điều này có nghĩa là Người sống sự thuộc về Thiên Chúa một cách trọn hảo, vì đời sống của Người luôn “quy hướng về Cha” (Lc 18,19), “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Cho nên, Người luôn gắn bó với Cha (x. Ga 17,18) và nhất trí với Cha như tìm cách làm đẹp ý Cha trong mọi sự (x. Ga 8,29). Vì vậy, lương thực của Người là thi hành ý của Cha (x. Ga 4, 34) vì thế người khẳng định: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15).
Như vậy, đón nhận thánh ý Chúa không gì khác hơn là luôn mở lòng ra cho Chúa. Do đó, con người phải bước vào được cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, thì con người mới có thể hiểu được thánh ý của Chúa, và nhờ đó mới hiểu biết được con người thật của mình. Và từ cái hiểu đó, con người sẽ đón nhận và khám phá ra chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu đó nói với chúng ta rằng: “Con là một phần của chính Cha”.
2. Nhận
Tình yêu giúp cho con người mến được vị ngọt của hạnh phúc. Vị ngọt này chính là Thiên Chúa của tình yêu (x.1Ga 4,8). Một tình yêu tồn tại mãi mãi và không bao giờ dừng lại. Tình yêu này cứ mãi yêu và tiếp tục yêu, được diễn tả trọn vẹn nơi một con người là chính Đức Giêsu. Điều này được thánh Phaolô minh định ở bài đọc II (x. Pl 2,6-11), Đức Giêsu đã đón lấy ý Chúa Cha và bây giờ nhận lấy thánh ý Chúa Cha như món quà. Ngài sẵn sàng từ bỏ địa vị, để xuống trần làm người (x. Pl 2,7-8). Quả thật, khi nhập thể làm người, Chúa Kitô đã đi ngược lại với lộ trình mà Ađam đã đi xưa kia. Nếu Ađam là hình ảnh diễn tả toàn nhân loại đã từ chối địa vị thụ tạo của mình và muốn trở thành Thiên Chúa, nên phá hủy chương trình Thiên Chúa dành cho loài người trong thời tạo dựng. Thì giờ đây, Đức Giêsu lại hạ mình làm người, chấp nhận khổ nhục y như một tên nô lệ, một người tôi tớ để trao ban cho loài người cuộc sống hạnh phúc thần thiêng. Do đó, con đường Đức Giêsu đi là con đường của khổ đau và thập giá, là con đường của khiêm hạ và thất bại. Nhưng đây là con đường duy nhất đưa đến ơn cứu độ. Thực vậy, thánh giá khổ nhục và khiêm hạ đã đánh đổ được kiêu căng, tội lỗi làm cho con người xa rời Thiên Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc của mình. Nhưng con đường khiêm hạ Đức Giêsu lại can thiệp và giúp con người lấy lại được địa vị làm con Thiên Chúa. Vì vậy, con đường khiêm hạ của Đức Giêsu là tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa được diễn tả trong gia đình nhân loại. Hơn nữa, con đường khiêm hạ của Đức Giêsu là sự sống đã chiến thắng sự chết. Chính con đường khiêm hạ của Đức Giêsu làm cho trật tự các giá trị theo nhãn quan của con người bị đảo lộn “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1Cr 1,27-28).
Như vậy, nhận lấy thánh ý Chúa cần phải có một tấm lòng quảng đại và một trái tim nồng cháy của tình mến; hay nói cách khác là sống thánh ý Chúa là phải đi trên con đường từ bỏ, bởi con đường từ bỏ là con đường dẫn tới vinh quang. Vì vậy, phải qua sự chết mới đến sự sống, phải qua tủi nhục mới đến vinh quang và phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Hơn thế nữa, Thiên Chúa không muốn con người đi vào con đường diệt vong, nhưng muốn con người bước đi trên con đường chân lý và tình yêu: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Vì thế, từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo, cao cả và phong phú hơn gấp bội. Vì, mất cái hiện tại để được tương lai, hay mất cái tạm bợ để được cái vĩnh cửu.
3. Trao
Thiên Chúa đã trao tặng cho nhân loại hai món quà vô giá đó là sự sống và tình yêu. Sự sống là một huyền nhiệm và tình yêu là điều thiêng liêng cao quý. Vì thế, Thiên Chúa đã trao ban trọn vẹn cho chúng ta ngang qua người con yêu dấu của mình là Đức Giêsu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Những lời này cho chúng ta thấy, Đức Giêsu – Con Một Thiên Chúa chính là món quà tình yêu tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Người đã sống ý nghĩa món quà này. Từ sự nhập thể cho đến thập giá, Người là quà tặng tình yêu của Chúa Cha ban cho nhân loại. Và Người “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14), nghĩa là trao ban cho chúng ta qua việc lập Bí Tích Thánh Thể “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Nơi Bí Tích Thánh Thể, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Người trở thành sự diễn tả một tình yêu cao cả nhất, cũng là tình yêu duy nhất, đó là tình yêu của Người đã “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và Người đã “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể là để tiếp tục yêu nhân loại cho đến cùng, cho đến khi hiến dâng Mình và Máu của Người. Do đó, nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã ban trao tặng chính mình cho nhân loại, Người ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thủy của tình yêu cho nhân loại. Chính nhờ Bí Tích Thánh Thể, mà nhân loại được nên một với Đức Kitô và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể “vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).
Trao là dâng hiến chính bản thân mình, điều này chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa, bởi Ngài đã tặng cho nhân loại món quà quí giá nhất là người con duy nhất của mình cho nhân loại (x. Ga 3,16). Thực vậy, Chúa Giêsu đã chấp nhận bị tiêu hao và trở thành thần lương nuôi sống con người. Nói cách khác, là Ngài đã trao ban chính Thịt và Máu của Ngài để trở thành của ăn, của uống nuôi linh hồn chúng ta, từ nay nhân loại đã thuộc về trọn về Chúa. Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài, một tình yêu bao la, vô bờ vô bến, một quà tặng muôn lần trao.
Như vây, “yêu đến cùng” là một tình yêu trọn vẹn là tình yêu luôn trung thành đầy sáng kiến và đi bước trước, luôn nhân từ và trắc ẩn. Tình yêu này nói cho nhân loại biết Thiên Chúa luôn yêu và chấp nhận con người vô điều kiện, sẵn sàng đón nhận những yếu đuối và giới hạn của con người. Đồng thời, vì yêu con người mà Thiên Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể, để ở cùng “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính tình yêu này, khiến cho Thiên Chúa không xa rời thụ tạo của mình, nhưng Ngài tìm mọi cách, mọi phương thế để ở lại và tiếp tục trao ban tình yêu cho con người. Đàng khác, “yêu đến cùng” là một hành trình đón nhận thánh ý Chúa trong sự khiêm hạ, và hiến tặng bản thân mình cho mọi người bằng một tình yêu vô vị lợi. Hơn thế nữa, bước vào Tuần Thánh, đòi hỏi các Kitô hữu chiêm ngắm tình yêu tột đỉnh của Đức Giêsu “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22, 19).
Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, để chúng con có thể sống cho tình yêu là yêu đến cùng “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Amen.