CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
Cộng Đoàn Fatima – Thụy Sỹ
Mt 3, 1-12
Trên con đường theo Chúa của chúng ta, ai dám tự hào mình có thể đi tới cùng và đạt mục đích tối hậu? Nếu có đi tới cuối chặng đường chắc chắn phải nhờ Lời Chúa, “chúng ta vững lòng trông cậy.” (Rm 15:4) Lời Chúa đã đem lại niềm hy vọng lớn lao. Nhìn lại con người và cuộc đời, chúng ta mới biết tại sao nhiều lần mình đánh mất niềm hy vọng.
Có lần Chúa Giêsu đã ám chỉ Thánh Gioan là người phù rể của Người (x. Mt 9:15). Phù rể đã xuất hiện trước để chuẩn bị cho Người Yêu đến với Cô Dâu là Giáo hội. Giữa tình thế xôn xao về Ðấng Thiên Sai, Thánh Gioan xuất hiện. Tất cả sứ điệp và con người ông đều được bộc lộ công khai, trước khi ông tự xóa mình trước Ðấng ông đã loan báo. Ông mở ra cho muôn dân niềm hy vọng cứu độ lớn lao. Nhưng Gioan chờ đợi gì?
Trước hết, chúng ta có thể nói là Gioan chờ đợi dân chúng sám hối. Ðó là điều khó khăn nhất. Nhưng có lẽ vì lòng nhiệt thành, Gioan đã lôi kéo được mọi người từ khắp nẻo đường đất nước (x. Mt 3:5). Vì ai cũng nhận ông là người của Thiên Chúa. Cả những người cứng đầu nhất như Pharisêu và Xađốc cũng “đến thú tội, và xin ông làm phép rửa cho họ trong dòng sông Giođan.” (Mt 3:7) Tuy thế, sống quá lâu trong truyền thống và quá nặng nề với lợi lộc trần thế, họ không muốn sám hối. Sự sám hối đích thực phải phát xuất từ trong tâm hồn, chứ không dừng lại ở một vài hình thức thú tội bên ngoài. Tất cả các việc thú tội và chịu phép rửa đều chỉ là hình thức che đậy những dã tâm của họ. Ông cố thuyết phục họ, nhưng thất bại. Bởi vậy, ông mới nổi giận và vạch mặt chỉ tên : “Nòi rắn độc kia …” (Mt 3:7)
Ðâu là niềm hy vọng của Gioan? Trên hết, ông ngóng đợi bước chân “Ðấng sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.” (Mt 3:11) Một kỷ nguyên mới sẽ khai sinh. Chỉ có sức mạnh vô song mới có thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Sức mạnh đó chính là Thiên Chúa Tình Yêu đang đến trong Chúa Giêsu Kitô. Người sẽ sai Thánh Linh đến đổi mới mặt địa cầu. Một thế giới mới sẽ sinh ra. Nhưng ông Gioan còn hy vọng nơi phép rửa “bằng lửa” sẽ hủy diệt sự dữ, nhất là những cơ chế bất công (Pharisêu, Xađốc) trên trần gian. Niềm hy vọng đó sẽ hoàn toàn đươc thực hiện trong ngày Ðức Kitô ngự đến và Thánh Linh được sai đi.
Ngày nay đang mở ra một chân trời hy vọng. Chúng ta mong đợi nhiều sự từ nơi Thiên Chúa. Dù những lời cầu xin lớn hay nhỏ, nếu tín thác vào Chúa, chúng ta sẽ được ban Thánh Thần. Chúng ta có thể xin Thiên Chúa mọi sự, vì Người yêu thương con cái trong những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống. Chắc chắn, niềm hy vọng của Kitô hữu dựa trên những mong đợi chính xác, nhưng lại đi quá xa : hy vọng sống với Thiên Chúa. Sống với Thiên Chúa là sống vĩnh hằng ngay từ bây giờ! Niềm hy vọng đem lại niềm vui giữa những hạnh phúc và buồn sầu trong cuộc đời này. Niềm hy vọng là Thần Khí tình yêu đang hiện diện đầy ắp trong cả cuộc đời chúng ta.
Trong Thông điệp « Spe Salvi » ÐGH Bênêđictô XVI nhắc lại lời thánh Phaolô : “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong.” (Rm 8:24) Chỉ có thể trông mong khi biết rõ Chúa Giêsu là “Con Ðường, Sự Thật và Sự Sống.” (Ga 14:6) “Có chiêm ngắm dung nhan Chúa, chúng ta mới có thể vững chắc tin tưởng và hy vọng Người là Ðấng Cứu độ duy nhất và là cứu cánh của lịch sử.” Không có niềm tin và hy vọng đó, nhân loại không biết lịch sử hướng về đâu. Chỉ Ðấng có thể cứu sống, mới có thể vạch hướng cho lịch sử và đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa đích thực mà thôi.
Tội lỗi không thể hủy diệt niềm hy vọng, vì niềm tin và tình yêu mạnh hơn sự chết. Ðó là tất cả sức mạnh xây dựng Nước Thiên Chúa trong công lý và hòa bình.
Giáo hội khuyến khích các Kitô hữu, hành động làm sao cho quyền lực Phúc âm có thể chiếu sáng trong đời sống hằng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chúng ta hãy xử sự như những con cái của lời hứa. Bởi thế, chúng ta phải biết tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5:16; Cl 4:5) và kiên nhẫn chờ đợi vinh quang sắp tới (x. Rm 8:25) mà sống vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng. Như thế, chúng ta đừng che giấu tận đáy con tim, nhưng hãy diễn tả niềm hy vọng này ra bằng cách sám hối liên tục và chiến đấu « không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này » (Ep 6:12).
Không có niềm hy vọng, con người dễ chùn bước trước những thử thách cam go. Có hy vọng, mới nhìn rõ mục tiêu và thêm nghị lực hành động. Nếu tin tưởng vào Ðấng đã chiến thắng tử thần và giành sự sống cho nhân loại, con người chúng ta sẽ đủ sức mạnh chiến đấu. Chiến đấu bằng một tình yêu bất bạo động như Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Thật vậy, theo ÐGH Bênêđictô XVI, muốn có niềm hy vọng, phải có một lý do tích cực để sống. Lý do đó không gì khác hơn là Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng chúng ta có một tương lai. Chúng ta không biết ngọn ngành chi tiết về tương lai này. Nhưng nói chung, chúng ta biết cuộc sống chúng ta sẽ không kết thúc trong sự trống rỗng. Chỉ khi nào tương lai chắc chắn như một thực tại tích cực, chúng ta mới có thể sống niềm hy vọng đó trong hiện tại. Niềm hy vọng đó không dành riêng cho Kitô hữu, nhưng cho tất cả những ai đang mơ ước sống một cuộc đời có ý nghĩa.