Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Chúa nhật V thường niên, năm C – Các con đừng sợ – Quốc Vũ

Chúa nhật V Thường Niên, năm C

«CÁC CON ĐỪNG SỢ!»

 

Bài đọc 1: Is 6, 1-2a. 3-8

Bài đọc 2: 1Cr 15, 1-11

Tin Mừng: Lc 5, 1-11

Còn nhớ 38 năm về trước, vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, khi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xuất hiện trước balcon Đền Thờ Thánh Phêrô, ngài đã khởi đầu cho triều đại của mình bằng lời kêu gọi: «Các con đừng sợ, hãy mở lòng ra đón rước Chúa Kitô!». Chính niềm xác tín này mà Ngài đã trở nên can trường trong suốt 27 năm (♰ 2-4-2005) đứng mũi chịu sào dẫn đưa Con Thuyền Giáo Hội đi trong gian khó; ở đó Ngài đã không sợ loan báo chân lý Tin Mừng cho một thế đang vẫy vùng trong sự tục hóa, xây dựng một nền văn minh tình thương giữa một nền văn minh chết chóc.

Thật hữu duyên thay khi chúng ta tìm thấy sự trùng khớp giữa lời kêu gọi của Đức Cố Giáo Hoàng với chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay: «Các con đừng sợ, hãy theo Thầy, Thầy sẽ làm cho các con trở thành những kẻ chài lưới người!» (Lc 5, 10).

«Các con đừng sợ». Đời người có biết bao nỗi sợ bao quanh! Có người sợ nghèo đói, sợ chiến tranh loạn lạc, sợ chết chóc phân ly; có người sợ thất bại, sợ thua chị kém em; và người khác lại sợ gánh vác tránh nhiệm, sợ dấn thân theo một lời mời gọi,[…] có bao con người là có bấy nhiều nỗi sợ, kẻ sợ điều này, người sợ điều kia, chuyện to chuyện nhỏ đã vô tình làm cho đời sống con người trở nên bất an, luôn tìm cách cố thủ và trốn tránh bằng nhiều chiêu bài khác nhau.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp ý Chúa Nhật tuần trước. Lời trấn tĩnh «Các con đừng sợ» là khởi điểm cho lời kêu gọi trở thành Ngôn sứ của Thiên Chúa và trở thành môn đệ của Đức Kitô. Tuần trước chúng ta thấy khi Thiên Chúa gọi Giêrêmia, ông run rẩy thưa rằng «Ôi! Lạy Đức Chúa, con còn quá trẻ, con không biết ăn nói! Thiên Chúa phán với ông: Ngươi đừng sợ! vì Ta ở với ngươi» (Gr 1, 6-8). Bài đọc I tuần này, là lời kêu gọi của Thiên Chúa giành cho ngôn sứ Isaia, ông thưa: «Khốn cho tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế. Đức Chúa phán: Đây Ta chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội» (Is 6, 4-6). Trong khi đó, bài Tin Mừng là sự tường thuật của thánh Luca nói về ơn gọi của các Tông Đồ đầu tiên, khi được Đức Giêsu mời gọi, ông Simon Phêrô thưa: «Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi! Đức Giêsu nói với Simon: Các con đừng sợ! Thầy sẽ làm cho các con trở thành những kẻ chài lưới người» (Lc 5, 8-10).

 Trở thành những kẻ chài lưới người, một cụm từ diễn tả tròn đầy sứ vụ của các Tông Đồ ngày xưa và Giáo Hội sau này: «Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo» (Mc 16, 15). Kể từ đó, các Giáo Hội Tiên Khởi được hình thành tại nhiều vùng miền khi các Tông đồ đặt chân đến, từ Giêrusalem đến vùng Tiểu Á và mở rộng đến Roma. Tín hữu trong thời Giáo Hội Sơ Khai một lòng, một ý, hiệp nhất trong cùng một sứ vụ là Anamnesis và Kerygma – cử hành Thánh Thể và loan báo Tin Mừng Phục Sinh (Bài Đọc II) – khi họp nhau cầu nguyện trong Ngày Của Chúa. Rồi cứ thế Giáo Hội phát triển mãi cho đến thời Trung Cổ được cho là hưng thịnh nhất, thời mà thần quyền lên ngôi: Giáo hội có quyền trên cả thế quyền và phán xét cả nền khoa học. Cũng vì thế mà vụ án Galilê đã trở thành một vết trầm buồn để Giáo Hội luôn phải tự đấm ngực hối lỗi và đó cũng là một trong những lý dó sau này chính Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần đại diện Giáo Hội lên tiếng xin lỗi thế giới, xin lỗi lịch sử.  

Quả thế, kể từ Công Đồng Vaticano II (1962-1965), Giáo Hội đã mở ra một trang mới, một hình ảnh mới, một sự hiện diện đích thực của lòng bao dung và tình bác ái. Những hình ảnh về một Giáo Hội chuyên chế, chuyên quyền, hiếu thắng, đối lập với xã hội và các tôn giáo (Thập Tự Chinh) của thời kỳ Trung Cổ đã nhường lại cho một Giáo Hội hiền hòa, cởi mở, hội nhập và đối thoại đại kết với các dân tộc và các tôn giáo.

Chính từ tinh thần ấy mà Giáo Hội ngày nay đã và sẽ không bao giờ thỏa hiệp hay đồng lõa với những mục tiêu theo đuổi chiến tranh của Washington, của Moscow, của Tokyo, hay của những kẻ háo chiến mới nổi như Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, và Nhà Nước Hồi Giáo. Bởi lẽ, một cách minh nhiên đường lối mà Giáo Hội theo đuổi là hòa bình và nền văn minh sự sống, văn minh tình thương được khởi xướng từ thời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Những tên lửa siêu hạng, những máy bay tàng hình, hay những tàu sân bay tối tân và hiện đại,… chỉ là những vũ khí dẫn đường cho Thần Chết. Trái lại, tình yêu khơi nguồn sự sống, bác ái làm hoan lạc tâm hồn và lòng bao dung tha thứ khởi đầu một sức sống mãnh liệt cho con người. Nếu như lịch sử ghi đậm vết đen của một Hitler quyền lực bạo tàn để muôn đời than oán với tàn dư là những mồ chôn tập thể của những nạn nhân Dothái và Balan; thì lịch sử cũng ghi đậm dấu ấn thanh thoát, hiền hòa và thánh đức của một nữ tu chân yếu tay mềm rạng danh Têrêsa Calcutta để muôn đời ca tụng và noi theo qua di sản là những người Nữ Tu Bác Ái đang ngày đêm miệt mài phục vụ và chăm sóc những người nghèo đói.

Hẳn nhiên, đó là một trong những hình mẫu mà ngày nay Giáo Hội mong muốn các tín hữu theo gương bắt chước, để trở thành sứ giả hòa bình cho thế giới, trở thành khí cụ tình yêu cho nhân loại. Bởi lẽ, cũng như các thánh Tông Đồ ngày xưa, ngày nay mỗi tín hữu cũng được chính Đức Kitô mời gọi «trở thành những kẻ chài lưới người» trong chính đời sống hằng ngày. Các đan sĩ được Thánh Biển Đức sánh ví như những «chiến binh mang lấy khí giới oai hùng của đức Vâng Phục chiến đấu dưới cờ của Chúa Kitô, Vua Chân Thật» (Tu Luật, Lời Mở), còn các tín hữu là những chiến binh mang lấy khí giới Tình Yêu và Lời Chúa để chiến đấu, vì «Lời Chúa sống động và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi» (Dth 4, 12), còn «Tình yêu thì mạnh hơn sự chết» (cf. Rm 8, 35) và «Nước lũ không giập tắt nổi tình yêu, sóng cồn không tài nào vùi lấp» (Dc 8, 7). Chính vì thế, sống vâng phục và bác ái không phải là nhu nhược hay thỏa hiệp với những tiêu cực của bề trên và tha nhân. Vâng phục không còn là tối mặt cúi đầu, tình yêu không còn là đam mê mù quáng; nhưng đó là hành trình đưa đến sự đối thoại, là con đường hướng lên tình hiệp nhất, bởi đó là hoa quả của chính Chúa Thánh Thần.

Truyện kể rằng, ngày xưa, có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân nói với người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.

 

Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng. Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa và anh ta bèn lên phủ để báo quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói: “Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?” Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn nói: “Được, vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn”.

Về đến nhà, người nông dân liền thử làm theo lời dặn của quan phủ. Anh ta bắt ba con cừu tốt nhất của mình và đem tặng chúng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm. Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho đồ chơi mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn nhốt đàn chó lại. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa.

Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với những đứa con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm mà anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.

Dân gian ta cũng có câu: Khi ta có thêm một người bạn là đồng nghĩa ta đã bớt đi một kẻ thù. Nhưng xem ra thế giới ngày nay thích gây thù hơn kết bạn, con người ngày càng tinh vi hơn trong những sáng chế vũ khí phục vụ chiến tranh. Trong bối cảnh ấy, hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải sống và tín thác vào Lời Chúa «Các con đừng sợ! Thầy sẽ làm cho các con trở thành những kẻ chài lưới người». Quả thế, hơn ai hết, Giáo Hội luôn phải mạnh dạn ra khơi thả lưới, mỗi tín hữu không sợ cho Chúa Thánh Thần tác động để trở nên những giọt nước hòa bình lan tỏa trong gia đình, trong cộng đoàn và trong nhân thế. Mỗi kitô hữu là một dấu chỉ về một triều đại hòa bình của Hoàng Tử Bình An mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: «Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi» (Is 2, 3);  và ở nơi ấy chỉ có tình yêu và an bình, bởi lẽ «Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến» (Is 2, 4), vì chiến tranh và gươm giáo chỉ là khí cụ dẫn đường về cõi chết, còn «Ai cầm gươm thì sẽ chết vì gươm» (Mt 26, 52).

Lm. Quốc Bảo     

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI Mầu nhiệm tội lỗi Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...