CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG BẢO TRỢ
(Ga 14,15-21)
Tùng Linh, Phước Lý
Trong suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc I được trích trong sách Công vụ Tông đồ. Sách này được một nhà chú giải Thánh Kinh gợi hứng đổi Công vụ Tông đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Vì thế, cũng có thể nói Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công vụ Tông đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần[1]. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu an ủi các môn đệ khi nói với các ông: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật. Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta.
Theo giải thích của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: Người bảo Trợ, từ Hy Lạp παράκλητος (Paraklêtos) có nghĩa là trạng sư, người bào chữa, người trợ giúp, người bênh vực (đối với một bị cáo)[2]. Người Hy Lạp thường dùng chữ này theo nhiều nghĩa khác nhau. Có thể là một nhân chứng được tòa mời đến bênh vực cho người nào đó. Có thể là một trạng sư được gọi đến để biện hộ cho bị cáo nặng tội. Có thể là một chuyên viên được gọi đến để cho ý kiến về một trường hợp khó khăn. Chẳng hạn khi một đạo quân xuống tinh thần, người ấy được gọi đến để làm cho đội quân lên tinh thần, lấy lại can đảm. Paraklêtos luôn luôn là người được gọi đến để giúp đỡ trong lúc khó khăn, lúc cần[3].
Cũng theo giải thích của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: Người bảo Trợ, từ Hy Lạp Paraklêtos: Người an ủi và người chuyển cầu. Có một thời dịch là Đấng An Ủi, từ này do nguyên ngữ Latin: fortis, có nghĩa là dũng cảm: người yên ủi là người khiến kẻ mất tinh thần trở thành dũng cảm. Ngày nay, chữ an ủi hầu như chỉ còn có nghĩa là làm cho khỏi đau buồn, người an ủi là người thông cảm khi ta có chuyện buồn khổ[4].
Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng bầu chữa, Vị trạng sư, Đấng trợ lực. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu giới thiệu là Đấng Bầu Chữa khác. Khác, vì chính Chúa Giêsu đã là Đấng Bầu Chữa đầu tiên[5], và hôm nay Ngài vẫn tiếp tục chức năng đó bên Tòa Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần. Ngài nói: Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Đấng nào mà các môn đệ biết, và Đấng ấy luôn ở với các môn đệ, không phải Đấng ấy là chính Chúa Giêsu sao? Theo Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Chúa Giêsu biểu lộ Thần Khí bằng mọi cử chỉ của mình, nhưng bao lâu Người còn ở giữa chúng ta, Người không thể chứng tỏ Thần Khí khác biệt với Người[6].
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết Ngài sẽ không còn hiện diện với các ông trong hình thể khả giác và vật lý như những ngày chung sống[7]. Nhưng Ngài sẽ không bỏ các ông, Ngài sẽ hiện diện bằng một cách sâu kín hơn trước đặc biệt bằng Thần Khí của Ngài. Thần Khí sẽ bảo vệ, trợ lực, gìn giữ họ.
Đấng Bầu Chữa khác, đó là Thần khí sự thật, đó chính là Chúa Thánh Thần Ngôi Ba. Người được hứa ban và gửi đến cho các Tông đồ ngay liền với sự ra đi của Chúa Giêsu. Và từ đó, một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được mở ra, để khai mở một sự hiện diện mới của Thiên Chúa[8].
Thần Khí Sự Thật (Ga 15,26; 16,13) là Thần Khí dẫn các tín hữu đến sự thật, giúp họ tiến triển trong lãnh vực hiểu biết (Ga 16,13) và làm chứng về Đức Giêsu[9]. Nghĩa là, chính Ngài là Đấng dẫn đưa các môn đệ vào tất cả sự thật, nghĩa là đưa các ông đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Giêsu[10]. Ngài sẽ nhắc lại cho các môn đệ mọi cử chỉ và lời nói của Chúa và giúp họ thấu hiểu[11].
Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa là một thực tại được nói đến rất nhiều trong Thánh Kinh, nhất là Tân Ước. Có thể nói Thánh Thần là sức sống, là tình yêu, sức mạnh, là sự khôn ngoan, thánh thiện của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho Giáo hội[12]. Vì vậy, chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo hội. Đúng như lời thánh Irênê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội thánh. Ở đâu có Hội thánh ở đó có Thánh Linh và ân sủng”.
Đọc sách Tông đồ Công vụ, chúng ta nhận thấy mọi hoạt động trong Giáo hội thời ấy đều do Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, thúc đẩy. Ngài tác động trực tiếp trên tâm trí người này người kia. Và những người được tràn đầy Thánh Thần qua việc đặt tay của các Tông Đồ để được biến đổi một cách kỳ diệu: họ trở nên yêu mến Thiên Chúa, Giáo hội và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách hăng say, trở nên mạnh mẽ, can đảm, không sợ khó khăn, nguy hiểm, hay cả cái chết; trở nên khôn ngoan, sáng suốt phi thường, có thể làm nên những phép lạ.
Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô[13]. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Chính Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa tâm hồn mỗi người chúng ta vào mầu nhiệm Đức Kitô, để rồi càng thấm nhuần, chúng ta càng có khả năng làm chứng về Người, sẵn sàng đáp trả cho bất cứ ai tra vấn về niềm tin và niềm hi vọng chúng ta đang ấp ủ, qua chính cuộc sống tin tưởng, lạc quan, phó thác phục vụ của chúng ta[14].
Chúa Thánh Thần đã ban ơn giúp các tín hữu thuở ban đầu đứng vững trước mọi cơn thử thách, bách hại. Ngài ban sức mạnh giúp họ mạnh dạn rao giảng về Đức Kitô ngay khi đang phải trốn chạy cơn bách hại. Ngày hôm nay, trong Thánh Thần, chúng ta cũng được sống và được hướng dẫn bằng Thần trí khôn ngoan, thông minh, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, dũng cảm và kính sợ. Những ân huệ của Chúa Thánh Thần làm nên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hạnh phúc và thánh thiện.
_________________________________
[1] gpcantho.com, Lm. Nguyễn Hữu An
[2] Các Giờ Kinh Phụng Vụ
[3] gpcantho.com, Tình yêu vâng lời
[4] gpcantho.com, Tình yêu vâng lời
[5] Các Giờ Kinh Phụng Vụ
[6] Điển ngữ Thần Học Thánh Kinh, Quyển II, trang 82.
[7] gpcantho.com, Một cuộc đàm thoại liên hệ đến chúng ta
[8] gpcantho.com, Lm. Antôn Pađua Trần Liên Sơn
[9] Các Giờ Kinh Phụng Vụ
[10] gpcantho.com, Lm. Antôn Pađua Trần Liên Sơn
[11] Điển ngữ Thần Học Thánh Kinh, Quyển II, trang 83.
[12] gpcantho.com, Lm. Nguyễn Hữu An
[13] gpcantho.com, Lm. Nguyễn Hữu An
[14] gpcantho.com, Lm. Antôn Pađua Trần Liên Sơn