CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH – Năm C
A. THEO CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH (Dành cho nơi nào đã cử hành Lễ Thăng Thiên vào Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh).
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,20-26
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
II. SUY NIỆM
“HIỆP NHẤT”
Phần cuối của Lời Nguyện Hiến Tế là lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha nhắm tới tất cả những ai nhờ lời rao giảng của các môn đệ mà tin vàoChúa Giêsu. Nội dung của lời cầu xin là cho các kitô hữu được hiệp nhất nên một với nhau.
Toàn văn của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại hai chữ nên một: Nên một như tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, nên một để thế gian nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, nên một để được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nên một để được nhận biết Cha…
+ Trước hết, mô hình tuyệt hảo của sự hiệp nhất chính là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”.
Sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi là tình yêu hướng về nhau: Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha bằng Thánh Thần; tình yêu hướng về nhau đến độ nên một Thiên Chúa duy nhất. Như thế, Kitô hữu nên một với nhau nhờ tình yêu bác ái dành cho nhau.
Sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi là ở trong nhau: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, Con ở trong chúng như Cha ở trong Con”. Kitô hữu được mời gọi luôn ở trong Chúa Giêsu và ở trong nhau. “Ở trong” được hiểu là cùng chia sẻ một niềm tin, một phép rửa, một tấm bánh, một Thánh Thần, và đặc biệt là trong cùng một chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô.
Thế nhưng, trải qua thời gian, Giáo Hội Chúa Kitô đã bị chia tách nhau, cụ thể là Kitô Giáo hiện nay bao gồm Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành và ngay trong các nhánh này lại tách thêm nhiều giáo phái khác. Tấm áo choàng của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó đã bị cắt làm 4 phần, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô đang bị chia cắt. Chính vì thế mà lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho các kitô hữu được nên một lúc này khẩn thiết hơn bao giờ hết. Mỗi Kitô hữu có nhiệm vụ cầu nguyện và nỗ lực đóng góp phần mình cho sự hiệp nhất Giáo Hội, khởi đi từ sự hiệp nhất trong gia đình, lối xóm, giáo xứ, giáo phận…
+ Chính sự hiệp nhất nên một là một lời chứng hùng hồn để thế giới nhận ra Chúa Giêsu: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con”.
Thời nào cũng thế, đời sống chứng nhân luôn có tính thuyết phục hơn những bài giảng uyên thâm và hùng hồn: “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Mọi người dễ nhận ra Chúa Kitô hiện diện và tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa qua đời sống tốt lành của Kitô hữu, mà điều có sức thuyết phục hơn cả chính là các kitô hữu sống đoàn kết yêu thương nhau và hiệp một lòng một ý với nhau. Điều này luôn luôn đúng khi hầu hết những người trở lại đạo luôn làm chứng rằng họ bị thuyết phục vì đời sống chứng tá của Kitô hữu nơi học đường, xí nghiệp và đặc biệt nơi các xóm đạo.
Chính sự nối kết hiệp nhất với nhau tạo nên sức mạnh chống lại kẻ thù, mà kẻ thù lớn nhất của Kitô hữu chính là ma quỷ đang tìm mọi cách chia rẽ con cái Giáo Hội. Hiện nay, trên mọi ngõ ngách của cuộc sống và đặc biệt trong lãnh vực truyền thông xã hội, kẻ thù luôn tìm cách gieo rắc những thông tin trái chiều, cắt xén và bịa đặt để chia rẽ các thành phần trong Giáo Hội; nhiều kẻ lợi dụng các trang mạng, lập nhóm này trang nọ hay phòng chat kia để truyền bá những điều sai lạc với Giáo Lý Thánh Kinh, cào bằng và lên án các mục tử, lôi kéo nhiều người Công Giáo đặc biệt là các bạn trẻ theo chúng mà xa lìa chân lý của đạo Công Giáo. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người hãy cùng đoàn kết nên một trong một đức tin được thông truyền từ Chúa Giêsu qua các Tông Đồ đến cho Giáo Hội. Đức tin tông truyền là bất biến, đức tin đó đòi hỏi các Kitô hữu hiệp nhất với các Đấng đại diện Chúa để làm cho nước Chúa ngày một lan rộng trên thế giới này.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.
B. THEO LỄ THĂNG THIÊN.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 24,46-53.
Đức Giê-su nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”
Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
II. SUY NIỆM
HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ
Truyền thống và Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Chúa Giêsu thăng thiên sau 40 ngày kể từ ngày Người phục sinh (vì nhu cầu mục vụ, tại Việt Nam, các giáo phận phía nam đã mừng lễ Chúa Thăng Thiên vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, khác với chính ngày là thứ năm tuần VI Phục Sinh).
Con số 40 là con số quan trọng trong Thánh Kinh, gợi nhớ con số 40 năm trong sa mạc của dân Israel trước khi vào Đất Hứa (biểu trưng cuộc lữ hành của Dân Mới của Thiên Chúa bước vào Nước Trời).
Đặc biệt, con số 40 có tính biểu trưng này, khởi hứng từ thực tại 40 tuần lễ đứa trẻ nằm trong bụng mẹ, gợi nhớ thời gian thai sinh, thời gian thử thách, cũng như thời gian tăng trưởng và chín muồi; đó là thời gian đợi chờ của một cuộc sinh nở mới.
40 ngày trong hoang địa, Chúa Giêsu dọn mình chuẩn bị sứ mạng cứu thế. Cũng 40 ngày sau khi Chúa phục sinh, các Tông Đồ và môn đệ cũng dọn mình sẵn sàng ra đi làm chứng cho Thầy Giêsu.
Mỗi sách Tin Mừng, theo cách riêng của mình, đều kết thúc bằng một lời sai đi, đưa các môn đệ lên đường thi hành sứ vụ:
1. Làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).
Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.
• Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo.
• Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.
• Rao giảng cho muôn dân: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào. Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.
• Nhân danh Chúa mà rao giảng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.
2. Dạy bảo họ sám hối và tin vào Chúa.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
Sự kiện Chúa Giêsu lên trời là một sự hiện diện theo cách thế mới. Nếu khi ở trong thân xác phàm nhân, Chúa Giêsu như bị giới hạn về sự hiện diện; thì nay, trong thân xác Phục Sinh, người hiện diện mọi nơi mọi lúc với các môn đệ, mà không còn bị lệ thuộc không gian hay thời gian vật lý nữa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta sau khi Người lên trời, biểu trưng nơi cõi trời cao xa có thể quan sát thấy mọi đường đi nước bước của các chứng nhân, để đồng hành, hướng dẫn, an ủi, khích lệ và ban ơn phúc.
Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Kitô hữu được mời gọi hướng lòng lên với Chúa, hướng vọng về cõi trời là cùng đích của đời sống đạo, tin tưởng và hy vọng mai ngày được trở về quê trời là quê hương đích thực và vĩnh cửu bên Đấng họ yêu mến, là Đức Giêsu Kitô. Nhưng ai muốn đạt tới quê trời vinh phúc phải ghi nhớ và sống lệnh truyền của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lên trời vinh hiển sau khi đã vượt qua khổ ải trần gian. Chúa đã lên trời để dọn chỗ cho chúng con mai ngày. Xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại trên trời, để can đảm vượt qua những khổ ải dương gian, trung thành với lề luật Chúa trong đời sống đức tin và bác ái, hầu mai ngày chúng còn cũng được về quê trời vinh hiển với Chúa. Amen.
Hiền Lâm.