Chúa nhật XI Thường Niên, năm C
«ĐƯỜNG SỰ SỐNG»
Bài đọc 1: 2Sm 12, 7-10.13
Bài đọc 2: Gl 1, 2, 16.19-21
Tin Mừng: Lc 7, 36 – 8, 3
«Thiên Chúa của kẻ sống», đó là nội dung bài chia sẻ Lời Chúa trong Chúa nhật X mùa thường niên, mà chúng ta đã nói với nhau ở tuần trước, trong đó ghi nhận hai phép lạ làm cho kẻ chết sống lại: một của ngôn sứ Êlia, và một của chính Đức Giêsu.
Làm cho kẻ chết sống lại là một phép lạ vĩ đại mà có lẽ cả đời ta chưa một lần được thấy. Tuy nhiên, có một thứ có thể làm nên phép lạ không kém phần vĩ đại mà ta có thể thấy, có thể đụng chạm hằng ngày, đó chính là ơn tha thứ. Bởi lẽ, làm cho kẻ chết sống lại, hiểu theo nghĩa thông thường là tìm lại sự sống thể chất cho một người; nhưng ơn tha thứ lại là một động lực khơi nguồn cho sức sống nơi tâm hồn. Linh mục Nguyễn Tầm Thường, trong tác phẩm Nước Mắt và Hạnh Phúc, đã viết: «Có hai thứ mùa xuân. Mùa xuân của đất trời là cỏ cây đâm chồi nẩy lộc: Mùa xuân trong tâm hồn là sự tha thứ». Tha thứ là cửa ngõ mở ra chân trời mới với hoa thơm cỏ lạ cho lòng ta phấn khởi bước tiếp hành trình đời mình trong vui tươi rạng rỡ. Tha thứ là phương dược chữa lành mọi thương tích và tái tạo tâm hồn. Tha thứ là điều thiện ta luôn mong ước được đón nhận từ những người thân hữu, bạn bè, và đồng nghiệp…
Chuyện kể, trong tập viện của một tu viện nọ, trong khi làm việc, do sơ ý bất cẩn, một em tập sinh đã lỡ tay đánh rơi lọ hoa mà một vị ân nhân mới tặng cho chị giáo hồi tháng trước. Tập sinh ấy vô cùng bối rối và sợ hãi vì biết rằng đó là lọ hoa mà chị giáo rất yêu quí. Tâm hồn nặng trĩu, hai tay đưa những mảnh vụn đến thú tội với chị giáo. Tuy nhiên, em tập sinh đã không khỏi ngỡ ngàng khi chị giáo chỉ cười và nói: «mọi sự ngoài ý muốn, chúng ta sẽ tìm cái khác thay thế nó». Rồi thời gian trôi qua, một tháng, hai tháng, và ba tháng,… cứ mỗi lần đến dịp huấn đức là chị giáo lại nói với em tập sinh ấy: «lỗi làm bể cái lọ hoa của em, chị đã quên rồi; nhưng lâu lâu chị nhắc lại cho em nhớ». Và… và kết cục là em tập sinh ấy đã phải bỏ ơn gọi vì sự nhắc nhớ của chị giáo tốt lành.
«Lỗi của em, chị đã quên rồi, nhưng lâu lâu chị nhắc lại cho em nhớ». Con người là thế, dù trong bậc sống nào, là tu sĩ trong các tu viện và chủng viện, hay là người giáo dân trong bậc sống gia đình với tương quan vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh chị em,… nhiều khi chúng ta cũng có cung cách sống như vậy: rằng dễ tha thứ, nhưng lại không bao giờ quên lỗi lầm của người khác. Đối với Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Ơn tha thứ của ngài là ơn ban nhưng không, là quên hẳn, là xóa sạch, là một sự khởi đầu lại. Các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa tuần này đã chứng minh điều này.
1. Bài đọc I, là đoạn trích trong quyển thứ 2 sách Samuen, tường thật lại cuộc đối thoại giữa ngôn sứ Nathan và vua Đavít, sau khi nhà vua phạm trọng tội trước mặt Thiên Chúa. Có lẽ trong Kinh Thánh đây là câu chuyện diễn tả cách mạnh mẽ nhất về lòng nhân hậu và tình thương xót của Thiên Chúa.
Vua Đavít phạm một lúc nhiều trọng tội mà truyền thống Dothái đều xem là tội đáng bị ném đá cho đến chết, đó là: ngoại tình, giết người và cướp của (cướp vợ người khác). Nhưng Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vượt sức tưởng tượng của con người, «cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi» (Is 42, 3 // Mt 12, 20). Quả thật, Đavít đã ngoại tình với vợ của Uria, sau đó gián tiếp giết ông và chiếm đoạt luôn vợ người ta. Thiên Chúa biết tất cả, nhưng Người đã sai ngôn sứ Nathan đến cảnh báo Đavít, «bấy giờ vua Đavít nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa”. Ông Nathan nói với vua Đavít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết» (c. 13). Như thế, Thiên Chúa đã mở ra cho vua Đavít một con đường sống, và ông đã trở lại bằng lòng thống hối và sự nhiệt thành gấp đôi trong giao ước với Thiên Chúa, và về sau ông đã được người đời ca tụng và còn phong hiệu là Thánh Vương Đavít.
2. Bài Tin Mừng, Thánh Luca thuật lại câu chuyện khá hay và hấp dẫn với một bên là cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Simon thuộc phái Pharisêu, và bên kia là diễn biến cảnh người phụ nữ tội lỗi lấy nước mắt và dầu thơm mà lau chân Người.
Điểm nhấn của câu chuyện này là Đức Giêsu đặt con người – là ông Simon biệt phái hay người đàn bà tội lỗi – trong vị trí đối diện với Thiên Chúa, chứ không phải đối diện với xã hội. Vì khi đối diện với xã hội Dothái lúc bấy giờ, người Biệt phái bị xem là kẻ giả hình, đạo đức giả, không được ơn cứu độ của Thiên Chúa; còn người đàn bà tội lỗi kia thì với họ như là một ung nhọt của xã hội, đáng bị lên án và xa tránh. Nhưng khi đối diện với Thiên Chúa, thì họ lại những kẻ đáng thương hơn hết, như «người bệnh mới cần đến thầy thuốc» vậy.
Đức Giêsu chấp nhận ông Simon, dù Người không ưa lối sống của ông và của những người biệt phái, nhưng Người vẫn tìm cách hoán cải họ. Đức Giêsu còn chấp nhận người phụ nữ bị coi là người tội lỗi công khai, vẫn điềm nhiên để chị khóc ướt chân mình rồi lấy tóc mà lau, lấy dầu mà xức.
Chúa chấp nhận tất cả mọi người. Đó là sự chấp nhận bằng tình yêu. Tình yêu của Người không phải bằng cảm tính đem đến sự an ủi nhất thời, nhưng đó là tình yêu ban ơn cứu độ, tình yêu trao ban hạnh phúc, tình yêu chữa lành mọi thương tích tâm hồn và mở đường cho sự sống mới: «Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an» (c. 50).
3. Bài đọc II, qua đoạn thư gởi cho các tín hữu miền Galát, thánh Phaolô cho thấy một niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu, sau khi trở lại.
Hình ảnh của một Phaolô bách đạo ngày nào, giờ đây đã được thay thế và nhường lại cho hình ảnh của một Phaolô hăng say rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, với một niềm xác tín mạnh mẽ: «Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu» (cc. 19-21).
Thế mới hay, tha thứ là niềm vui được chữa lành, tha thứ là cửa ngõ mở ra chân trời mới với ngàn tia nắng sớm lung linh sắc mầu cho tâm hồn thêm phấn khởi mà bước tiếp hành trình. Tha thứ là cây cầu nối kết mọi yêu thương và tình liên đới giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau. Như mục sư thuộc Giáo hội Anh giáo Thomas Huller có câu nói rất hay: «He that cannot forgive others breaks the bridge over which he must pass himself; for every man has need to be forgiven – Kẻ không thể tha thứ cho người khác là làm gẫy cây cầu mà chính mình phải bước qua; bởi con người ai cũng cần tới sự tha thứ».
Kitô hữu là người đã được Thiên Chúa thứ tha và tái sinh trong Phép Thanh Tẩy, để được trở nên thụ tạo mới, con người mới trong đời sống mới. Thế thì ơn gọi của người Kitô hữu là nối dài sứ sống mới ấy đến với mọi người bằng phương thế không gì khác hơn là chính sự tha thứ cho nhau trong cuộc sống hằng ngày, ngay chính gia đình mình và cộng đoàn mình.
Quốc Vũ
~*~