„CỨ YÊN TÂM, CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!“
(Mt 14,22-33)
M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý
Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn, Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải đi bằng thuyền để sang bờ bên kia trước và Ngài cũng giải tán dân chúng (x. Mt 14,22). Việc này nhắm vào hai mục đích: thứ nhất, là để tách các môn đệ ra khỏi đám đông, và thứ hai, để cho các ông có cơ hội suy ngẫm về những gì vừa xảy ra với họ. Sau khi giải tán dân chúng, Đức Giêsu một mình lên núi[1] (x. Ga 6,15), bởi vì, Ngài muốn ở một mình (x. Mt 14,13). Ngài tìm kiếm sự thinh lặng trong cầu nguyện. Khác với Tin Mừng Luca, Tin Mừng Mátthêu rất ít khi nói tới việc Đức Giêsu cầu nguyện (x. Mt 14,23). Đức Giêsu lúc này thực sự muốn được hiệp thông với Chúa Cha và tìm sự trợ giúp, an toàn và nâng đỡ, nhất là vào trong những thời khắc khó khăn. Mátthêu nhấn mạnh việc Ngài ở một mình. Sự ở một mình trong trường hợp này cho thấy không chỉ là một sự cô độc về thể lý, mà có lẽ đang báo trước về sự cô độc ở Ghếtxêmani. Ngài cầu nguyện cho mình, cho những nhu cầu của cá nhân Ngài.[2] Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều muốn tạo cho mình sự bình an nội tâm, nhưng vì phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, phải đối diện và đương đầu với biết bao lo lắng, bực dọc, căng thẳng …trong đời sống, nên chúng ta dễ đánh mất sự bình an này. Vì thế, muốn tái tạo và giữ cho bản thân sự an bình nội tâm và trở nên tông đồ cho Chúa, thì chúng ta hãy học theo Chúa Giêsu là dành thời gian để suy niệm và cầu nguyện. Đối với các đan sĩ chiêm niệm, thì thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng, khi „bắt chước Đức Kitô“ về điều đó, thì họ sẽ „trở nên một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa, và góp phần với sức phong nhiêu tông đồ huyền diệu vào sự tăng trưởng của Dân Thiên Chúa.“[3]
Mặc dù Đức Giêsu dành thời gian cầu nguyện cho đến tối (x. Mt 14,23), nhưng Ngài không quên các môn đệ của mình. Ngài biết rằng, trong cuộc vượt biển thì thuyền của các môn đệ đang gặp một cơn bão. Chính vì thế mà vào khoảng từ ba đến sáu giờ sáng (canh thứ tư của đêm), Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông. Đó là một quãng đường khoảng 5 hoặc 6 cây số (x. Ga 6,19). Trong Cựu Ước và Do Thái giáo, các quyền lực của nước là hình ảnh của các quyền lực đe dọa (x. Tv 18,17; 32,6; 69,2); nhưng Thiên Chúa là Chúa trên nó. Mc 6,48 cũng nói Chúa Giêsu „định vượt các ông“; ám chỉ việc Giavê „đi ngang qua“ trước Môsê (x. Xh 33,21-23) và trước Êlia (x. 1 V 19,11-12). Mátthêu bỏ qua điều này; nhưng ngay cả khi không có điều đó, sự uy nghiêm và sự giúp đỡ thiêng liêng của Chúa Giêsu vẫn tỏa sáng. Điều xảy ra ở đây là bằng chứng về quyền năng của Chúa Giêsu đối với các yếu tố tự nhiên, nhưng còn hơn thế nữa là một bài học về đức tin cho các môn đệ. Nỗi sợ ma ban đầu của họ (x. Mt 14,26) chỉ giảm bớt khi Chúa Giêsu nói chuyện với họ: „Cứ yên tâm, chính thầy đây, đừng sợ!“ (Mt 14,27).
Nhưng Phêrô không hài lòng với lời xác nhận này, ông muốn có bằng chứng chắc chắn hơn rằng đó thực sự là Chúa. Ông nói: „Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.“ Chúa chỉ nói: „Cứ đến!“ Phản ứng đầu tiên của Phêrô nói lên nhiều điều về đức tin của ông, vì ông bước ra khỏi thuyền và đã đến với Chúa Giêsu (Việc Phêrô đi trên mặt nước chỉ được đề cập trong Mátthêu). Trong toàn bộ lịch sử nhân loại được ghi lại, chỉ có hai người đi trên mặt nước: Chúa Giêsu và Phêrô.[4] Nhưng đức tin của người môn đệ bị lung lay khi ông cảm thấy gió mạnh, và thấy nước bị bão khuấy lên. Ông Phêrô bắt đầu chìm xuống và kêu lên: „Thưa Ngài, xin cứu con với!” Lập tức Chúa Giêsu đưa tay ra và nắm lấy ông. Và rồi Ngài đã quở trách Phêrô vì đức tin nhỏ bé của ông (x. Mt 6,30; 8,26; 16,8), chính đức tin nhỏ bé này suýt hủy diệt ông. Khi hai người đến thuyền, cơn bão lặng đi và các môn đệ kinh ngạc sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu. Hình ảnh của họ về Chúa Giêsu đã đạt được một tầm vóc mới, giờ đây họ nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa (x. Mt 14,32-33).
Con thuyền là biểu tượng của Hội Thánh (x. Mt 8,24). Các môn đệ đang ở trên thuyền, và có thể Phêrô là người cầm lái (x. Mt 14,28). Bởi vì, không có Đức Giêsu trên thuyền, cho nên tình thần của các môn đệ không cao; ngoài ra, bão gió càng mạnh, thuyền lại chèo ngược gió (x. Mt 14,24). Con thuyền của các môn đệ đang bị „tra tấn“. Theo Kinh Thánh thì „đêm tối“ mang ý nghĩa, đây là giờ của thử thách, của „quyền lực bóng tối“ (Lc 22,53). Thực ra, nếu có đức tin thì các môn đệ đã nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, Ngài vẫn ở đó, vẫn đang đồng hành với các ông. Nhưng thật đáng tiếc các môn đệ đã quên mất Người. Chính phản ứng kinh hoàng khi các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển cho ta hiểu điều đó (x. Mt 14,26). Hình ảnh Người đi trên mặt biển báo hiệu về cuộc Hiển Dung và các cuộc hiện ra sau Phục Sinh mà Ngài sẽ thực hiện. Ngài đi giữa đêm tối chính là lời loan báo về Đức Kitô Phục Sinh. Phêrô là cái nhiệt kế đo đức tin của Hội Thánh. Phản ứng của ông khi thấy Đức Giêsu không chỉ thể hiện riêng ông, mà còn của các môn đệ. Thực ra, niềm tin vào Đức Giêsu cũng cần những chứng cớ mới, nhưng có lẽ ta không tìm đâu ra bằng cứ nào chắc chắn hơn lời mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: „Chính Thầy đây“, „Cứ đến!“ (Mt 14,27-29).[5]
Khi suy niệm về biến cố này, chúng ta cũng cần suy nghĩ về niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Bởi vì, thường khi trong cuộc sống bình an, thì tin vào Chúa Giêsu trở nên dễ dàng, vì khi đó, có thể chúng ta thích điều Ngài nói, vui vẻ làm điều Ngài dạy, và sẵn sàng yêu thương như trong lời rao giảng của Ngài. Thế nhưng, khi bão tố, đêm đen của những đau khổ thể xác, của sự thất bại hay phản bội. Liệu chúng ta có tin rằng, Đức Giêsu sẽ kéo chúng ta ra khỏi những „làn nước“ này không?
Xin Chúa cho chúng ta biết rằng, qua việc suy niệm, chiêm niệm và cầu nguyện, thì chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa Giêsu luôn đồng hành, hiện diện và giúp ta đủ sức vững tay lái trong cuộc „vượt biển“ trần gian này.
_____________________
[1] Theo Cựu ước thì „núi“ là nơi Thiên Chúa hiện ra, nơi Thiên Chúa tỏ ra sự gần gũi với loài người và là nơi Ngài chọn để cư ngụ với nhân loại. Xưa ông Môsê đã lên núi cầu nguyện và Thiên Chúa ban cho tấm bia Thập giới – giờ đây, Đức Giêsu là Môsê mới, cũng lên núi cầu nguyện và công bố hiến chương Nước Trời (x. Mt 5,1-7-7,27). Trên núi sắc mặt của ông Môsê đã biến đổi và rực sáng (x. Xh 34,29) – thì Đức Giêsu cũng hiển dung trên núi (x. Mt 17,2).
[2] x. Lm. Fx. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng vụ, NXB Đồng Nai 2021, tr. 269.
[3] Gioan Phaolô II. Tông huấn Vita Concecrata, số 8.
[4] x. Louis A. Barbieri, Matthäus, trong: John F. Walvoord/Roy B. Zuk (Hg.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 3–108, đây: 56.
[5] x. Lm. Fx. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng vụ, NXB Đồng Nai 2021, tr. 269-270.