I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,44-52
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
II. SUY NIỆM
“ĐI TÌM KHO BÁU NƯỚC TRỜI”
Bài Tin Mừng hôm nay là 3 dụ ngôn cuối cùng trong các bài giảng bằng dụ ngôn của Chúa Giêsu về mầu nhiệm Nước Trời: Nước trời được ví như kho báu, viên ngọc và cái lưới. Trong đó kho báu hay ngọc quý nói lên giá trị cao quý của Nước Trời và cái lưới nói lên sự phân định cuối cùng trong ngày chung thẩm.
+ Sự cao quý của Nước Trời.
Trước hết, dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý muốn nói tới sự cao quý tột bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra kho báu hay tìm được viên ngọc đẹp, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai đã khám phá ra Nước Trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.
Nhưng để đạt được Nước Trời không phải chỉ là một sự tình cờ, nhưng phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám mạo hiểm dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.
– Thao thức đi tìm: Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó. Nước Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình. Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua. Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm với cả lòng khao khát và hy sinh.
– Biết biện phân chọn lựa: Người nông dân biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu, thương gia kia biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì xấu xí và lẫn tạp trong chốn chợ đời. Cũng vậy, giữa đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị, nên cần biết phân định đâu là giá trị vĩnh cửu và đâu là những giá trị chóng qua để đầu tư hay từ bỏ, từ đó nhận ra giá trị vĩnh cửu của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.
– Dám mạo hiểm dấn thân: Người nông dân nọ, thương gia kia dám mạo hiểm dấn thân tậu cho được nơi có kho báu hay mua bằng được viên ngọc quý, thì người tìm kiếm Nước Trời cần một sự mạo hiểm đầu tư tất cả những gì mình có thể để được Nước Trời là quê hương đích thực. Khi nhận ra Chúa là gia nghiệp, Abraham dám mạo hiểm ra đi tới một nơi Chúa sẽ chỉ mà ông chưa hề hay biết. Người dám mạo hiểm dấn thân tìm kiếm Nước Trời cần một sự đức tin mãnh liệt, dám mạo hiểm và tín thác vào Lời Chúa hứa. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng.
– Đánh đổi tất cả: Phải bán tất cả mới đủ tiền tậu thửa ruộng có kho báu hoặc mua viên ngọc quý. Có thể người kia đã phải bán cả nhà cửa và mọi tài sản, thậm chí phải mất cả gia đình họ hàng chỉ vì “cái tội” mê viên ngọc đẹp. Cũng thế, phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Muốn đón nhận giáo lý của Chúa Giêsu để đạt được hạnh phúc đời đời, đòi hỏi các môn đệ Chúa Giêsu phải từ bỏ tất cả và vượt lên trên những tiếc nuối truyền thống và luật cũ.
Như vậy, thực tại Nước Trời phải được khám phá ra và hiểu đúng. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng những tiêu chuẩn đó phải được thay thế và nhắm tới mục tiêu vĩnh cửu là Nước Trời.Nước Trời có đó, nhưng là một thực tại đang bị chôn giấu giữa thửa ruộng thế gian, sự sống vĩnh cữu đang ở ngay giữa chợ đời vàng thau lẫn lộn; nên để đạt được Nước Trời là sự sống vĩnh cửu đòi hỏi con người phải lên đường tìm kiếm, phải sáng suốt phân định, phải can đảm dấn thân và phải bỏ lại đàng sau những gì không còn thích hợp cho sự sống mai sau.
+ Sự phân định cuối cùng.
Dụ ngôn “cái lưới” có ý nghĩa tương tự như dụ ngôn “cỏ lùng”, nghĩa là giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời người lành kẻ dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, như ngư dân bỏ cá tốt vào rổ và cá xấu vứt đi, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi.
Số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Những con cá xấu sẽ bị ném ra ngoài. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, con người cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của mỗi người tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này.
Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho cá tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.
Trong Hội Thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội Thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội Thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhậnnhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng có một thế giới toàn thiện hay là có thể có một Hội Thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người tốt và thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay qua ba dụ ngôn: Kho báu, ngọc quý và cái lưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta coi giá trị cao quý nhất và vĩnh cửu là Nước Trời, vượt trên mọi thứ giá trị trần thế vì nó sẽ qua đi. Đồng thời ý thức rằng cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chỉ khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Vậy, cứ lo tìm kiếm Nước Trời thì sẽ không bao giờ lầm, vì đó là một bảo đảm cho những ai dám đặt tất cả niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại Nước Trời và lo tìm kiếm để đạt được sự sống vĩnh cửu trong nước ấy, nhờ đó chúng con dám từ bỏ tất cả và dấn thân theo Chúa cho đến ngày được hợp đoàn với các thánh chung hưởng tôn nhan Chúa trong Nước Trời. Amen.
Hiền Lâm.