Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật XX Thường Niên: “SỰ CHIẾN THẮNG CỦA ĐỨC TIN”

 

A. THEO CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN. Năm A

 

ĐỌC TIN MỪNG: Mt 15,21-28

Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! ” Nhưng Người không đáp lại một lời.

Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! ” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

 

SUY NIỆM

 

“SỰ CHIẾN THẮNG CỦA ĐỨC TIN”

 

Bài Tin Mừng hôm nay kể việc Chúa Giêsu mở rộng việc truyền giáo xuống miền duyên hải – địa hạt Tyrô và Siđôn. Tại đây, Người gặp một người đàn bà ngoại giáo đến xin người trừ quỷ cho con gái của bà. Cuộc đối thoại và việc chữa lành trong câu chuyện làm nổi bật lên hai đặc tính: Niềm tin và ơn cứu độ phổ quát:

 

* Sự thử thách niềm tin

Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do Thái giáo), lời trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi. 

“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự (điều này chúng ta sẽ bàn sau), nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giêsu đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do Thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.

Lại nữa,  xác tín mạnh mẽ vào quyền năng và vào lòng tốt của Chúa Giêsu, cùng với tình yêu mãnh liệt đối với đứa con gái khốn khổ, chính là những yếu tố chính yếu làm cho người đàn bà ngoại giáo thành công trong lời cầu nguyện tha thiết của mình. 

Chúng ta cũng thế, trong cầu nguyện, nhiều lần chúng ta cũng cảm nhận như Chúa từ chối, nên rất cần sự kiên trì tin tưởng và tu luyện đức tin mình được vững chắc. Càng gặp khó khăn đức tin của chúng ta càng lớn lên, càng sâu sắc và giàu kinh nghiệm. Càng gặp khó khăn trong đời sống, đức tin của chúng ta càng có giá trị khi ta một mực trung thành với Chúa, đức tin của chúng ta sẽ rạng rỡ trước mặt mọi người, và trước mặt Thiên Chúa. 

 

* Ơn cứu độ phổ quát.

Trở lại với vấn đề ở trên: Liệu câu nói của Chúa Giêsu có mang tính miệt thị không?

Sứ mạng của Chúa Giêsu được khẳng định từ đầu là ưu tiên tìm kiếm con chiên lạc nhà Israel trước: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”. Cũng như Chúa đã chỉ thị khi sai nhóm mười hai “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn, là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10, 5-6). Mãi cho đến thời các Tông Đồ, chính thánh Phêrô vẫn không dám đến với dân ngoại sau khi nhận được thị kiến về cái khăn buộc túm bốn góc chứa đầy những rắn rết bọ cạp mà Chúa bảo thánh nhân làm thịt mà ăn (x.Tđcv 10,9-16). Thánh Phaolô và Barnaba cũng từng khẳng định sứ mạng này (x.Tđcv 13,46-47). Đây là chương trình của Thiên Chúa qui tụ dân Israel trước rồi mới đến muôn dân thiên hạ. Vì thế, câu nói của Chúa Giêsu: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” không thể giải thích đó là dấu biểu thị sự khinh miệt của Người đối với người khác đạo; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do Thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do Thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do Thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Người vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Tuy vậy tấm lòng của Chúa Giêsu vẫn hằng rộng mở trước lời cầu xin của người dân ngoại như viên đại đội trưởng thành Caphanaum và người đàn bà ngoại giáo miền Tyrô. Họ là hoa quả đầu mùa sứ điệp của Người, sau đó các môn đệ Người sẽ tiếp nối để mở rộng cửa tiếp đón muôn dân nước vào Nước Trời. Có thể nói, khi người đàn bà ngoại giáo với niềm tin mãnh liệt vượt qua cả sự ngăn cách tôn giáo và sự kỳ thị dân tộc để đến với Chúa, thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng vượt qua sứ mạng ban đầu để đến với bà và chữa lành cho con gái bà.

Sự từ chối bên ngoài của Đức Giêsu đối với lời cầu xin của người đàn bà ngoại giáo mang ý nghĩa như là một sự mạc khải trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: chính lòng tin làm cho con người trở thành “con cái” thay vì là “chó con” và đáng được hưởng tất cả những lời hứa dành cho Abraham và dòng dõi người. Chính sự xem ra từ chối của Chúa Giêsu lại là dịp để người đàn bà đi từ chỗ chấp nhận chỉ là “chó con” đến chỗ được hưởng ân huệ dành cho “con cái” nhờ lòng tin. Nay không chỉ có “Dân Chúa” được sinh ra từ dòng dõi Abraham theo huyết nhục nữa, mà có một “Dân Thiên Chúa” rộng lớn hơn nhiều được sinh ra bởi lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô là tất cả mọi Kitô hữu trên toàn thế giới.

Trong thực tế cuộc sống, lắm lúc tưởng chừng như Thiên Chúa “phớt lờ” khi làm như “thinh lặng” không quan tâm gì đến lời van xin và tình cảnh bi đát của chúng ta. Nhưng có thể đó là vì Thiên Chúa đang muốn dẫn chúng ta đến một chân trời mới, lớn lao và thực chất có giá trị hơn hẳn những gì chúng ta xin mà chúng ta không thể hiểu được, ước gì khi gặp những tình cảnh như vậy, chúng ta có được niềm tin như người đàn bà Canaan – ngoại giáo trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

Lạy Chúa xin ban cho mọi người chúng con có một đức tin vững chắc, luôn trung thành với Chúa, luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa là Đấng duy nhất có quyền năng làm được mọi sự, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cho chúng con. Amen

 

 

A. Theo ngày 20-08: LỄ THÁNH BÊ-NA-ĐÔ, Viện phụ (Lễ dòng Xi-tô)

BÀI TIN MỪNG: Mt 5,13-19

 “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

 

SUY NIỆM

Vai trò của mọi Kitô hữu hôm nay là giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho xã hội được thăng tiến. Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi các Kitô hữu làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống, như ánh sáng soi thế giới và như muối ướp cho đời.

 

* Anh em là muối cho đời.

Muối được kể là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ, vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà, vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối.

Khi Chúa Giêsu định nghĩa: “Anh em là muối cho đời”, Người muốn Kitô hữu chúng ta gắn liền với cuộc đời và hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn và giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Nghĩa là giữ cho xã hội khỏi bị suy thoái và làm cho cuộc sống thêm hương vị và ý nghĩa nhờ đời sống đạo đức.

Khi muối dùng để ướp thực phẩm thì muối phải chịu tan biến đi, thì Kitô hữu khi dấn thân làm chứng cho Chúa cũng biết chấp nhận hoà tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại và vị tha.
Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng lưu ý: “Nếu muối đã nhạt thì chỉ có vứt bỏ đi và để cho người ta chà đạp”. Thật vậy, vị mặn là yếu tố quan trọng và là bản chất của muối, nên nếu muối ra nhạt thì chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì nữa. Cũng vậy, khi đánh mất bản chất Kitô hữu của mình thì đời sống đạo chỉ là vô ích và trở nên phản chứng cho người ta xúc phạm danh Chúa và đạo thánh Người.

 

* Anh em là ánh sáng cho trần gian.

“Thiên Chúa mới là Ánh Sáng” (1Ga 1,5) và chỉ có Chúa Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12).  Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ là Kitô hữu chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian. Vì thế, muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, chúng ta phải ở gần Người và kết hiệp với Người, bởi “gần đèn thì ta được toả sáng”. Chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian khi phản chiếu vinh quang Chúa bằng đời sống chứng nhân.

“Thà thắp lên một ngọn nến hơn là cứ ngồi đó mà than khóc bóng tối”. Chúng ta ngồi than trách thế giới hôm nay tuy tiến bộ về khoa học kỹ thuật lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục xấu xa tội lỗi, nhưng chúng ta lại không dám dấn thân thì thật là vô ích. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp và suy đồi đạo lý, nhưng người Kitô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó. Thế giới chìm trong bóng đêm tội lỗi đang rất cần những tia sáng để giảm bớt và xua tan. Ánh sáng có sức mạnh hơn bóng tối – một cây nến nhỏ được thắp lên cũng đủ làm ánh sáng tràn ngập một căn phòng lớn.
Khi lan toả ánh sáng cho thế gian, người Kitô hữu cũng chấp nhận sự tiêu hao bằng những vất vả hi sinh, tựa như ngọn nến cháy phải chịu tiêu hao để cả căn phòng được sáng. Thật vậy, người Kitô hữu phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để Ánh Sáng Chúa Kitô được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà và khắp mọi tâm hồn.

 

3. Không ai đốt đèn rồi để xuống đáy thùng.

Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để mọi người thấy ánh sáng… Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa.

Ánh sáng thì không thiên vị phân biệt ai, tựa như ánh mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Cũng vậy, ánh sáng của chúng ta phải “đặt trên đế” – phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú”.

Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Nghĩa là họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin hoặc vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.

Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều trước mắt mà thôi.

 

* Kiện toàn lề luật.

Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Chúa Giêsu cũng khẳng định Người đến không phải để phá bỏ lề luật mà là để kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.

Việc kiện toàn ít nhất mang những ý nghĩa sau:

Đối với Do Thái, lề luật và ngôn sứ liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Chúa Giêsu có nghĩa là Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.

Chúa Giêsu không phá bỏ lề luật cũ, nhưng“gạn đục hơi trong”, thích nghi với thời đại của Đấng Messia, đặt tiêu chuẩn đức ái và sự sống trên những bó buộc giết chết.

Muốn huấn luyện việc ý thức nơi trái tim chứ không phải giữ luật chỉ vì sợ bị phạt. Từ nay trong Chúa Giêsu, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ. 

Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.

Cuối cùng, vì luật cũ được khắc trên bia đá nên cứng ngắc và giết chết, còn luật Tin Mừng được khắc trên tâm hồn nên uyển chuyển và đầy sức sống.

Như vậy, kiện toàn lề luật mà Chúa Giêsu dạy không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Kitô:

  • Giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân, 
  • Biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân, 
  • Giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng, cuộc sống chúng con phải tỏa sáng qua bao điều tốt đẹp chúng con làm vì Chúa, để mọi người nhận ra Chúa là Nguồn Ánh Sáng mà bước theo hầu vượt ra khỏi bóng đêm tội lỗi. Xin cho chúng con dám dấn thân vì Tin mừng của Chúa, chấp nhận tiêu hao mà tan biến đi, để như men muối chúng con ướp mặn thế giới trong tình thương Danh Chúa được mọi đời tôn vinh. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...