SỨC MẠNH TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI MẸ NGOẠI GIÁO
(Mt 15,21-32)
M. Anrê Giáp, Châu Thủy
Trong cuộc sống mưu sinh lo cho gia đình, ngoài việc cơm-áo-gạo-tiền, cha mẹ còn bao nỗi ưu tư, bận tâm để hướng dẫn con cái tìm ý nghĩa cuộc sống. Sự lo lắng, quan tâm chăm sóc đó được thấy qua người mẹ ngoại giáo trong bài Tin Mừng hôm nay. Bà đã đến gặp và năn nỉ kêu xin Chúa Giêsu thương đến hoàn cảnh của bà: “Con gái đang bị quỷ ám”. Qua thái độ khiêm nhường mạnh mẽ, kiên trì nài xin, hết lòng tin tưởng, và cũng chính lòng tin vững mạnh đó của bà, Chúa đã làm phép lạ cứu chữa con gái bà.
Hầu hết người Do Thái lẫn người ngoại đều biết và nắm rõ: không có sự kết thân, liên hệ giữa người Do Thái cùng người ngoại. Là một phụ nữ ngoại giáo, sự cách trở đó lại càng lớn hơn. Bà sẽ không có mảy may một chút cơ hội nào để có thể gặp được Chúa Giêsu.
Nhưng điều ngỡ ngàng đã xảy ra: Hôm nay Chúa Giêsu ra khỏi miền đất người Do Thái, để vào lãnh địa của dân ngoại. Người đến vùng đất dân ngoại, nơi mà con người đang đau khổ, nơi người Do Thái coi và xem là ô uế, cần tránh xa. Cũng ở đây, người đàn bà ngoại giáo đang ngóng chờ. Bà đã nhận ra và đi theo Chúa, cùng tỏ bày bao thái độ thành khẩn: sụp lạy dưới chân Chúa, năn nỉ khấn xin Chúa. Dù vậy, Người không tỏ dấu hiệu nào cảm thông, hay an ủi người đàn bà cả.
Chúa Giêsu đến vùng đất của bà. Đây là cơ hội thuận tiện để người đàn bà dân ngoại này có thể gặp Chúa. Tuy nhiên, gặp được Chúa, nhưng để Người ra tay thi ân cho bà, thì cần có một chút thời gian để Chúa thẩm định. Khi bước vào vùng đất mới, Người không đến để lên án hất hủi hay loại bỏ những con người bất hạnh nơi đây đang chịu đựng. Thái độ im lặng, không trả lời của Chúa Giêsu không đồng nghĩa với việc từ chối. Chúa im lặng là để lòng tin của con người vững mạnh, kiên định hơn.
Người đàn bà ngoại giáo đã vượt qua được mọi trở ngại, bằng sự kiên trì, đầy khiêm tốn, nhưng cũng rất cương quyết. Bởi sức mạnh tình thương của người mẹ ngoại giáo này đã chạm đến lòng thương xót Chúa. Thái độ: Tin yêu. Vâng! Lòng tin và tình yêu đã cho người mẹ ngoại giáo này một sức mạnh thật kỳ diệu, vượt thắng mọi thử thách, đi đến cùng và khiến Chúa Giêsu không thể từ chối được: ‘Từ giờ đó con gái bà được khỏi‘.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã khen ngợi người đàn bà ngoại giáo có lòng tin mạnh mẽ, bởi qua tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ ngoại giáo này dám làm mọi sự vì đứa con mình. Nơi bà có thấp thoáng hình ảnh người môn đệ: trong tình yêu và lòng tin. Là môn đệ theo chân Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi theo gương người đàn bà ngoại giáo này: chúng ta hãy sống trong khiêm tốn, kiên trì, tin tưởng hoàn toàn vào Chúa trong đời sống cầu nguyện. Khi đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu bởi cuộc sống yêu thương bác ái của chúng ta.
Qua sự chữa lành cho đứa con của người đàn bà ngoại giáo, Chúa mở ra một chân trời mới: Tin Mừng cứu độ được lan rộng đến dân ngoại. Những người ngoại, họ không phải là những người bị ghét bỏ, hay bị loại trừ. Thiên Chúa sẽ cho họ được hoan hỷ: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7). Thánh Phaolô cũng diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho cả dân ngoại lẫn dân Israel: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32). Và lời cuối trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho thấy ơn cứu độ của Người được mở ra cho tất cả mọi người: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy” (Mt 15,28). Quả vậy, với lòng tin chân thật, tin vào sự hiện diện quyền năng, vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa, thì bất cứ ai, dù là người ngoại giáo, cũng được Thiên Chúa ban ơn cứu độ.
Ước gì qua bài Tin Mừng hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết luôn đặt mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của mình trên nền tảng tình yêu, và có lòng kiên trì trong đời sống cầu nguyện, để rồi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đón nhận được ân sủng Chúa là niềm vui và bình an, để hành trình đức tin của chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn. Amen.