CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – B
(Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ga 6,54a.60-69)
CHỌN
Sau khi ông Môsê mất, ông Giôsuê trở thành vị chỉ huy và đưa Dân Chúa chọn vào miền Đất Hứa. Tại những miền đất dân ngoại đã chiếm được, dân Israel sống chung lộn với những người dân ngoại còn sống sót. Ông Giôsuê sợ rằng Dân Chúa chọn có thể bị nhiễm lây cách sống và sự thờ phượng các tượng thần của dân ngoại mà bỏ quên Thiên Chúa, Đấng đã làm những kỳ công vĩ đại: giải thoát cha ông họ ra khỏi miền đất lưu đày bên Ai-Cập; và sợ rằng những tội bất trung của cha ông họ trước kia, nay họ lại có thể bị rơi vào. Vì thế, ông Giôsuê đã triệu tập một đại hội tại Sikhem, qui tụ tất cả mọi chi tộc của Israel và hàng lãnh đạo của họ lại.
Tại đây, ông Giôsuê đã long trọng nhắc lại tình thương mà Thiên Chúa đã CHỌN gọi các tổ phụ như Abraham, Isaac và Giacóp để lập nên một Dân riêng của Chúa và biến Dân riêng này trở thành một Dân tộc đông đảo và hùng mạnh. Sau đó ông Giôsuê mời gọi dân chúng tự do CHỌN giữa việc tôn thờ Thiên Chúa hay các thần nào khác. Trước lời đề nghị của Giôsuê, dân chúng đã có một sự CHỌN lựa khôn ngoan, họ CHỌN tôn thờ Thiên Chúa: “chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”
Ngược lại trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, tại hội đường, Chúa Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” Lời này của Chúa Giêsu đã không được một số môn đệ đón nhận, vì họ cảm thấy khó nghe. Dẫu Chúa Giêsu đã nhắc đến viễn tượng vinh quang của Ngài: “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” Và Ngài cũng đã nhấn mạnh đến lời của Ngài là “Thần Khí và là Sự Sống”, nghĩa là Ngài nói về sự ăn uống thịt máu Ngài là biểu trưng. Nhưng họ vẫn không hiểu và đã bỏ đi, không còn muốn làm môn đệ Ngài nữa.
May mắn thay, còn mười hai tông đồ, là những người đi theo Chúa Giêsu lâu hơn, được học hỏi và có nhiều cảm thức, nên có lẽ họ hiểu hơn lời Thầy mình nói, có niềm tin vào vị Thầy của mình hơn. Vì thế, đại diện cho nhóm mười hai, thánh Phêrô lên tiếng nói lên lập trường của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Ngày hôm nay, Dân Chúa là Giáo Hội, trong đó gồm đủ mọi thành phần: giáo dân cũng như giáo sĩ, tu sĩ sống và hoạt động giữa đời, giữa những người theo nhiều tôn giáo, tập tục, văn hoá khác nhau. Xã hội hôm nay là một xã hội văn minh, với kỹ thuật tân tiến, giàu có, từ đó phát sinh ra sự tục hoá, lãnh đạm đối với tôn giáo, chối bỏ Thiên Chúa, như lời thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong Lời Mở của Tông Huấn “Christifideles Laici–Người Tín Hữu giáo dân”ngài cảnh báo như sau: “Làm sao chúng ta không nghĩ đến tình trạng lãnh đạm đối với tôn giáo đang phổ biến không ngừng và thuyết vô thần dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là dưới hình thức rất phổ thông là phong trào tục hoá? Con người say mê theo những cuộc chinh phục ngợp trời của khoa học, kỹ thuật tung hoành không giới hạn, và nhất là lâng lâng theo chước cám dỗ, một chước cám dỗ vừa rất cũ nhưng vẫn mới luôn, là muốn đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa (St 3,5) bằng việc sử dụng tự do của mình một cách bừa bãi. Con người như thế đã tự chặt đứt cội rễ sâu xa tôn giáo của mình; họ đã bỏ quên Thiên Chúa, cho rằng Thiên Chúa không còn có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của họ hoặc chối bỏ Ngài để sấp mình thờ lạy đủ mọi thứ ‘tà thần’.”
“Đủ mọi thứ tà thần” mà Thánh Giáo Hoàng nói đó chính là tiền bạc, vật chất, quyền lực, sắc dục, thần tượng thể thao, âm nhạc, phim ảnh, và thông dụng hơn cả là các phương tiện truyền thông đại chúng ‘mass media’ như internet, điện thoại, tivi, v.v. Chúng ta thấy rõ sự nô lệ khủng khiếp của giới trẻ ngày nay đối với những phương tiện truyền thông này, ngay cả đối với một số tu sĩ trẻ.
Trước những hiện tượng nô lệ và tục hoá mạnh mẽ của xã hội hôm nay, thử hỏi chúng ta có còn vững tin vào một Thiên Chúa quyền năng có thể đổi mới xã hội này? Chúng ta còn có thể làm muối men và chiếu giải ánh sáng Tin Mừng niềm vui cứu độ của Chúa Kitô cho xã hội hôm nay được nữa chăng? Phần cuối của Lời Mở, thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II củng cố niềm tin của chúng ta:
“Vì thế bất chấp mọi biến cố, nhân loại có thể cậy trông, và phải hy vọng: chính Chúa Kitô là Tin Mừng sống động, là Tin Mừng đem lại niềm vui mừng mà Giáo hội loan báo cho chúng ta mỗi ngày, và chính Giáo hội đã trở thành chứng nhân cho mọi người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn dụ sáng 19.6.2015, kêu gọi chúng ta cảm nghiệm và sống Lời Chúa để có thể loan báo Tin Mừng cho xã hội đang bị tục hoá hôm nay: “Để có thể loan báo Lời Chân Lý, chính chúng ta phải cảm nghiệm Lời Chúa: lắng nghe, chiêm niệm, và hầu như động chạm đến Lời Chúa bằng tay chúng ta’’ (x.1Ga 1,1). Đó là điều mà các tông đồ đã làm và nhờ đó các ngài đã trung thành ở lại với Chúa Giêsu, và sau này các ngài đã hăng say rao giảng về Chúa Kitô cho muôn dân, cũng như lấy cái chết để tuyên xưng lòng tin vào Đấng Cứu Thế duy nhất này. Đây cũng là điều mà Chúa Kitô, Giáo hội và nhân loại đang chờ đợi nơi sự CHỌN lựa ở lại, lắng nghe, chiêm ngắm và động chạm đến Chúa Kitô của mỗi người tín hữu hay tu sĩ chúng ta.
Trong lúc nhân loại đang u mê chạy theo các thần tượng, trong đó có cả những người tín hữu và tu sĩ chúng con, xin Mẹ Maria dạy chúng con biết nghe theo lời Con của Mẹ, “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), là tin tưởng đổ đầy các chum nước, để rồi Chúa Giêsu sẽ cho những chum nước đó hoá thành rượu ngon Tin Mừng, mang lại niềm hoan lạc, thoả mãn cho nhân loại hôm nay đang đi tìm một Thần Tượng đích thực.
Lht, Fatima