Chúa nhật XXIII Thường Niên, năm C
«NHẬP GIA»
Bài đọc 1: Khôn ngoan 9, 13-18
Bài đọc 2: Phi-lê-môn 9-10.12-17
Tin Mừng: Luca 14, 25-33
Từ đầu những năm 1990, khi đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng về nước làm phim, và ghi dấu ấn bằng tác phẩm Mùi đu đủ xanh, là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử rút gọn của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Đó có thể được coi như một bước đột phá để điện ảnh Việt mở ra dòng phim mang tên dòng phim Việt kiều. Dòng phim này rất tuyệt vời, nó mang phù sa, mang màu mỡ và làm cho nền điện ảnh Việt thăng hoa, trong khi cả đất nước mới bước ra khỏi thời kỳ bao cấp cách đó chưa lâu. Rồi hàng loạt những đạo điễn và diễn viên Việt kiều mạnh dạn trở về nước để cho ra đời những sản phẩm điện ảnh hay như Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, Dòng máu anh hùng…được xây dựng với ngôn ngữ điện ảnh mới và góp phần mang hình ảnh của đất nước Việt Nam ra với thế giới nhiều hơn là những phim của các nhà điện ảnh ở trong nước. Sở dĩ làm được điều này, là bởi họ đứng từ bên ngoài, họ khai thác được sự khác lạ, giới thiệu sự giàu có về mặt thẩm mỹ, đời sống, và văn hóa của dân tộc. Họ cũng cho bạn bè thế giới biết đến một Việt Nam không chỉ biết cầm súng, không chỉ có chiến tranh và nghèo đói. Tuy nhiên, thời gian gần đầy, dư luận trong và ngoài nước đã xôn xao trước sự kiện bị cấm chiếu rất đáng tiếc đối với hai bộ phim Bẫy cấp 3 và Bụi đời Chợ Lớn. Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào? Lý do mà Ban kiểm duyệt đưa ra là cho rằng hai bộ phim này đã đi lệch so với quỹ đạo chung, và có cái nhìn lệch lạc về xã hội khi lột tả quá thật, quá trần trụi về một xã hội Việt Nam đang dần đánh mất đi những nét đẹp của nền văn hóa bốn ngàn năm văn hiến. Điều kiện duy nhất để được trình chiếu là ê-kíp của hai bộ phim này phải đồng ý cắt xén, thêm bớt theo sự chỉ đạo của Ban kiểm duyệt, nghĩa là nếu muốn “nhập gia” thì phải “tùy tục”.
Hàng năm, theo thông kê của bọ du lịch cho biết, có trên một trăm triệu lượt khách nước ngoài nhập quan vào nước Mỹ, với nhiều lý do và mục đích khác nhau, như định cư, làm việc hoặc du lịch. Điều đó cho thấy, nước Mỹ luôn luôn mở rộng cửa để welcome mọi người đến với đất nước của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ dễ dãi đón nhận cách cẩu thả, nhưng trái lại, để có thể đặt chân vào đất nước vốn được xem là “chân trời tự do” này, hành khách phải trải qua rất nhiều thủ tục từ khâu xin visa, đến khi check-in lên máy bay, và dĩ nhiên cam go nhất vẫn là cửa khẩu nhập quan, ở đó hành khách khai báo và trả lời tất cả những điều theo thủ tục và thậm chí phải bỏ lại những con vật hoặc đồ vật không phù hợp với qui định nhập khẩu của chính phủ Obama.
Bỏ qua việc bàn luận đúng-sai về mặt chính trị, xã hội hay luân lý, từ hai sự kiện trên, ta ngẫm thấy quả là những lời dạy của người xưa thật thâm thúy. Từ những vần Ca dao, hay những câu Tục ngữ, là những đúc kết giá trị về kinh nghiệm sống, hay phép xử thế của con người trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như câu: «Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc» hay «Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy thân», đã là khuôn vàng thước ngọc về cách ứng xử hài hòa, về sự thích nghi với từng hoàn cảnh nơi mình đến, trong gia đình, ngoài xã hội, với bạn bè, trong một nhóm, một tổ chức, một trường phái, một dân tộc hay một quốc gia.
Từ nhiều tuần nay, các bài Tin Mừng Chúa Nhật đã đề cập tới việc theo Chúa Kitô và gia nhập Nước Trời dưới nhiều góc cạnh khác nhau, như phải qua con đường hẹp (Chúa nhật 21), phải sống khiêm nhường (Chúa nhật 22), và đỉnh điểm là bài Tin Mừng hôm nay, khi Người đề cập đến sự từ bỏ. Với trang Tin Mừng này, Đức Giêsu đã nói một cách minh bạch và dứt khoát rằng muốn nhập gia phải tùy tục, nghĩa là Người đưa ra những điều kiện để gia nhập vào hàng ngũ môn đệ của Người. Các điều kiện Người nêu ra không chỉ được đề nghị riêng cho một ít người tuyển chọn, nhưng cho tất cả những ai đang đi với Người. Như thế, ai gắn bó với Đức Giêsu, thì cần biết mình phải đáp ứng những yêu cầu nào. Đó là tinh thần từ bỏ với ba mức độ: dứt bỏ tài sản (c. 33), dứt bỏ tình thân (c. 26), và dứt bỏ chính mình (c. 27).
Dứt bỏ: dịch sát nghĩa là “ghét” (miseô), ngược lại với agapaô, “yêu thương”. Vì trong tiếng Hy-lạp không có thể văn so sánh hơn kém, nên người ta thường dùng lối văn song đối như: “yêu và ghét bỏ”. Ghét bỏ nghĩa là yêu ít hơn, chứ không có nghĩa là dứt bỏ luôn, hay cắt đứt hoàn toàn. Do đó, ý nghĩa của từ “ghét” ở đây được làm sáng tỏ nhờ đoạn Mt 10,37: «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy». Điều này cho thấy Đức Giêsu yêu cầu người ta dành cho Người một vị trí đặc biệt và duy nhất, trên cả người thân và của cải.
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là dứt bỏ của cải vật chất, từ bỏ người thân cận hoặc là cha mẹ anh chị em, mà là phải bỏ cái tôi, bỏ tính ích kỷ, bỏ tình yêu đối với chính mình.
Thử hỏi, thông thường có ai ghét mình bao giờ. Nhưng để đi theo Đức Giêsu, thì cả cái tôi và sự sống của người môn đệ cũng phải nhường bước cho mối dây liên kết với Người. Đó là một đòi hỏi quá khắt khe chăng? Bởi lẽ, ai muốn đi theo Đức Giêsu, thì phải vác thập giá của chính mình, để đi theo Người trên con đường thập giá. Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu, muốn thực sự làm Kitô hữu, thì cần phải biết các điều kiện được đề ra, và phải suy nghĩ xem mình có khả năng đáp ứng chăng. Nếu dừng lại giữa đường rồi bỏ cuộc, thì chẳng nghĩa lý gì. Thế nên, làm môn đệ Chúa hay trở thành người Kitô hữu, không phải là chuyện cảm xúc nhất thời, nhưng cần một sự kiên định trong sự chọn lựa. Đức Giêsu muốn người ta đi theo Người cách ý thức và có cân nhắc trong quyết định, chứ không phải theo đạo cho có, hay theo đạo vì thủ tục theo kiểu “con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ”.
Muối phải là muối, hoặc không là gì cả (cc. 34-35). Chúa Giêsu đòi hỏi cách tuyệt đối và tận căn những ai muốn đi theo Người và “làm môn đệ của Người” là rời xa tất cả những gì thân thiết nhất trong các mối tương quan với cuộc đời trần thế nầy. Bước theo Đức Giêsu: hoặc là một cuộc bước theo trọn vẹn, hoặc chẳng phải là một cuộc bước theo. Bởi người ta không được chỉ chọn ra một vài nét thuộc về hành trình của Đức Giêsu mà người ta thích, nhưng phải là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ. Vì thế, cần tránh thái độ nửa vời hay tìm cách thỏa hiệp.
Bây giờ không còn phải là thời gian ngồi suy tính nữa, mà mỗi người chúng ta phải dứt khoát từ bỏ mọi vướng víu để trung thành đi theo làm môn đệ Đức Giêsu đến cùng. Tuy nhiên, từ bỏ thường hay làm cho ta tiếc nuối. Như từ bỏ chiếc giường êm ấm để thức dậy đi lễ sáng sớm; từ bỏ một cuốn phim hay để đọc kinh tối chung với gia đình; từ bỏ đi chơi ngày Chúa nhật để theo học lớp giáo lý hôn nhân và đi làm công tác xã hội,… Cuộc sống hôm nay cho chúng ta có nhiều cơ hội để chọn lựa. Sự chọn lựa ở đây không phải chỉ cần làm một lần là đủ, nhưng là sự chọn lựa mỗi ngày. Kitô hữu là người chọn làm môn đệ Đức Giêsu, nghĩa là chọn con đường từ bỏ chính mình là cao điểm của đòi hỏi vào cửa hẹp (Lc 13, 23-24), sống khiêm tốn (Lc 14, 7-11) để có thể thích nghi được với những tập tục trong ngôi nhà của Thiên Chúa là từ bỏ tất cả và sự từ bỏ đau đón nhất, day dứt nhất bao giờ cũng là từ bỏ chính mình (Lc 14, 25-33).
Quốc Vũ
~*~