CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 8,27-35
“Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”
M. Guerrico Phạm Cao Vũ (P.S)
Đoạn Tin Mừng có thể chia thành ba phần:
1. Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (8,27-30)
2. Loan báo Thương Khó lần đầu (8,31-33)
3. Giáo huấn về số phận các môn đệ (8,34-35).
1. Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô
Lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô“ (Mc 8,29), được đặt ngay trung tâm của sách Tin Mừng Máccô, cộng với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng trên Đồi Sọ, ở cuối sách Tin Mừng: “Quả thật Người này là Con Thiên Chúa“ (Mc 15,39), hợp lại gần giống lời tuyên xưng của Phêrô theo sách Tin Mừng Mátthêu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.“ ( Mt 16,16)
Chúa Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã được Máccô lưu ý độc giả ngay từ đầu Tin Mừng của Ngài: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.“ (Mc1,1). Lướt qua như vậy đủ cho ta thấy được chủ đích của Máccô khi kể lại cuộc đời Chúa Giêsu, Máccô không ngần ngại cho ta biết trước: Chúa Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, nhưng khi đến thế gian Ngài đã không ngại gian khổ, kể cả cái chết đau thương để mạc khải ý định yêu thương từ ngàn đời của Chúa Cha dành cho nhân loại. Tình yêu này, người ta chỉ nhận ra từ từ khi dõi theo bước đường Chúa Giêsu đã đi. Vậy đâu là con đường Chúa Giêsu đã đi?
2. Loan báo cuộc thương khó lần đầu.
Thật vậy, từ những bước chân ban đầu đầy hân hoan vì ngộ nhận tưởng sẽ nhận được những lợi lộc trước mắt, cho đến những bước chân rón rén theo Thầy vì sợ lao khổ, vì chưa hiểu của các môn đệ, Chúa Giêsu đã phải kiên trì nhẫn nại giải thích cho các môn đệ biết số phận sắp tới của Người. Quả thật khi nghe Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô“, Chúa Giêsu cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người, bởi Người biết không những dân chúng đang mong đợi một Đấng Kitô đầy dũng lực quyền năng, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ; mà ngay cả các môn đệ là những người theo Chúa lâu nay, đã chứng kiến bao dấu lạ Chúa làm, nhưng vẫn chưa hiểu được Chúa Giêsu thật sự là ai, chưa hiểu được con đường nào Thầy mình phải đi qua. Vì vậy Chúa Giêsu phải tỏ cho các ông biết rõ không úp mở rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.“ (Mc 8,31) Nhưng Phêrô đáp lại điều loan báo này bằng cách kéo riêng thầy ra mà trách. Điều này cho thấy Chúa Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai về Người là Đấng Kitô quả là có lý. Vì người Do Thái biết rõ trong sách Luật rằng: Đấng Kitô phải trường tồn mãi mãi (x. Ga 12,34; Tv 89, 37). Thế mà Chúa Giêsu lại nói Con Người phải được giương cao, để ám chỉ Người phải chết cách nào.
Dân chúng chưa hiểu và chưa biết đã đành. Nhưng các môn đệ sau một thời gian dài theo Chúa Giêsu cũng đâu đã gột rửa tư tưởng hoàn toàn cho phù hợp với tư tưởng của Thiên Chúa. Tóm lại, họ chỉ chờ mong một Đấng Kitô chiều theo ý thích của họ hơn là một Đấng được Thiên Chúa xức dầu mà tiên tri Isaia đã loan báo trước trong Bài ca thứ tư về Người Tôi tớ: “Người tôi tớ lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53, 2tt). Quả thật Chúa Giêsu chịu đối xử tựa như khúc rễ trên đất khô cằn. Theo Isaia Người chính là miêu duệ, là chồi non đầy tương lai của Đavít, Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này, các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người sẽ rực rỡ vinh quang (x. Is 11,1-2.10), vậy mà khúc rễ này phải chịu cảnh khô héo biểu tượng của sự thấp hèn yếu kém.
3. Giáo huấn về số phận các môn đệ.
Sau khi được Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người, Phêrô đã kéo Người riêng ra để ngăn cản và xin cho việc đó đừng xảy ra. Chúa Giêsu đã phải nghiêm khắc trách ngược lại tư tưởng của Phêrô, bởi tư tưởng của Phêrô không phù hợp với Ý định của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã không những gọi các môn đệ lại, mà còn gọi cả đám đông nữa để dạy rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Tại sao phải vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu? Thưa, vì đây là điều kiện phải có để theo Đức Giêsu. Ngài đã từng khẳng định: tôi tớ thì không hơn chủ, trò thì không hơn thầy. Đức Giêsu Kitô quả thật là Thầy và là Chúa. Người vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự ý hạ mình đón nhận thập giá và vâng lời cho đến chết trên cây thập tự (x. Pl 2,6-8). Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Vậy để cùng được hưởng vinh quang với Người, người môn đệ Chúa Giêsu không có con đường nào khác là cũng phải bước theo con đường Thầy đã đi.
Con đường cứu thế của Chúa là con đường thập giá, con đường khổ đau. Phêrô và các môn đệ còn ngần ngại chưa bước theo Thầy, thậm chí còn can ngăn Thầy vì chưa được Thánh Thần soi sáng, tác động. Phêrô và các môn đệ khác chỉ có thể nhận ra con đường cứu độ của Chúa sau khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Từ đó, Phêrô và các môn đệ khác đã dấn thân bước theo Thầy cho đến cùng. Tất cả đều chết như Đức Kitô.
Đứng trước lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Chúng ta được hoàn toàn tự do chọn hay khước từ lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ai trong chúng ta cũng biết rằng: theo Chúa không phải là dễ, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Vì nào có ai muốn từ bỏ mình đi? Không có ai muốn bỏ ý riêng, sở thích của mình. Thậm chí trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, khi so sánh sự khôn ngoan của thế gian với sự khôn ngoan theo Kitô giáo, Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đường hư mất” (1Cr 1,18). Tuy nhiên thánh Phaolô cũng xác định rõ là: đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vậy khi nói rằng tôi yêu mến Chúa, tôi tin tưởng và muốn theo Người mà không dám dấn thân dõi bước theo Người, thì liệu niềm tin yêu ấy có thật không? (x. Gc 2,14-18)
Xin Thiên Chúa giúp chúng ta khi mở miệng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, thì đồng thời cũng mến yêu Người thật trong lòng. Để khi yêu mến Người thật, chúng ta không ngại dõi bước theo con đường Người đã đi đó là: dám quên mình mà dấn thân phục vụ tha nhân cho đến cùng.