ĐỌC TIN MỪNG: Mt 22,15-21
Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy.
Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? “
Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! ” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây? “ Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
+ SUY NIỆM
“CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO”
Có câu chuyện vui kể rằng, ngày kia một vị mục sư mời Chúa Giê-su đi dự khan trận đá banh giữa đội Công Giáo và đội Tin Lành, khi đội Tin Lành ghi bàn thì Chúa Giê-su đứng lên vỗ tay, nên vị mục sư nghĩ là Chúa đứng về đội bóng Tin Lành. Nhưng rồi lúc đội Công Giáo thắng thì Chúa Giê-su cũng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt…
Chính trị và tôn giáo biệt lập nhau, không thể dùng tôn giáo để biện minh cho ý đồ chính trị. Thiên Chúa không đứng về phe này để sát hại phe kia, và Thiên Chúa không dạy con người giết hại lẫn nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay, qua việc các địch thủ của Chúa Giê-su gài bẫy Người về việc nộp thuế, Chúa Giê-su dạy mọi người bài học cần phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và chính trị, giữa tương quan xã hội và mối liên hệ với Thiên Chúa: “Của Xê-da hãy trả cho Xê-da và của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”.
* Vấn đề chính trị và tôn giáo.
Thời Chúa Giê-su, người Pha-ri-siêu và phe Hê-rô-đê vốn đối nghịch nhau về chính trị, giờ đây lại liên minh với nhau. Người Pha-ri-siêu chống lại sự đô hộ của đế quốc Rô-ma, trong khi phe Hê-rô-đê lại chấp nhận để hưởng quyền lợi và bổng lộc hoàng đế. Hôm nay, họ liên minh với nhau muốn dùng một mũi tên quyết định trúng hai đích, hòng đẩy Chúa Giê-su vào thế tiến thoái lưỡng nan, mà câu trả lời không thể nói “có” mà cũng không thể nói “không”. Cái bẫy được họ giăng ra cho Chúa Giê-su là: “Có nên nộp thuế cho Xê-da không?”. Nếu Chúa Giê-su trả lời có, thì người Pha-ri-siêu có lý do để làm Người phải mất tín nhiệm trước dân chúng, còn nếu nói không, thì phe Hê-rô-đê sẽ có lý do để tố cáo Rô-ma đến bắt Người.
Đối với người Pha-ri-siêu, nộp thuế cho Xê-da, hoàng đế ngoại bang, là chối bỏ Thiên Chúa, Đức Chúa độc nhất của Israel. Họ đồng hóa phe quốc gia Do-thái với chính nghĩa của Thiên Chúa là để phục vụ Thiên Chúa, và vì thế họ phải đè bẹp các phe phái địch thù khác.
Thế nhưng, hoàng đế Rô-ma không phải là Thiên Chúa, cho dù ông tự xưng mình như vậy. Hoàng đế áp đặt quyền bính, bắt dân sử dụng đồng tiền Rô-ma, nhưng không thể đòi hỏi lương tâm con người vốn đã thuộc về Thiên Chúa, phải tuân phục ông được. Tuy nhiên, hoàng đế Rô-ma cũng không phải là “kẻ thù của Thiên Chúa” như người Pha-ri-siêu quan niệm, và để phục vụ Nước Thiên Chúa, thì cũng không cần thiết phải từ chối nộp thuế hay tuân phục luật dân sự do hoàng đế ban hành (x. NCGKPV).
Khi trả lời “của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, Chúa Giê-su phân biệt tôn giáo và chính trị trong một nền văn hóa mà các nhà chính trị luôn dùng tôn giáo biện minh cho mình và cũng do đó xem các địch thủ chính trị như là địch thủ của Thiên Chúa. Với mưu đồ chính trị, thậm chí người ta còn tìm cách lôi kéo Thiên Chúa vào phe mình để tiêu diệt đồng loại.
* Sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong bối cảnh dân Do-thái đang bị xâu xé về chính trị, chia thành nhiều phe phái không đội trời chung, dẫn đến sự kiện Israel sẽ bị xóa sổ sau cuộc khởi nghĩa vào năm 70.
Chúa Giê-su không lên án cũng không biện minh cho chủ nghĩa đế quốc Rô-ma. Phải chăng như vậy thì nghĩa là hòa bình và công lý giữa các dân tộc chẳng liên quan gì đến các “vấn đề thiêng liêng” và cũng chẳng làm cho Chúa Giê-su bận tâm?
Dĩ nhiên, đây là những vấn đề quan trọng và lịch sử Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa muốn cho mỗi một con người được hưởng tự do, cho các dân tộc có được khả năng phát triển nền văn hóa và đời sống quốc gia riêng. Đây là điều biện minh cho việc Ki-tô hữu có thể dấn thân làm chính trị hầu xây dựng công lý hòa bình và phát triển con người.
Chúa Giê-su biết rằng sự giải phóng đích thực con người luôn đi xa hơn các tranh chấp và sự đối nghịch giữa các phe phái. Chúa Giê-su kêu gọi các địch thủ của mình đặt lại đời sống chính trị vào đúng chỗ của nó, và đừng lẫn lộn đức tin với cuồng tín tôn giáo.
Phương thế truyền giáo là con đường tình yêu, tự do và đem bình an của Chúa đến cho nhân loại, chứ không phải bằng con đường bạo lực bắt cải đạo, hay lấy chính trị làm phương thế áp đặt tín ngưỡng. Không như người Hồi Giáo thế kỷ thứ IX – X, đã nhân danh tôn giáo để bành trướng, hay gần đây nhất các nhóm Hồi Giáo cực đoan đã núp bóng chiêu bài tôn giáo để kích động chiến tranh, nhằm mưu đồ cho chính trị. Đức tin đòi hỏi một sự tuân phục toàn diện, nên những ai còn lầm lẫn đức tin với việc đấu tranh chính trị thường đi đến chỗ biện minh cho tất cả mọi hành động của đảng phái mình, ngay cả những dối trá và tội ác.
Như vậy, chính trị và tôn giáo biệt lập nhau, không thể dùng tôn giáo để biện minh cho ý đồ chính trị. Thiên Chúa không đứng về phe này để sát hại phe kia, và Thiên Chúa không dạy con người giết hại lẫn nhau.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin giúp chúng con biết trả lại cho “thế gian – Xê-da” cái thuộc về nó là sự thù hận, ghanh ghét, đố kỵ, bạo lực và những đam mê xấu; để rồi chúng con sẽ trả lẽ cho Chúa những gì thuộc về Ngài là đức hạnh yêu thương, hầu cuộc sống của mỗi Ki-tô hữu chúng con là lời chứng truyền giáo hùng hồn, đem nhiều người trở lại với Chúa. Amen.
Hiền Lâm.