«THIÊN CHÚA RẤT GẦN»
(Is 55,6-9; Pl 1,20-27; Mt 20,1-16a)
FM. Quốc Vũ, Phước Lý
- Bài đọc I: Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi
Chúng ta đang ở đoạn kết của sách Isaia đệ nhị mà tác giả viết để an ủi dân Israel. Đó là một bài thơ dài loan báo ơn cứu độ: Thiên Chúa oai hùng từ trời cao sẽ viếng thăm dân Người.
Trong đoạn thơ ngắn này, Isaia cho thấy Thiên Chúa ở rất gần, nhưng cũng rất xa. Gần, vì là thời Người còn cho gặp; nhưng xa, vì tư tưởng phàm nhân không thể sánh tày tư tưởng của Người.
Các câu 6-7, cho chúng ta thấy công việc ưu tiên hàng đầu khi Thiên Chúa còn ở gần là dân phải tìm kiếm và kêu cầu Người: «Hãy tìm kiếm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, hãy kêu cầu Người lúc Người ở kề bên». Tìm kiếm Đức Chúa, nghĩa là xin Người soi sáng để giải quyết những vấn đề cấp thiết và gai góc (x. Xh 18,15-16), đồng thời nối lại mối tương quan với Người qua việc phụng thờ Người (x. Tv 24,6), và nhất là phải bỏ đường lối bất lương mà trở về sống công chính trước mặt Người, «vì Người sẽ rộng lòng tha thứ».
Tuy nhiên, Thiên Chúa của Isaia đệ nhị vốn là một Đấng Thánh, Đấng hùng dũng, không thể suy thấu, vì: «Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta» (7,33). Tư tưởng của Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ, đường lối của Thiên Chúa là con đường giàu nghĩa nhiều ân đối với mọi hạng người, không có phân biệt, không có đối xử. Và điều này chúng ta sẽ gặp thấy cách minh nhiên hơn nơi Bài Tin Mừng.
- Bài Tin Mừng: Phải chăng vì thấy Ta tốt bụng, mà ngươi ghen tức?
Chủ đề của đoạn Tin Mừng hôm nay đề cập đến sự rộng lượng của ông chủ vườn nho đối xử với những người đến trễ nhất vào “giờ thứ 11”, nghĩa là giờ cuối cùng của ánh sáng mặt trời, để chuẩn bị bước vào bóng tối.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là những người đến vào giờ cuối này cũng được trả lương bằng những người đến làm từ sáng sớm. Chính sự hào phóng này của ông chủ đã vô tình làm nảy sinh sự khó chịu trong nhóm thợ đến làm sớm hơn, họ vừa lãnh tiền công vừa cằn nhằn ông: «Mấy người chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt» (c. 12). Họ đã so sánh, phân bì, ghen tương; họ không chịu cho anh em được bằng mình… đã phản ánh tâm trạng của những người Biệt phái và người Do Thái khi thấy Chúa thương xót người thu thuế tội lỗi và lương dân.
Trái với thái độ nôn nóng khó chịu của những người thợ đến sớm, ông chủ bình thản nói với họ: «Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? […] Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?» (cc. 13-15).
Từ cách trả lời của ông chủ, chúng ta nhận ra một điều, con người vốn vẫn ở gần bên Thiên Chúa, nhưng lòng trí vẫn còn quá cách xa Người. Cho đến bao giờ con người mới có thể học biết được câu: «Ta muốn lòng nhân, chứ không cần hy lễ» (Mt 9,13). Chỉ có tình yêu: «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, và yêu người tha nhân như chính mình» (x. Mc 12,30-13), mới làm cho chúng ta đến gần Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, để có thể nói như thánh Phaolô trong Bài đọc II, «Đối với tôi, sống là Đức Kitô» (c. 21).
- Bài đọc II: Đối với tôi, sống là Đức Kitô
Ở đây, thánh Phaolô giải thích tình trạng Giáo hội bị bách hại, và chính ngài cũng đang bị cầm tù vì rao giảng Tin Mừng. Khi đứng trước cái chết, ngài đã viết thư này để ủy lạo cộng đoàn tín hữu tại Philipphê: «Thưa anh em, Đức Kitô sẽ tỏ bày uy quyền cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi» (cc. 20-21).
Sự giải thích này của Phaolô đã cho thấy sự xác tín của ngài về ơn cứu độ của con người hoàn toàn tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô. Thế nên, cho dù sống, dù chết, người Kitô hữu hãy luôn tin tưởng và gắn bó với Đức Kitô, để bước theo Người, sống với Người và cho Người, như ở câu cuối cùng của đoạn sách này, thánh Pháolô khẳng định: «Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô» (c. 27). Mà Tin Mừng của Đức Kitô là gì? Há không phải là lòng nhân hậu khoan hồng của Thiên Chúa sẽ ban tặng cho tất cả mọi người tùy theo ơn gọi và địa vị của mỗi người trong cộng đoàn Giáo hội, vốn là Hiền Thê của Đức Kitô sao?
- Suy niệm
+ Ơn gọi giờ thứ XI
Dụ ngôn về các người thợ làm vườn nho cho chúng ta cái nhìn tổng quan về ơn gọi của mỗi người. Bất cứ ơn gọi nào cũng đều khởi đầu từ Thiên Chúa, vì: «Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình» (Mt 20,1), đồng thời Người cũng ban cho mỗi người những yếu tố cần thiết để đáp trả lại ơn gọi của mình. Tất cả mọi người đều được mời gọi, nhưng ở những giờ khác nhau, vào những công việc và hoàn cảnh khác nhau: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20,4). Đó được xem như là giao ước mà Thiên Chúa ký kết với mỗi người: Thiên Chúa mời gọi và con người đáp trả. Giao ước đó không xây dựng dựa trên công trạng con người, nhưng trên tình yêu và sự khoan dung của Thiên Chúa: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất” (Mt 20,8).
Thiên Chúa gọi mọi người đi vào vườn nho của Người, vào các thời điểm khác nhau. Trong vườn nho này, chúng ta không thể khẳng định mình có một quyền hay một giá trị gì trước nhan Thiên Chúa; không thể xác định được một sự tương ứng cứng ngắc giữa phần ta đóng góp và phần thưởng từ phía Thiên Chúa. Và chúng ta cũng không thể nào tự cho mình có quyền được đón nhận phần thưởng nhiều hơn những người thợ khác. Vườn nho ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn, là gia đình mình đang sống. Và các người thợ khác chính là các anh chị em đang cùng sống, cùng sẻ chia và thi hành sứ mệnh Chúa trao.
Thật thế, đường lối của Thiên Chúa vượt xa mọi quan niệm của chúng ta. Thước đo giá trị và sự công bằng của chúng ta hoàn toàn khác xa sự công bằng của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, chắc chắn Đức Giêsu không muốn đề cập đến một bài học về công bình xã hội, nhưng Người có ý giới thiệu hình ảnh một ông chủ đặc biệt, có lối xử sự vượt quá kiểu tương quan bình đẳng: đó là lòng nhân lành của Người.
+ Đức Kitô – Gạch nối giữa Thiên Chúa và con người
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa của dân Israel là một Thiên Chúa ở rất xa, con người không thể nào đến gần, không thể giáp mặt diện đối diện với Người. Vì thế, dân phải cần đến những vị trung gian để tìm hiểu ý Thiên Chúa, qua từng thời kỳ, như Môsê, các tư tế, và các ngôn sứ: «Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử» (Dt 1,1-2). Như thế, thời kỳ mới đã được mở ra, thời Giao Ước Mới, thời mà Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng ở giữa dân Người, bởi qua Đức Kitô: «Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta» (Ga 1,14). Đức Kitô là Đấng Trung gian, trở thành gạch nối giữa Thiên Chúa và con người, đưa Thiên Chúa đến với con người, và đưa con người đến gần Thiên Chúa. Hay nói một cách táo bạo như thánh Clément Alexandrie và thánh Grégoire Naziance: “Thiên Chúa đã làm người, để cho con người làm Chúa”.
Các tác giả Tân Ước đều lấy Đức Kitô làm trung tâm cho tư tưởng và đời sống của mình. Riêng nơi thánh Phaolô, chúng ta thấy sự xác tín ấy rất minh nhiên: «Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi» (Bài đọc II). Đối với ngài, được gia nhập Giáo hội là được trở nên chi thể của Đức Kitô (1Cr 12,27). Gia nhập Giáo hội chính là ơn gọi của mỗi người vào làm vườn nho cho Thiên Chúa, ở đó, ngay cả sự sống chết cũng đều được qui về Đức Kitô, thì huống chi là sự lao nhọc của cái nắng mặt trời (Bài Tin Mừng).
Ý thức được ân huệ cao cả của ơn gọi, ta mới thấy trân quí, mới cảm nhận được niềm hạnh phúc, và dấn thân hoàn toàn vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người.