AI ĐÃ THI HÀNH LỜI CHÚA?
(Mt 21,28-32)
M. Michael Hội, Phước Lý
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn ngắn gọn, dễ hiểu, và bài học mang lại cũng rất phong phú. Đó là câu chuyện hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Người con thứ nhất chối từ lời cha bằng một câu phủ định thẳng thừng: “Không, con không muốn”! Nhưng sau đó anh suy nghĩ lại và đã đi làm theo ý cha. Ngược lại, người con thứ hai tỏ vẻ vâng phục, trả lời cha một cách kính cẩn, lệ phép: “Thưa ngài, con đây”! Nhưng rồi anh ta không đi, bỏ ngoài tai lời cha kêu gọi và bỏ luôn lời hứa của mình (x. Mt 21,28-30).
Khi nghe dụ ngôn này chúng ta thường nghĩ ngay đến câu: “Ngôn hành bất nhất”. Câu nói này có ý chê trách những kẻ tiểu nhân, nói mà không làm, hứa mà không thực hiện. Thành ngữ Trung hoa có câu: “Nhất ngôn cửu đỉnh” – Nghĩa là một lời nói ra nặng tựa chín đỉnh đồng, không thể thay đổi. Đây là một trong những điều kiện cần của bậc chính nhân quân tử. Theo Khổng Tử, người quân tử là người uy tín, họ rất trọng lời đã hứa, đã nói là làm, đã làm là không thay đổi cho dù mình phải chịu thiệt. Như vậy, xem ra cả hai người con trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay không ai xứng với danh “quân tử” mà Khổng Tử đã đề ra. Tuy nhiên, khi trình bày dụ ngôn hai người con, Đức Giêsu không mấy quan tâm đến tiêu chí quân tử của nho gia, nhưng Ngài khuyên mọi người hãy biết ăn năn, sám hối và quay về nẻo chính đường ngay. “Quay đầu là bờ”! Kẻ thực tâm thay đổi để làm theo “Thiên Ý”, kẻ ấy mới được kể là người công chính, là bậc chính nhân quân tử vậy.
Quả thật, lời giáo huấn của Đức Giêsu không dừng lại ở nội dung dụ ngôn, tức là khuyên người ta phải “ngôn hành đồng nhất”, nhưng được Ngài khai triển tiếp bằng một câu hỏi tu từ: “Trong hai người con đó, ai là người đã thi hành ý muốn của người cha” (Mt 21,31a)? Khỏi nói, ai cũng biết, đó là người thứ nhất, người tuy nói không nhưng đã đi làm theo ý cha. Khi các thính giả đã hiểu rõ dụ ngôn và trả lời đúng câu hỏi, Đức Giêsu không còn úp mở hay ẩn dụ nữa, mà Ngài thẳng thắn “nắn gân” các thượng tế và kỳ mục trong dân Israel. Ngài nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31b). Mà những người thu thuế và những cô gái điếm là ai? Đó là những người phạm tội công khai, luôn bị mọi người khinh thị, là hạng bết nhất trong hệ thống cấp bậc của Do thái giáo thời đó. Thế nhưng, Đức Giêsu lại đánh giá họ cao hơn các thượng tế và kỳ mục, những người đứng đầu tôn giáo và được xem là “đức cao vọng trọng” trong dân. Hơn nữa, kiểu nói “vào trước” (προάγουσιν) theo ngôn ngữ Kinh Thánh không mang tính thời gian, nhưng có nghĩa là thay thế. Theo nghĩa này, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ chiếm chỗ các thượng tế và kỳ mục trong Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu lên án giới lãnh đạo Do thái giáo không chỉ sống giả hình, ngôn hành bất nhất, nhưng còn cứng lòng tin, không chịu lắng nghe và thực thi lời Chúa. “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” (Mt 21,32). Ở đây, Gioan Tẩy Giả được Đức Giêsu và dân chúng minh nhiên công nhận là người của Chúa, là sứ giả của Chúa sai đến, ông rao giảng đường lối của Chúa. Là người mở đường cho Đức Giêsu, ông cũng loan báo rằng “hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1; 4,17). Nhờ sự giảng dạy và gương nhân đức của Gioan, nhiều người đã sám hối và trở lại cùng Chúa, trong đó có những người thu thuế và các cô gái điếm. Như vậy, không phải vì ngoan đạo hay thánh thiện hơn các thượng tế và kỳ mục mà những người thu thuế và các cô gái điếm được vào Nước Thiên Chúa, nhưng nhờ sự hối lỗi và quay về thực thi ý Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ mỗi người chúng ta hãy sám hối và quay trở về thi hành ý Chúa. Vì dù có là Kitô hữu, tu sĩ, linh mục, giám mục hay giáo hoàng, tất cả mọi người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Vịnh gia đã phải đấm ngực thốt lên: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Tuy nhiên, Chúa “không xử với ta như ta đáng tội”, nhưng lấy lòng nhân hậu xót thương, mở lượng hải hà thứ tha tội lỗi, nếu ta thực lòng ăn năn sám hối. Chính Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18,27).
Điều tệ hại nhất là chúng ta không nhận ra tội lỗi của mình, hoặc “lờn hóa” tội lội, hoặc tự cho mình là công chính và không cần đến Thiên Chúa. Xưa cũng như nay, trong xã hội Do thái giáo cũng như trong các cộng đoàn Kitô giáo, vẫn luôn tồn tại hai hạng người như hai người con trong dụ ngôn. Một bên là những người không hoặc ít tuân giữ lề luật, được xem là hạng tội lỗi công khai và bên kia là những người giữ luật vũ hình thức, bị coi là những kẻ đạo đức giả hình. Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, có thể chúng ta sẽ nhận ra hình bóng của mình trong hai hạng người này. Dù có lỗi luật tỏ tường như những người thu thuế và các cô gái điếm, hay trịch thượng, giả hình như các thượng tế và kỳ mục, điều quan trọng là chúng ta hãy thật lòng ăn năn sám hối và thực thi ý Chúa, thì sẽ được vào nước của Ngài.