Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật XXVIII mùa thường niên, năm C: “Phong cùi” (Quốc Vũ)

Chúa nhật XXVIII Thường Niên, năm C

«PHONG CÙI»

Bài đọc 1: 2 Vua 5, 14-17

Bài đọc 2: 2 Timôthê 2, 8-13

Tin Mừng: Luca 17, 11-19

 

Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Đức Giêsu, có bốn hạng người dù vẫn sống, nhưng bị coi như người chết, đó là những người nghèo, người mù, người son sẻ và người phong cùi. Mọi chứng bệnh đều bị coi như sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhất là bệnh phong cùi được xem như là chính biểu tượng của tội, nó khoác vào người bệnh cả nỗi nhục nhã thể xác và tâm hồn.

Hôm nay, thánh sử Luca thuật lại sự kiện Đức Giêsu gặp mười người phong cùi và chữa lành cho họ. Những người nầy đứng từ đàng xa mà kêu xin Đức Giêsu. Động từ đứng xa “porrōthen”, chữ nầy diễn tả chính xác hoàn cảnh hiện tại của họ. Họ phải đứng xa mọi người và mọi người lánh xa họ vì sợ lây nhiễm. Do bệnh tật, những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải la to hoặc rung chuông để báo cho mọi người biết họ đang đến để mà tránh xa (x. Lv 13,1-44).

Được chữa lành

Bài đọc 1 cũng thuật lại câu chuyện một người được Thiên Chúa chữa lành khỏi bệnh phong cùi. Đó là câu chuyện của ông Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua nước Aram, đã được nhiều người biết đến. Nghe tin ở đất Giuđa có vị tiên tri nổi danh làm phép lạ, ông xin phép nhà vua đi đến gặp nhà tiên tri. Êlisê bảo ông cứ xuống sông Hòa Giang tắm 7 lần thì sẽ được khỏi bệnh. Thoạt đầu ông không muốn nghe vì nghĩ sông Hòa Giang của Do Thái có gì sạch hơn sông ở Syria. Nhưng, sau khi nghĩ lại, ông đã vâng lời xuống sông tắm 7 lần và đã được sạch.

Bài Tin mừng thuật lại chuyện Đức Giêsu chữa lành mười người phong cùi.  “Mười”, là con số có thể được xem là nghĩa “toàn vẹn”. Như thế, “mười người phong” biểu trưng cho tình trạng tội lỗi, là biểu tượng của tội, của tình trạng bần khốn của con người, của tình trạng xa lìa Thiên Chúa và người thân cận.

Tạ ơn

Câu hỏi của Chúa Giêsu là cả một khoảng trống khiến người ta suy nghĩ: «Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?» (c. 17). Đây là sự trách cứ những người Dothái đương thời không tin Chúa Giêsu, đồng thời cũng là câu hỏi trách nhiều Kitô hữu mọi thời. 

Cũng như Naaman, sau khi được chữa lành, ông đã cùng đoàn tùy tùng trở lại gặp nhà tiên tri, mà tuyên xưng: «Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel» (c. 15). Như thế, ông Naaman đã bỏ tà thần để suy phục Thiên Chúa. Ông đã được đức tin sau khi được lành bệnh. Từ nay ông trở thành dân của Chúa. Và chắc chắn đức tin của ông dứt khoát, mạnh mẽ hơn nhiều người Do Thái. Thì việc quay trở lại với Đức Giêsu, người Samari cho ta thấy rằng anh đã hiểu tại sao lúc đầu anh lại được sai đến với các tư tế. Anh phải nói cho họ biết tin này: Thiên Chúa đã sai đến Đấng từng được các ngôn sứ loan báo, Đấng làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, người chết trỗi dậy và người cùi được lành (x. Lc 7,22). Anh làm chứng rằng Thiên Chúa ở gần mọi người, kể cả người phong cùi. Từ nay sẽ không còn chia cách giữa người khỏe mạnh và người phong cùi, giữa người công chính và kẻ tội lỗi.

Trở lại tạ ơn là việc diễn tả lòng tin, là nhìn nhận rằng điều tốt lành mình có đều do Thiên Chúa ban tặng. Mặt khác, đức tin không cắt đứt người tin khỏi những tương quan trong cuộc sống, nhưng giúp con người biết nhìn mối tương quan ấy trong cái nhìn của Thiên Chúa. Đức tin phát sinh từ việc nhận biết ân huệ Thiên Chúa ban và được diễn tả ra bằng một tiếng “tạ ơn” không ngừng.

Ðể chứng tỏ niềm tin này, ông Naaman xin được dâng chút lễ mọn cho nhà tiên tri, theo thông lệ thời bấy giờ. Không phải ông muốn cám ơn Êlisê vì đã chữa ông khỏi bệnh, nhưng ý nghĩa của việc dâng tặng lễ vật là để nói lên niềm tin Êlisê là tiên tri, tức là người của Thiên Chúa.

Còn đối với người Samari, sự chữa lành không những là được phục hồi sức khoẻ và được hòa nhịp sống chung với mọi người, mà đó còn là sự gặp gỡ Thiên Chúa và Đức Giêsu. Chứng nan y đã đưa anh đến một tiếp xúc đầu tiên với Đức Giêsu, một cuộc gặp gỡ từ đàng xa. Nhưng sau khi được chữa lành, anh có thể gặp Người gần kề hơn.  Anh không chạy xa Đức Giêsu, nhưng đã trở lại với Người mà ca ngợi Thiên Chúa, Đấng đã tỏ lòng thương xót anh, không những trong tư cách là người đã chữa bệnh phong, mà còn trong tư cách là Đấng ban ơn cứu độ: «Chỗi dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh» (c. 19). Như thế, khi nhìn nhận người Samari đã được đức tin chữa lành, Đức Giêsu đã công nhận chỉ có anh này mới được chữa lành hoàn toàn.

Được sai đi

«Chỗi dậy về đi!». Câu 19 này được xem như hệ luận của việc chữa lành, mà trong đó Luca liên kết việc chữa lành với sự cứu độ. Phân từ anastas đi trước poreuomai không diễn tả tình trạng kéo dài, mà là hành động, dù nó không phải là động từ chính. Quả nhiên, người phong cùi không bị bại liệt để được ra lệnh chỗi dậy! Vậy Luca dùng động từ “chỗi dậy” này trong tương quan với động từ “cứu độ” theo sau, để diễn tả một sự chữa lành bệnh tật phần xác, và là dấu chỉ sự cứu độ khỏi tội lỗi (5,28; 6,8, 15,18.20, 17,19). «Chỗi dậy về đi!», cụm từ này gợi đến mầu nhiệm phục sinh sống lại, chỗi dậy khỏi sự chết và đời sống cũ; hành động này ám chỉ sự tham dự vào việc chỗi dậy của Chúa Giêsu từ cõi chết (x. 24:7; 24:46), đồng thời nhắc chúng ta nhớ đến việc Ðức Giêsu đang đi lên Giêrusalem để được vinh hiển (c. 11). Ðó là con đường mà người Samari, tức là lương dân từ nay sẽ đi để sống đạo, sống đời sống Kitô hữu để theo Ðức Kitô đến vinh quang.

Chúng ta sẽ không hiểu đúng hành trình đức tin này, nếu không nghe thánh Phaolô nói đến lòng tin của người (Bài đọc II). Không những người đã tin Ðức Giêsu Kitô phục sinh từ kẻ chết và người hằng rao giảng Tin Mừng ấy cho lương dân để họ cũng được cứu chuộc; nhưng khi bị giam cầm tù tội, người vẫn không bớt sống niềm tin ấy. Người vẫn làm tông đồ, người vẫn rao giảng đức tin bằng chính cách chịu đau khổ. Do đó người có thể viết: «Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu đau khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích» (c. 9). Người nêu gương cho tất cả chúng ta luôn phải đưa đức tin đi xa hơn, làm cho đức tin ấy tiến bộ, ngay cả khi bị thử thách gian truân.

Kết

Thiên Chúa luôn nhìn đến nỗi khốn cùng của con người và chữa lành, không phân biệt người Dothái hay là người Samari. Tuy nhiên cách Người chữa lành đòi hỏi sự cộng tác nghiêm túc của con người: bằng đức tin và sự đáp trả. Chúng ta có thể lành lặn về thể lý, nhưng lại mang mầm bệnh phong cùi trong niềm tin. Đó là sự ù lì, chai cứng trước sứ điệp Lời Chúa, trước những giáo huấn của Giáo Hội, để rồi tự tách mình ngày càng xa lìa cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn đức tin,… và vô tình làm mình trở nên người “phong cùi”.

Quốc Vũ        

~*~

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...