Ml 1,14b-2,2b.8-10; 1Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG
Louis Gonzaga Hoàng Luật
Sự thường ai cũng thích những người đơn sơ khiêm tốn, không ai thích những người kiêu căng tự cao tự đại. Thế nhưng để sống đơn sơ khiêm tốn quả là một điều khó, vì ai trong chúng ta cũng nhiễm “virút” kiêu ngạo từ nguyên tổ. Chúng ta dễ thấy mình là nhất, là tốt, là có lý nên ai đụng tới mình một chút cũng có thể nổi cáu tự ái. Đôi khi một lời nói, một cử chỉ không vừa lòng, ta cũng cảm thấy bị tổn thương, có người căm giận cả năm cả tháng. Vì sao? Vì chưa khiêm nhường, kiêu ngạo, tự coi mình “là cha”, “là thầy”, “là người hướng dẫn” thiên hạ, luôn cho mình hơn người, trên người.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống khiêm nhường. Nhưng thế nào gọi là khiêm nhường? Khiêm nhường có phải sống tự ti mặc cảm không? Có phải co cụm im lìm lũi thủi cúi mặt xuống đất không? Nếu vậy thì những người vui vẻ, hoạt bát là những người kiêu căng sao? Có phải khi đi ăn tiệc, đi lễ ngồi ghế cuối cùng để người ta mời hoài cũng không lên là khiêm nhường không? Không phải thế. Khiêm nhường là không hống hách khoe khoang, không cho mình hơn người, không coi mình “là cha”, “là thầy”, “là người chỉ đạo” thiên hạ mà Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay. Chúa muốn mỗi người phải tôn trọng nhau, phục vụ nhau, coi nhau là anh em. Đừng ham thích thống trị, sống trên người khác, vì chúng ta là những người bất toàn, khiếm khuyết, nhiều tội lỗi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng là Cha là Thầy, là người hướng dẫn mà thôi. Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Ngài là vị tông đồ, là người lãnh đạo các giáo đoàn, một nhà truyền giáo đại tài, nhưng ngài đã sống rất khiêm tốn, dịu dàng, xả thân phục vụ các tín hữu: “Thưa anh em, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi quí mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa”(1Tx2,7b-8).
Và thiết nghĩ, khiêm tốn là sống như mình là, sống “chính danh”: Người lãnh đạo, bề trên, phải sống đúng cương vị người lãnh đạo, bề trên, không èo uột rụt rè, cũng không thổi phồng quá mức. Trong bài đọc thứ nhất, Chúa đã dùng ngôn sứ Malaki để khiển trách những nhà lãnh đạo tinh thần của Israel thời bấy giờ, vì sự cẩu thả trong phụng vụ, ban bố những hướng dẫn sai lạc, có những quyết định thiên vị trong dân, làm xáo trộn cuộc sống dân (x. Ml 1,14b-2,2b.8-10). Bề dưới sống cương vị bề dưới không cần phải chiếm quyền, tiếm vị. Mình khô khan chấp nhận mình khô khan để tiến chứ không vì thế mà tỏ ra vẻ mình là người đạo đức. Mình không thông minh, chấp nhận mình dốt, đừng tỏ ra là người trí thức… Về vấn đề khiêm nhường, cha Henri Denis Biển Đức Thuận, Tổ phụ Dòng Xitô Thánh Gia dùng một hình ảnh rất hay: Viên ngói nó phải ở trên mái nhà, viên gạch hoa nó phải ở nền nhà, đó là khiêm tốn. Nếu viên ngói đòi xuống làm gạch hoa lát nền nhà thì đó không phải là khiêm nhường. Ngược lại, nếu viên gạch nền nhà muốn lên làm viên ngói thì đó là kiêu ngạo.
Nói tóm, khiêm nhường là có sao sống vậy, thực chất làm sao thì thể hiện như thế, đừng sống giả tạo, giả hình, hoặc nói theo ngôn ngữ bây giờ là “nổ”. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa trách mắng những người pharisêu vì họ sống không chân thành với những gì mình có, họ “nổ” với dân chúng. Không đạo đức nhưng cứ làm ra vẻ đạo đức. Không giữ luật nhưng cứ bắt người ta giữ luật. Nói mà không làm. Thích thống trị người khác. Thích khoe khoang để cho thiên hạ thấy. Hám danh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm ghế đầu trong hội đường. Ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng, được thiên hạ gọi là Rápbi..
Chúa Giêsu vị Thiên Chúa làm người, Đấng cao sang quyền thế, nhưng Ngài đã sống rất khiêm nhường. Sự khiêm nhường ấy được thánh Phaolô nói trong thư Phillip 2, 6-11; sự khiêm nhường ấy thể hiện quan việc Ngài rửa chân cho các môn đệ(x. Ga 13, 1-15). Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đầy ơn phúc nhưng Mẹ cũng rất khiêm tốn khi tự coi mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn(x. Lc 1,26-38).
Vậy chúng ta là ai mà không chịu sống khiêm nhường với Chúa và với nhau? Chúng ta là gì mà muốn “làm cha”, “làm thầy” người khác? Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống khiêm tốn trước mặc Thiên Chúa, khiêm nhường với nhau qua lời ăn tiếng nói, qua cách ứng xử hàng ngày. Hãy cũng Vịnh gia cầu xin: Xin gìn giữ tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo (Tv 18,8-15). Ước gì chúng ta thực hiện được lời mời gọi của thánh Phaolô: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình” (Pl 2,3).