KHÔN VÀ DẠI
(Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13)
Tùng Linh, Phước Lý
Tin Mừng Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm A nằm trong những bài giảng của Chúa Giêsu về Thời Cánh Chung. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn tiệc cưới cánh chung, trong đó những nhân vật được nói đến là chàng rể và những cô phù dâu. Chàng rể đến trễ nên mới thấy rõ được những phẩm chất của các cô phù dâu, lộ rõ cô nào khôn ngoan và cô nào khờ dại. Những cô khôn ngoan thì được vào dự tiệc cưới, những cô dại thì không. Đó cũng là kết cục của mỗi người chúng ta khi hành xử trong cuộc sống trần gian này.
Trong nghi thức đám cưới Do thái, chú rể là người quan trọng. Mọi người phải chờ đợi và đón chú rể. Nếu lễ cưới vào ban đêm, chú rể phải đi tới nhà cô dâu để thương lượng với người cha hay anh em của cô dâu về quà cáp, của hồi môn…vào lúc mặt trời lặn. Thời đó chưa có đồng hồ, nên không thể định rõ giờ giấc để đón rước chàng rể từ nhà cô dâu về nhà chú rể được. Hơn nữa, theo phong tục, chú rể thường cố ý trì hoãn và kéo dài cuộc thương lượng để cô dâu và những nàng phù dâu phải chờ đợi trong hồi hộp và ngạc nhiên. Vì suốt ngày tiệc tùng, dạ vũ, nên chờ đợi đến khuya thường mệt mỏi và buồn ngủ. Mười cô trinh nữ được mời tham dự có bổn phận phải chuẩn bị sẵn sàng đèn để thắp sáng đường đi rước chú rể, cô dâu và khách đến tiệc cưới. Đó là một vinh dự rất lớn cho các cô.
Vì sao thánh Matthêu lại phân biệt năm cô được gọi là khôn và năm cô được coi là khờ dại? Thế nào được gọi là khôn và thế nào bị coi là dại? Theo thánh Matthêu trong Tin Mừng hôm nay, khôn là vừa mang đèn vừa mang thêm dầu theo, ngược lại những cô dại mang đèn mà không mang thêm dầu theo.
Dưới cái nhìn của Thánh Kinh, khôn ngoan được giải thích thế nào? Khôn ngoan theo Thánh Kinh có hai chiều kích[1]:
Theo chiều kích tự nhiên, khôn ngoan là một thứ nhận thức giỏi, thông minh, thận trọng và tài khéo để hướng dẫn cuộc sống đạt tới hạnh phúc chân thực. Đó là sự khôn ngoan của những nhà lãnh đạo có tài quản trị, những quân sư có tài giáo dục và thuyết phục, những hiền triết có tài lập ra những lý thuyết triết học, đạo đức, cũng như các nhà khoa học kỹ thuật có tài phát triển nền văn minh thế giới.
Theo chiều kích siêu nhiên, khôn ngoan là ân ban của Thiên Chúa. Daniel đã chúc tụng Thiên Chúa là “Đấng ban khôn ngoan cho hạng khôn ngoan, ban trí thức cho người hiểu biết” (Đn 2,21). Khi mười hai tông đồ triệu tập các tín hữu lại để chọn bảy phó tế, các ngài đã nói: “Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn Ngoan” (Cv 6,3).
Sự khôn ngoan đích thực là sống theo luật Thiên Chúa: “Luật Chúa làm cho Israel trở thành dân tộc khôn ngoan và thông thái” (Đnl 4,6).
Người khôn ngoan là người nghe và sống lời Chúa. Người dại khờ là người chỉ nghe mà không đem ra thực hành. Chúa Giêsu dạy: “Vậy phàm ai nghe các lời này của Ta và thi hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… và phàm ai nghe các lời này của Ta mà không thi hành, thì ví được như người dại xây nhà trên cát” (Mt 7,24-26).
Bài đọc I trình bày về Đức Khôn Ngoan như sau: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…” (Kn 6,12 tt). Để đạt tới Đức Khôn Ngoan thì cần chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan và yêu mến là tuân giữ lề luật (x. Kn 6,17-18).
Các cô khôn ngoan đã chuẩn bị dầu đèn một cách sẵn sàng để bất cứ khi nào chàng rể đến thì họ cũng có thể thắp sáng đèn mình và cùng với chú rể vào dự tiệc cưới. Còn các cô dại mặc dù cũng có đèn nhưng không chuẩn bị dầu đầy đủ, cũng có thể chểnh mảng việc bổn phận, nên khi chàng rể đến họ không được chàng rể cho vào dự tiệc.
Đèn ở đây là gì và dầu ở đây là gì? Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: Đèn biểu tượng cho đức tin soi chiếu cuộc đời chúng ta, trong khi đó, dầu lại biểu tượng cho tình bác ái nuôi sống và làm cho ánh sáng đức tin được sáng tỏ hơn và đáng tin hơn[2]. Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, “dầu đèn” theo văn hóa thời bấy giờ có ý nghĩa là những việc tốt, việc lành. Người đã có tấm lòng biết yêu mến thì không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ, để làm điều tốt, việc lành cho tha nhân. Và những việc tốt, những việc lành đó chính là hành trang của người tỉnh thức sẵn sàng khi Chúa đến. Hay có thể hiểu một cách rộng hơn, đèn là đức tin, dầu là đức mến, bao gồm việc mến Chúa và yêu người. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2093 dạy rằng: “Khi tin vào tình yêu Thiên Chúa, con người phải đáp trả tình yêu của Người bằng một tình yêu chân thành”. Hành trang của chúng ta để sẵn sàng đi gặp Chúa không phải chỉ có đức tin, mà còn là một cuộc sống Kitô hữu phong phú về mặt tình yêu với Chúa và tình bác ái đối với tha nhân[3].
Tin Mừng nói chàng rể sẽ “đến chậm”, nghĩa là đến vào lúc người ta không ngờ. Rồi khi chàng rể đến, chàng sẽ “đóng cửa lại”. Theo nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong dụ ngôn, các chi tiết đóng cửa lại (Mt 25,10) cũng như câu đáp của chú rể đối với các cô tới chậm (Mt 25,12) là không bình thường trong một đám cưới tự nhiên. Nhưng chính những chi tiết ấy làm nổi bật ý nghĩa thiêng liêng: người ta chỉ chết có một lần thôi; không có cơ hội để làm lại, nếu đã không sẵn sàng[4].
Đến lúc không ngờ, đó là biểu hiệu cái chết đến với chúng ta một cách bất ngờ, vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết. Cánh cửa đóng lại chứng tỏ chúng ta không còn cơ hội để sửa sai. Vì thế, chúng ta luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức để đón nhận cái chết một cách xứng đáng, những người thân phải luôn chuẩn bị tâm lý trong tâm thế sẵn sàng để đón nhận sự ra đi của người thân yêu.
Vì thế, khi chúng ta tỉnh thức, khi chúng ta tìm cách làm điều thiện, điều lành xuyên qua những cử chỉ tình yêu, cử chỉ chia sẻ, cử chỉ phục vụ tha nhân đang gặp cảnh khó khăn, thì chúng ta sẽ sống bình an trong khi chúng ta mong chờ chàng rể đến. Lúc đó chúng ta không phải kinh hãi, bởi vì chúng ta có một trữ lượng dầu rất lớn[5].
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Vì ngày giờ Chúa đến sẽ bất ngờ, không được báo trước. Như các cô trinh nữ, chúng ta là người khôn ngoan hay người khờ dại? Là người thuộc thành phần được vào hay không được vào phòng tiệc với Chúa Kitô? Chúng ta chuẩn bị đón Chúa Kitô đến lần thứ hai như thế nào? Chúng ta đã sẵn sàng hay là vẫn thờ ơ? Câu trả lời tùy thuộc mỗi người chúng ta.
________________________
[1] https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-32-thuong-nien-a, Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
[2] Đức thánh cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, chuyển ngữ JB Lưu Văn Lộc, Nxb Đồng Nai, tr. 309.
[3] Đức thánh cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, chuyển ngữ JB Lưu Văn Lộc, Nxb Đồng Nai, tr. 309.
[4] Giải thích của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
[5] Đức thánh cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, chuyển ngữ JB Lưu Văn Lộc, Nxb Đồng Nai, tr. 309.