Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CN II MV – C: ĐƯỜNG ĐI: ĐỨC TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT

Chúa nhật II mùa Vọng

ĐƯỜNG ĐI

 

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

I.TINH BỘT: Ý chính của các bài đọc

Br 5,1-9

Thiên Chúa mở đường đưa dân Israel lưu lạc trở về. Đó là con đường khiến Israel tràn đầy hoan lạc. Và Giêrusalem được vinh quang rạng rỡ.

Tv 125

Israel đi lưu đầy trong đau buồn. Thiên Chúa giải phóng đưa về trong hân hoan. Đó là công trình vĩ đại của Chúa.

Pl 1,4-6.8-11

Chúa đã khởi đầu cứu độ. Con người phải tiếp tục hoàn thành. Bằng trực giác siêu nhiên, để hiểu biết, và gia tăng lòng mến.

Lc 3,1-6

Chúa đã đến. Nhưng còn bị ngăn sông cách núi. Con người phải tích cực mở đường. Mới có thể nhìn thấy và gặp Chúa.

 

II.TINH LUYỆN: Tổng hợp ý chính của các bài đọc

Lưu đầy luôn là mối nhục. Nhục với bản thân. Nhục với các dân nước chung quanh. Nhưng Thiên Chúa yêu thương ra tay giải thoát. Dân được đưa trở về quê hương xứ sở. Ngẩng cao đầu. Hân hoan. Vinh quang.

Cuộc lưu đầy giống như một mùa lúa. Đi lưu đầy như đi gieo buồn sầu khóc lóc. Được giải thoát trở về vui mừng ca vang. Như người thợ gặt tay ôm nặng lúa vàng.

Nhưng cuộc lưu đầy nơi xứ lạ quê người chỉ là hình bóng của tâm hồn lưu đầy trong tội lỗi, thế gian. Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu thoát ta. Nhưng ta cần phải mở đường cho Chúa đến.

Theo thánh Phaolô mở đường đó là ta nhận biết tội lỗi để xa tránh và thực lòng yêu mến Chúa. Đó là cuộc thanh luyện giúp ta gặp Chúa và được ơn cứu độ.

 

III.TINH CHẾ: Một bài đề nghị

Lời giới thiệu của Luca thật trang trọng khi nêu tên tất cả các vị lãnh đạo xã hội cũng như tôn giáo. Từ ngôi vị lãnh đạo thế giới là hoàng đế Tiberiô đến vị đại diện tại địa phương là tổng trấn Philatô. Từ vị vua bản địa là Hêrôđê đến vị vua lân bang là Philipphê và Lysania. Từ vị thượng tế là Caipha đến cả nhạc phụ của ông là thượng tế Annas.

Giới thiệu trang trọng như thế cho thấy tính cách chính xác và tầm quan trọng của Đấng Cứu Thế sắp xuất hiện. Nhưng cũng cho thấy tình hình xã hội thời ấy.

Thời ấy Israel là một nước đang bị nô lệ. Nô lệ có nhiều tầng lớp. Trên cao, ở tầm vóc toàn cầu, có hoàng đế Tiberiô. Tại địa phương có đại diện của hoàng đế là tổng trấn Philatô. Nhưng Israel vẫn có vua, dù là bù nhìn, là Hêrôđê. Song song với quyền lực chính trị còn có quyền lực tôn giáo. Thượng tế Caipha và nhạc phụ là thượng tế Annas. Ta cứ xem cuộc xử án của Chúa Giêsu thì thấy người dân chịu khổ thế nào. Trong một ngày mà Chúa Giêsu bị điệu đến 5 nơi và phải hầu 5 phiên toà. Annas. Caipha. Philatô. Hêrôđê. Và Philatô. Thật đau đớn, nhục nhã.

Tuy nhiên tình trạng nô lệ thể lý tố cáo tình trạng nô lệ trong tâm hồn nặng nề hơn nhiều. Tuy nắm giữ quyền lực nhưng những nhà lãnh đạo đều bị nô lệ.

Philatô lãnh đạo nhưng lại sợ dân chúng. Ông sợ mất chức quyền nên không dám hành động theo sự thật. Địa vị là ngọn núi cao chắn lối tâm hồn ông đến với chân lý.

Hêrôđê kính trọng nhưng đành phải chém đầu thánh Gioan Baotixita, vì không dám trái ý bà Hêrôđia. Dục vọng là thung lũng sâu khiến lương tâm ông đắm chìm mê muội.

Caipha và Annas nắm giữ chuẩn mực đạo đức nhưng lại có những hành vi khuất tất. Đi đêm với Giuđa. Xách động quần chúng làm chứng gian chống Chúa Giêsu. Tâm hồn họ là nẻo đường quanh co. Là đường đi không đến.

Tất cả đều nô lệ cho tham vọng và dục vọng. Tất cả đã đánh mất bản thân. Tâm hồn họ chứa đầy những ngọn núi cao kiêu hãnh. Những thung lũng sâu dục vọng. Những con đường quanh co dối trá. Đó là những chướng ngại khiến họ không nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Và nhất là không đón nhận được ơn cứu độ.

Từ xa xưa Isaia đã truyền lệnh của Chúa: phải dọn đường cho dân. Chúa đã đến rồi. Nhưng dân phải sửa đường để có thể đến gặp Chúa. Đến thời Gioan mệnh lệnh càng cấp bách hơn nữa. Vì đây là cơ hội cuối cùng.

Gioan không chỉ rao giảng. Ông sống chính lời rao giảng. Nếu các vua chúa và thượng tế đua nhau tranh giành chỗ ở thành thị thì Gioan trốn thành thị để tìm Chúa trong sa mạc. Nếu cả Philatô lẫn Hêrôđê và Caipha luôn tranh giành địa vị cao thấp thì Gioan luôn khiêm nhường hạ mình thẳm sâu. Nếu thiên hạ đua nhau ăn ngon mặc đẹp thì Gioan chỉ ăn châu chấu mật ong và khoác tấm da thú trên người. Và ông đã mở được con đường.

Thật lạ lùng. Thành thị đường phố ngang dọc. Nhưng không có đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến. Sa mạc vốn không có đường nhưng lại được đón Người. Thì ra đường đi không ở bên ngoài nhưng ở bên trong tâm hồn. Nếu muốn mở đường thì trong sa mạc dễ mở đường hơn thành phố. Vì sa mạc đất rộng mênh mông. Thành thị phố phường chen chúc. Chẳng còn đất mở đường. Cũng vậy những tâm hồn thành thị vướng víu giăng mắc ràng buộc. Không còn chỗ đón Chúa. Những tâm hồn sa mạc thênh thang tự do không vướng bận. Vì đã trút bỏ tất cả. Dễ dàng đón Chúa.

Muốn có tâm hồn sa mạc không phải là vào ở trong sa mạc. Nhưng là trút bỏ khỏi tâm hồn mọi ngọn núi cao quyền lực. Mọi lũng sâu dục vọng. Mọi đường nẻo gian dối quanh co. Sống khiêm nhường. Sống siêu thoát. Sống chân thực. Đây là một cuộc chiến khốc liệt. Nhưng có ơn Chúa giúp và quyết tâm chiến đấu, ta sẽ thành công.

Khi gạt bỏ được hết những tạp chất trần gian, tâm hồn ta sẽ thanh thoát trinh nguyên. Nhạy bén trước những giá trị siêu việt. Như thánh Phaolô cầu chúc: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên , để nhận ra cái gì là tốt hơn”.

Khi dẹp bỏ được những thế lực trần gian ràng buộc khiến ta nô lệ, vong thân, ta sẽ vui mừng được giải thoát. Được Chúa đưa về con người thật là quê hương đích thực, có Chúa ở với. Ta sẽ vui mừng hát vang lời Thánh vịnh: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại. Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” Ta sẽ trở về trong vinh quang. Trên đường phố đã thênh thang. Giữa hương trầm hương quế ngào ngạt. Và trên hết trong đáy tâm hồn đã dọn đường kỹ lưỡng, ta được đón nhận chính Chúa. Là ơn cứu độ của ta.

 

IV.TINH HOA: Gợi ý xét mình và chia sẻ

1.Philatô, Hêrôđê, Caipha, Annas là những người quyền thế, bắt người khác phải thi hành mệnh lệnh của mình. Nhưng họ có thực sự làm chủ bản thân không?

2.Có ông Philatô, Hêrôđê, Caipha và Annas nào còn đang thống trị tâm hồn tôi? Đó là những gì?

3.Tôi đã có biện pháp và hành động cụ thể nào để thoát khỏi những thế lực trần gian này chưa?

4.Biến tâm hồn mình thành sa mạc nghĩa là gì?

 

V.TINH LỰC: Thực hành Lời Chúa

 1.Tôi quyết tâm nói thật dù bị khinh chê. Quyết tâm làm thật dù bị thiệt thòi.

2.Tắt TV. Tắt điện thoại. Thắp nến lên và cầu nguyện.  

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...