Thứ Sáu, 25 Tháng 4, 2025

CN VII TN – A: MẶT TRỜI VÀ CƠN MƯA (ĐỨC TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

Chúa nhật 7 TN A

MẶT TRỜI VÀ CƠN MƯA

Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

 

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Lời Chúa hôm nay đi vào cốt lõi thâm sâu của đạo Chúa, ĐẠO YÊU THƯƠNG. Sách Lêvi tường thuật cho ta lệnh truyền của Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Sự thánh thiện là gì, sách Lêvi nói tiếp ngay: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em…Ngươi không được trả thù, không được oán hận…Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình ngươi”. Chúa nâng con người lên địa vị cao trọng đó là cho họ được giống Chúa, là hình ảnh của Chúa. Chúa là Đấng Thánh nên con người phải nên thánh. Chúa là Tình Yêu nên con người không được giận ghét.

Nếu Cựu Ước chỉ đòi hỏi tiêu cực là không được giận ghét, Tân Ước còn đòi ta phải đi xa hơn: Phải yêu kẻ thù. Chúa Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Yêu thương là cần thiết. Trên đời ai cũng muốn được yêu. Ai cũng cần tình yêu. Thế nhưng ai trong đời cũng từng cảm nghiệm yêu khó biết bao. Yêu người yêu mình và người mình yêu đã khó khăn rồi. Yêu người xa lạ còn khó hơn. Và yêu kẻ thù thì không thể được. Thế nhưng Chúa đã nói tất nhiên phải được. Và Chúa còn đẩy chúng ta lên cao và đi xa hơn nữa khi nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Thật là một chiều cao choáng váng. Nếu không phải là Chúa Giêsu thì ai dám nói rằng chúng ta có thể hoàn thiện bằng Thiên Chúa được? Nhưng Chúa Giêsu quả quyết đó là điều có thể. Người còn cho chúng ta hai hình ảnh “mặt trời” và  “cơn mưa” để ta hiểu được tình yêu của Chúa Cha. 

Tạ ơn Chúa qua hai hình ảnh “mặt trời” và “cơn mưa” ta mới hiểu được yêu thương thực sự là gì. Và yêu thương như Chúa Cha là điều có thể.

Ta thường yêu người đáng yêu và ghét người đáng ghét. Tại sao? Thưa vì ta đối xử với người khác theo quyền lợi của mình. Ta đánh giá người khác tuỳ người ấy có lợi hay có hại cho ta. Thông thường ta yêu một người vì người ấy dễ yêu, vì người ấy yêu ta, làm ơn cho ta. Đó không phải là tình yêu. Đó chỉ là cảm tính. Đó chỉ là phản xạ đối lại tình cảm người khác dành cho ta. Đó là tình yêu thụ động. Đó là tình yêu bị quy định bởi đối tượng bên ngoài. Ta yêu người đối tượng vì người ấy dễ yêu. Ta ghét người đối tượng vì người ấy dễ ghét. Tình cảm của ta bị quy định bởi đối tượng bên ngoài. Ta không chủ động yêu thương. Đó không phải là tình yêu.

Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh “mặt trời” và “cơn mưa” để ta biết tình yêu của Chúa Cha là tình yêu đích thực. Tình yêu của Chúa Cha không phân biệt, không bị quy định. Giống như mặt trời “soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt”. Giống như cơn mưa “xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Chúa là mặt trời tình yêu cứ chiếu sáng dù đối tượng có tốt hay xấu. Chúa là cơn mưa tình yêu cứ tưới gội dù đối tượng công chính hay bất chính. Vì Chúa là tình yêu. Tình yêu phát xuất từ chính Chúa. Không bị đối tượng quy định. Chúa cứ yêu dù người ta vô ơn tệ bạc. Chúa cứ yêu dù người ta phản bội. Đó là tình yêu đích thực.

Cha Anthony de Melo dựa vào hai hình ảnh “mặt trời” và “cơn mưa” để đưa ra ba hình ảnh khác diễn tả tình yêu.

Tình yêu giống như dòng suối phát nguồn từ đỉnh núi cao. Suối cứ róc rách chảy qua hàng triệu năm nay. Dù có người biết suối vẫn chảy. Dù không có người biết suối vẫn chảy. Dù người yêu mến trân trọng dòng nước mát trong suối vẫn chảy. Dù người phá hoại phóng uế suối vẫn chảy.

Tình yêu giống như một cây xanh mọc giữa sa mạc lúc nào cũng toả bóng mát. Giữa trưa nóng nực, cây vẫn toả bóng mát. Giữa đêm khuya, cây vẫn toả bóng mát. Không có ai qua lại, cây vẫn toả bóng mát. Có khách qua đường tìm nương nhờ, cây vẫn toả bóng mát.

Tình yêu giống như bông hoa nở trên núi cao. Không ai nhìn thấy, hoa vẫn khoe sắc toả hương. Có người đến ngắm, hoa vẫn toả hương khoe sắc. Người trân trọng chăm bón, hoa vẫn khoe sắc toả hương. Người tàn phá, hoa vẫn toả hương khoe sắc. Đức Tổng giám mục Fulton Sheen, khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, có hình ảnh rất bạo liệt: bông hoa vẫn toả hương trong lòng bàn tay kẻ vò nát nó.

Giờ đây ta đã hiểu. Nếu để đối tượng quy định thì không bao giờ ta có thể yêu thù địch. Nhưng nếu tình yêu của ta kín múc từ Thiên Chúa, tràn đầy trái tim, thì chẳng đối tượng nào ngăn cản được tình yêu. Ta yêu vì ta yêu chứ không phải vì đối tượng dễ yêu. Như thế ta có thể yêu kẻ thù. Vì tình yêu xuất phát từ trái tim ta chứ không phải từ đối tượng đưa đến.

Thư Côrintô cho biết nếu ta yêu như Chúa dạy sẽ bị người đời cười chê cho là điên dại. Nhưng sự khôn ngoan đời này chính là sự điên rồ trước mặt Chúa. Và sự điên rồ trước mặt thế gian chính là sự khôn ngoan thật trước mặt Chúa. Và hơn nữa “mọi sự đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa”. Tất cả thuộc về Thiên Chúa nên chúng ta hãy là mặt trời chiếu sáng tình yêu mọi nơi mọi lúc. Hãy là cơn mưa tưới gội cho cơn khát tình yêu trên thế giới này. Như thế ta thực hành ĐẠO YÊU THƯƠNG. Như thế ta biến đổi thế giới. Như thế ta đưa mọi người đến cùng Thiên Chúa, nguồn cội tình yêu, để được hạnh phúc vô cùng.

Câu hỏi để chia sẻ

1.Tôi có hiểu ý nghĩa hình ảnh “mặt trời” và “cơn mưa” Chúa Giêsu dạy không?

2.Tôi đã bị phản bội bao giờ chưa? Và tôi đáp trả sự phản bội như thế nào?

3.Qua Lời Chúa dạy hôm nay, tôi thấy việc yêu kẻ thù là có thể không?

4.Tôi sẽ làm gì để rèn luyện trở thành “mặt trời” và “cơn mưa”?

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ vọng Phục Sinh: Lịch sử tình yêu (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

    Lễ Vọng Phục sinh LỊCH SỬ TÌNH YÊU Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Phụng vụ Lời Chúa đêm Vọng Phục Sinh trình bày lịch sử cứu...

Chúa Nhật Phục Sinh: Đấng Phục Sinh toàn thắng

    ĐẤNG PHỤC SINH TOÀN THẮNG (Ga 20,1-9)  Fm. Franz Xaver Kiên (Fatima)      Halleluia, Chúa đã phục sinh! Vâng, sau cùng "Tình Yêu" đích thực của...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm C (Lc 22,14-23,56): Chết vì yêu

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm C (Lc 22,14-23.56) Chết Vì Yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Leonard da Vinci là một họa sĩ tài ba, nhưng khi vẽ...

Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Yêu đến cùng

  YÊU ĐẾN CÙNG (x. Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56) Trường Kha, Phước Lý Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay là một ngày lễ vui, đồng thời...

Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá: Cởi áo

    Chúa Nhật Lễ Lá CỞI ÁO Án Khảm Lễ Lá đưa ta từ tâm tình phấn khởi hân hoan đến tâm tình buồn phiền thất vọng. Khởi...

Chúa Nhật Lễ Lá – Cánh cửa của Tuần Thánh (Lc 22,14 – 23,56)

    LỄ LÁ - VINH QUANG VÀ THẬP GIÁ M. Ignatio Hoàng Trọng Danh, Châu Thủy Hôm nay, Giáo Hội bước vào tuần lễ đặc biệt, hay...

Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá: Chúa có việc cần dùng

    Chúa Nhật Lễ Lá CHÚA CÓ VIỆC CẦN DÙNG (Lc 19,31.34) Micae Pham Văn Khoa, Thiên Phước “Chúa có việc cần dùng”. Đó là câu mà thánh...

Chúa nhật V, Mùa Chay, Năm C (Ga 8,1-11) Biết mình

Chúa nhật V, Mùa Chay, Năm C: Ga 8,1-11 Biết mình Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Câu chuyện Tin mừng Chúa nhật V, Mùa chay hôm nay,...