CHÚA NHẬT XXIX TN
CÓ NÊN NỘP THUẾ CHO XÊDA
(Mt 22,15-22)
M. Augustino Nga
Với kiểu nói “nộp thuế cho Xêda”, Chúa Giêsu đề cập đến sự đối lập trong chọn lựa khi đứng trước thế lực của đồng tiền: hoặc thuộc về Thiên Chúa, hoặc thuộc về thế gian. Xét cho cùng, đồng tiền chỉ là thứ vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi. Tuy nhiên, với lòng ham muốn công danh, sự nghiệp, con người dần dần trở thành nô lệ cho nó, thậm chí đánh mất cả nhân phẩm hay tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa.
* Cái bẫy và đồng tiền của thế gian.
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật XXIX thường niên hôm nay diễn tả những người Pharisêu đã liên minh với nhóm Hêrôđê để gài bẫy Đức Giêsu (x. Mt 22,16a). Đây không phải là một cuộc liên minh công khai, nhưng ẩn núp phía sau “đồng tiền Xêda”, họ minh nhiên tẩy não hình ảnh Chúa Giêsu nơi dân chúng. Mặc dầu trước đó Pharisêu và Hêrôđê không hề có mối tương giao nào với nhau. Họ bôi nhọ danh phẩm và loại trừ Đức Giêsu ra khỏi cuộc sống của dân Israel: “Họ bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy”(Mt 22,15).
Trước hết, họ sử dụng lý lẽ dựa trên sự công thẳng của Thiên Chúa để ca tụng đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta”(Mt 22,16). Kế đến, chỉ với đồng tiền mang hình ảnh Xêda, đã trở thành một “cú đánh mạnh” nhằm đưa đức Giêsu vào ngõ cụt không lối thoát. Sau hết, nếu Đức Giêsu trả lời “có”, nghĩa là mặc nhiên khẳng định sự có mặt của Người trong công cuộc cứu độ này vô nghĩa. Đồng thời, chấp nhận quyền thống trị của đế quốc Roma trên đất thánh Israel, chấp nhận sự hiện diện, đàn áp của người vô đạo trên dân tộc mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Còn nếu Người trả lời “không”, thì Người đang chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế, đồng thời chối bỏ sự hiện diện của Hêrôđê và những người lãnh đạo của đế quốc Roma. Vậy trước tình thế đó, đức Giêsu đã ứng xử ra sao?
*Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.
Từ cái bẫy của những người Pharisêu, Đức Giêsu đã lật ngược lại tình thế bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người sử dụng đồng tiền để chất vấn, sử dụng hình ảnh để giúp họ nhận ra sự thật mà họ cố tình che giấu. Vì Đức Giêsu thấu tỏ tất cả lòng trí của họ (x. Mt 22,18; Mc 2,8); ngay cả những suy nghĩ của con người Ngài cũng thấu suốt (x. Tv 93,11; Tv 138,3): “Hình và danh hiệu này là của ai đây?”(Mt 22,21). Và tất cả đều đáp lại: “Của Xêda”. Như thế, Đức Giêsu đã dùng cái bẫy của những người Pharisêu để giúp họ tìm ra ý của Thiên Chúa: “của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”(Mt 22,21).
Đức Giêsu đã không dừng lại nơi tâm ý thâm độc của những người Pharisêu, nhưng Người sử dụng “cái bẫy” để làm bàn đạp nhằm đòi lại “cái thuộc về Thiên Chúa”: là bổn phận, là trách nhiệm, là tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa. Người muốn đòi lại sự công bằng nguyên thủy, công bằng trong hình ảnh con cái của Thiên Chúa, công bằng trong tính nguyên sơ của Adam, Evà trước khi phạm tội.
Lạy chúa! Để có thể tồn tại trong nền kinh tế đang phát triển hôm nay, con người không ngừng tìm những thủ đoạn, tạo ra nhiều cái bẫy để chà đạp nhân phẩm lẫn nhau như những người Pharisêu hôm nay đã gài bẫy Người. Nguyện xin Chúa Giêsu luôn là luật sư bào chữa cho chúng con, xin Người đòi lại cho chúng con quyền được làm con cái Chúa, quyền công dân Nước Trời, quyền nộp thuế bác ái, yêu thương và phục vụ lẫn nhau theo đúng căn tính của người Kitô hữu. Amen.