TN-133-TUẦN XIX-thứ Sáu
CUỘC SỐNG TIN MỪNG
(Gs 24, 14-29; Mt 19,3-12)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay theo thánh Mát-thêu chương 19 từ câu 3 đến 12 đề cập hai đời sống: hôn nhân và độc thân. Hai cuộc sống này hiện diện trong xã hội và nhất là trong Giáo Hội để bổ túc cho nhau và đưa tới sự phong phú hỗ tương. Nếu Tin Mừng nói về đời sống hôn nhân và độc thân vì Nước Trời, thì hai đời sống đó cũng phải mang tính chất Tin Mừng và là Tin Mừng cho nhau.
Không đi sâu vào hai cuộc sống này với tất cả những chi tiết rất phong phú dưới ánh nhìn của giáo huấn Giáo Hội, tôi xin được chia sẻ, qua Lời Chúa trong Tin Mừng, một ánh nhìn nhẹ nhàng về Tin Mừng của hai cuộc sống này và cũng là ánh nhìn về Tin Mừng mà cuộc sống này trao cho cuộc sống kia.
1. ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN : CUỘC SỐNG TIN MỪNG
Thánh sử Mát-thêu tường thuật cuộc gặp gỡ của những người Pha-ri-siêu với Chúa Giê-su để hỏi Người về vấn đề ly dị mà luật Mô-sê cho phép. Chúa Giê-su mời gọi họ đi đến tận nguồn của ý định ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng nên người nam và người nữ. Chúa nói: “Các ông không đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Vượt trên yếu tố pháp lý, đời sống hôn nhân là một phúc lành của Thiên Chúa và phúc lành này làm nên những gì tốt đẹp nhất. Đó là sự hiệp nhất nên một, mà không gì thuộc con người có thể phân ly. Khi Chúa Giê-su nói lên những điều này, Người nhấn mạnh đến tính Tin Mừng của đời sống hôn nhân. Hôn nhân phải là tin mừng cho chính vợ chồng và cho con cái. Việc phân ly, ly dị, luôn là một thất bại và gây nên những đau buồn, tổn thương. Dù với những lý do nào đi nữa, sự chia ly trong hôn nhân là một sự mất mát, mất mát tình yêu và sự hiệp nhất. Như vậy, đời sống hôn nhân, nếu được gắn chặt bằng tình yêu, sự chung thuỷ, luôn mang tính Tin Mừng.
Thánh Phao-lô đã nhìn trong đời sống hôn nhân là hình ảnh của thực tại tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh. “Người làm vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lỗng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng hãy yêu thương vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5,21-33). Trích lại đoạn thư của thánh Phao-lô nơi đây để chúng ta thẩm định được tính Tin Mừng của đời sống hôn nhân, một đời sống diễn tả chính mối tình phu phụ giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Đời sống hôn nhân là một thực tại Tin Mừng.
Đời sống hôn nhân cũng là dấu chỉ của một thực tại thiêng liêng, đó là sự kết hiệp giữa Chúa Ki-tô với các tâm hồn, mà các nhà chiêm niệm, thần bí, đã sử dụng sách Diễm Ca để diễn tả mối tình giữa Đấng Tình Quân Giê-su và các linh hồn. Những ngôn ngữ tình yêu nhân loại được sử dụng để diễn đạt sự nồng ấm của mối tình đó. Đời sống hôn nhân, nếu được sống một cách trọn đầy, diễn tả ý nghĩa của những thực tại thiêng liêng hết sức sâu xa. Đời sống hôn nhân như vậy luôn mang tính Tin Mừng.
2. ĐỘC THÂN VÌ NƯỚC TRỜI : CUỘC SỐNG TIN MỪNG
Khi nghe Chúa nói đến đời sống hôn nhân với những đòi hỏi của nó, các tông đồ thưa với Chúa Giê-su: “Nếu làm chồng như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ thì hơn”. Chúng ta không biết trong các môn đệ Chúa, ai đã lập gia đình. Chúng ta chỉ biết rõ trường hợp của ông Phê-rô. Trong văn hoá và luật lệ của dân tộc Do thái, người nữ chịu rất nhiều thua thiệt trong đời sống hôn nhân. Khi nghe Chúa nói đến sự trung thuỷ của người chồng, các môn đệ Chúa đã có phản ứng qua câu nói trên. Và nhân dịp này, Chúa nói đến đời sống độc thân.
Chúa phân biệt ba loại độc thân – nghĩa là không kết hôn – đó là do bẩm sinh không có khả năng, hoặc do người ta làm cho mất khả năng, và không kết hôn vì Nước Trời. Chúa muốn nói đến độc thân vì Nước Trời mà các môn đệ Chúa đang theo đuổi và đang noi gương chính Thầy mình. Độc thân, dù lý do nào đi nữa, là một cuộc sống như nhau, nghĩa là không kết hôn. Nhưng động lực là quan trọng và là điều làm nên khác biệt. Lý do “vì Nước Trời” làm nên lý hữu của những ai sống độc thân, như các giáo sĩ, tu sĩ hay những người tận hiến đời mình cho công cuộc của Hội Thánh.
Đời sống độc thân vì Nước Trời là một cuộc sống Tin Mừng, vì đó là cuộc sống hoàn toàn cho Chúa Ki-tô và công cuộc Tin Mừng. Một lần nữa, thánh Phao-lô đã nêu lên ý nghĩa của cuộc sống này bằng chính kinh nghiệm bản thân. “Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người – nhờ Chúa thương – đáng được anh em tín nhiệm… Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người… Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người, cả hồn lẫn xác.” (1Cr 7, 25.32.34). Như vậy, người độc thân vì Nước Trời chỉ có mối bận tâm là Nước Trời, nghĩa là Chúa và công cuộc của Chúa, công cuộc của Tin Mừng.
Khi đề cập đến đời sống độc thân vì Nước Trời, Chúa Giê-su nhấn mạnh: “ai hiểu được thì hiểu”. Nhưng ai có thể hiểu được, nếu không phải là được Thiên Chúa ban cho hiểu, “không ai có thể hiểu được câu nói ấy, nhưng ai được Thiên Chúa cho mới hiểu”. Đời sống hôn nhân phải được hiểu trong cái hiểu của Thiên Chúa, thì mới là một cuộc sống Tin Mừng. Đời sống độc thân vì Nước Trời phải được hiểu trong cái hiểu của Thiên Chúa, thì mới là một cuộc sống Tin Mừng. Trong lòng Hội Thánh, hai cuộc sống này luôn rất cần thiết, để diễn tả chính Tin Mừng của Chúa, Tin Mừng của Tình yêu và Tin Mừng của Sự Sống. Khi như vậy, hai đời sống này hỗ trợ và phong phú cho nhau.
3. TIN MỪNG CHO NHAU
Khi nói rằng đời sống hôn nhân và đời sống độc thân vì Nước Trời là Tin Mừng cho nhau, tôi muốn nhấn mạnh đến chất Tin Mừng mà mỗi cuộc sống thấm đượm và quang toả. Một cuộc sống hôn nhân viên mãn, nghĩa là sống theo ý định của Thiên Chúa, qua tình yêu và sự trung thuỷ, sẽ luôn là một bài giảng hùng hồn, đầy chất Tin Mừng cho những ai đang sống đời độc thân vì Nước Trời. Những con người độc thân này tìm thấy ý nghĩa của sự trung thuỷ, của nơi phát sinh sự sống, giúp họ sống và làm trổ sinh sự sống thần linh ở những nơi họ được sai đến. Họ được hỗ trợ bởi chính những con người sống đời gia đình đậm chất Tin Mừng, để chính cuộc sống và việc phục vụ của họ cũng đậm chất Tin Mừng. Còn những người sống đời hôn nhân sẽ nhận được nơi những người sống đời độc thân vì Nước Trời mà cuộc sống đượm chất Tin Mừng, sự hy sinh nhưng không vì công cuộc lớn hơn chính bản thân, để họ cũng đi vào tiến trình của tính nhưng không của Tin Mừng. Đây là một “cuộc trao đổi” lạ lùng giữa hai bậc sống mà sự phong phú hỗ tương không thể nào liệt kê hết được. Nó là một cuộc trao đổi trong lòng Hội Thánh và chính trong cung lòng Thiên Chúa, Đấng đã muốn con người, với những nếp sống khác nhau, làm nên một đại gia đình xã hội tốt đẹp. Trong lòng của chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng nhờ Chúa Thánh Thần, muốn trong lòng Hội Thánh, những con người, với những bậc sống khác nhau, kết thành một Thân Thể duy nhất mà Người là Đầu, một Thân Thể thánh thiện, để qua đó, ơn cứu độ được trao ban cho toàn thể nhân loại. Đời sống hôn nhân là đời sống Tin Mừng. Đời sống độc thân vì Nước Trời là đời sống Tin Mừng. Và hai đời sống này phong phú cho nhau nhờ chất Tin Mừng mà chúng thấm đượm và quang toả.