Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN SĨ XITÔ THÁNH GIA THEO GƯƠNG CHA TỔ PHỤ SỐNG HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG

 

Đề tài 1:   SAY MÊ THIÊN CHÚA

(Viện phụ Phước Vĩnh)

 Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, con người say mê Thiên Chúa. Đó là một xác tín của chúng ta, những môn sinh đang kế thừa gia sản đan tu mà ngài để lại.

Ở đây xin mạo muội trình bày với anh em những lý chứng rút tỉa từ Di Ngôn của Ngài, từ chứng tá đời sống của các Bậc Tiền Bối, các Bậc Trưởng Thượng của Hội Dòng qua 3 phần sau đây:

– Cha Tổ Phụ say mê Thiên Chúa vì ngài đã hiệp thông với Thiên Chúa.

– Cha Tổ Phụ say mê Thiên Chúa vì ngài đã hiệp thông với tha nhân.

– Cha Tổ Phụ say mê Thiên Chúa qua việc ngài đã thống nhất đời sống của mình trong niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa.

 

  1. Hiệp thông với Thiên Chúa.

– Khao khát Thiên Chúa: Khởi điểm hành trình hiệp thông.

Nếu như say mê Thiên Chúa là một hành trình thì khởi điểm hành trình ấy là lòng khao khát Thiên Chúa.

Thật vậy, theo Cha Tổ Phụ, cái làm nên “Tính đan tu” chính là việc nguyện gẫm. Hay nói cách khác, nguyện gẫm là “linh hồn” của đời sống đan tu. Khi nguyện gẫm, đan sĩ sống không gian “riêng tư”“thân mật” với Thiên Chúa, tức là lúc họ “thực tập” sự hiệp thông với Thiên Chúa ở mức cao nhất. Trong khoảnh khắc “thực tập” ấy sẽ cho họ kinh nghiệm sống tương quan cá nhân với Chúa, tuy là tương quan thiêng liêng vì hai thực thể tương quan hoàn toàn khác biệt về bản tính. Vì thế để có được kinh nghiệm đó, chỉ có thể khởi đi từ lòng khao khát Thiên Chúa, mà Cha Tổ Phụ gọi là “ước ao nên thánh”.

Trong Di Ngôn số 120, Cha Tổ Phụ viết:

“Sự nguyện gẫm có 2 cách:

* một là nguyện gẫm cách thường.

* hai là nguyện gẫm cách lạ…

Sự nguyện gẫm cách lạ là được ơn kết hợp với Chúa cách đặc biệt. Khi nguyện gẫm cách thường là như thể chúng ta đi tìm Chúa; còn bây giờ Chúa lại đến tìm chúng ta, cho chúng ta được gặp Chúa. Sự này vì Chúa muốn, Chúa kêu gọi chúng ta; và cũng vì kẻ ấy trước đã có công ra sức dứt trừ mọi sự và hằng tìm Chúa, cho nên Chúa ban ơn trọng ấy cho. Đó là sự lạ Chúa làm cho linh hồn, như gió thổi vào buồm, ấy là ơn Chúa Thánh Thần thổi vào.

Chớ chi trong chúng ta được ít kẻ như vậy là chúng ta được nhờ và sáng danh Chúa, sinh ích cho Hội Thánh lắm nữa, vì linh hồn ấy có thần thế trước mặt Chúa. Kẻ ấy chẳng dính bén thế gian này, một lo tìm Chúa. Sự ấy có nên ước ao không? Nên lắm. Chê của thế gian thì được, còn sự thiêng liêng thì không nên khinh chê, vì chúng ta chê là vô phép đối với Chúa. (…) Vậy chúng ta phải ước ao nên thánh.

Lòng ước ao nên thánh của Cha Tổ Phụ được tìm thấy ngay từ chính gia đình của ngài. Ngài đã thể hiện lòng ước ao nên thánh ấy trước tiên qua việc yêu mến và kính phục đối với ông thân sinh và bà kế mẫu. Cũng chính do lòng ước ao nên thánh thúc đẩy mà ngài luôn nói với bản thân mình: “Hỡi Henri denis, nếu mày không làm linh mục, mày cũng làm ông hàng bánh”. (DN số 5) Nhờ đó mà mỗi ngày ngài thể hiện ơn gọi nên thánh của mình cách mạnh mẽ hơn.

Sự thao thức nên thánh của Cha Tổ Phụ trải dài trong cuộc sống như thế, điều đó cho phép chúng ta hiểu lòng khao khát Thiên Chúa của ngài như là khởi điểm và đã trở nên niềm say mê Thiên Chúa như một hành trình dài…

Nhờ những Di Ngôn, những bút tích của Cha Tổ Phụ mà chúng ta có thể đọc ra cuộc hành trình dài của ngài khởi đi từ tỉnh thức. Ngài nói: “Chúng ta hãy tỉnh thức. Thức là hằng tìm Chúa, gặp Chúa, nói khó với Chúa” (DN 131)

Bởi vậy, nếu ta say mê Thiên Chúa thì cũng sẽ say mê nguyện gẫm, vì nguyện gẫm là linh hồn của đời đan tu, nghĩa là ngài sống thân mật với Thiên Chúa. Tuy ngôn từ có vẻ xưa đối với người ngày nay, nhưng cụm từ “sự sống thiêng liêng bề trong” lột tả cách chân thực tương quan say mê, tương quan thân mật với Chúa thể hiện trong giờ nguyện gẫm, cho đến nỗi ngài trở nên “người hay nguyện gẫm”. Ngài còn nói: “Các thánh xưa đã giữ một luật như chúng ta, đã nên thánh cả, thánh lớn là tại các thánh hằng lo sống thiêng liêng cùng Chúa bề trong. Các thánh làm mọi việc thường như chúng ta, song làm một cách phi thường, tại có sự sống thiêng liêng bề trong. Vậy chúng ta phải lo cho đặng sự ấy. Hãy chăm chú nguyện gẫm, chúng ta ra sức cho đặng nên một người hay nguyện gẫm”. (DN 107)

Vì Cha Tổ Phụ là “người hay nguyện gẫm” nên ngài cũng là “con người cầu nguyện”. Ngài luôn tín trung trong việc cầu nguyện, cách riêng các giờ kinh phụng vụ. Trong Di Ngôn số 118 ngài nói: “Việc bổn phận của chúng ta là cầu nguyện, kết hợp với Chúa” (…). Nhà này mà không cầu nguyện thì hóa ra một nhà nông phu. Cầu nguyện là chính việc chúng ta. Thầy dòng phải là con người cầu nguyện (…) nghĩa vụ chúng ta là hãm mình cầu nguyện, kết hợp với Chúa. (…) Đọc kinh cầu nguyện phải cầm lòng cầm trí. Sự đọc kinh có 3 cách: 1. Đọc cho trúng vần nhằm chữ – 2. Đọc và suy ý nghĩa lời mình đang đọc – 3. Miệng đọc, lòng trí kết hiệp cùng Chúa”.           

Như vậy, một tâm hồn khi say mến Thiên Chúa thì họ cũng thao thức tìm kiếm Ngài. Theo Cha Tổ Phụ việc tìm kiếm Thiên Chúa  được thể hiện qua việc bổn phận hàng ngày: ngài nói: “Mọi việc bổn phận phải làm hàng ngày, làm cho chăm chỉ và tử tế” (DN 132). Và như vậy, thái độ “Tìm kiếm Thiên Chúa” được ngài viện dẫn cha thánh Biển Đức: “Nếu Cha thánh Biển Đức ngài có ở trong nhà này, ngài có ăn ở như chúng ta không? Hẳn thật, ngài hằng lo tìm Chúa, kết hiệp với Chúa mà thôi. Chúng ta cũng phải lo cho được như thế”. (DN 132)

Lòng say mê Thiên Chúa phải luôn luôn được thể hiện không chỉ lúc thuận tiện mà còn ngay trong lúc gặp khó khăn thử thách, điều mà Cha Tổ Phụ gọi là thánh giá và ngài đã xác tín: “Nếu chúng ta biết ấp yêu thánh giá vào lòng thì mọi sự gian nan tân khổ đời này không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng triều mến thánh giá thật, thì ở trong nhà dòng này rất đổi vui mừng. Như vậy, ai mà làm chi được chúng ta! Bề trên có quở phạt, anh em có khinh chê, đó là thánh giá, là điều mình hằng nâng niu trân trọng. Những kẻ ấy ở trong nhà dòng này vui thích biết mấy!” (DN 126)

Thái độ của người say mê Thiên Chúa khi đối diện với bệnh tật, hay lúc đau ốm không phải là khả năng đương nhiên nhưng là một hành trình tập luyện. Điều này Cha Tổ Phụ đã từng nói trong Di Ngôn số 127: “Người ta thường nói, muốn biết ai có nhân đức chừng nào, hãy xem kẻ ấy lúc chơi đùa và khi ốm liệt. Vì khi ấy, nếu không có nhân đức cho khá, không có sự sống bề trong cho vững, linh hồn không thể cai trị thân thể được, cho nên các tính xấu tỏ ra: buồn bã, trách bề trên không thương chi hết, lại trách móc anh em không lo lắng cho đủ…”

Châm ngôn dòng chúng ta là “Cầu nguyện và lao động”. Vì thế,   trong cuộc sống hằng ngày của một đan sĩ, công việc làm rất quan trọng, vì nó giúp đan sĩ thể hiện chính mình. Chính những công việc bổn phận hàng ngày của đời thường đã giúp Cha Tổ Phụ thể hiện mình như một người say mê Thiên Chúa. Đối với ngài làm việc để bảo trì sức khỏe, vận hành đời sống của cộng đoàn và thể hiện tinh thần trách nhiệm của cộng đoàn; Tuy niên nó cũng có thể trở nên pháo đài cho ai đó ẩn núp để chạy trốn chính mình. Chính niềm khát khao say mê Thiên Chúa đã giúp Cha Tổ Phụ có khả năng biện phân giữa Chúa và công việc của Chúa, khi nói: “ Chúng ta hãy nhớ, chớ khá quên là chớ có mê làm việc quá. Chúng ta đã bỏ mọi sự thế gian mà vào đây cho được tìm Chúa, chớ có điên cuồng dại dột, chớ có mê làm việc quá. (…) Chớ có lấy điều chi khác làm trọng, làm cần, vì là vô ích chống qua hết thảy, trừ ra một sự kính mến Chúa đáng cho chúng ta chăm lo mà thôi. (DN 129)

 

  1. Hiệp thông với tha nhân

Thánh Gioan tông đồ nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4, 21). Nói cách khác, ai hiệp thông với Thiên Chúa cũng sẽ hiệp thông với anh chị em mình. Hiệp thông với tha nhân được thể hiện bằng sự dấn thân trong tương quan với sự triệt để trong ý hướng; dấn thân trong tương quan phổ quátđặc thù, triệt để trong ý hướngthực hành.

Dấn thân trong tương quan: (ra khỏi mình…)

Tương quan phổ quát: nghĩa là tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.

Chúng ta đã tìm thấy điều này nơi Cha Tổ Phụ trong đoạn Di Ngôn số 135, ngài viết: “Cả ngày, Thầy chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy đến nỗi xem ra như chỉ có một mình Chúa với một mình Thầy ở thế gian vậy. Ấy chính việc bổn phận chúng ta, nên chúng ta phải lo cho được như vậy, là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa”. “Lo đến phần rỗi kẻ khác, lo cho thêm số những người kính mến Chúa” đó là thao thức của người say mê Thiên Chúa. Vì say mê Thiên Chúa mới yêu thương con người và lo đến phần rỗi con người. Và Cha Tổ Phụ đã bắt đầu tương quan đó ngay trong chính cộng đoàn của mình.

Tương quan đặc thù nghĩa là tương quan với anh em trong Cộng đoàn và tương quan với dân tộc Việt Nam, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Cha Tổ Phụ dạy cụ thể như sau: “Vậy cha hết lòng khuyên về sự ấy cách riêng: là hãy thương yêu nhau . nếu trong Nhà này mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em cách riêng, thì mọi người trong Nhà đều được sự an ủi, vui vẻ biết mấy. (…) Chúng ta hãy nhớ mà đem vào trí vào lòng, vì là điều can hệ” (DN số 122). Và ở DN số 123 Cha Tổ Phụ khuyên xét ý lành cho anh em: “Chúng ta hãy xét về ý lành thì có ích luôn.” (…) Chúng ta hãy xét sự lành sự tốt cho anh em, như lời Chúa dạy: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1). Đó là nền tảng hướng tới sứ vụ của Dòng là lo phần rỗi cho dân tộc Việt Nam. “Nên chúng ta phải lo cho được như vậy, là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa và lo cho thêm số những người kính mến Chúa” (DN 135) ; “Nhà Dòng không có ý chi khác, chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa” (DN 138); “Chính việc chúng ta là lo tìm Chúa, kết hiệp với Chúa, nói khó chuyện vãn với Chúa, kính mến Chúa và lo cho có nhiều người kính mến Chúa nữa” (DN 140)

Tuy nhiên, để được như thế cần có điều kiện: “Mà muốn cho được thương yêu anh em, phải ra khỏi mình là bỏ mình đi, thì mới thương yêu anh em được” (DN 112). Cha Tổ Phụ nhắc đến việc phải “ra khỏi mình” vì đó là điều kiện để có thể yêu thương con người. Ngày nay chúng ta gọi là khả năng “dấn thân trong tương quan”. Nhưng thái độ “dấn thân” đó như thế nào?

Triệt để đến cùng!

– Trong ý hướng: nghĩa là khi vào trong Dòng là ta đã xác định đi tìm Chúa và nhà Dòng là Trường Học phụng sự Chúa. Cha Tổ Phụ nói: “Trong các nhà trường, kẻ vào đó chính ý là để học hành, cũng có đi đàng nhân đức, song cốt ý cho được học hành. Vào đây không phải có ý ấy mà cũng không phải vào đây cho đặng làm vườn làm ruộng, một có ý vào đây cho được nên thánh mà thôi”. (DN 138) Cha Tổ Phụ dẫn chứng một khuôn mặt phản diện trong đời tu khi nói: “Chúng ta không hiểu chúng ta đến đây có ý gì. Chúng ta tỏ mặt buồn với bề trên, chúng ta ở một cách khác, có ý tỏ cho bề trên biết chúng ta không bằng lòng với bề trên, với anh em” (DN 143), thì ở đây rõ ràng đương sự đã không triệt để trong ý hướng đời tu. Vậy thì cần triệt để hơn nữa trong thực hành để có thể nâng đỡ định hướng ban đầu của đời tu.

Triệt để trong thực hành: Cha Tổ Phụ là con người thực tế, tuy ngôn từ trong di ngôn có vẻ cổ xưa đối với chúng ta, nhưng rõ ràng nó phù hợp với từng tâm hồn của mọi thời đại. “Trước hết phải bỏ mọi sự đi đã, bỏ sự dữ là bỏ tính hư nết xấu. Chớ có ai nói rằng: tôi không có tính hư nết xấu. Phải biết mình là kẻ xấu. Phải nhận lấy và tin các lời bề trên nói”. (DN 138)

Thực vậy, khi biết mình là kẻ xấu, thì đó chính là khởi điểm của tiến trình huấn luyện. Biết mình là kẻ xấu sẽ dễ dàng mềm dẻo trước tác nhân huấn luyện (người huấn luyện – Chúa Thánh Thần). Nói cách khác, biết mình là kẻ xấu cũng chính là lúc nhận ra vị trí và giới hạn của mình, nghĩa là biết mình là một học trò, là người thụ huấn và chân nhận vị trí của người huấn luyện mình. Như thế chúng ta đã đạt đến lòng tự trọng cần thiết, khả dĩ để xây dựng đời mình một cách ổn định và bền vững cho tới lúc thống nhất đời sống của mình.

 

  1. Thống nhất đời sống.

Người thống nhất đời sống ở đây không ai khác chính là Cha Tổ Phụ của chúng ta. Ngài đã thể hiện điều này trong những lời trối ngắn ngủi được trích trong Di Ngôn số 150 như sau: “Còn phần cha thì đi bình an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết, vì cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương cha và cũng thương chúng con; cho nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con. Vậy xin chúng con hãy ở bình an như cha, vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ”.

Yếu tố làm nên sự thống nhất đời sống của Cha Tổ Phụ chính là sự bình an của ngài, sự bình an mà chính Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy…” (Ga 14,27)

Thực vậy, chúng ta ghi nhận các ý chính sau đây trong đoạn trích:

  1. Thiên Chúa là Cha chúng ta (vì cha biết rõ Chúa là Cha chung).
  2. Thiên Chúa là tình yêu (x.1Ga 4,8.16: Chúa thương cha và cũng thương chúng con).
  3. Và tình yêu thì loại bỏ sợ hãi (x. 1Ga 4, 18; nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con).

Trong lúc phải đối diện với cái chết là nỗi đáng sợ nhất của đời người, nhưng Cha Tổ Phụ vẫn cảm nghiệm được sự bình an, bởi thế đây chắc hẳn là sự bình an thật. Nói cách khác, khi đang ở trong tình trạng bất ổn, vì biết rõ sự gì đang và sẽ diễn ra cho mình   mà vẫn có được trạng thái bình an trong tâm hồn thì chắc chắn phải là thứ bình an thật. Hơn nữa, ngài lại còn khuyên con cái “ Hãy ở bình an như cha”. Rõ ràng đây tuyệt nhiên không phải là lời nói suông, mà đây chính là di sản Ngài đã để lại trước khi qua đời; di sản ấy chính là sự bình an. Đây đích thực là sự bình an mà Chúa Giêsu đã hứa.

Tuy nhiên, để có được sự bình an đó, Cha Tổ Phụ đã phải trải qua cả một cuộc đời để chuẩn bị. Trước tiên bằng xác tính căn bản: đó là nên thánh.

Trong Di Ngôn số 137 ngài nói: “Chúng ta muốn nên thánh phải giữ luật dòng”.“…Một có ý vào đây cho được nên thánh mà thôi”(DN 138). Muốn nên thánh thì giữ luật dòng. Điều này trước khi qua đời, trong lời trối ngài đã nhắc lại 3 lần. “Chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng” (DN 150).

Một khi đã xác định ý hướng nên thánh, phương thế nên thánh đặc thù của chúng ta chính là tuân giữ luật dòng. Trung thành tuân giữ luật dòng, kiên định trong nếp sống đan tu sẽ hình thành nên một lối sống. Lối sống đó thể hiện sự “kín nhiệm” (DN 141) của thầy dòng chiêm niệm chúng ta. Sống sự “kín nhiệm” ấy sẽ thể hiện một sự bình an đích thực, mà người đầu tiên trong Hội Dòng đạt được điều này chính là Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận. Sống sự kín nhiệm ấy, ngài đã cảm nghiệm được niềm vui của Đức Mẹ và Các Thánh ( x. DN 144). Đó là niềm vui đích thực, niềm vui khi gặp gian thử thách, niềm vui của thánh giá, bình an giữa biết bao bất ổn của cuộc sống; bình an trước cả khi đối diện với cái chết của mình. Bình an và tự do giống như ông Gióp sau khi trải qua cuộc thử thách kinh khủng của cuộc đời. Ông nói: “Chúng ta đã đón nhận điều tốt lành từ Thiên Chúa, còn điều bất hạnh sau lại không đón nhận” (Giop 2,10)

Như vậy, Cha Tổ Phụ, xét như một người thống nhất đời sống khi đã xác định ý hướng đời mình, triệt để đi theo hướng đó, làm cho ý hướng đó trở nên một lối sống, và cùng đường của lối sống ấy là sự bình an đích thực.

 

Thay lời kết: một viễn ảnh.

Đan sĩ Xitô Thánh Gia noi gương Cha Tổ Phụ say mê Thiên Chúa. “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10,24). Nếu chúng ta đã khám phá phần nào con người và đời sống thánh thiện của Cha Tổ Phụ với xác tín rằng Ngài là người say mê Thiên Chúa, sự khám phá đó sẽ giúp chúng ta cũng say mê Thiên Chúa trong tư cách chúng ta là một đan sĩ Xitô Thánh Gia.

Tuy nhiên, nếu có ai đó đặt vấn đề: Cha Tổ Phụ sống trước chúng ta hơn một thế kỷ, sự thánh thiện của ngài liệu còn phù hợp với thời đại chúng ta nữa không? Có những yếu tố phụ thuộc đã được thay đổi theo thời gian như đánh tội; đi chân đất …

Duyệt lại trí ý của Đấng Sáng Lập dưới ánh sáng Tin mừng, đó là công việc của hậu thế, là vai trò của thế hệ kế thừa, là chính chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, những yếu tố bất biến của đời đan tu không thể giản lược theo thời gian.

Lòng khao khát Thiên Chúa như khởi điểm của tiến trình hình thành “Lối sống say mê Thiên Chúa”, hiệp thông với ngài để rồi hiệp thông với con người, nhắm đến sự thống nhất đời sống cá nhân mỗi người chúng ta. Đích điểm sự thống nhất đời sống là sự bình an nội tâm, bình an đích thực, bình an của người trưởng thành trong Chúa Kitô, tức là hiệp nhất trong đức tin và nhận biết Con Thiên Chúa, tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô. (x. Ep 4, 13)

 

Và cũng trong viễn ảnh này, xin đề nghị với anh em mấy câu hỏi để chúng ta cùng suy tư:

  1. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Đời sống và giáo huấn của Cha Tổ Phụ đã ảnh hưởng như thế nào trên bạn và Cộng đoàn bạn trong các mối tương quan:

  1. với Thiên Chúa?
  2. với anh chị em?
  3. Theo bạn, chúng ta phải sống di sản thiêng liêng mà Cha Tổ Phụ đã để lại (lòng khao khát, sự say mê Thiên Chúa và bình an nội tâm) như thế nào trong bối cảnh Việt Nam hôm nay?

                            Xin cám ơn anh em

        Phêrô-Khanh Trần Như Hảo

  Viện phụ Phước Vĩnh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...