Chủ Nhật, 15 Tháng Chín, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 14-A TN

CHÚA NHẬT 14-A TN (Rm 8,9.11-13 ; Mt 11:25-30)
 
I.          Chúa Giêsu mời gọi : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30 – TM).
 
 
II.         Để thực hành được lời mời gọi của Chúa Giêsu, thánh Phaolô khuyên chúng ta phải có Thánh Thần của Chúa Giêsu” (Rm 8,9). Thánh Thần của Chúa Giêsu chẳng những làm cho Chúa Giêsu nên hiền hậu và khiêm nhường, như ngôn sứ Isaia nói “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,19-21). Thánh Thần của Chúa Giêsu còn “làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết… và làm cho thân xác chúng ta được sự sống mới” (x. Rm 8,11).
 
Từ xác tín này, Thánh Phaolô nghiệm ra hai lối sống:  sống theo tính xác thịt và sống theo Thánh Thần (x. Gl 5,9-21).Ngài muốn trình bày sự đối kháng giữa cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo Thánh Thần. Một sự đối kháng bao trùm mọi khía cạnh cuộc sống con người.
 
            1)- Sống theo tính xác thịt là sống các cảm xúc theo bản năng tự nhiên của con người. Sống theo xác thịt là vẫn còn liên đới với Ađam cũ, đặt tin tưởng vào những gì hoàn toàn là của loài người, vật chất, phải chết và sẽ bị hư nát. Con người không được phép sống như thế, vì ngoài thân xác, “Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong con người” (x. Rm 8,11). Thiên Chúa còn ban cho con người có linh hồn, lý trí, ý chí và tâm tình để điều khiển các quan năng của xác thịt. Nên “những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể sống đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 8,8).
 
2)- Sống theo Thánh Thần của Chúa Giêsu là sống nhờ Thánh Thần liên kết mình với một nhân loại được đổi mới do sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Đó là để cho Thánh Thần của Chúa Giêsu ngự trị trong con người mình.  ThánhThần của Chúa Giêsu sẽ loại trừ dần dần những hành vi ích kỷ trói buộc chúng ta, đang kéo ghì chúng ta xuống, ban cho chúng ta được tự do nội tâm để “ta đứng lên, đi về cùng Cha” (Lc 15,18). Chúng ta được mời gọi phục vụ cho sự công chính, tức là sống cho Thiên Chúa và cho anh chị em. Chúa Giêsu vẫn luôn là mẫu gương. Người không sống cho mình, nhưng sống và chết là để chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó. Người sống và chết cho một nhân loại mà Người là “trưởng tử” (Cl 1, 15).
ĐTC Phanxicô dạy chúng ta lưu tâm 3 điều, đáp dụng lời khuyên của thánh Phaolô phải có Thánh Thần của Chúa Giêsu” (Rm 8,9) :
 
1)-        Thân quen với Lời Chúa
ĐTC mời gọi chúng ta chuyên cần đọc Lời Chúa mỗi ngày, luôn mang Lời Chúa bên mình, mở rộng cõi lòng cho Lời Chúa, mở rộng tâm hồn để Thánh Thần giúp chúng ta hiểu được Lời Chúa. Khi đón nhận Lời Chúa, khi hiểu Lời Chúa, khi có Lời Chúa ở cùng, chúng ta sẽ nhận được biết bao hoa trái tốt lành… Đó là khi chúng ta trở nên người đầy lòng tốt, đầy lòng thương xót, đầy niềm vui, trở thành con người của hòa bình, của tự chủ, trở thành người hiền lành khiêm nhường.
 
2)-        Phong cách của Kitô hữu.
Kitô hữu đón nhận Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta ngoan ngoãn trước Lời Chúa, và với sự ngoan ngoãn ấy, chúng ta sẽ không đi ngược lại Thánh Thần. Ngoan hiền đón nhận Lời Chúa, nhận biết Lời Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần, để Ngài ban cho chúng ta những hạt giống gieo vào tâm hồn chúng ta. Nhờ đó, những hạt mầm ấy sẽ trổ sinh lòng tốt, sự dịu hiền, lòng nhân hậu, hòa bình, bác ái, tự chủ… Tất cả những điều tốt đẹp ấy làm nên phong cách Kitô hữu.
 
3)-        Ngoan ngoãn nghe theo Thánh Thần.
Có Thánh Thần là Đấng hướng dẫn chúng ta, chúng ta không bị lầm lạc, chúng ta biết ngoan ngoãn với Thánh Thần, chúng ta nhận biết Thánh Thần trong Lời Chúa, và chúng ta sống theo Thánh Thần hướng dẫn (x. Vatican, ngày 09.05.2017).
           
III.        Đến với Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta sẽ bắt gặp những gì Thánh Thần hướng dẫn khi chúng ta đọc trong Lời Chúa, để biết “đường” và “được bổ sức” quay trở về Nhà Cha. Ước gì mỗi chúng ta luôn hướng nhìn lên và chiêm ngắm Thánh Thể Chúa Giêsu. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả trọn vẹn tấm lòng “hiền lành và khiêm nhượng” của Người cho chúng ta. Chỉ trong Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm thấy “sự nghỉ ngơi vì ách của Người thì êm ái và gánh của Người thì nhẹ nhàng”. Từ nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta: “Hãy đến với Cha, hỡi những ai vất vả và gánh nặng, Cha sẽ bổ sức cho các con”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI