Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 19-B TN

 

TRƯỚC THỐNG HỐI

Xưa, Thiên Chúa dạy dỗ cha ông chúng ta qua Lề Luật Môsê và các vị ngôn sứ. Nay, Người dạy dỗ chúng ta bằng chính Ngôi Lời, Con Yêu Dấu của Người (x. Dt 1,1).  Người cho Ngôi Lời nhập thể sống giữa nhân loại, để Thiên Chúa nói với chúng ta qua lời giảng của Chúa Giêsu, chữa lành chúng ta qua bàn tay hay lời phán của Chúa Giêsu, tỏ lòng từ bi nhân hậu với chúng ta qua trái tim của Chúa Giêsu. Chúng ta đón nhận sự dạy dỗ của Người bằng đức tin vào uy quyền của lời giảng và sống lời giảng của Người. Vì tin vào Người là con đường duy nhất để được sự sống đời đời (x. Ga 6,47).

+          Lạy Chúa, Chúa Giêsu khẳng định Người là “bánh hằng sống từ trời xuống”. Chúng con như dân Israel xưa xầm xì phản đối vì nhìn Người là “một Giêsu, con ông Giuse”. Chỉ vì chúng con chưa biết thường xuyên đến với Người đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. 

+          Lạy Chúa, Chúa Giêsu “ở lại” với chúng con trong Lời Người, và Người cũng ở lại với chúng con trong sức mạnh của Bí Tích Thánh Thể. Chỉ vì chúng con chưa biết thường xuyên đến với Người đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. 

            +          Lạy Chúa, Lời dạy dỗ và Lương thực thiêng liêng Chúa ban cho chúng con là chính Chúa Giêsu. Chỉ vì chúng con chưa biết thường xuyên đến với Người đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. 

 

 

 

CHÚA NHẬT 19-B TN

(1 V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51)

 

I.          Ở miền quê Việt Nam, một hiện tượng thường thấy : Có nhiều bà mẹ, khi nghe con khóc, như đoán được nhu cầu của đứa bé, mẹ không cần vỗ về nựng nịu, mà dùng ngay bầu vú mình có sẵn để lấp miệng đứa bé… Nhờ được bú tí sữa mẹ, đứa bé không còn khóc. Mượn từ hiện tượng này, dân gian có thành ngữ “cả vú lấp miệng em”, để ám chỉ có những người cậy thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át người ta. 

 

II.         Là ngôn sứ, giống như tất cả các ngôn sứ khác, ngôn sứ Elija cũng phải nói và phải làm chứng những gì Thiên Chúa truyền cho ông. Ông đã minh chứng cho vua Ahab và toàn thể con cái Israel biết đâu là Thiên Chúa thật, bằng sự kiện tế lễ trên núi Carmel : Thiên Chúa đã nhận lời của ông qua việc gởi lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ. Nhân cơ hội này, ông đã ra lệnh bắt trói và tàn sát một lúc 450 ngôn sứ của Baal (x. 1 V 18).

Nhưng Ahab là một ông vua hèn nhát : nhà vua đã ‘che lấp’ sự thật này, lại còn kể cho hoàng hậu Jezebel nghe mọi chuyện ông Elija đã làm và tất cả sự việc ông dùng gươm hạ sát hết các ngôn sứ của Baal. Bà Jezebel biết chuyện, quyết tâm thù ông Elija (x. 1 V 19, 2).

Trước sự mù quáng của vua và của dân không nhận ra và tin vào sự thật ông công bố, trái lại còn tìm cách giết hại ông. Ông trốn lên núi Horeb để bảo toàn mạng sống. Ông đi một ngày đường trong sa mạc đầy cực khổ, đói khát và chán nản.

Khi nghĩ đến phận bạc bẽo làm ngôn sứ, ông thất vọng và xin Chúa cho ông được chết đi cho xong. Nhưng Chúa cho sứ thần đem bánh và nước tới cho ông ăn uống. Ông nằm ngủ để lấy lại sức. Thiên sứ đánh thức ông dậy và ông ăn uống thêm lần nữa. “Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Horeb, là núi của Đức Chúa” (1 V 19,8).

            Đây là bánh từ tay các thiên thần chuẩn bị cho ông. Chỉ có lương thực này mới có thể giúp cho ông hồi phục cả về thể xác lẫn tinh thần, để ông lên đường đi bộ suốt 40 ngày đêm tới Horeb, là núi của Thiên Chúa. Lương thực của trái đất không thể làm được điều này. Bánh và nước chỉ là hình bóng ám chỉ đến một thứ lương thực có hiệu năng hơn và cần thiết hơn cho con người trong hành trình đức tin để hoàn tất cuộc hành trình tới ‘Horeb – núi của Chúa’, nơi con người được gặp gỡ với Thiên Chúa. Sức mạnh và an ủi ấy chỉ có thể tìm thấy nơi Chúa Giêsu, Bánh Trường Sinh mà Thiên Chúa ban cho con người từ trời xuống.

Tin Mừng (Ga 6,41-51) nói về Bánh Trường Sinh. Phép lạ hóa bánh ra nhiều là cơ hội để Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến với một điều vô cùng cao cả và đậm tình yêu thương : Chúa Giêsu là “Bánh Trường Sinh”. Lời này, được lập đi lập lại nhiều lần như một điệp khúc. Mỗi lần lập lại là để khai triển một khía cạnh mới về vai trò của Người trong hành trình đức tin của chúng ta tiến về nhà Thiên Chúa.

            Đoạn đầu của bài Tin Mừng hôm nay, đề cập tới xuất xứ của Người là “từ trời xuống”, đã khiến cho người nghe “xầm xì phản đối”, vì họ biết Người là “ông Giêsu, con ông Giuse”. Đến khi Người khẳng định Bánh Hằng Sống Người ban là “thịt” của chính Người, thì việc phản đối lên tới cao độ, đến mức mọi người đều bỏ đi, chỉ còn lại các Tông Đồ quyết tâm theo Chúa. 

           

III.        Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian là để giúp mọi người “được sống muôn đời” (x. Ga 6,44.51). Để “được sự sống muôn đời” (x. Ga 6,47), chúng ta cần hai điều:  được “dạy dỗ” (x. Ga 6,45), được “ăn” (x. Ga 6,51).

Nên thánh Phaolô (BĐ II) khuyên :

1)- Cần được “dạy dỗ” :

+ Đối xử tử tế với nhau, luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác. + Có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau. + Học nơi Chúa Giêsu: luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự; và luôn yêu thương mọi người.

2)- Cần được “ăn” :

+ “Bánh Trường Sinh” sẽ sống muôn đời. + Được kết hiệp với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. + Được kết hiệp với Hội Thánh và với nhau, để sinh hoa kết trái tốt lành.

Trong cuộc đời, chúng ta cần một sức mạnh nâng đỡ. Sức mạnh ấy chính là sức mạnh Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực của Thiên Chúa “ở lại với chúng ta cho đến ngày tận thế”.  

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI