Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 22-B THƯỜNG NIÊN

 

TRƯỚC THỐNG HỐI

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tâm tình bên trong thì quan trọng hơn công việc ở bên ngoài. Việc bên ngoài là diễn tả cái nội tâm. Phụng vụ là một vấn đề của sự kiện liên quan đến những điều kiện bên ngoài. Cha thánh Biển Đức mong muốn con cái mình “ca ngợi Chúa cho thật khéo; tâm trí hòa hợp với lời ca” (TL 19, 4.7). Hiến chế về Phụng Vụ. Mẹ Hội Thánh dạy rất đầy đủ về hoạt động và tham dự có ý thức trong những nghi thức phụng vụ thánh, là nguồn mạch không thể thay thế của tinh thần Kitô giáo đích thật (x. Hc PV 14-30). Yếu tố chính yếu của việc thờ lạy như ĐTC Piô XII đã dạy, đó là tâm tình bên trong.

 

+ Lạy Chúa, Chúa không muốn chúng con ‘tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng lại xa cách Chúa’. Trong cuộc sống, chúng con thường xuyên ‘gạt bỏ điều răn của Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.

 

+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu cảnh cáo :  muốn tôn kính Chúa thật lòng, thì lo giữ tâm hồn cho thanh khiết và rửa sạch những gì làm ô uế tâm hồn. Chúng con lại chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài.

 

+ Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con trở lại với Lề Luật đích thực của Chúa. Nhưng chúng con lại vênh vang bám lấy những giới luật phàm nhân, quên cốt lõi của Lề Luật là lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em.

 

SUY NIỆM

(Đnl 4,1-2,6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8.14-15.21-23)

 

I.          Nhiều nhà nghiên cứu khoa học cho rằng người Do Thái cực kỳ thông minh và điều đó không phải tự nhiên mà có. Sự thông minh này không chỉ diễn ra trong 1 thế hệ mà được chứng minh di truyền qua nhiều đời. Năm 2005, một nghiên cứu cho thấy những người Do Thái có kỹ năng giao tiếp và tính toán trội hơn hẳn so với những cộng đồng dân tộc khác.

Trong thế kỷ 20, mặc dù người Do Thái chỉ chiếm 2% dân số Mỹ nhưng lại có đến 27% nhà khoa học của nước này đoạt giải Nobel là người Do Thái. Không những thế, khoảng 25% nhà toán học đoạt giải Fields Medal (có giá trị tương tự Nobel trong toán học), 25% số người đoạt giải ACM Turing Award (mảng máy tính), 9/19 nhà vô địch cờ vua… là người Do Thái.

Người Do Thái thông minh, tại sao ? Có thể tóm ý các giả thuyết trong 4 điểm này : 

1)- Chúa chọn người Do Thái làm Dân Riêng để chuẩn bị một Dân-mới là Hội Thánh.

2)- Cách đây hơn 2.000 năm, 90% người Do Thái đã biết chữ để đọc Kinh Thánh.

3)- Do bị ‘phân sáp’, nên họ ý thức việc duy trì nòi giống, bảo tồn và sàng lọc gen.

4)- Chỉ ăn thực phẩm Do Thái (Kosher) được làm theo cách riêng của họ.

Sự thông minh này, phải chăng đã hé lộ từ trong Kinh Thánh, như chúng ta nghe trong BĐ I ?

 II.         Thiên Chúa cho ông Môsê biết là ông sẽ chết trước khi dân Israel vượt qua sông Giođan để vào Đất Hứa. Trong diễn từ, qua BĐ I hôm nay, ông truyền cho dân không được thay đổi bất cứ điều gì trong những thánh chỉ của Thiên Chúa. Ông cũng khẳng định nếu dân tuân giữ thì mới “được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất Thiên Chúa ban cho dân” (Đnl 4,1).

            Ông xác tín chỉ có Chúa là đường dẫn họ đến sự sống. Tôn ý Chúa bày tỏ trong Lề Luật Chúa. Ai giữ đúng Lề Luật Chúa, là người “khôn ngoan minh mẫn ở trước mắt các dân”. Vì ông nhận ra rằng :

(1) Lề Luật phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng duy nhất biết và chỉ ban những gì tốt lành thượng hảo cho con người.

(2) Thiên Chúa ban Lề Luật vì yêu thương con người. Lề Luật đó, không ai được thêm bớt điều gì.

Từ nguyên thủy, Lề Luật được gọi là “Mười Lời” (10 Giới Răn) của Thiên Chúa, Lề Luật được ban hành không phải để học thuộc lòng, cũng không để đóng khung thờ lạy. Con người vẫn có tự do để giữ hay không giữ Lề Luật. Lề Luật hướng dẫn đường đi nước bước, và giúp cho con người nhận ra những nguy hiểm của kẻ thù đang rình rập quyến rủ con người.

Lề Luật cũng giúp con người phân định vị thứ giá trị cuộc đời. Một, mối liên hệ hàng đầu giữa con người với Thiên Chúa. Hai, mối liên hệ giữa con người với tha nhân. Ba, mối liên hệ giữa con người với thế giới vật chất. Nếu con dân Israel giữ Lề Luật và chỉ giữ đúng Lề Luật của Người, đó là con đường sống dẫn họ vào Đất Hứa.

Lề Luật gồm tóm trong hai mối tương quan yêu thương là mến Chúa và yêu tha nhân. Mặc dù ông Môsê đã căn dặn kỹ lưỡng, nhưng những nhà lãnh đạo Dân Chúa đã lấy lòng mình làm tiêu chuẩn để sửa đổi Lề Luật của Chúa. Họ đưa ra những cách phụng thờ Thiên Chúa không dựa trên cảm nghiệm của tâm hồn hay của đức tin, nhưng trên những hình thức bề ngoài khoa trương, và họ gọi đó là những “truyền thống”. 

Mười Giới Răn Chúa ban từ núi Sinai, nay lại được họ minh họa thành 613 điều. Những điều luật này trói buộc con người và làm cho con người thành nô lệ cho thứ lề luật do con người xướng đặt. Những câu Kinh Thánh được viết ra, được đựng trong hộp nhỏ, và được đeo vào tua áo dài, không phải là để nhắc nhớ họ sống Lời Chúa, nhưng đã trở thành đồ trang sức cho lòng đạo đức giả tạo của họ. Dân Israel tự hào là “một dân khôn ngoan và thông minh” (Đnl 4,6); Dân Israel tự xưng là “vĩ đại vì được Đức Chúa là Thiên Chúa ở gần” (x. Đnl 4,7-8), nay không ai biết tới.

Những nhà lãnh đạo đã thay đổi thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa, bằng cách bỏ đi cái hồn của Lề Luật và khoác cho Lề Luật một bộ áo hình thức. Trước sự thay đổi nguy hiểm ấy, có một Đấng được Thiên Chúa sai đến để phục hồi tinh thần tuân giữ Lề Luật theo tôn ý Ngài. Đấng ấy là Chúa Giêsu. 

Trang Tin Mừng hôm nay minh chứng việc này. Nhân lúc có những người biệt phái và một số kinh sư thấy vài môn đệ của Chúa Giêsu dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa, họ hỏi Người: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”. Người muốn dạy 3 điều quan trọng:

(1) Đừng tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng bên ngoài: vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn con người (x. Is 29,13). Thiên Chúa muốn chính trái tim luôn “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” biết đồng cảm với người khác (x. Hc Gaudium et spes) được dâng lên Ngài để Ngài động lòng thương xót chúng ta. Thiên Chúa chỉ cần tấm lòng !

2) Đừng cậy vào truyền thống do con người đặt ra để hủy bỏ Lề Luật của Thiên Chúa. Cốt lõi của việc thờ phượng là tấm lòng con thảo, còn những cái bề ngoài chỉ là phương tiện giúp biểu lộ tấm lòng. Ai đó lại đảo ngược, bỏ đi cái cốt lõi để lấy phương tiện làm mục đích.

(3) Thanh tẩy tâm hồn bên trong cần thiết hơn thanh tẩy đồ dùng bên ngoài. Chúa Giêsu dùng hình ảnh việc ăn uống và tiêu hóa để áp dụng vào lãnh vực tâm linh. Những ý định xấu từ trong lòng xuất ra, sẽ làm cho chúng ta ô uế. Việc các môn đệ không rửa tay trước khi ăn, hay không giữ tập tục tiền nhân, chỉ là những việc bề ngoài và không thể làm cho họ thành những kẻ ô uế tâm hồn.

 III.        Chính vì thế, trong BĐ II, thánh Giacôbê dùng lại hình ảnh hạt giống mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về việc đón nhận Lời : “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em;  Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1,21b).

Vì “Lời Chúa là Lời chân lý” (Gc 1,17). Lời, là Chúa Giêsu. Chúa Cha ban Lời cho nhân loại để Lời “cắm lều” ở lại với con người (x. Ga 1), trở thành Lề Luật Mới, Lề Luật của Tình Yêu. Vì “Lời Chúa là Lời ban sự sống” (Gc 1,18). Chúa Cha dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thụ tạo của Người. Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa, là nguyên lý sự sống. Khi sáng tạo vũ trụ và con người, Thiên Chúa dùng Lời của Người. Để cứu chuộc con người, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ nhờ Chúa Giêsu, Lời của Người. 

          Thánh Giacôbê khuyên : Một, phải dọn chỗ cho Lời Chúa vì ánh sáng không ở cùng chỗ với bóng tối, sự thật không sống chung với giả dối. Hai, “khiêm nhường đón nhận Lời đã được gieo vào lòng”, vì nhờ khiêm nhường mà biết chấp nhận giá trị tuyệt đối của Lời Chúa. Ba, đem ra thực hành (c. 22), vì “đức tin không việc làm là đức tin chết’’ (Gc  2,17).

            Chúng ta khiêm nhường chuyên chăm đọc Lectio divina và dừng lại bên Thánh Thể Chúa Giêsu, để biết cách và có sức sống tuân giữ Lề Luật Chúa như tôn ý Chúa truyền ban.

 

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI