Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
Cùng với Giáo hội, chúng ta long trọng mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cơ bản, gần gủi và rất quan trọng đối với đời sống đức tin người Kitô hữu.
Là mầu nhiệm cơ bản, gần gủi, vì từ khi mở mắt chào đời cho tới lúc chết; từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ chúng ta thường xuyên tôn vinh, cầu khẩn, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một cách cụ thể, khi mới sinh chúng ta chịu phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi thức dậy chúng ta làm dấu Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đi ngủ, khi cầu nguyện, khi cử hành phụng vụ, khi ăn uống, khi làm một việc gì chúng ta đều nhớ tới Ba Ngôi Thiên Chúa.
Là mầu nhiệm quan trọng, vì Ba Ngôi chính là một Thiên Chúa Tối Cao mà chúng ta yêu mến tôn thờ. Ngài là khởi nguyên, là cùng đích cuộc đời chúng ta. Ngài là Thiên Chúa yêu thương, đã tạo dựng, đã cứu chuộc và thánh hóa chúng ta. Ngài cho chúng ta được làm con, ban cho chúng ta sự sống đời đời(x.bài đọc thứ nhất). Bởi thế, từ lúc khởi đầu đi rao giảng Tin Mừng, trước khi chuẩn bị vào cuộc thương khó, chuẩn bị về trời, Chúa Giêsu luôn nói về Chúa Cha, về Chúa Thánh Thần. Và bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng nói tới Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan truyền cho anh em. Ba Ngôi cùng yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn dạy dỗ chúng ta.
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm vượt trí hiểu phàm nhân. Tại sao một Chúa mà Ba Ngôi. Ba Ngôi mà lại một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau. Thật không dễ gì để hiểu. Vì thế, trãi qua dòng lịch sử nhân loại nhiều nhà thần học đã thắc mắc và cố dùng nhiều hình ảnh để nói, để giải thích về mầu nhiệm Ba Ngôi. Chẳng hạn thánh Patrich dùng 3 lá tam diệp thảo, một loại cây hầu như luôn có ba lá dính nhau, để mô tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thánh Ignatio Loyola thường dùng hình ảnh 3 nốt nhạc cùng hòa âm để nói về Chúa Ba ngôi. Những vị khác lại dùng ví dụ ba dạng thể của nước: dạng hơi, dạng đá, dạng lỏng. Ba dạng bản chất đều là nước, nhưng nó có thể mặc lấy ba dạng khác nhau. Vì là mầu nhiệm nên con người không thể dùng lý trí để phân tích, giải thích như khoa học, toán học. Chúng ta còn nhớ câu chuyện thánh Augustinô. Một ngày kia đang lang thang trên bãi biển, đang suy nghĩ về Chúa Ngôi sao mà khó hiểu. Tình cờ ngài gặp một em bé trên bãi biển đang cố sức lấy chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái lỗ. Thánh nhân lắc đầu, thắc mắc việc làm vô lý của em bé. Nhưng rồi em bé đã đáp lại: Việc tôi làm còn dễ hiểu dễ làm hơn việc ngài muốn dùng trí khôn con người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đúng vậy, con người không thể hiểu Thiên Chúa bằng lý trí, phải dùng đức tin. Những hình ảnh trần gian chỉ là lối so sánh khập khiểng phần nào. Bởi thế thánh Tôma Aquinô đã phải thốt lên : “Sự hiện hữu của Thiên Chúa thực sự là một vấn đề cho con người. Vì Ngài là Đấng vô hạn, con người thì hữu hạn. Ngôn ngữ phàn nhân không diễn tả Ngài một cách hoàn hảo được. Khi bàn về Ngài, con người chỉ có thể bập bẽ đưa ra những cái nhìn rời rạc phiếm diện thôi.” Nói như thế không có nghĩa chúng ta mù tịt không biết gì về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng vẫn có thể dùng lý trí tự nhiên, dựa vào lời Chúa Giêsu mạc khải để hiểu phần nào và yêu mến Ngài. Điều đó chúng ta đang tin tưởng đang thực hành hàng ngày trong đời sống.
Kính thưa cộng đoàn, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba ngôi khác biệt nhau, nhưng Ba Ngôi yêu thương nhau, hòa hợp với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi tuy khác nhau, nhưng lại chấp nhận nhau, hợp tác với nhau, không nghen tỵ, không nói hành nói xấu nhau, không phân biệt trên dưới, không muốn trổi vượt hơn các Ngôi…. Vì thế, ta có thể mạnh dạn nói đây là khuôn mẫu tương quan lý tưởng nhất cho đời sống cộng đoàn nhất là cộng đoàn tu. Chúng ta cần suy nghĩ và cố noi gương bắt chước phần nào mối tương quan này. Chúa Ba Ngôi hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải hợp nhất là đồng nhất.
Xin Chúa giúp chúng ta biết bắt chước tình yêu của Chúa Ba Ngôi: Yêu thương nhau, tôn trọng nhau, chấp nhận những khác biệt của nhau để đời sống chúng ta trở thành một dấu chỉ hùng hồn, một lời rao giảng, một sự tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật