TRƯỚC THỐNG HỐI
Tin là nhìn nhận phẩm giá của người mình muốn tin và bước theo người đó. Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là nhận biết Chúa là Đấng nào, sứ mệnh của Người là gì, là bước theo và làm như Người làm. Đức Tin đòi hỏi việc nhìn nhận chân tính của Chúa Giêsu, theo cách của riêng mình, không chỉ do những điều nghe thiên hạ nói. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn hỏi Kitô hữu: “Còn con, con bảo Thầy là ai?”
+ Lạy Chúa, như Chúa Giêsu đã tin vào Chúa thế nào, Chúa cũng muốn chúng con tin vào Chúa Giêsu như vậy. Nhưng chúng con lại như thánh Phêrô, không muốn nhìn nhận một sứ mệnh không đáp ứng với mong ước của mình.
+ Lạy Chúa, đường lối của Chúa là muốn Chúa Giêsu kinh qua cuộc khổ nạn để đem ơn cứu độ cho chúng sinh, Nhưng chúng con quên điều cốt yếu về đức tin là phải tùy thuộc vào phẩm giá của Chúa, không tùy thuộc vào điều chúng con mong mỏi.
+ Lạy Chúa, Chúa ban Chúa Giêsu cho trần gian, và muốn trần gian “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Nhưng chúng con lại chỉ để đức tin nằm trong trí óc, không đem ra thực hành bằng đời sống và việc làm như Chúa Giêsu.
CHÚA NHẬT 24 TN
(Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)
I. Sách ngôn sứ Isaia có 4 bài ca được mệnh danh là “bài ca về Người Tôi Trung”. BĐ I, là bài ca thứ ba, tả “Người Tôi Trung” có đôi tai “môn đệ”. Sáng sáng, đã biết chú tâm nghe Lời Chúa, rồi quyết tâm đem ra thực hành. Phần lớn bài ca hôm nay nói đến những đau khổ mà “Người Tôi Trung” phải chịu vì trung thành giữ Lời Chúa và nói Lời Chúa. Nhưng “Người Tôi Trung” vẫn trơ mặt ra như đá và không hổ thẹn, vì ngài tin có Chúa hằng nâng đỡ chở che ngài.
II. “Người Tôi Trung” được nói đến ở đây, sẽ đến trong tương lai. Hội Thánh tin vậy, vì bài ca về “Người Tôi Trung” nằm trong những lời an ủi Israel, hướng về hậu vận và thời Thiên Chúa ra tay cứu dân. Gọi là “Người Tôi Trung”, vì ngài luôn trung thành đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy giúp ngài biết nhận ra những điều Thiên Chúa làm cho ngài và sẵn sàng thi hành những gì Thiên Chúa muốn. Niềm tin ấy cũng là sức mạnh để ngài có thể đương đầu với mọi khó khăn, bách hại.
Vậy Thiên Chúa đã làm gì cho “Người Tôi Trung”?
Một. Thiên Chúa “mở tai”. Mở tai là để “Người Tôi Trung” lắng nghe lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngài vẫn còn tự do đón nhận, hay cưỡng lại, hoặc từ chối lệnh truyền. Ở đây, niềm tin vững mạnh khiến ngài đặt lệnh truyền của Thiên Chúa lên trên tất cả, và quyết tâm thi hành lệnh truyền này.
Hai. Thiên Chúa củng cố niềm tin cho “Người Tôi Trung”. Niềm tin ấy là động lực giúp ngài can đảm ứng phó với mọi nghịch cảnh trong cuộc sống. Cử chỉ “đưa lưng cho người ta đánh”, “giơ má cho người ta giật râu” và “không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”, là những nét đặc biệt của niềm tin vào Thiên Chúa.
Ba. Ơn phù trợ của Thiên Chúa giúp “Người Tôi Trung” xác tín vào Thiên Chúa hơn, để trong mọi hoàn cảnh, ngài chấp nhận cả những điều bất công, để làm vinh danh Chúa,
Bốn. Nỗi lo sợ lớn nhất của “Người Tôi Trung” là phải làm chứng cho công lý. Nhưng có Thiên Chúa là “Đấng tuyên bố rằng ngài công chính và ở kề bên ngài” nên ngài không sợ ai phản cung ngài.
Nhưng “Người Tôi Trung” đó là ai?
Nhìn lại cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu từ khi xuống thế làm người, thi hành sứ vụ cứu độ cho tới lúc chết trên thập giá, Người đã sống trọn vẹn điều ngôn sứ Isaia nói về “Người Tôi Trung” :
– Người là mẫu gương đức tin vào Thiên Chúa.
– Người loan giảng và chữa lành trong sự trung thành với sứ mệnh Thiên Chúa trao phó.
– Đức tin của Người biểu lộ hùng hồn nhất vào những giờ phút bi thảm của cuộc Thương Khó.
– Lòng trung thành của Người, đã được Thiên Chúa Cha phục sinh và tôn vinh bên hữu Ngài
Những điều này, thật giống như trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô kể về Chúa Giêsu, Đấng đang mặc khải về cuộc Khổ Nạn và can đảm đi qua gian khổ. Dù chứng cứ Kinh Thánh là như thế. Nên khi Chúa Giêsu hỏi “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27). Các môn đệ nói lại ý của những ai đã gặp Chúa Giêsu, là họ đều nghĩ Chúa Giêsu là bậc xuất chúng, ít nhất cũng như ông Gioan Tẩy giả, hoặc như ông Êlia, hay một vị ngôn sứ nào đó. Chúa Giêsu muốn biết cái nhìn của riêng các môn đệ, Người hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô đã thay mặt anh em thưa Người rằng: “Thầy là Ðức Kitô” (Mc 8,29).
Tuy tuyên xưng Chúa Giêsu với tước hiệu là Đức Kitô, nhưng ông Phêrô vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của tước hiệu này. Ông chưa hiểu rằng theo thánh ý Thiên Chúa thì “Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang” (x. Lc 24,26). Ông đã thay mặt anh em can trách Chúa Giêsu đừng chịu như vậy, vì các ông đều không muốn thấy Thầy phải chịu thất bại trước rồi sau đó mới chiến thắng (x. Mc 8,32). Các ông muốn Thầy sớm lên làm Mêsia, làm vua Israel, để các ông cũng được chia sẻ quyền cao chức trọng (x. Lc 22,24), được ngồi bên tả bên hữu Thầy (x. Mt 20,21).
Lời ông Phêrô vừa tuyên xưng, Chúa Giêsu lập tức ngăn cấm các môn đệ không được nói lại lời này, vì Người biết rằng, lòng trí các ông chưa hiểu rõ điều ông Phêrô tuyên xưng. Lời tuyên xưng đó, chính là nhờ Thánh Thần hoạt động trong lòng trí ông, nên ông mới biết được bí mật tuyệt diệu này. Các môn đệ không nên nói những điều họ chưa hiểu biết tỏ tường, vì “Giờ” của Người chưa đến.
“Giờ” này là thời điểm “cuộc khổ nạn”. Do đó, từ nay, Chúa Giêsu bắt đầu mặc khải cho các môn đệ biết khía cạnh quan trọng này. Ðiều Người mặc khải khiến các môn đệ khó hiểu, và không thể chấp nhận được. Nên thay anh em, ông Phêrô kéo Chúa Giêsu ra và trách Người đã nói như vậy. Người muốn cho tất cả các môn đệ hiểu bài học này, nên Người không nhìn vào một mình ông Phêrô, nhưng vào tất cả các môn đệ.
Chúa Giêsu bảo ý tưởng của các ông là do Satan, không phải do tôn ý của Chúa. Người ra lệnh cho các môn đệ phải trở về chỗ của “người môn đệ” là ở phía sau và phải theo đường lối của Thầy (x. Mc 1,17.20; 8,34). Vì như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm : “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Ông Phêrô và các môn đệ đã không hiểu thánh ý Thiên Chúa là muốn cho Chúa Giêsu cứu thế bằng con đường “qua đau khổ vào vinh quang” (per crucem ad lucem), và mời gọi người ta đi theo con đường đó (x. Mt 16,21-23).
Satan đã có lần cám dỗ Chúa Giêsu làm lớn khi vẽ ra trước mắt Người mọi uy quyền và phú quý của thế gian để xúi Người (x. Mt 4,1-11). Nhưng ý của Thiên Chúa Cha lại không phải như vậy. Ai muốn theo Chúa Giêsu để trở thành môn đệ của Người cũng phải vác lấy thập giá và đi theo Người. Nghĩa là mọi người, không trừ ai, đều phải từ bỏ mình và sẵn sàng chịu mọi sự khó vì Chúa.
Thánh Giacôbê trong BĐ II chỉ cho chúng ta thấy việc từ bỏ mình và sẵn sàng chịu mọi sự khó vì Chúa Giêsu, chính là biến đức tin thành việc làm. Vì đức tin đưa người ta đi vào con đường cứu thế. Công việc của đức tin trở thành những công việc của đức ái, là đường lối phục vụ con người.
Cụ thể, để áp dụng việc sống đức tin vào đường lối phục vụ này, thánh Giacôbê dùng hình ảnh có người anh chị em đang cần đến sự giúp đỡ. Hành động vì đức tin của chúng ta trong hoàn cảnh này là quảng đại giúp đỡ người anh chị em bằng việc làm. Hành động là dấu chỉ nói lên đức tin sống động. Chúng ta giúp anh chị em, vì tin lời Chúa dạy sống bác ái thương yêu anh chị em như chính mình, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
III. Hội ý các điều Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay giãi bày về kinh nghiệm sống đức tin của “Người Tôi Trung”, của thánh Giacôbê, của thánh Phêrô, và của mọi người muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta có hệ luận : Đức tin là tâm hồn quyết tâm gắn bó với Chúa và sống và làm theo điều Người dạy. Tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã suốt đời sống theo đường lối của Chúa Cha. Tin vào Chúa Giêsu, trọng tâm đời làm môn đệ Chúa là từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày, và bước theo Chúa.
Mỗi ngày, con người chỉ thấy đức tin và việc làm của Chúa Giêsu trong các Giờ Lectio divina, và nhất là bên Thánh Thể Chúa Giêsu. Nhờ chuyên cần Lectio divina, và ở bên Thánh Thể Chúa Giêsu, con người ‘vượt khó’ để ‘can đảm’ uốn nắn đời mình theo Người; quy hướng hành trình theo Chúa vào cung cách hoàn toàn tín thác vào Chúa (x. Tv 31, 6), vui tươi hiến thân phụng thờ Chúa (x. Tv 100,2) trong việc lấy tình bác ái phục vụ anh chị em (x. Mc 10, 45).