CHÚA NHẬT 29-A TN
(Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5; Mt 22,15-21)
I. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn các tá điền gian ác (x. Mt 21,33-43) và dụ ngôn tiệc cưới của hoàng tử (x. Mt 22,1-14) để tố cáo các đầu mục tư tế và kỳ lão Israel là những nhà lãnh đạo không nhìn nhận sứ mệnh cứu độ của Người và không mở lòng đón nhận Nước Trời. Họ hiểu Chúa Giêsu ám chỉ họ, nên “đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Chúa Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15).
II. Palestina vào thời Chúa Giêsu là một tỉnh bang của đế quốc Roma. Dân nộp thêm một sắc thuế đặc biệt để tỏ dấu tuân phục Hoàng Đế Roma. 1- Kẻ chủ trương nộp thuế, như phái Saduceo, là những người đang hợp tác với Roma và được hưởng nhiều bổng lộc, nếu Chúa Giêsu đồng ý nộp thuế là Người chấp nhận theo họ, Người sẽ bị liệt vào phường vô đạo. 2- Nếu Chúa Giêsu theo kẻ chủ trương không nộp thuế, như phái Pharisêu, chỉ nộp một thứ thuế cho Ðền Thờ, người ta có thể tố cáo Người là phản loạn, chống Roma.
Những kẻ nêu vấn nạn, họ chỉ coi Chúa Giêsu là ‘con bác phó mộc Giuse’ (x. Mt 13, 54-58). Họ chỉ chờ một lần ‘lỡ lời’ để có bằng cớ minh chứng Chúa Giêsu không phải là “Đấng Kitô”. Nhưng họ lại được một câu trả lời của Người không ở trong tầm dự kiến của họ : “Của Hoàng Đế, trả về Hoàng Đế; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
Câu trả lời của Chúa Giêsu, phân biệt điều thuộc về Thiên Chúa và điều thuộc về Hoàng Đế. Phải chăng Người tái lập một cuộc sáng tạo, để nhắc lại hành động và ý nghĩa công trình sáng tạo nguyên thủy : Thiên Chúa đã tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, đất ra khỏi nước, và nhất là “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và với họ : Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (x. St 1, 1-31).
Dù trao quyền “thống trị mặt đất” cho con người, Thiên Chúa vẫn duy trì với con người một mối tương quan rất mật thiết. Kinh Thánh ghi lại chiều chiều Thiên Chúa đi dạo trong vườn với con người (x. St 3,8). Rồi một buổi chiều kia như thường lệ, Thiên Chúa đến và không thấy con người ra đón, Thiên Chúa như hốt hoảng trước sự vắng mặt bất thường này, và Thiên Chúa quặn đau thất thanh lên tiếng gọi con người : “Ađam, Ađam, ngươi ở đâu” (x. St 3,9).
Nhìn lại trình thuật Sáng Thế này, và nhất là những lời Thiên Chúa nói với vua Cyro qua miệng ngôn sứ Isaia : “Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacóp, và của người Ta đã chọn là Israel, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta (x. Is 45,1.4-6 // BĐ I). Cách Chúa Giêsu phân biệt điều thuộc về Thiên Chúa và điều thuộc về Hoàng Đế, không chỉ giúp riêng cho những kẻ đặt vấn nạn mở trí mà hiểu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người qua Chúa Giêsu Nazareth (x. Lc 4, 16-19), nhưng còn cho cả nhân loại một ‘chìa khóa vàng vạn năng’ để biết cách xử lý mọi tình huống theo Lòng Thương Xót đó (x. Ga 1,16).
Vì, mục đích chính của Thiên Chúa ban Chúa Giêsu cho con người là để con người được nhờ Người mà có bình an hạnh phúc (x. Ga 3,16). Người là sự sống (x. Ga 14,6) làm cho mọi người được sống và sống cách sung mãn (x. Ga 10,10). Và nhất là Người “là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (x. Ga 6,51). Nên vấn đề quan trọng cấp thiết đối với Người là việc cần phải công bố Nước Trời đã khai mạc, và mời gọi mọi người đến với Người để tham dự Nước Trời. Như Người sẽ khẳng định trước mặt quan Philato sau này là Nước Người không thuộc phạm vi trần thế (x. Ga 18, 36), giờ đây, Người tuyên bố với họ: “của Hoàng Đế, trả về Hoàng Đế; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21).
Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định 3 nguyên lý cơ bản : Một. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng cho con người được bình an hạnh phúc (x. Mt 6,26-34 // Sách GLHTCG số 0268-0314). Hai. Vấn đề nhân sự lãnh đạo là do Thiên Chúa tuyển chọn (x. Ga 19, 11). Ba. Đường lối con người lãnh đạo là phục vụ con người (x. Mc 10, 45 – ĐTC Gioan Phaolô II, TĐ Centessimus Annus, Ch. VI : “Con người là con đường của Hội Thánh”).
Bởi vậy,
1)- Tôn giáo và chính trị tuy tách biệt nhau, nhưng tôn giáo là hạ tầng kiến trúc cho chính trị là thượng tầng kiến trúc xây dựng và phát triển hạnh phúc của con người trên đó. Con người có tôn giáo hướng dẫn thì con người đó có nền nhân bản và nhân văn được hoàn thiện ngày càng tốt hơn. Nên ngạn ngữ Việt Nam có câu “có thực mới vực được đạo, có đạo mới tạo nên gạo”. Chúng ta phản tỉnh : “Tu thân, tề gia, trị quốc, thiên hạ bình” (lưu ý: thiên hạ bình).
2)- Vẫn hay ‘ý dân ý Trời – vox populi vox Dei’, vì thế nhân sự lãnh đạo sẽ được tuyển chọn theo những tiêu chuẩn thiên nhiên và tự nhiên, thiên luật và nhân luật, hợp lý cho đối tượng cần được phục vụ, không phe nhóm, hay thỏa hiệp mua chuộc lá phiếu, nhưng có sự tự trọng và tôn trọng khách quan trong việc tuyển chọn người có tài có đức.
3)- Mỗi người chu toàn nhiệm vụ công bình và bác ái với nhau (x. Điều Răn thứ 7 và 10). Khi đồng cảm và quan tâm tới nhau, sẽ nhận ra mình chưa sống công bình được với người khác, ít ra cũng cần bác ái với họ. Có lòng bác ái, sẽ nhận ra được khi nào mình cũng đều có khả năng bác ái, vì: “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nên người người và nhất là những vị lãnh đạo là người nhạy cảm trước những nhu cầu của người khác, là người ‘có mùi của chiên’ (ĐTC Phanxicô) để nhanh chóng phục vụ nhau.
Vì thế, Hội Thánh Chúa Giêsu luôn “trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Hội Thánh phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại. Làm như thế tức là Hội Thánh xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa” (CĐ Vaticano II, Hiến chế Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 76).
Với người Việt Nam Công Giáo hôm nay, ĐTC Benedicto XVI cũng dạy : Để xã hội nhìn nhận là người công giáo tốt cũng chính là người công dân tốt, người giáo dân được mời gọi chu toàn sứ mạng đó bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày của mình, một đời sống xây dựng trên cái kiềng ba chân là bác ái, liêm chính và quý trọng ích chung (x. Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm – http://hdgmvietnam.org/ad-limina-2009).
III. Trước Thánh Thể Chúa Giêsu, Bản Giao Hưởng Thiên Chúa dành cho con người, để con người xác tín mọi người là những người được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn. Chúng ta quyết tâm sống theo gương sáng của thánh Phaolô và các môn đệ ngài, theo giáo huấn của Hội Thánh, để mưu ích cho nhau (x. 1 Tx 1,1-5 // BĐ II). Nhờ đó, Thánh Thể Chúa Giêsu sẽ mở toang cõi lòng con cái Hội Thánh đón nhận Nước Trời, và phá vỡ các đường biên rào cản để anh chị em khác cũng đón nhận Nước Trời từ Hội Thánh.