Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 30-C TN (Lc 18, 9-14)

CHÚA NHẬT 30-C TN  (Lc 18, 9-14)

 I. Ở cuối dụ ngôn, thánh sử Luca ghi lại lời khẳng định của Chúa Giêsu:  “Tôi nói cho các ông biết:  người thu thuế này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”. Lời của Chúa Giêsu chẳng những là lời của vị quan tòa công chính phán xét hằng bênh vực những kẻ Người tuyển chọn.  Lời của Chúa Giêsu còn là của vị quan tòa công chính mà những ai đến kêu cầu Người thì sẽ được nên công chính.

II. Người Pharisêu và người thu thuế là hai mẫu người trái nghịch, nhưng lại giúp ta hiểu thế nào là “nên công chính” :

1)- Người Pharisêu lấy mình làm tiêu chuẩn để xác định sự thánh thiện, không phải Chúa. 

Trên phương diện tiêu cực, ông ta coi mình là công chính vì đã không làm những điều Lề Luật dạy không nên làm, không giống như bao người khác là những kẻ “tham lam, bất chính, ngoại tình”. Để đánh bóng cho sự công chính của mình, ông còn trưng dẫn một thí dụ cụ thể ngay bên cạnh ông, đó là “tên thu thuế” cũng đang có mặt trong đền thờ lúc ấy. 

Về phương diện tích cực, ông kê khai những việc mình đã chu toàn theo Lề Luật như ăn chay, nộp thuế thập phân…, tóm lại đều là những việc làm người ta có thể nhìn thấy và kiểm chứng để công nhận ông ta là công chính! 

Đối với người Do Thái, Lề Luật là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống họ. Nhưng quan điểm ấy trong thực tế đã bị biến chất, như Chúa Giêsu gọi họ là “men Biệt Phái”. Đó là Lề Luật không còn là phương tiện, nhưng lại được coi là mục đích. Thực tế, họ cứ làm như chu toàn một số khoản luật là tức khắc trở thành công chính. Tệ hại hơn nữa là ảo tưởng về cách sống của họ là chuẩn mực cho mọi người, chê trách mọi người.

Tinh thần giữ luật kiểu này, đã xây nên một ‘thiên chúa’ như ý mình.

  2) Người thu thuế đứng xa xa mà thưa cùng Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi !”.

Một lời cầu nguyện hết sức ngắn gọn, nhưng lại chứa đựng một chân lý cao sâu và một thái độ thật là cảm động.  Lời cầu nguyện này giúp ông nhìn nhận thân phận đích thực của ông và cho ông thấy nhu cầu căn bản của kiếp người. Lời cầu nguyện này cũng nói lên tương quan giữa ông với Chúa, một tương quan hoàn toàn thuộc vào Người.  Lời cầu nguyện này đã cho thấy ông là người tin vào Chúa và phó thác hoàn toàn cho Chúa.

Vì thấy mình chỉ đáng tội nên Chúa lại thấy ông chỉ đáng thương. Bằng tình thương, Chúa đã ban ơn cho ông theo như ông tin Chúa. Thánh Augustino từng nói : ai càng cảm nhận về sự khốn cùng của mình, người ấy càng gặp được sự khôn cùng của tình thương Chúa; ai sống hết mình với cái ‘miseria’ của mình, người ấy cũng biết cách để tiếp nhận cái ‘misericordia’ của Chúa.

Vì ta “sinh ra trong tội” nên đương nhiên đã trở thành “kẻ thù của Chúa”, không có quyền đứng thẳng (ius-stare; iustificatio) trước tôn nhan Chúa và hoàn toàn không thể tự mình đến với Người. Thánh Phaolô nói: “không phải nhờ sự công chính của tôi, hay nhờ sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,9).

Ta chỉ còn “đứng xa xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Th. Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

            III.       Bài học thực hành đã được Chúa Giêsu nêu lên qua một câu cách ngôn:  Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;  còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.  Với những lời Chúa Giêsu kết dụ ngôn, Chúa tỏ cho ta thấy Chúa luôn bênh vực những kẻ Chúa đã chọn.  Và điều kiện để được Chúa bênh vực là ta phải nhìn nhận thân phận yếu hèn của ta. Khiêm nhường là một thái độ căn bản mà con cái Chúa phải có để được trở nên công chính. 

Trong Cộng Đoàn Dân Chúa, mọi thời đều có những người “tự hào cho mình là công chính”, nhiều khi chính ta cũng ở trong số ấy.  Tự hào có nhiều cách. Tự hào bằng cách phô trương những việc làm của mình.  Hoặc tự hào bằng cách khinh chê người khác. 

Như Thánh GH Gioan XXIII viết trong quyển Nhật Ký Tâm Hồn: “Tôi tưởng mình là cậu bé Séraphim, nhưng nhìn kỹ tôi lại thấy mình là một chú Lucife nhỏ”.

            Chúng ta cũng cần xét mình : Tôi thuộc mẫu người nào :  Là người Pharisêu hay Người Thu Thuế trong dụ ngôn? Là Séraphim hay Lucife? Tôi có thói quen hay khinh chê người khác, hay phê bình chỉ trích, luôn nghĩ một cách tiêu cực về người khác?          

            Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI