CHÚA NHẬT 32-A TN
(Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-17; Mt 25,1-13)
I. Người Việt dùng câu tục ngữ : “Người đi không bực, bằng người chực nồi cơm”, để diễn tả sự bực bội khó chịu khi phải chờ đợi một ai. Chờ đợi lâu, thường gây ra thái độ hoặc phát sinh những tình huống tiêu cực không dự đoán trước được. Nhưng dù gì đi nữa, người chờ vẫn luôn phải ở trong thái độ sống căn bản là “canh thức” (x. Mt 25,13). Dụ ngôn ‘10 cô trinh nữ đi đón chàng rể’ là điển hình.
II. Theo phong tục của người Do Thái xưa, lễ cưới thường tổ chức ban đêm. Các bạn của cô dâu là những người sẽ tháp tùng cô dâu trong suốt thời gian lễ cưới. Chú rể không cho biết thời giờ tới, vì thế tất cả mọi người phải sẵn sàng trong chờ đợi. Biết như thế nhưng không phải ai cũng biết chuẩn bị cho tương xứng, như dụ ngôn kể lại: Có 5 cô biết phòng xa, mang theo dầu dự trữ; 5 cô khác có lẽ đóan chàng rể sẽ tới sớm; hoặc các cô nghĩ sẽ mượn được dầu của người khác nên không cần mang theo dầu dự trữ cho mình.
“Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (Mt 25,5). Và khi các cô đang ngủ thì đèn cũng tắt vì hết dầu. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón chàng!” (Mt 25,6). Các cô có đèn sáng sẵn sàng, được đi theo chú rể vào phòng tiệc cưới; rồi người ta đóng cửa lại. Các cô không có sẵn đèn sáng, lại không ai cho mượn, phải đi ra phố mua dầu, khi trở lại, gõ cửa và gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! Xin mở cửa cho chúng tôi vào với!” Nhưng Ngài đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 25,11).
Dụ ngôn là để diễn tả một giáo huấn. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để giáo huấn chúng ta điều gì đây ?
Chúa Giêsu đến trần gian khai mạc Nước Trời, dạy dỗ và dẫn đưa mọi người theo Người là Vua Kitô vào Nước Trời hưởng vinh quang vĩnh cửu. Hành trình theo Chúa Giêsu vào Nước Trời, không có thời gian và không gian định rõ, đòi hỏi mỗi người luôn ở trong thái độ sống căn bản là “canh thức và sẵn sàng”. Nước Trời ở trần gian này được khai mở khi Thiên Chúa sai Con Một Người là Chúa Giêsu đến để thiết lập một triều đại mới, Triều Đại Thiên Chúa (x. Ga 3,16). Nước Trời không mang những hình thức hữu hình như bất cứ vương quốc trần gian nào, người ta khó nhận ra được sự hiện diện của Nước Trời, nên không mấy ai quan tâm tới việc tiếp nhận Nước Trời. Vì thế,
– Xét theo quan điểm minh triết trong sách Khôn Ngoan (BĐ I), Chúa Giêsu là Nước Trời, và Nước Trời đây cũng chính là Đức Khôn Ngoan (nhân cách hóa). “Ai yêu quý Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan cho gặp” (Kn 6,12). “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (Kn 6,13). “Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, không phải nhọc nhằn vất vả” (Kn 6,14). “Ai để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn thiện toàn. Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu” (Kn 6,15). Và nhất là chính Đức Khôn Ngoan giúp họ biết cách giải quyết mọi vấn đề và đồng hành với họ trong cuộc sống (x. Kn 6, 16).
– Xét theo chu kỳ Năm Phụng Vụ, những Chúa Nhật cuối năm Phụng Vụ – A, các bài đọc trích trong Thư 1Thê-xa-lô-ni-ca hướng chúng ta về chủ đề Chúa Giêsu Quang Lâm.
Quang Lâm (parousia) theo ý nghĩa từ nguyên Hy-lạp là “sự hiện diện”, nhưng thường được sử dụng để nói về việc Chúa Giêsu trở lại vào ngày tận thế (cánh chung, thế mạt), và Người sẽ là vị Thẩm Phán chung cuộc xét xử mọi người. Trong các thư của thánh Phaolô, thánh nhân lập đi lập lại nhiều lần hình ảnh Chúa Giêsu Quang Lâm. Một Chúa Giêsu Phục Sinh đã được Thiên Chúa tôn vinh, đầy quyền năng và được muôn loài muôn vật mọi nơi mọi thời tuyên xưng là “Chúa” (Kyrios – x. Pl 2,6-11).
Trong truyền thống của Hội Thánh, niềm hy vọng vào ngày Chúa Giêsu Quang Lâm thường liên quan đến những khẳng định của Hội Thánh về ngày tận thế, đặc biệt là giáo lý về việc kẻ chết sống lại, phán xét chung và thưởng phạt vĩnh viễn. Qua thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phaolô khẳng định ngày Chúa Giêsu Quang Lâm là chắc chắn, là niềm hy vọng không thể lay chuyển của mọi Ki-tô hữu. Thánh nhân còn cho biết có mối tương quan mật thiết giữa sự sống lại của Chúa Giêsu và sự sống lại của những ai tin vào Người. Vào ngày Chúa Giêsu Quang Lâm, mọi kẻ chết đã tin vào Người khi họ còn sống sẽ được sống lại và đi theo Người. Họ “sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại” (x. 1 Tx 4,16b-17a).
III. Thái độ của Ki-tô hữu đối với ngày Chúa Giêsu Quang Lâm phải như thế nào ?
Qua dụ ngôn 10 Cô Trinh Nữ đi đón Chú Rể, Chúa Giêsu dạy chúng ta sứ điệp “canh thức” (x. Mt 25,13), để nhắc bảo chúng ta về tính cách khẩn thiết của Nước Trời và thái độ tiếp nhận của chúng ta. Tuy nhiên, sứ điệp “canh thức” (x. Mt 25,13) này lại là phương thế để chúng ta mở cửa lòng ra đón nhận Đức Khôn Ngoan, hiện thân Nước Trời; sứ điệp “canh thức, sẵn sàng” này là lời cảnh tỉnh cuối cùng trước khi Hội Thánh kết thúc Năm Phụng Vụ, và cũng là lời cảnh tỉnh cuối cùng trước khi mỗi Kitô hữu kết thúc cuộc đời dương thế của mình.
Việc “chú rể đến chậm” (Mt 25,5), do cái “chậm” này mà bao người hành xử giống như năm cô trinh nữ khôn hoặc như năm cô trinh nữ dại. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, ban cho mọi người xác tín được tính cách khẩn thiết và bất ngờ của cái “chậm” ấy, để hành xử như năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang dầu theo với đèn, là Thánh Thể Chúa Giêsu – Đức Khôn Ngoan. Đó là “được đi theo Chú Rể – Giêsu vào dự tiệc cưới Nước Trời” (x. Mt 25,10).