Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 4-A MC

CHÚA NHẬT 4-A MC
(1 Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a; Ep 5, 8-14; Ga 9, 1-41)
 
I.          Người ta vẫn nói : Đôi mắt là cửa ngỏ tâm hồn, là tuyệt tác của thiên nhiên.
Thi sĩ Lưu Trọng Lư, diễn tả về đôi mắt : “Mắt em là một dòng sông, thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em”. Đôi mắt sáng quan trọng như thế, nên có thể nói được người không có đôi mắt sáng là bệnh nhân rất đáng thương. Văn hào Montferland đã tự tử vì không chịu được cảnh sống như vậy.
 
Chúa Giêsu tỏ ra thông cảm với người mù đang ăn xin bên vệ đường. Và Ngài đã chữa lành anh mù này, nhưng Ngài lại chữa bệnh vào ngày Sa bát (ngày lễ nghỉ). Nhóm Biệt Phái vin vào cớ này để tức giận Chúa Giêsu thêm.
 
II.         Chúa Giêsu là Đấng Kitô từ Thiên Chúa mà đến, là Chúa Con và là Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót đã đến trần gian. Ngài muốn họ nhìn nhận xuất xứ và chân tính này của Ngài.  Nhưng người Do thái cương quyết không muốn nhìn nhận sự thật Chúa Giêsu mặc khải cho họ.  Không những họ chối bỏ Chúa Giêsu, họ còn đi xa hơn bằng cách lăng mạ Ngài là dân ngoại (như dân Samaria đáng khinh bỉ), là kẻ bị quỷ ám (Ga 8, 48).  Và cuối cùng họ muốn tiêu diệt Ngài bằng cách ném đá Ngài.
 
            Để trả lời cho người Do thái muốn biết rõ xuất xứ và sứ mệnh của Chúa Giêsu, thánh Gioan chọn dấu lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh, để qua dấu lạ nhận thấy được bằng mắt, họ sẽ nhận ra Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, Đấng chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự chết.  Việc đem lại ánh sáng tự nhiên cho anh mù cũng như ánh sáng siêu nhiên cho đời sống đức tin của anh, nói lên Ơn Cứu Độ trọn vẹn, tức là hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn ban cho con người.  Tiếp đến, để minh chứng Chúa Giêsu là Chúa của ngày Sa bát, thánh sử đã nêu lên sự kiện trong ngày Sa bát Chúa Giêsu đã làm việc (vì Ngài nhào nước bọt với đất làm thành bùn để bôi lên mắt anh mù).  Chỉ duy có Thiên Chúa mới làm việc trong ngày Sa bát, vì Thiên Chúa làm chủ cả ngày Sa bát.  Mà Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên mới “làm việc” ngày Sa bát.  Như Chúa Giêsu đã có lần khẳng định điều này:  “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17), nghĩa là nếu Chúa Cha làm việc ngày Sa bát, thì Chúa Con cũng làm việc ngày Sa bát, nhất là công việc ấy lại là cứu thoát dành cho con người.
 
Ngoài ra, thánh Gioan còn mượn những lời đối đáp của anh mù trong cuộc điều tra do Nhóm Biệt Phái, để củng cố lý luận đanh thép và khẳng định rằng Đấng đã chữa lành anh mù có tên gọi là Giêsu, là người bởi Thiên Chúa mà đến và là Con Người. Tuy là dấu lạ thánh Gioan đã chọn để minh chứng xuất xứ và sứ mệnh của Chúa Giêsu, thánh sử Gioan cũng dùng cùng dấu lạ này để mời gọi chúng ta theo Chúa và làm chứng cho Ngài.  Chúa Giêsu đã mở mắt cho anh mù từ khi mới sinh được nhìn thấy.  Sau khi anh mù từ hồ Silôa trở lại, Chúa Giêsu không còn ở đó nữa, nên anh mù không biết rõ Chúa Giêsu, người đã chữa lành mình là ai.  Tuy nhiên anh đã tin vào Ngài và bắt đầu làm chứng cho Ngài.  Gặp ai, anh cũng nói tốt về Đấng đã chữa lành mình.  Anh bênh vực Chúa và hăng hái lập luận, biểu lộ xác tín và niềm tin của anh vào Chúa. 
 
Vậy khi kẻ thù kết án Chúa Giêsu là kẻ tội lỗi vì phạm luật ngày Sa bát.  Anh mù được chữa lành phản pháo rằng kẻ tội lỗi không thể làm việc lành là mở mắt cho người mù, dứt khoát Chúa Giêsu không phải là kẻ tội lỗi mà là vị ngôn sứ.  Họ tiếp tục lý luận Chúa Giêsu là kẻ tội lỗi, không thể từ Thiên Chúa mà đến.  Anh mù phản bác bằng một lý luận chắc nịch:  “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.  Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. Sự căng thẳng mỗi lúc một trầm trọng hơn trong cuộc tranh luận giữa anh mù được chữa lành với kẻ thù của Chúa Giêsu.  Họ càng lăng mạ Chúa bao nhiêu thì anh mù càng hăng hái và can đảm bênh vực Chúa bấy nhiêu.  Anh mù được chữa lành không chút sợ hãi, cho dù cuối cùng có bị trục xuất khỏi Đền Thờ. 
 
III.        Trong những ngày Mùa Chay này : Chúng ta xin Chúa dủ lòng thương cho chúng ta được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm mù quáng của mình, những giả hình đang che đậy. Nhất là cho chúng ta được thấy Chúa hiện diện cùng chúng ta cả những khi không cảm nghiệm được Chúa. Để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta chuyên cần đọc Kinh Thánh và sống theo Kinh Thánh, sử dụng Kinh Thánh như anh mù đã dùng Kinh Thánh đối đáp với Nhóm Biệt Phái (TM).
 
Nhờ chuyên chăm đọc và sống lời Kinh Thánh, chúng ta không còn bảo thủ, không còn thành kiến, không còn dễ xét đoán lẽ trái cho tha nhân theo vẻ bề ngoài. Vì như Thiên Chúa nói với ông Samuel: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (BĐ I).
 
Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng”. Ngài có ý muốn nói khi chúng ta, là những Kitô hữu, nhờ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta đoạn tuyệt nếp sống cũ để được mặc lấy Chúa Giêsu là ánh sáng và sự thật. Nhờ quyền năng do chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ dễ khám phá ra điều hay, điều tốt của tha nhân; chúng ta không còn ích kỷ, vô tâm, nhưng sáng suốt thấy nỗi đau và nhu cầu của tha nhân để đồng cảm và giúp đỡ (BĐ II).
 
Cầu chúc cho tất cả mọi người một tuần lễ mới… thật hồng. Thật hồng, bằng những nụ cười hồng diễn tả văn minh tình thương của Chúa Giêsu dạy. Cụ thể, qua những tiếng ‘xin chào’ ‘xin lỗi’ ‘xin cám ơn’!

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI