Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH B

CHÚA NHẬT 5-B PHỤC SINH

 

DẪN NHẬP & THỐNG HỐI

 

       Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Nhờ sự sống lại này, chúng ta hiểu được rằng : Thời Cựu Ước, Thiên Chúa gọi dân Israel là cây nho, do Người đã tuyển chọn, trồng nơi đất tốt, và chăm sóc tận tình. Dân không chịu sống theo Giao Ước, khiến Dân phải lưu vong (x. Hs 10,1; Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 15,1-8). Nhưng Thiên Chúa hứa sẽ trồng cây nho mới (x. Tv 80,9-17). Cây Nho mới là Chúa Giêsu “là cây nho thật do Cha Người là người canh tác”.

Trong tâm tình này, chúng ta thống hối :

 

+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu là cây nho mới do chính Chúa trồng thay cây nho cũ Israel. Người đẹp lòng Chúa mọi đàng. Nhưng chúng con chưa hết lòng kết hiệp nên một với Người.

Xin Chúa thương xót chúng con.

+ Lạy Chúa, chính Chúa cắt bỏ những cành khô dại làm thân nho cằn cỗi, để thân nho xum xuê hoa trái. Nhưng chúng con chưa nhận ra được giá trị của sự cắt tỉa đó.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu là Israel Mới. Nay, ai muốn được cứu độ không những phải kết nạp vào Người như cành nho với thân nho, mà còn phải luôn lưu lại với Người. Nhưng chúng con chưa ý thức đủ Người là cây nho đích thực và chúng ta là cành.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

SUY NIỆM

Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8

 

I.    Hạnh phúc con người có được, là do “tin vào Con Thiên Chúa” (x. Ga 3,16) là Chúa Giêsu. Nên, dù khi quảng diễn chủ đề làm con Thiên Chúa, thánh Gioan đề cập tới một số điều kiện căn bản cho những ai muốn sống trong sự sáng, là (1) tránh phạm tội, (2) tuân giữ điều răn của Chúa, (3) sống kết hợp với Chúa, (4) đoạn tuyệt với tội lỗi và những lý thuyết quyến rũ của nó. Nhưng tư tưởng cốt lõi của ngài vẫn là về đức tin. 

 

II.   Nói về những điều răn khác,  chỉ là cách thánh Gioan nhìn điều răn căn bản qua những chiều kích khác nhau. Đối với ngài, điều răn căn bản là tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa:  “Đây là điều răn của Thiên Chúa:  chúng ta phải tin vào danh Chúa Giêsu, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3,23). 

Chúng ta lưu ý 3 điểm :

Một. “Tin vào danh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”. Người muốn đưa nhân loại về với nguồn cội hạnh phúc là Người. Kế hoạch này, trước tiên Người thực hiện qua lịch sử dân tộc Israel, rồi quaChúa Giêsu Phục Sinh. Theo kế hoạch của Người, Chúa Giêsu lịch sử đã mặc khải cho nhân loại tất cả những gì Người muốn nói với nhân loại về Lòng Thương Xót của Người, giờ đây đã kết tụ trong con người Giêsu lịch sử. Do đó, điều quan trọng nhất Người đòi hỏi nhân loại phải làm, nếu muốn được hưởng kế hoạch yêu thương của Người, đó là phải tin vào “danh” của Chúa Giêsu.

      Tin vào “danh” của Chúa Giêsu nghĩa là tin vào tất cả con người Chúa Giêsu, vì “danh – cái tên” thay cho toàn diện con người. Tin vào con người Chúa Giêsu nghĩa là tin vào tất cả những gì Chúa Giêsu đã sống, đã giảng dạy, cả đến việc Người chết và sống lại. Tin vào những gì Chúa Giêsu đã làm tức là tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu

Những danh hiệu “Kitô” và “Con Thiên Chúa”, nói lên Chúa Giêsu là ai và sứ mệnh của Người là gì.  Không thể chỉ tin vu vơ, nhưng là phải có một mối tương giao mật thiết với con người Giêsu và sứ mệnh của Người. Kitô hữu đã được vinh dự làm con Thiên Chúa và được mời gọi sống mối tương giao mật thiết với Người. Đoạn thư hôm nay cho Kitô hữu một phương thức sống động để sống mối tương giao ấy.

      Hai.      “Yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban”. Tin vào Chúa Giêsu tức là chấp nhận toàn diện con người, giáo lý và lối sống của Ngài. Điều quan trọng nhất Ngài dạy, thu gọn toàn bộ giáo lý của Ngài, là lời Ngài truyền dạy trong bữa Tiệc Ly : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

      Qua lệnh truyền này, giờ đây, tin không phải đơn thuần là hành vi của lý trí, nhưng là của con tim. Con tim trào ra những việc làm cụ thể, diễn tả đức tin. Nên thánh Gioan đã cẩn thận nhắc nhở:  đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng chân thật và biểu lộ bằng việc làm (x. 1 Ga 3,18). Sự chân thật ấy không chỉ đối với anh chị em, mà đối với Thiên Chúa nữa.

Thiên Chúa yêu chiều chúng ta. Người cảm thông những yếu đuối của con người chúng ta. Khi chúng ta thấy khó yêu thương anh chị em, hoặc đã phạm lỗi đức yêu thương, Người vẫn khoan dung kêu gọi chúng ta không thất vọng vào Lòng Thương Xót của Người (x. Luật T. Biển Đức 4,74). Nhất là, vững tin chúng ta có một Vị Trạng Sư tuyệt vời bên hữu Thiên Chúa Cha là Chúa Giêsu (x. 1 Ga 2,1).

      Ba. “Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tin vào Chúa Giêsu và yêu thương nhau”. Ai tin vào Chúa Giêsu và sống theo điều răn Ngài truyền, đó là “ở lại” trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa “ở lại” trong người đó. “Ở lại” là thuật ngữ thánh Gioan diễn tả mối tương giao mật thiết và sống động giữa chúng ta với Chúa Giêsu, hoặc giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Chúng ta “ở lại” bằng cách nhờ Chúa Thánh Thần (x. 1 Ga 3,24). Người là nguyên lý của đời sống mới. Người thúc giục chúng ta mỗi ngày một đi sâu hơn vào mối tương giao mật thiết với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu sống mật thiết với Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa thúc đẩy và giúp chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Người giúp chúng ta thể hiện việc tuyên xưng ấy, bằng việc nhắc bảo chúng ta thường xuyên gọi Thiên Chúa là Abba – cha ơi. Người đổ tràn dầu hoan lạc trên chúng ta để chúng ta quy hướng về nhau, tôn trọng nhau, đồng cảm với nhau để yêu thương nhau, xum họp hiệp nhất với nhau, như lời Tv 132/133,1: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”.

 

      III. Hình ảnh “anh em được sống vui vầy bên nhau” vừa nhắc tới. Đó là Hội Thánh – Vườn Nho Mới của Chúa Giêsu (x. Ga 15,1-8 – Tin Mừng). 

Vườn nho không thể tự mình mà có được, nhưng phải có chủ là người đã chuẩn bị mọi sự (x. Is 5,1-2). Thiên Chúa đã chuẩn và chọn Cây Nho Quý để thiết lập Vườn Nho Mới là Hội Thánh (x. Is 5,4). Người đã sai Con Một xuống trần gian làm Cây Nho Quý (x. Ga 3,16).

      Nên các cành phải tháp nhập vào Cây Nho Quý là Chúa Giêsu. Sự tháp nhập đó thánh Phaolô đã nêu gương sẵn sàng để cho Lời Chúa cắt tỉa Ngài nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” (x. Cv 9,26-31 – BĐ II). Chúng ta cần cầu xin Chúa cho nhau: – kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để “ở lại” trong Người; – để cho Lời Chúa trong Lectio divina cắt tỉa chúng ta thành con Chúa và anh chị em với nhau.

      Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Xin Chúa cho con ‘ở lại’ trong Chúa. Alleluia. Tạ ơn Chúa.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI