Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT III-B MÙA CHAY

CHÚA NHẬT III-B MÙA CHAY

(Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25)

 

I.          Tội lỗi đã đem sự chết và bất hạnh cho thụ tạo (x. Rm 5,12). Để phục hồi hạnh phúc, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người nơi Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã chết để đền bù tội lỗi của mọi người (BĐ II – CN I B); Chúa Giêsu tỏ ra cho chúng ta tình yêu quảng đại và nhân từ của Thiên Chúa (BĐ II – CN II B); Với mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy đâu là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (BĐ II – CN III B). 

 

II.         Người đời coi việc Chúa Giêsu tự nguyện chấp nhận thập giá (x. Pl 2,6-11), là dấu chỉ nói lên tình trạng yếu kém và điên dại của Thiên Chúa, nhưng thánh Phaolô đã lấy những sự kiện này để làm nền tảng thần học về Ơn Cứu Độ.

Trong thế giới La Hy, việc bị đóng đinh thập giá là khổ hình dành riêng cho nô lệ (x. Ph 2,8). Người Do thái coi đó là ô nhục (x. Dt 12,2; 13,3) và dân ngoại cho là điên dại (1 Cr 1,23). Các môn đệ khiếp sợ và ngay cả ông Phêrô dù vừa mới nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, cũng không thể chấp nhận lời Người tiên báo về cuộc Khổ Nạn và việc Người sẽ bị nộp cho dân ngoại (x. Mt 16,21-23). Trên đồi Golgotha, những người xem thấy cảnh Chúa Giêsu chịu chết, họ đã buông lời chế nhạo và thách thức Người xuống khỏi thập giá (x. Lc 23, 35-43).

Nhưng Chúa Giêsu vẫn kinh qua và chịu chết ô nhục khổ hình thập giá, chính là vì “Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3). Chúa Giêsu, “khi vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13; x. Rm 8,3), là để chuộc lại chúng ta khỏi lời nguyền rủa của Lề Luật. Nhờ máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa tước bỏ mọi quyền lực của đối phương (x. Cl 2,14-15), hòa giải muôn vật muôn loài hiệp nhất nên một với nhau (x. Ep 2,14-18).

Chúa Giêsu bị đóng đinh, là tác nhân của việc cứu độ. Việc loan giảng chương trình Thiên Chúa cứu độ nhân loại, là loan giảng Chúa Giêsu bị đóng đinh. Dù sự kiện bị đóng đinh đó được coi là yếu kém và điên dại, nhưng vì cái điên dại đó là cái điên dại của tình yêu vô điều kiện; và cái yếu đuối đó là tấm lòng thương xót quặn đau trước thảm họa của nhân loại, đã khiến Thiên Chúa phải trao nộp Con Một để cứu độ con người. Nên, Chúa Giêsu bị đóng đinh là khôn ngoan và quyền năng, do ở chỗ Chúa Giêsu đã học biết thánh ý của Thiên Chúa Cha, và hoàn thành sứ vụ được trao.

Điều chắc chắn để học biết thánh ý của Thiên Chúa, là sống theo Luật Chúa (x. Xh 20,1-17 – BĐ I). Vì “Luật Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt” (x. Tv 18, 8-11 – Đáp Ca).

Luật Chúa, trước hết phải trả lại trật tự ban đầu, như Chúa Giêsu đã làm : tái lập sự tôn nghiêm cung kính nơi thờ phượng.  (x. Ga 2,13-25 – TM). Vì – (1) Đền Thờ là nơi cầu nguyện: là phương tiện, là chỗ tốt nhất giúp con người tiếp xúc với Thiên Chúa. – (2) Đền Thờ không phải chỗ dùng Lề Luật tôn giáo để thỏa hiệp về kinh tế. Như thế, Chúa Giêsu muốn dạy : nếu Đền Thờ không thể vừa là chỗ thờ phượng, vừa là chỗ để kinh doanh, đền thờ tâm hồn của mỗi người cũng không thể vừa là chỗ cho Thiên Chúa vừa là chỗ cho ma quỉ, “Thiên Chúa là Thiên Chúa ghen tương” (Xh 20,5 – BĐ I).

 

III.        Xưa, trên đồi Golgotha, “Chúa Giêsu bị đóng đinh” (1 Cr 1,23) đã trở nên “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 25). Vì “trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, việc giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và sự chết đã được thực hiện cách trọn vẹn” (Tông Huấn Bí Tích Tình Yêu – Sacramentum Caritatis, 9).

Nay, nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua (x. Ga 2,22), Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể cũng chính là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa”. Vì “việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể cho thấy cái chết của Người, dù khủng khiếp và phi lý, đã trở thành trong Chúa Giêsu một hành vi yêu thương cao vời, và đối với nhân loại là cuộc giải phóng hoàn toàn khỏi sự dữ (BTTY,10).

            Chúng ta đến chiêm ngưỡng và lãnh nhận Thánh Thể Chúa Giêsu, để chúng ta có được “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI